Người đứng đầu tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân: "Chìa khóa" tạo đồng thuận

Bài 1: Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu

Trên tinh thần “lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, qua các buổi tiếp xúc, đối thoại, có những vụ việc kéo dài nhiều năm, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân…

Giải quyết các vụ việc khó, phức tạp

“Lúc được thông báo Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp và trực tiếp giải quyết đơn kiến nghị, chúng tôi vô cùng tin tưởng. Đến khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, tôi rất vui sướng vì nguyện vọng của mình và nhiều gia đình sau hàng chục năm qua đã được lắng nghe và giải quyết”, bà Nguyễn Thị Hà (trú xóm 3, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa) vui mừng chia sẻ về kết quả phiên tiếp công dân định kỳ của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mà bà và một số hộ dân ở xã Nghĩa Thuận tham dự.

Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tiếp công dân.

Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tiếp công dân.

Trước đó, gần 30 năm qua, bà Hà cùng 9 gia đình sinh sống trên khu đất tại khu vực Cung giao thông 42A – Hạt giao thông Nghĩa Đàn cũ (nay thuộc xóm 3, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa), đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan, ban, ngành về mong muốn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều. Thị xã Thái Hoà đã vào cuộc giải quyết nhưng còn lúng túng vì cho rằng, đơn vị chủ quản khu đất đã giải thể nên không thực hiện được việc thu hồi đất và cũng không thực hiện được thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định. Cho đến ngày 16/3/2022, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đại diện 9 hộ gia đình này để lắng nghe nguyện vọng. Trên cơ sở hồ sơ, ý kiến các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, nguyện vọng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân là chính đáng và đủ điều kiện. Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao UBND thị xã Thái Hòa phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 9 hộ dân theo quy định.

Tương tự, sự việc 9 cô giáo ở huyện Thanh Chương cũng đã được giải quyết dứt điểm sau phiên tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 6/2020. 11 năm trước, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh và 8 cô giáo khác được UBND huyện Thanh Chương ban hành quyết định công nhận kết quả tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, các cô giáo này không những không được nâng lương, không được tuyển dụng vào biên chế mà sau đó phải ký hợp đồng với các trường và hưởng mức lương rất thấp. Sau đó, bất ngờ khi bị cho ra khỏi biên chế, các cô giáo đã đưa đơn đi gõ cửa khắp các cấp, ngành để giải quyết quyền lợi.

UBND huyện Thanh Chương, Sở Nội vụ cũng đã vào cuộc và đề ra hướng giải quyết, nhưng các cô giáo chưa đồng tình vì cho rằng, quyền lợi của bản thân chưa được đảm bảo. Đến tháng 6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã chủ trì tiếp đại diện 9 cô giáo và đưa ra hướng giải quyết. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Thanh Chương rà soát các quy định, xem xét giải quyết quyền lợi cho các giáo viên khi có chỉ tiêu bổ sung, đồng thời xem xét lại chính sách lương cho các giáo viên. Đồng thời, yêu cầu huyện Thanh Chương xem xét sắp xếp công việc cho giáo viên theo đúng năng lực, nguyện vọng. Trên cơ sở kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, đến nay 6/9 cô giáo đã được tuyển vào biên chế và được sắp xếp công việc theo đúng năng lực, nguyện vọng. “Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có kết luận, sự việc của chúng tôi đã được giải quyết, những quyền lợi đã được đảm bảo. Chúng tôi rất vui mừng!”, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh nói.

Ông Đinh Hồng Vinh  – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh cho biết: “Trong những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư luôn được Chủ tịch UBND tỉnh ưu tiên quan tâm chỉ đạo, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm của UBND tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, tiếp xúc, đối thoại với công dân, giải quyết nhiều vụ việc khó, phức tạp kéo dài, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân góp phần ổn định tình hình trên địa bàn, làm giảm khiếu kiện tập trung đông người, vượt cấp ra Trung ương. Qua tổng hợp theo dõi kết quả thực hiện các ý kiến kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh cho thấy, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh tại các hội nghị tiếp xúc, đối thoại với công dân. Cụ thể là đã giải quyết cơ bản dứt điểm 210/225 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân đạt 93,3%; trong đó: giải quyết khiếu nại đạt 91,1%, xử lý tố cáo đạt 100%, xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 100%”.

Ông Đinh Hồng Vinh cho biết thêm: Hiện nay còn 15 vụ việc đang xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Ban tiếp công dân tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật tiến độ xử lý các vụ việc, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện; phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập các đoàn, tổ công tác để trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho cơ sở.

“Chìa khóa” mở cánh cửa đồng thuận

Thông qua tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân để giải quyết ngay từ cơ sở. Như ở thị xã Hoàng Mai, địa phương trong thời gian qua phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện nhiều dự án quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, chính nhờ công tác tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân mà nhiều vụ việc đã được giải quyết. Điển hình như vụ việc di dời nhà thờ dòng họ Lê Công ở xóm 8, xã Quỳnh Lộc để triển khai dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai I.

Nhớ lại, ông Lê Văn Công – trưởng tộc dòng họ Lê Công cho biết, khi thị xã thông báo chủ trương thu hồi đất nhà thờ để thực hiện dự án, anh em trong họ tộc cơ bản đồng tình với một tâm niệm “mình chịu thiệt thòi một tý để thị xã phát triển và thế hệ con cháu mình khấm khá hơn”. Tuy nhiên, do yếu tố tâm linh và phương án bố trí đất tái định cư chưa rõ nên một số người trong họ tộc khá lo lắng, có người không đồng thuận. Sau đó, đích thân Bí thư Thị ủy và Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai đã trực tiếp xuống gặp gỡ để trao đổi, đối thoại, giải thích với đại diện họ tộc, đồng thời ưu tiên bố trí ngay đất làm nhà thờ; giải phóng đất đến đâu giao đất làm nhà thờ đến đó. “Quá trình thi công nhà thờ, lãnh đạo thị xã và địa phương quan tâm hỗ trợ vận chuyển vật liệu thi công nên anh em trong họ ai cũng vui mừng và đồng tình cao”, ông Công nói.

Dự án kè sông Hoàng Mai sau khi đối thoại tạo được sự đồng thuận của người dân đã được xây dựng và hoàn thành.

Dự án kè sông Hoàng Mai sau khi đối thoại tạo được sự đồng thuận của người dân đã được xây dựng và hoàn thành.

Tại thành phố Vinh, hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong những năm qua được xem như “chìa khoá” để mở cánh cửa đồng thuận xã hội. Với tinh thần “lắng nghe ý kiến người dân”, trong năm 2020, TP. Vinh đã tổ chức 5 hội nghị tiếp xúc, đối thoại chuyên đề. Như các chuyên đề: “Chính sách bồi thường GPMB dự án đường 95m Vinh – Cửa Lò qua các xã Nghi Phú, Nghi Đức, Nghi Ân”; “Công tác quản lý đất đai, chính sách bồi thường GPMB các dự án đầu tư trên địa bàn” tại xã Hưng Đông; “Ô nhiễm môi trường Hào Thành cổ” với nhân dân 3 phường: Cửa Nam, Quang Trung, Đội Cung; “Chính sách bồi thường GPMB và quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn” tại xã Nghi Phú và “Công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, vệ sinh môi trường trên địa bàn” tại xã Nghi Ân.

Nhờ những cuộc tiếp xúc, đối thoại với tinh thần cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm mà nhiều vụ việc bức xúc của người dân đã được giải quyết, tránh được khiếu kiện kéo dài. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Vinh nêu lên ví dụ về vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hào Thành cổ. Từ năm 2018, cử tri các phường: Cửa Nam, Đội Cung, Quang Trung đã phản ánh, kiến nghị về tình trạng này nhưng mãi chưa được giải quyết. Khi thời điểm dịch Covid-19 có phần lắng xuống, MTTQ thành phố đã phối hợp với các ngành tổ chức cuộc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân các phường trên. Bí thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng và Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú đã trực tiếp lắng nghe ý kiến của người dân, trả lời một số vấn đề tại hội nghị. Sau đó, trên cơ sở thông báo kết luận của Thành ủy, UBND TP. Vinh đã xây dựng kế hoạch và triển khai giải pháp để giải quyết các vấn đề mà người dân nêu. Cho đến nay, ô nhiễm môi trường tại Hào Thành cổ đã cơ bản được giải quyết.

Đồng chí Phan Thanh Đoài – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Nghệ An là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành các quy chế, đề án về nâng cao, đổi mới công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Dân vận Trung ương cũng đánh giá cao những kết quả của công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thể hiện là ngay từ năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 2924-QĐ/TU ngày 30/8/2012 về việc “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân”. Và từ đó đến nay, công tác này đã đi vào nề nếp, thường xuyên, đặc biệt là sau Hội nghị gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn được tổ chức vào năm 2018.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nhận thức được vai trò, hiệu quả từ sau những hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân mang lại. Vì thế, các địa phương đã có sự quan tâm hơn, chú trọng đến việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại đột xuất khi có những vấn đề mới phát sinh, phức tạp kéo dài. Đặc biệt, có một số địa phương nắm bắt kịp thời, dự báo diễn biến của một số vụ việc, từ đó đã chủ động lên kế hoạch tiếp xúc, đối thoại. Nhờ đó mà nhiều vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở, tránh việc khiếu kiện kéo dài. Một số địa phương tổ chức tốt công tác này như Nghi Lộc, Diễn Châu, TX. Hoàng Mai, TX. Thái Hòa…

 

Bài 2: Không để phát sinh “điểm nóng”

Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, các đề xuất, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân được các cấp chính quyền tiếp thu và xử lý ngay tại cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp và phát sinh điểm nóng.

Chủ động tổ chức tiếp xúc, đối ngoại

Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (16.480 km2), địa hình phức tạp, dân số đông (trên 3,3 triệu người), có nhiều vùng đặc thù, trong những năm qua, Nghệ An đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án quan trọng với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của Bắc Trung Bộ.

Trong quá trình thực hiện, một số dự án đã gặp phải sự phản ứng do người dân chưa đồng thuận với phương án đền bù, thu hồi đất, thậm chí có nơi còn có thành phần xấu xúi dục ngăn cản, cố tình tạo thành “điểm nóng”, làm chậm tiến độ. Để người dân hiểu, đồng thuận vì mục tiêu chung, tỉnh đã chủ động tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với mục đích lắng nghe ý kiến, giải thích, trả lời những băn khoăn của người dân. Như vừa qua, UBND tỉnh và các ngành, huyện Hưng Nguyên đã tổ chức đối thoại với người dân xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên liên quan đến dự án Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng. Tại buổi đối thoại, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến dự án.

UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị đối thoại, trả lời những kiến nghị của công dân liên quan đến triển khai dự án công viên sinh thái vĩnh hằng tại xã Hưng Tây.

UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị đối thoại, trả lời những kiến nghị của công dân liên quan đến triển khai dự án công viên sinh thái vĩnh hằng tại xã Hưng Tây.

Cũng mới đây, là việc giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc – Nam đi qua các địa phương trên địa bàn Nghệ An, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, lãnh đạo các huyện, thị xã có đường cao tốc đi qua đã tổ chức đối thoại với các hộ dân có liên quan để tìm sự đồng thuận, giải quyết dứt điểm các vướng mắc.

Bên cạnh đó, Nghệ An hiện nay có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm xảy ra từ 2 – 4 cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát. Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời, tích cực của các cấp, các ngành nên các vụ việc đều được giải quyết, không để kéo dài. Điển hình như ngày 7/2/2022, hơn 5.000 công nhân của Công ty TNHH Viet Glory (đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) ngừng việc tập thể đòi quyền lợi. Nhận được thông tin, các ban ngành của huyện Diễn Châu đã đến nắm bắt tình hình, vận động công nhân vào làm việc nhưng không có kết quả. Chiều 8/2, Công ty TNHH Viet Glory đã có văn bản trả lời 11 yêu cầu, kiến nghị của người lao động. Tuy nhiên, sau buổi đối thoại vào sáng 10/2, Công ty và công nhân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Toàn bộ công nhân không đồng ý với phương án giải quyết của doanh nghiệp, tiếp tục yêu cầu công ty tăng lương, bổ sung phụ cấp thâm niên thì mới quay lại làm việc. Bước sang ngày thứ 5, hàng ngàn công nhân vẫn không chịu vào làm việc, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Sau nhiều cuộc đối thoại không thành, đến chiều ngày 12/2, đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh do ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh dẫn đầu đã trực tiếp ra làm việc với Công ty, đối thoại với công nhân. Sau cuộc đối thoại, Công ty TNHH Viet Glory đã giải quyết những kiến nghị khác và đồng ý tăng 6% lương cơ bản cho người lao động. Đây cũng là yêu cầu cuối cùng của công nhân và là yêu cầu khó giải quyết nhất. Nhờ đó, đến sáng ngày 14/2, tất cả công nhân đã đồng ý quay trở lại làm việc bình thường, chấm dứt chuỗi 6 ngày ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi.

Vụ ngừng việc ở Diễn Châu vừa được giải quyết xong, thì chiều 15/2, hơn 1.700 công nhân Công ty TNHH EM-Tech Việt Nam (đóng tại phường Vinh Tân, TP. Vinh) lại đồng loạt nghỉ việc để đòi quyền lợi. Lãnh đạo Liên đoàn lao động TP. Vinh, UBND phường Vinh Tân nhanh chóng có mặt để nắm bắt tình hình. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, công nhân đã viết các kiến nghị gửi lên lãnh đạo công ty. Ông Thái Lê Cường – Chủ tịch LĐLĐ TP. Vinh và ông Nguyễn Hoàng Mạnh – Chủ tịch UBND phường Vinh Tân đã làm việc với lãnh đạo công ty và trực tiếp đối thoại với công nhân. Sau trả lời của lãnh đạo công ty, công nhân lao động đã tiếp tục trở lại làm việc bình thường.

Ông Kha Văn Tám – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, khi xuất hiện vụ việc đình công, ngoài sự vào cuộc của chính quyền thì sự xuất hiện của công đoàn rất quan trọng. Tổ chức công đoàn lúc đó đóng vai trò như là “trọng tài”, lắng nghe ý kiến của các bên để đề ra hướng giải quyết đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân và doanh nghiệp.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Với phương châm “hướng về cơ sở, lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”, từ năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân (Quyết định số 2924-QĐ/TU). Quá trình triển khai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp xúc, đối thoại, giải quyết ý kiến, kiến nghị của Nhân dân: Công văn số 4063-CV/TU, ngày 07/01/2019 về chỉ đạo thực hiện công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; Kế hoạch số 184-KH/TU, ngày 01/4/2019 về thực hiện Quy định số 1 l-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Các cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động đưa nội dung tiếp xúc, đối thoại vào chương trình công tác hàng năm; kịp thời ban hành các văn bản tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị các nội dung, điều kiện đảm bảo để tổ chức tiếp xúc, đối thoại đạt hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tiếp xúc, đối thoại tại một số đơn vị thực hiện nghiêm túc gắn với kiểm tra thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; quy chế dân chủ ở cơ sở…

Là cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội về công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ông Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho rằng, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại đã thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở; đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của lãnh đạo các cấp về trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thông qua đối thoại, quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân được phát huy. Cùng đó, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chuyển biến tích cực, nhất là việc nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách trên địa bàn, từ đó tạo ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở, hạn chế đơn thư vượt cấp.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An: “Trong thời gian qua, nhất là sau 09 năm thực hiện Quy chế tiếp xúc đối thoại với Nhân dân (ban hành theo Quyết định số 2924-QĐ/TU, ngày 30/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), chất lượng các cuộc tiếp xúc, đối thoại được nâng lên. Đa số kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được tiếp thu và xử lý tại cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp và điểm nóng. Tuy nhiên, công tác tiếp xúc, đối thoại ở một số địa phương, đơn vị còn hình thức, chất lượng chưa cao; nhiều kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chưa cao, một số vấn đề không được quan tâm giải quyết triệt để, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền”.

Vì vậy, ngày 24-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tiếp tục ban hành Đề án số 07 về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025”, là cần thiết, tạo sự thống nhất, đồng thuận và quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

 

Bài 3: Giữ chữ tín với nhân dân

Trong quá trình tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của cấp ủy, chính quyền khi đã có sự thống nhất chung thì phải giữ chữ tín với nhân dân, theo đuổi đến cùng để giải quyết thấu đáo các vấn đề, tránh “qua cầu rút ván”. Bởi việc đối thoại không chỉ nhằm giải quyết một công việc cụ thể, mà trên hết đó là củng cố niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền.

Tăng cường đối thoại

Từ thực tế ở địa phương, khi đánh giá vai trò của hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ông Lê Văn Trọng – Bí thư Chi bộ 8, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai cho rằng: “Có những vụ việc người dân không phải họ không hiểu, họ không đồng tình nhưng đâu đó trong tâm tư, suy nghĩ của người dân vẫn còn những hoài nghi, băn khoăn nhất định. Nếu khi đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về với Nhân dân, lắng nghe những băn khoăn, bức xúc đó để giải thích, tuyên truyền thì chắc chắn người dân sẽ đồng thuận. Và cũng chính nhờ những buổi tiếp xúc, đối thoại đó, những người cán bộ sẽ có điều kiện nâng cao năng lực điều hành, lãnh đạo. Từ đó, đề ra những chủ trương, chính sách và giải pháp sát với thực tế, phù hợp với người dân hơn. Đó là những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, thể hiện quan điểm “lấy dân làm gốc” của Đảng và Nhà nước ta”.

Tại TP. Vinh, mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn những cuộc tiếp xúc, đối thoại chung chung, hình thức. Nêu lên con số, trong 8 năm (từ 2012 – 2020), cấp phường, xã đã tổ chức 183 hội nghị đối thoại, nhưng Ban Dân vận Thành ủy Vinh thẳng thắn đánh giá vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân. “Có nơi, tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhất là những khó khăn, vướng mắc của người dân đã được nêu trong các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, hội nghị đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân nhưng chưa được giải quyết kịp thời. Một số địa phương chưa chú ý việc tuyên truyền, công khai nội dung, thời gian tổ chức đối thoại định kỳ rộng rãi đến người dân, có tư tưởng ngại nghe ý kiến trái chiều”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng ban Dân vận Thành ủy Vinh trao đổi.

Thực tế, đối thoại vừa là lắng nghe, nhưng đồng thời là trả lời, giải đáp và giải quyết những ý kiến, kiến nghị của người dân trong thẩm quyền. Song, nhiều địa phương, hoạt động tiếp xúc, đối thoại vẫn còn mang nặng hình thức một chiều, tức là người dân nói, mà cán bộ chưa trả lời hoặc chậm giải quyết. Theo ông Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, việc triển khai hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền cấp huyện với nhân dân tại một số địa phương còn tỏ ra lúng túng trong việc tổ chức. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở một số nơi còn hạn chế; còn xem đối thoại như tiếp xúc cử tri nên việc thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu…

Ông Phan Thanh Đoài – Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phải khẳng định, công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân là rất quan trọng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Bởi thông qua việc tiếp xúc, đối thoại sẽ góp phần hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở. Trong quá trình đối thoại, phải đặc biệt coi trọng Nhân dân, lắng nghe Nhân dân và cố gắng trả lời, giải quyết những băn khoăn, bức xúc, kiến nghị của Nhân dân trong thẩm quyền. Khi mình làm tốt công tác này, sẽ tạo ra được sự đồng thuận xã hội, đồng lòng của Nhân dân, huy động được sức mạnh của Nhân dân vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương nói chung và một số vụ việc cụ thể.

Tránh “qua cầu rút ván”

Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, Bí thư Thị ủy Hoàng Mai ông Lê Trường Giang cho rằng, trong đối thoại, khi đã có sự thống nhất chung thì phải giữ chữ tín với Nhân dân, theo đuổi đến cùng để giải quyết thấu đáo các vấn đề, tránh “qua cầu rút ván”. Bởi việc đối thoại không chỉ nhằm giải quyết một công việc cụ thể mà trên hết đó là củng cố niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền. “Đối thoại phải trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, cầu thị, phải lắng nghe hết ý kiến để tìm hiểu nguyên nhân và chia sẻ khó khăn với Nhân dân. Cái gì làm được thì trả lời làm được, cái gì chưa làm được thì trả lời và xin lỗi Nhân dân là chưa làm được, cái gì phải xin ý kiến, chủ trương cấp trên, thuộc cơ chế chính sách… phải rõ ràng. Đồng thời cũng bộc bạch suy nghĩ, mong muốn của mình để Nhân dân hiểu, chia sẻ với cấp ủy, chính quyền vì mục tiêu phát triển chung của địa phương”, Bí thư Thị ủy Hoàng Mai nói.

Tại nhiều diễn đàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã nhấn mạnh: Các cấp, ngành, địa phương phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân, doanh nghiệp; phát huy quyền làm chủ của người dân, cố gắng giải quyết các vụ việc mà người dân bức xúc, kéo dài nhiều năm với mục tiêu đảm bảo cao nhất quyền lợi, lợi ích chính đáng cho người dân. Thông qua các cuộc tiếp công dân định kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành, địa phương trong quá trình giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại của người dân thì cần chủ động phối hợp chặt chẽ, tích cực với nhau hơn. Qua đó, cố gắng giải quyết nhanh chóng, dứt điểm vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi chính đáng tối đa cho người dân.

Ông Đinh Hồng Vinh – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh cho biết: “Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại của người dân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh rút ra 03 bài học kinh nghiệm đối với chính quyền các cấp như sau:

Thứ nhất: Để việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thực sự mang lại hiệu quả thì cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là người đứng đầu phải thực sự quan tâm chăm lo đến công tác tiếp công dân; phải coi đây là biện pháp quan trọng để giữ mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền với Nhân dân đúng với bản chất Nhà nước ta là Nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” như Điều 2, Hiến pháp năm 2013 đã quy định, từ đó có chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân nhất là chính sách công tác cán bộ trực tiếp tiếp công dân và tham mưu công tác tiếp công dân.

Thứ hai: Thái độ của những người tiếp công dân phải thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến của công dân, phát huy trách nhiệm để giải quyết tốt nhất các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, thể hiện trên các khía cạnh sau: +) Nếu ý kiến công dân chưa đúng thì phải xem đây là cơ hội để tuyên truyền, vận động, giải thích để công dân hiểu, chấp hành pháp luật, chia sẻ với chính quyền tạo sự tin tưởng đồng thuận giữa chính quyền với Nhân dân. +) Nếu ý kiến của người dân là có cơ sở thì tập trung chỉ đạo giải quyết để đảm bảo quyền lợi của công dân theo đúng quy định pháp luật, đồng thời nếu có sơ hở thiếu sót thì sớm khắc phục.

Ngoài ra công tác tiếp xúc, đối thoại với công dân còn là cơ hội để lãnh đạo chính quyền các cấp nắm được những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn cuộc sống ở 2 góc độ sau: +) Là cơ hội để nắm bắt những vấn đề bất cập trong việc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để có các giải pháp kịp thời tháo gỡ ngay, góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống; +) Là cơ hội nắm bắt chính sách, pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mọi mặt của đời sống xã hội.

Thứ ba: Công tác chuẩn bị đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu chính quyền với công dân, nhất là việc lựa chọn vụ việc để tiếp công dân phải hợp lý, đúng thẩm quyền, không tổ chức tiếp công dân tràn lan hoặc lựa chọn những vụ việc không đúng thẩm quyền, không cần thiết phải tiếp, gây nên sự phiền hà không cần thiết làm công dân bức xúc, hiệu quả thấp”.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, trong Đề án 07-ĐA/TU về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: “Lựa chọn hình thức, nội dung tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân phù hợp với tình hình thực tiễn; Thực hiện công tác tiếp xúc, đối thoại đảm bảo quy trình, chất lượng; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác tiếp xúc, đối thoại…”. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất