Son sắt một niềm tin

"Cán bộ là người của Đảng. Nó nói phải thì mình làm theo”- Đó là cách nói mộc mạc của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang về niềm tin với Đảng. Ở đó, có những “người của Đảng” trung kiên, gương mẫu, đi trước về sau. Ở đó, có những chi bộ đoàn kết, vững mạnh. Ở đó, có những việc làm bình dị, lo cho dân, vì dân. Và khi nhân dân đã tin, đã theo thì thủy chung, son sắt, nhiệt thành để Đảng với dân, dân với Đảng cùng xây một cuộc sống mới ấm no, tươi đẹp hơn.

Bài 1: Mặt trời trong tim

Những đảng viên ở vùng sâu vùng xa tỉnh Bắc Giang mà chúng tôi gặp, từ lão đảng viên 73 năm tuổi Đảng bám bản giữ rừng giữa lòng hồ Cấm Sơn tới lớp đảng viên trẻ, bí thư chi bộ 9X ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn đều có một điểm chung, đó là sự tin yêu, một lòng với Đảng.

Dù phải trèo đèo lội suối, dù phải lo áo cơm bận rộn, chưa bao giờ họ bỏ sinh hoạt Đảng. Những cuốn sổ ghi nghị quyết họp chi bộ đều chằn chặn ngày Đảng nhật mùng 3 hằng tháng, những cuốn sổ ghi nhật ký làm theo Bác ngày một dày lên…

Chi bộ giữa lòng hồ

Đưa áo phao cho chúng tôi mặc, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải (Lục Ngạn) Vi Văn Sáo - dân tộc Nùng thủng thẳng nói: “Từ đây vào Đồng Mậm xa đấy, gần một tiếng đi thuyền, nhiều đoạn sâu hàng chục mét, biết bơi hay không các anh chị cứ mặc vào”. Tiếng thuyền máy nổ giòn, rẽ nước khỏa nắng đi.

Cấm Sơn là một trong số hồ thủy nông lớn của miền Bắc, nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Lục Ngạn nhưng duy chỉ có thôn Đồng Mậm nằm biệt lập giữa lòng hồ. Xưa “ốc đảo” này được biết đến với nhiều cái không: Không điện, không đường, không trường, không trạm; nghèo nhất nước. Nay khá hơn nhưng mỗi lần vào đây vẫn phải đi mất cả ngày. Trẻ con đi học bằng thuyền nên lên 5, 6 tuổi, chúng đã biết chèo thuyền, như bọn trẻ dưới xuôi biết đi xe đạp.

Bí thư Chi bộ thôn Giáp Văn Phụ chờ sẵn chúng tôi ở con lạch nhỏ. Lại tiếp tục đi xe máy, men theo đường mòn chỉ vừa cái bánh xe, chúng tôi tới nhà ông Giáp Trọng Kiên, được bà con nơi đây xem như “linh hồn” của đảo.

Ông Giáp Trọng Kiên.
 

Ông Kiên là người không xa lạ với báo chí địa phương. Những năm 60 của thế kỷ trước, khi là xã đội trưởng, ông chỉ huy dân quân bắt 7 tên giặc lái Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen.

Ở tuổi 93, ông có 73 năm tuổi Đảng, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông là lớp đảng viên đầu tiên của vùng lòng hồ Cấm Sơn và cũng là một trong những người có công khai hoang, lập nghiệp trên mảnh đất này. Năm 1970, ông làm Bí thư Đảng ủy xã cho đến năm 1985 nghỉ hưu.

“Khi tôi nghỉ hưu, Đồng Mậm chưa thành lập được chi bộ vì chưa có đảng viên. Cả thôn có vài chục hộ, sống rải rác quanh đảo, tự cung tự cấp. Con cháu động viên bảo tôi ra trung tâm xã ở, có trái gió trở giời gì còn gần trạm y tế nhưng tôi không chịu. Nếu tôi bỏ đảo, bỏ hồ, cả đảo mà không có đảng viên, không có chi bộ thì rất dễ bị kẻ xấu lôi kéo, chia rẽ, không ai trông coi rừng, trông coi nguồn nước này”- Ông Kiên tâm sự.

Từ trong nhà mình, ông giáo dục, bồi dưỡng con trai là anh Giáp Hồng Đăng (hiện là Chủ tịch UBND xã Sơn Hải) cảm tình Đảng. Sau ông đi từng nhà, vận động từng người, nhất là lớp thanh niên trẻ chung vai gánh vác việc thôn, trở thành người của Đảng, nối tiếp truyền thống xã anh hùng.

- Năm 1990, Chi bộ Đồng Mậm được thành lập, trùng thời gian cháu nội tôi ra đời. Tôi đặt tên nó là Vững, những mong sau này chi bộ luôn vững mạnh và nó sẽ tiếp nối, trở thành đảng viên. Ba năm sau, em thằng Vững, tôi đặt là Mạnh. Giờ chi bộ luôn vững mạnh, hai thằng Vững, Mạnh đều là đảng viên. Cả đời theo Đảng, tôi toại nguyện lắm rồi!

Từ không đảng viên, cô lập giữa ba bề bốn bên là núi, là hồ, là rừng với cái đói, cái nghèo bao quanh, giờ ốc đảo này đã có Chi bộ Đảng với 11 đảng viên, là điểm sáng trong việc lãnh đạo bà con phát triển kinh tế, giữ nước, giữ rừng.

Đồng bào nơi đây ngoài trồng rừng, cây ăn quả, đánh bắt thủy sản từ lòng hồ còn biết liên kết, bảo nhau làm du lịch. Vững, Mạnh cũng ở lại lòng hồ, cùng bà con trong vùng liên kết thành Hợp tác xã Du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn, tạo việc làm và mở ra hướng làm ăn mới cho người dân.

Theo cha vào Đảng

 Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tới thôn Nam Bồng (xã Tuấn Đạo, Sơn Động) là đội ngũ cấp ủy trẻ măng, thế hệ 9X. Cả chi ủy 3 đồng chí đều chưa tới 30 tuổi nhưng mọi phong trào, hoạt động của thôn đều nhất xã, nhiều cái nhất huyện. Từ lúc ở trên huyện, chúng tôi đã được nghe giới thiệu như vậy.

Bí thư Chi bộ Nguyễn Như Dương- sinh năm 1993, mới 29 tuổi song đã hai nhiệm kỳ tham gia cấp ủy, làm Bí thư.

Dương là người học hành bài bản. Tốt nghiệp Trường Đại học Nông- Lâm Bắc Giang, đang làm hồ sơ thi tuyển công chức ở tỉnh thì bố anh gọi điện bảo: “Con về quê đi! Ở quê việc không thiếu, chỉ cần cù là có tiền. Chưa kể con được ăn học, vừa làm kinh tế, con còn có thể giúp bà con”.

Nghe xuôi xuôi, Dương về quê trồng rừng, làm công tác Đoàn. Trồng đôi năm, đồi nhà anh đã xanh mướt keo, bạch đàn. Anh vận động nhiều thanh niên trong thôn trồng theo, ai cũng ham.

Khi làm cán bộ Đoàn, thấy bố và các bác đảng viên gương mẫu, tập hợp được bà con, Dương rất phục! Có những việc như mấy năm trước, nhiều hộ di cư, chuyển từ Trường bắn TB1 về thôn. Đời sống xáo trộn, đồng bào dân tộc này dân tộc kia, thậm chí có cả cục bộ, “ma cũ bắt nạt ma mới”, thế mà chi bộ, đảng viên tuyên truyền, giải thích thế nào, dân đồng thuận, bảo nhau cùng làm ăn, lo phát triển kinh tế, tình làng nghĩa xóm gắn kết.

Năm 2016, Dương vinh dự được kết nạp vào Đảng, sau ba năm về quê, phấn đấu. Năm 2020, Dương được bầu làm Bí thư chi bộ, tiếp quản công việc của bố mình. “Em cũng áp lực lắm nhưng cũng tự hào vì được tiếp bước cha anh. Và em tự hứa, sẽ cố gắng”.

Sang nhiệm kỳ thứ hai làm Bí thư Chi bộ, cùng đội ngũ cấp ủy đều trẻ trung, tâm huyết, Nam Bồng làm được nhiều việc nhưng huyện, xã nhắc nhớ đến tiêu biểu là việc bảo vệ rừng. Chi bộ có nghị quyết chuyên đề về quản lý, bảo vệ, giao khoán rừng đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên. Cứ hai đảng viên phụ trách 10 hộ, theo khoảnh rừng được giao; rừng làm sao là gắn trách nhiệm với đảng viên đó. Chi bộ 16 đảng viên, 82 hộ, chia ra vừa đủ. Cách làm này đã đưa đảng viên đến gần dân, sát dân, dân vì thế có muốn chặt phá rừng cũng ngại. Nhiều năm nay, Nam Bồng chỉ có trồng thêm rừng chứ không có chuyện phá, đời sống nhân dân ngày một đi lên.

 

Bí thư


- Chi bộ có bố, các bác, các chú lớn tuổi, có người tuổi Đảng lớn hơn cả tuổi đời của em nhưng chi ủy đoàn kết, đảng viên đồng lòng, ai cũng vì việc chung, tin vào Đảng. 15 năm liền, Nam Bồng là chi bộ trong sạch vững mạnh, tiêu biểu ở vùng cao Sơn Động- Dương khoe.

- Chi bộ có bố, các bác, các chú lớn tuổi, có người tuổi Đảng lớn hơn cả tuổi đời của em nhưng chi ủy đoàn kết, đảng viên đồng lòng, ai cũng vì việc chung, tin vào Đảng. 15 năm liền, Nam Bồng là chi bộ trong sạch vững mạnh, tiêu biểu ở vùng cao Sơn Động- Dương khoe.

Dày lên những việc tốt

Tới các chi bộ thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang, chúng tôi thường quan tâm việc ghi sổ nghị quyết chi bộ. Từ sổ nghị quyết, có thể nắm được chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân như thế nào và chất lượng sinh hoạt ra sao.

Một điều làm chúng tôi rất cảm kích đó là các chi bộ dù ở vùng sâu vùng xa đều họp vào ngày Đảng nhật- mùng 3 hằng tháng, đều chằn chặn và chỉ báo tới đảng viên khi hoãn, còn lại, cứ thế sinh hoạt.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tuấn Đạo (Sơn Động) Nguyễn Hồng Phương cho biết: Trước kia không có điện thoại, zalo nhóm thì quy ước trong chi bộ, cứ đến chiều mùng 3 là sinh hoạt. Giờ thực hiện quy định cán bộ đảng viên ở xã sinh hoạt tại chi bộ nông thôn nơi cư trú, việc sinh hoạt chi bộ càng nghiêm túc và chất lượng hơn.

Ở Tuấn Đạo, có những nơi đầu thôn cuối thôn cách nhau cả quả đồi, đi lại rất khó khăn. Đảng viên nông thôn nhiều người cao tuổi, nếu nội dung sinh hoạt chi bộ không tốt, không thiết thực, chắc sẽ có người nêu lý do để xin miễn sinh hoạt. Đảng viên trẻ cũng thế, mải làm ăn, nếu chỉ đến điểm danh, họ cũng sẽ báo bận.

 

Sinh hoạt

Đ/c Nguyễn Hồng Phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tuấn Đạo dự sinh hoạt chi bộ.

“Chúng tôi hướng dẫn các chi bộ chọn vấn đề, nội dung sinh hoạt làm sao đúng nhất, trúng nhất, thật gần dân, sát dân; cái gì dân quan tâm, dân cần nhất thì mang ra bàn, chứ không chung chung và đặc biệt là mở sổ ghi nhật ký làm theo Bác, báo cáo trước chi bộ”- anh Phương trao đổi thêm.

Việc ghi sổ nhật ký làm theo Bác ở Tuấn Đạo và nhiều địa phương đã góp phần vừa phát hiện, vừa biểu dương việc tốt của đảng viên, tạo khí thế thi đua làm nhiều việc tốt trong mỗi người.

Chi bộ thôn Linh Phú tháng vừa rồi có 3 đảng viên làm việc tốt. Xã có sản phụ sinh con bị mất máu, lại thuộc nhóm máu hiếm, giữa đêm nhận được thông tin, 3 đảng viên của chi bộ đã xuyên đêm đến trạm y tế hiến máu, cứu sống cả hai mẹ con sản phụ, cả thôn, cả xã ai cũng khen.

Chi bộ thôn Sầy nhiều tháng nay làm đường giao thông. Tháng nào cũng có đảng viên báo cáo hiến đất, mở đường và vận động bà con, hàng xóm. Sổ ghi việc tốt ở các chi bộ cứ thế ngày một dày lên…

Cùng với Tuấn Đạo, Hộ Đáp là xã vùng đèo đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn đường sá rất cheo leo. Năm nay Đảng bộ xã phấn đấu kết nạp 6 đảng viên, giờ đã vượt 1, trong đó có 4 đảng viên trẻ nông thôn. Xã còn đặt chỉ tiêu 100% phó thôn là đảng viên vào năm 2025, đi trước cả mục tiêu chung của tỉnh, của huyện.

Bí thư Đảng ủy xã Hộ Đáp Hoàng Văn Đáp cho biết: Tôi mới được huyện luân chuyển về xã từ đầu năm 2022, tháng nào tôi cũng đi dự sinh hoạt chi bộ cơ sở và đều thấy đảng viên dù cao tuổi, ít tuổi, dù ở gần hay ở xa đều đi họp rất đều, đúng giờ và đóng góp ý kiến rất trách nhiệm. Thực sự nếu không có niềm tin, tình yêu với Đảng, đảng viên nông thôn, đặc biệt đảng viên người dân tộc thiểu số sẽ không thể có một tinh thần nêu gương, trách nhiệm đến thế!

Tại nhà lão đảng viên 73 năm tuổi Đảng giữa ốc đảo, người dân vẫn gọi là “Đảo ông Kiên”, ông treo lá cờ đỏ sao vàng tươi thắm, như một dấu son đỏ giữa non ngàn. Ông bảo đó là mặt trời trong tim ông, nơi ông có một niềm tin yêu thiêng liêng với Đảng, không bao giờ phai nhạt.

 

Bài 2: Sức mạnh của lòng dân

Những ngày này, Lục Nam đang thi đua chạy nước rút Chiến dịch 65 ngày cao điểm về đích nông thôn mới. Cả huyện như có hội. Các tiêu chí cơ bản đã hoàn thành. Về xã cùng nhân dân trồng đường hoa ngày chủ nhật, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ: “Lục Nam xây dựng huyện nông thôn mới, công đầu là của nhân dân. Sức dân mạnh như nước. Không có sự chung sức đồng lòng của người dân thì huyện khó có thể về đích được”.

Giao mặt bằng bằng niềm tin

Trong bốn huyện của Bắc Giang có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Lục Nam là huyện đầu tiên đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; không những thế, còn về đích sớm trước hai năm.

Tại thời điểm huyện quyết tâm tăng tốc về đích, còn 7 xã chưa đạt chuẩn, mà toàn tiêu chí khó. “Không phải huyện không lường trước được những khó khăn, thách thức nhưng nếu cứ chần chừ, không quyết tâm thì đến hết nhiệm kỳ khó khăn cũng chưa hết. Phải dựa vào dân, tin dân, khơi dậy sức mạnh nội lực trong dân thì chắc chắn mọi việc sẽ thành công”- Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Kim Dung bày tỏ.

Yên Sơn là một trong 7 xã buộc phải về đích nông thôn mới đợt này. Xã có xuất phát điểm thấp, nhiều cái khó và đặc biệt là trường mầm non xuống cấp, diện tích hẹp, không đủ điều kiện để công nhận trường chuẩn quốc gia.

Đồng chí Vũ Văn Sơn- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy được “tung” về, tăng cường sức mạnh cho xã. Trong Chấp hành, Thường vụ, Thường trực đồng thuận; bà con phấn khởi.

“Thử thách nhất với tôi lúc đó là tìm đâu được khoảnh đất rộng để xây trường mầm non. Tìm xong rồi thì làm thế nào để giải phóng mặt bằng, tiền đâu để san lấp, xây trường trong thời điểm gấp như vậy”- Bí thư Sơn kể lại.

Sau khi khảo sát, xã chọn khu đất ở thôn Nội Đình, ngay trung tâm. Điều đó cũng có nghĩa phải vận động 24 hộ dân giải phóng mặt bằng hơn 10.000 m2, trong khi đất Yên Sơn đang “sốt”, tăng giá từng ngày.

Mời Chi ủy thôn lên bàn và giao việc, ông Dương Đồng Vân- Bí thư Chi bộ cười khà khà như không có việc gì, bảo: “Các đồng chí cứ yên tâm, chỉ một tháng là chúng tôi hoàn thành”.

Ông Vân làm Bí thư Chi bộ thôn Nội Đình từ năm 2011 đến nay. Duy chỉ có nhiệm kỳ 2015-2017 ông bận việc gia đình không tham gia, nhiệm kỳ sau đảng viên lại “bắt” làm tiếp, ông vui vẻ nhận lời vì ông bảo: “Làm cấp ủy ở đây sướng nhất, nhàn. Cấp ủy được dân tin. Đảng tin dân, dân tin Đảng”.

Lãnh đạo xã Yên Sơn kiểm tra công trình trường mầm non.

Lãnh đạo xã Yên Sơn kiểm tra công trình trường mầm non.

Trở lại chuyện giải phóng mặt bằng xây trường mầm non, nhận với xã vậy để động viên lại cấp trên, chứ ông Vân lo ra mặt, mất ngủ mấy hôm. Chi ủy bàn bạc, phân công theo chiến thuật: Bí thư đi trước tới nhà dân vận động, hôm sau tới trưởng thôn, hôm sau nữa tới trưởng ban công tác mặt trận, mưa dầm thấm lâu!

Trong danh sách 24 hộ phải thu hồi đất giải phóng mặt bằng, có gia đình bác ruột ông Vân. Ông quyết định vận động từ trong nhà, dù biết bác lớn tuổi, bao đời thâm canh ở đó, sẽ rất khó khăn. Tối đó, chả biết ông thủ thỉ thế nào mà sáng sớm hôm sau, ông đã cho gọi người tới chặt cây, đổ đất, cơ bản giải phóng xong toàn bộ 800 m2 khu đất nhà bác mình.

23 hộ còn lại, ngay buổi trưa hôm đấy, ông đi một lượt, lấy gương gia đình, rồi nhà cụ Cẩn 65 năm tuổi Đảng đã đồng ý ra, thế là hoàn thành. Đồng chí trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận… mất lượt, không phải đi vận động nhân dân như đã phân công nữa.

Đáng nói hơn là ba tháng sau, xã mới có tiền đền bù trả cho dân. Người dân vui vẻ giao mặt bằng hơn 10.000 m2 cho xã chỉ bằng niềm tin; có lẽ chuyện chỉ có ở Nội Đình.

Giờ sau 8 tháng, từ lúc manh nha chủ trương tới hiện thực, trường đã sắp xây xong. Người dân hằng ngày vẫn cùng cán bộ xã, thôn ra đó giám sát, trông coi công trình. Hôm gặp chúng tôi, có bác vẫn đùa bảo: “Nghĩ lại, sao mình cả tin, dễ tính thế, đã cho xã lấy đất còn cho chịu tiền. Đúng là niềm tin của chúng tôi luôn đặt đúng chỗ, ai cũng vui”.

Nghị quyết “nhiều không”

Cũng câu chuyện về niềm tin, sức mạnh lòng dân, chuyện làm đường giao thông ở các xã trên đèo của huyện Lục Ngạn có thể gọi là kỳ tích.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng đổ bê tông phẳng phiu sạch sẽ, hai bên đường hoa cúc vàng, chiều tím gặp nắng thu bừng sắc, cảm giác ở đâu cũng có thể là góc “sống ảo” xinh xẻo được, anh Nông Văn Phụng- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cấm Sơn phấn chấn: Thực sự vẫn như trong mơ. 7 năm về trước, cả xã không có nổi một đoạn đường nhựa nào. Vậy mà chưa đầy 5 năm, toàn bộ 37 km đường thôn đường xã được bê tông hóa, đúng là ý Đảng hợp lòng dân, không việc gì không thành.

Cấm Sơn xa trung tâm huyện Lục Ngạn 40 km, bà con gọi đây là nơi rừng xanh núi đỏ không sai. Nếu dưới xuôi làm đường giao thông khó một thì nơi đây khó gấp nhiều lần bởi đường sá vừa dốc vừa hẹp, bên núi bên hồ.

Năm 2017, lần đầu tiên, tỉnh Bắc Giang có chính sách hỗ trợ 100% xi măng cho các xã làm đường giao thông. Nhân đà này, huyện “mạnh tay” chi thêm 150 triệu đồng/km cho các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn để kích cầu. Thấy rõ cơ hội có một không hai, xã, thôn vào cuộc, họp triển khai ngay lập tức.

Tuy nhiên, tính lên tính xuống, cả hỗ trợ xi măng của tỉnh và tiền của huyện cũng chỉ đủ một nửa; còn lại dân phải đối ứng. Lúc đó, Cấm Sơn 2/3 dân số là hộ nghèo, tiền ăn còn không có, sao có tiền làm đường. Chưa kể, tâm lý của bà con dân tộc lâu nay quen với việc được Nhà nước bao cấp, hỗ trợ, rất khó.


Là thôn khởi điểm phát động làm mẫu đầu tiên, ông Nông Thanh Hà- Bí thư Chi bộ thôn Họa kể lại: Cấp ủy chúng tôi tới từng nhà dân, phân tích cho bà con thấy được nhiều cái lợi khi con đường được mở. Đơn cử như muốn bán vải thiều, đường xấu, bà con mang tới huyện hết gần nửa ngày đường, vải mất mã, mình mất tiền. Đường đẹp đi tiếng đã đến nơi, thậm chí xe ô tô về tận vườn thu hái, giá trị hơn nhiều.

Gương mẫu từ nhà cán bộ đảng viên, bà con dần xuôi theo. Thôn ra nghị quyết, mà chắc từ xưa tới nay, chưa bao giờ có với đồng bào dân tộc; sau người dân gọi tắt là nghị quyết “nhiều không”: Không đền bù, không hỗ trợ và không đồng.

Nhà ông Hoàng Thanh Hải- đảng viên xung phong trước, phá bỏ cả vạt đồi vải gần trăm cây, hơn 20 năm tuổi. Phá xong, diện tích đất nhà ông hiến sâu vào gần 2m, dài tít tắp 200 m. Dân ngỡ ngàng, chỉ có phát quang không đã thấy rộng thênh thang, thế là bảo nhau làm. Nghị quyết “nhiều không” nhanh chóng được triển khai, không những không mà còn thêm có, đó là nhiều gia đình con cháu làm ăn xa, dư dả còn ủng hộ thôn, xã thêm cả tiền.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn Cao Văn Hoàn, khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện trực tiếp chỉ huy phong trào này cho biết: Từ nghị quyết “nhiều không” ở thôn Họa, lan ra xã Cấm Sơn và toàn bộ các xã trên đèo, các xã vùng cao, khó khăn của huyện. Cả huyện ra quân làm đường như một công trường lớn.

Nhiều nhà hiến cả vạt đồi, nhà hiến vài chục cây vải, cây nhãn, vài chục m2 đất là chuyện bình thường. Đến nay, sau 5 năm, Lục Ngạn đã làm được 1.500 km đường giao thông, toàn bộ đường liên thôn, liên xã của huyện đã được bê tông hóa, quả là một kỳ tích. Đáng trân trọng nữa là 5 năm làm đường, cả huyện không phải giải quyết một lá đơn khiếu kiện nào về việc này.

Trồng bưởi

Cam bưởi của người dân được tiêu thụ dễ dàng.

Mấy năm nay, dù khó khăn do dịch bệnh Covid, có nơi phải “ngăn sông cấm chợ” cách ly song quả vải thiều Lục Ngạn vẫn bon bon xuất ngoại, được mùa được giá. Đặc biệt, ở các xã vùng trên đèo như Cấm Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp…, bà con còn biết thâm canh, rải vụ, cho vải ra chín muộn. Đường đẹp, vải tươi, tư thương tấp nập vào ra thu hái, cuộc sống của bà con nơi đây đang thực sự bừng sáng, khởi sắc bền vững.

Trên những cung đường đèo mùa thu của Lục Ngạn mà chúng tôi đã qua hay những con đường hoa nở rộ của Lục Nam đang về đích nông thôn mới mà chúng tôi đã gặp, thấy sự vui tươi trong ánh mắt của người dân, sự gần gũi, hòa quyện giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới.

Bài học lịch sử của cha ông xưa “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” áp dụng vào hôm nay vẫn nguyên giá trị. Bởi khi Đảng tin dân, dân tin Đảng, Đảng ở trong dân, được lòng dân thì “cuộc đời sẽ nở hoa”.

 

Bài 3: Có Đảng cuộc đời nở hoa

Nhà văn hóa bản Đồng Gia, xã Xuân Lương (Yên Thế) hôm nay rộn rã lời ca của các cháu thiếu nhi chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Hát múa bài nào, các cháu chọn trang phục, đạo cụ chuẩn theo bài đó. Khi kinh tế phát triển, ngay từ chương trình văn nghệ, người lớn cũng đầu tư nhiều hơn cho con trẻ. Lời hát “Có sách mới, áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta/ Vui tung tăng em ca, có Đảng cuộc đời nở hoa” cứ rộn ràng, vang xa khắp xóm.

“Bản mình không thể nghèo mãi được”

Đồng Gia là bản đặc biệt khó khăn, nghèo của nghèo. Giai đoạn trước, khái niệm “nghèo bền vững” có lẽ hợp với bản vì cây chủ lực không có, con thế mạnh tìm không ra, chỉ trông vào lâm sản, lộc rừng.

Trưởng bản Nguyễn Văn Trưởng người nhỏ thó, nhanh nhẹn trong một lần họp với dân đã vực tinh thần cả bản. Ông nói, đại ý là chúng ta có chương trình 135 xóa đói giảm nghèo hỗ trợ, các cấp ngành quan tâm, đặc biệt nhân dân trong bản cần cù, chịu khó, nhạy bén thì bản mình không thể nghèo mãi được. Phải cố lên, không trông chờ, ỷ lại nữa.

Chi ủy họp, chọn mô hình nuôi dê, ngựa bạch mà huyện, xã hỗ trợ để làm thử; vì Đồng Gia đất đồng rừng, rộng mênh mông, cỏ sẵn. Nhà trưởng thôn nuôi trước, bắt đầu hơn trăm con/lứa.

So với nuôi lợn, nuôi gà truyền thống, nuôi dê thuận hơn, ít dịch bệnh. Thức ăn của dê cũng dễ kiếm, công chăm nhàn hơn và đặc biệt, đầu ra ổn định, lãi cao. Bình quân mỗi lứa dê nuôi sau 3-4 tháng lãi hơn 2 triệu đồng/con.

Mô hình nuôi dê của anh Nguyễn Văn Tư.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tư nuôi hơn 500 con dê.

Thấy hiệu quả, bản nhân rộng tới dân. Ngoài nuôi dê, nuôi thêm ngựa bạch, mở rộng đàn lợn. Thời điểm đó, chè bản Ven của Xuân Lương bắt đầu có thương hiệu, cùng đồng đất đó, Đồng Gia trồng luôn cây chè.

Cứ thu được lứa dê, lứa lợn, bản lại thêm vài ngôi nhà cao tầng mới. Mấy thanh niên đi làm ăn xa, gọi điện về hỏi thăm, thấy bản đổi thay chóng mặt, cũng bỏ phố về quê nuôi dê.

Ngay nhà trưởng bản, từ chăn dê, ông mở luôn trạm trung chuyển, chuyên “đánh” xe công-ten-nơ thu gom vài trăm con dê một chuyến cung cấp dê giống, dê thương phẩm cho cả trong Nam ngoài Bắc. Người làm theo, phục vụ cũng nhiều, tạo việc làm, thu nhập ổn định.

Hiện Đồng Gia có vài chục hộ nuôi dê, ngựa bạch, bò; gà, lợn, ong chưa tính. Con dê thành con chủ lực của bản.

Nhà anh Nguyễn Văn Tư chỉ có hai vợ chồng ở nhà mà lứa này nuôi tới hơn 500 con. Tất cả các công đoạn đều khép kín, chuyên nghiệp. Máy thái cỏ tự động; cho ăn, uống nước tự động; vệ sinh chuồng trại tự động và đến khi bán, cái cân điện tử cũng tự động, chỉ ngồi một chỗ ghi chép, đếm trọng lượng giao cho chủ hàng là xong.

Từ hơn một nửa số hộ dân trong bản là hộ nghèo những năm 2010-2015; sau mấy năm cả bản quyết tâm thoát nghèo bằng cả sự tự trọng và kiên trì, hiện bản chỉ còn 4/117 hộ nghèo, chiếm 3,4%. Giờ người ta gọi Đồng Gia là bản “xóa đói giảm nghèo bền vững” chứ không còn “nghèo bền vững” nữa.

Thật vinh dự, Đồng Gia vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Bản nghèo đã được Chính phủ khen xóa nghèo.

Không để gà mổ sổ đỏ

Trên đường vào xã Đồng Tâm, thủ phủ nuôi gà của huyện miền núi Yên Thế, anh Nguyễn Văn Đông- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện bảo: “Mươi, mười năm năm trước, mình mà đi như này thì phải tránh gà. Gà đầy đường và gà cũng mổ kha khá sổ đỏ của bà con”.

Tôi còn đang tò mò tìm hiểu gà mổ sổ đỏ như nào thì xe đã tới xã. Sân trụ sở UBND xã chật kín ô tô, xe máy, khá nhiều xe đẹp, đắt tiền. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thành phân trần: Hôm nay Bí thư, Chủ tịch xã đối thoại với người dân nên xe hơi chật, loa hơi to, mà toàn quanh chuyện con gà, các anh chị thông cảm!

Tiếp dân

Bí thư, Chủ tịch xã Đồng Tâm gặp gỡ, đối thoại với nhân dân.

Lắng lại nghe, thấy đúng thế thật. Có người hỏi chủ trương của xã về cơ cấu giống gà. Người thì quan tâm đầu ra, làm sao để thị trường ổn định. Người hỏi về vắc-xin… mà hỏi gì cũng thấy cán bộ trả lời cụ thể, chi tiết, như những chuyên gia thực sự.

Giờ giải lao, các anh trong Thường trực Đảng ủy xã vui vẻ bảo: Thì chúng tôi cũng từ kinh nghiệm nhà mình ra. Cán bộ xã ở đây nhà ai cũng nuôi gà, trước là có thu nhập cho chính gia đình, sau là đầu tầu gương mẫu, làm mẫu cho bà con.

Người dân Đồng Tâm bắt đầu nuôi gà từ những năm 2000. Thời điểm đó, nuôi gà thắng lớn. Bình quân vào một lứa gà 1.000 con, sau hơn 50 ngày, trừ chi phí, thu về 20,30 triệu đồng.

Tiền lãi cao, gà bán chạy nên nhà nhà, người người nuôi gà. Gà tràn xuống đường, gà leo lên cây, gà ra bờ ruộng, đâu đâu cũng vướng gà. Tuy nhiên, chăn nuôi không phải lúc nào cũng thuận, năm 2007, gà mắc bệnh cúm gia cầm, chết hàng loạt.

“Lúc đó, cán bộ huyện, xã phải phân nhau đi tiêu hủy gà chết, rồi tiêu độc khử chuồng, vất vả đêm ngày mà vừa làm vừa thương bà con. Nhiều hộ bao vốn liếng đổ hết vào gà, giờ gà lăn ra chết, mang hết cả sổ đỏ đi vay ngân hàng để trả nợ. Chuyện gà mổ sổ đỏ từ căn nguyên buồn đó”- anh Đông giải thích.

Sau trận đại dịch, Yên Thế cơ cấu lại ngành chăn nuôi, trong có chủ lực là con gà. Lúc này huyện đi sâu vào chất lượng, xây dựng thương hiệu, cơ cấu lại giống, tổng đàn và đặc biệt quan tâm phòng chống dịch bệnh, thị trường; không để bà con nuôi tràn lan, tự phát như trước.

Ngay như Đồng Tâm, vựa gà của huyện cũng chỉ nuôi ở quy mô khoảng 200- 250 nghìn con/năm. Những hộ nào có kinh nghiệm, kỹ thuật, vườn đồi rộng mới được xã tư vấn vào đàn nhiều để tránh rủi ro.

Một vài năm vực dậy sau đợt dịch, Yên Thế thành công trong việc xây dựng thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” nức tiếng cả nước. Mới đây, sản phẩm từ thịt gà, giò gà của huyện đạt chuẩn OCOP 4 sao. Con gà thực sự làm thay đổi đời sống kinh tế của bà con, là con làm giàu, con xóa đói giảm nghèo và không còn là con mổ sổ đỏ nữa.

Tất cả từ cây keo

Huyện Sơn Động vừa đấu giá quyền sử dụng đất ở gần 100 lô đất ở tại xã Dương Hưu. Giá mỗi lô đất hơn trăm mét vuông cả tỷ bạc, mà chỉ đấu một lần là xong. Anh cán bộ Phòng Tài chính huyện bảo: Trước đất ở đây cho không đắt, chỉ mong bà con đến khai hoang lập nghiệp, giờ đường sá mở ra, đất thành đất vàng. Mà trong số người mua, đa phần là người địa phương. Tất cả từ cây keo mà ra!

Cây keo ở Dương Hưu lôi cuốn chúng tôi từ câu chuyện về thị trường bất động sản. Dọc hai bên đường, thấp thoáng những ngôi nhà xây kiểu biệt thự xen lẫn những đồi keo xanh thắm.

keo

Ở Dương Hưu, trên đồi, bên đường, vườn nhà, đâu đâu người dân cũng trồng keo.

Phó Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Lưu Xuân Giang cho biết: Trước đây, người dân Dương Hưu vẫn trồng keo nhưng nhỏ lẻ, chưa tạo thành chuỗi nên giá trị không cao. Đảng ủy xã nhiều lần họp bàn, xác định thế mạnh của địa phương vẫn là trồng rừng, phát triển kinh tế vườn rừng bằng cây keo nhưng phải trồng quy mô lớn để vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc vừa khai thác giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho bà con.

Từ chủ trương của Đảng ủy, gia đình cán bộ đảng viên nhận trồng trước, ít nhất mỗi hộ 1 ha, sau nhân ra toàn xã, có hộ nhận trồng tới 20 ha. Khi đã tạo thành phong trào, cả xã trồng thì các dịch vụ ăn theo cây keo cũng phát triển mạnh.

- Đơn cử như gia đình neo người, muốn phát cỏ cả đồi keo thì chỉ cần a lô là có nhóm chuyên làm thuê. Muốn thu hoạch thì sẵn xe tải, người cắt xén, bốc vác tại chỗ. Muốn sơ chế thì có sẵn các xưởng băm gỗ, công nhân bóc vỏ…Cả xã có 100 xe tải, mỗi xe kéo theo 6- 8 lao động. Các xưởng cân, thu mua, sơ chế đều có hàng chục lao động thời vụ. Cứ chịu khó làm, mỗi người “bám” theo cây keo cũng có vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Hoặc nếu bí tiền đi ăn cỗ, cứ chặt cây keo bán là có tiền - Anh Giang vui vẻ cho biết.

Hiện số gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây keo ở Dương Hưu không phải là hiếm. Theo đó, như lời Chủ tịch xã bật mí, có thời điểm, người dân trong xã gửi tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng, là một trong những xã, thị trấn gửi tiền vào ngân hàng nhiều nhất huyện Sơn Động.

Ánh nắng chiều xiên qua những đồi keo khiến hoàng hôn ở vùng cao thật yên bình. Những chiếc xe tải chở ván răm, chở gỗ keo nối đuôi nhau về xưởng. Mấy thanh niên đi phát cỏ, thu hoạch gỗ đã về. Họ tranh thủ ghé quán vịt quay, thịt nướng thơm lừng bên đường mua về chiêu đãi gia đình, khép lại một ngày lao động miệt mài để chuẩn bị tiếp tục cho ngày mai tươi sáng hơn.

 

Bài 4: Theo bóng cờ hồng

Xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn mấy ngày nay mưa nắng thất thường. Vừa nắng to đấy mà mưa ngay được. Đang ăn cơm, bà Lường Thị Lan vội chạy ra vườn cất tấm vải mới nhuộm chàm ban nãy. Bà bảo: Cứ phơi khô rồi lại nhuộm, phải chục lần như vậy mới thành vải. Vải này để may áo. Không có áo thì không đi hội hát được.

“Cán bộ nói phải thì mình làm theo”

Không riêng nhà bà Lan, men theo các nhà tường trình ở bản Bắc Hoa, thấy nhiều nhà nhuộm vải, phơi áo chàm. Anh cán bộ văn hóa xã bảo: Bà con ở đây chủ yếu là dân tộc Nùng, đa phần vẫn giữ được nghề nhuộm chàm, vừa may áo, làm khăn cho mình, vừa mang ra chợ phiên bán. Đặc biệt, tới phiên chợ, đi hội hát, gần như 100% bà con mặc trang phục dân tộc, ai không có áo là xấu hổ không đi.

Bà Lan nhuộm và phơi chàm.

Bà Lan nhuộm và phơi chàm.

Có tiếng ai gọi với ở đầu nhà, Bí thư Chi bộ bản Bắc Hoa Lường Văn Viền quay ra trò chuyện một lúc rồi phiên dịch lại cho chúng tôi. Viền bảo: Hôm nay đúng phiên chợ, chợ ngày 12 âm lịch là đông nhất, có cả hát hội nên bà con rủ nhau đi. Các anh chị có muốn đi không, giờ vẫn kịp.

Chúng tôi lên xe, tới chợ đã 12 giờ trưa. Sau cơn mưa, nắng thu trong veo. Hàng quán đã vãn nhưng vẫn thấy từng tốp, từng tốp phụ nữ dân tộc Nùng đang soi gương, chỉnh lại khăn, áo chàm cho nhau để chuẩn bị hát.

Vừa quạt than nướng ngô nếp chín, bà Sọ- người bán hàng ở chợ vừa dặn trước chúng tôi: “Cái này là mời cán bộ ăn, không lấy tiền đâu. Từ sáng bán được hơn năm chục cái ngô rồi, lãi hơn bán rượu. Cán bộ nó nói phải thật. Thế mà trước cứ ghét nó”.

Câu chuyện từ bán rượu chuyển sang bán ngô của bà Sọ khiến chúng tôi hào hứng. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Sơn Hoàng Văn Chăm trầm ngâm bảo, đó là một cuộc cách mạng, mà có lúc mỏi, nghĩ phải bỏ cuộc nhưng rồi kiên trì, nói phải, bà con cũng nghe.

Chợ vùng cao không giống như chợ miền xuôi đơn thuần là mua bán hàng hóa, chợ phiên Tân Sơn lại càng khác. Có người đi chợ từ sáng sớm tới tối mà chẳng mua bán gì, chỉ đi hội, đi hát và…uống rượu.

- Nhiều bác nghiện rượu, trong túi chẳng có xu nào nhưng cứ đi một vòng khắp các hàng để thử rượu. Hàng nào cũng khà một chén, đến hàng cuối là chếnh choáng, bước thấp bước cao về. Hôm sau mỏi, không đi rừng được.- Anh Chăm kể.

Ngay như bố của Vi Văn Chèo- Trưởng thôn Bắc Hoa trước đây cũng rất thích đi chợ, vì đó là thói quen, đi xem, đi chơi và cả đi nếm rượu. Con trai nhắc, khuyên bảo toàn bị mắng.

Bà Sọ từ nãy nghe chuyện nói thêm vào:

- Phong tục, tập quán của đồng bào không bỏ đâu. Nhưng uống rượu là xấu, không khỏe, không vui, không đi rừng được. Người bán thì không có tiền, mang hai chục lít rượu đi chợ toàn người thử đã hết. Không có tiền mua gạo, mua thịt.

Anh Chăm bảo: Vận động thói quen bao đời của bà con không dễ. Không bán rượu thì bà con bán gì, lấy gì đi chợ. Chưa kể, những cụ cao tuổi, già làng còn bảo đó là nét văn hóa, bản sắc của đồng bào, không được phá bỏ. Mấy bác thèm rượu thì dỗi, bảo cán bộ làm thế là cán bộ không hiểu dân, không hiểu đồng bào.

- Chúng tôi động viên mấy bà chuyên bán rượu như bà Sọ, vẫn rượu ngô đấy nhưng mình nấu ít đi, để nhà uống là chính, còn lại chọn bắp ngô dẻo, ngon mang ra chợ luộc bán lấy tiền, không ai…thử được. Còn không thì nhà có gì mang ra chợ, con gà, chục trứng, bó củi, bán là có tiền mà vẫn được đi chơi chợ. Bà Sọ lúc đầu ghét cán bộ lắm, nói mãi mới chịu đấy!

Bà Sọ lấy tay che miệng quay đi cười rồi kể, từ ngày không nấu rượu, chuyển sang bán ngô, bà tiết kiệm mua được xe đạp cho thằng cháu đi học. Các bà xóm bên còn mấy người vẫn bán thì bị thử rượu nhiều hơn nên dần dà chán, cũng thôi. “Tôi bán ngô nhưng những ngày đầu vẫn bán thêm rượu. Chủ yếu là để cho mấy ông hay uống quen dần, uống ít đi. Ngay như bố thằng Chèo lúc đầu tức tôi lắm, cứ bảo “để tôi thử rượu cho” nhưng tôi mang ít, ít dần, rồi không mang. Sau ông ấy bỏ được rượu, chỉ đi chợ chơi, hát hội thôi”.

Buổi chiều ở vùng cao xuống nhanh hơn. Những tốp người hát Soong hao thưa dần, bà con bên kia núi Kon Sọ, giữa lòng hồ Cấm Sơn đã vội về trước để kịp băng núi, chèo thuyền. Bóng áo chàm khuất dần nhưng câu chuyện về bà Lan nhuộm áo chàm, bà Sọ bỏ bán rượu, những phiên chợ vùng cao không còn cảnh người đàn ông say xỉn cứ đọng mãi.

Như lời bà Sọ bảo: “Cái gì tốt thì giữ, không tốt thì bỏ. Cán bộ là người của Đảng. Nó nói phải thì mình làm theo. Không bảo thủ mãi được”.

Đánh thức những giấc mơ

Buổi sáng ở bản vùng cao Bắc Hoa không khí thật trong lành. Mới từ sáng sớm, Trưởng thôn Vi Văn Chèo đã cùng bố ra ruộng hái dưa. Chèo trồng dưa chuột được 4 năm nay, là người đầu tiên ở thôn. Chỉ hơn 1 tiếng, hai bố con Chèo đã hái được hơn tạ dưa.

Buổi sáng

Buổi sáng ở bản Bắc Hoa.

- Gần tháng nay sáng nào em cũng đi hái dưa. Hôm nào có khách hẹn, em hái cả chiều. Ngày nhiều thu được 2, 3 tạ, ngày ít được hơn tạ. Trưa, chiều là có xe tải tới tận nhà mua, mỗi cân bình quân hơn 10 nghìn đồng. Cứ bán xong là em có hơn 1 triệu, 2 triệu cất đi.

Chèo bảo giống dưa chuột ưa ẩm, càng tưới nước ẩm quả càng sai, non mỡn. Nhà Chèo trồng ít, có 2 sào, chứ có nhà trồng nhiều 5, 6 sào, mỗi ngày thu hoạch 5, 6 tạ , lãi vài triệu là bình thường. Năm vừa rồi, cả thôn Bắc Hoa thu hoạch hơn 200 tấn dưa chuột. Mỗi ngày bán vài ba tấn, 6 điểm cân đặt sẵn tại thôn, xe tải ra vào nườm nượp, bà con cứ hái dưa, mang ra cân là có tiền.

Chèo cũng kể vì ham trồng dưa mà “lôi kéo” được bố bỏ rượu, ham làm vườn, đi rừng. Bà con trong thôn ban đầu chưa tin, thấy nhà trưởng thôn trồng thật, có lãi thật mới theo. Giấc mơ thoát nghèo không còn xa vời. Nhiều người tự nguyện tới thôn, xã bảo cán bộ cho xin thoát nghèo, không ỷ lại Nhà nước nữa.

Câu chuyện tìm hướng thoát nghèo cho mình và cho bà con của Vi Văn Chèo khiến chúng tôi nhớ tới giấc mơ không ly hương của chàng trai người Cao Lan Hoàng Văn Mau, xã Xuân Lương (Yên Thế). 28 tuổi, Mau đang là chủ Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan, chuyên sản xuất thịt gác bếp và lạp sườn, kết hợp du lịch cộng đồng.

- Em bươn chải khắp nơi. Vừa học Trường Trung cấp Kinh tế- Du lịch Hoa Sữa, tối đến em vừa đi làm thuê, phục vụ nhà hàng. Học xong em bám trụ ở Thủ đô 6 năm, làm hết nhà hàng nọ đến khách sạn kia. Sau vẫn thấy chưa đủ kinh nghiệm, em vào tiếp Sài Gòn học nghề, lên Tây Bắc. Ở Tây Bắc, em học được cách tẩm ướp gia vị của bà con dân tộc nên em quyết trở về quê khởi nghiệp- Mau kể.

Bản Nghè của Mau đất đồi rộng, đường sá gần đây đã được bê tông hóa, đi lại dễ dàng, sẵn có chính sách thu hút, cho vay vốn của đoàn thanh niên, Mau đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan với 8 thành viên, vừa trồng rau thủy canh, vừa làm đặc sản thịt gác bếp, lạp sườn và phục dựng nhà lán, trang phục đồng bào Cao Lan phục vụ khách du lịch.

Sản phẩm

Hoàng Văn Mau giới thiệu sản phẩm lạp sườn mới ra lò.

“Sản phẩm thịt gác bếp Cao Lan của em vừa làm xong thủ tục chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, khách hàng quen dùng rồi nên chỉ cần đặt hàng qua mạng là em giao tận nơi, không có hàng tồn”- Mau khoe.

Là người trẻ nên Mau tận dụng tối đa công nghệ vào bán hàng. Trang www.caolan.vn và Nông trại Cao Lan- Cao Lan Farmstay của Mau có hàng nghìn theo dõi, thỉnh thoảng Mau lại livestream (phát trực tiếp) công đoạn làm sản phẩm khiến người tiêu dùng yên tâm về chất lượng.

Chia tay chúng tôi, Mau tâm sự: Em vừa được đi học cảm tình Đảng. Em sẽ phấn đấu để sớm vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, cùng với lớp trẻ Cao Lan ở bản Nghè tự tin vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc đời mình.

Không ly hương, không bỏ đất bỏ ruộng, ở lại bám bản giữ rừng, Mau hay Chèo, hay Vững, hay Mạnh ở lòng hồ Cấm Sơn, hay bí thư chi bộ 9X Nguyễn Như Dương ở Tuấn Đạo và biết bao thanh niên dân tộc khác trên quê hương Bắc Giang mà chúng tôi chưa có dịp gặp gỡ vẫn đang từng ngày đánh thức những giấc mơ của mình và lan tỏa tới bà con, những người xung quanh cùng tiến bộ.

Có thể những giấc mơ đó chưa thực lớn, chưa thực mạnh để ngay lập tức cất cánh nhưng là động lực, là bước khởi đầu quan trọng cho những thành công, bứt phá sau này. Và họ chính là những người theo bóng cờ hồng, “lớp cha trước, lớp con sau”, son sắt một niềm tin, tiếp nối “người của Đảng” để xây dựng bản làng ngày một ấm no và hạnh phúc hơn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất