Những nữ đảng viên “chân đất”

BÀI 1: NGƯỜI TIỂU THƯƠNG SỐNG CHAN HÒA VÀ HẾT LÒNG VÌ MỌI NGƯỜI

Họ là những người lao động bình dị, là tiểu thương, chủ nhà trọ… vốn chỉ quan tâm chuyện kinh doanh, buôn bán hằng ngày. Thế nhưng, khi bắt gặp lý tưởng và tình yêu với Đảng, họ đã không ngại dấn thân.

Người nữ tiểu thương Nguyễn Thị Thanh Diệu, 39 tuổi, được nhiều bạn hàng yêu mến nhờ có tấm lòng “lá lành đùm lá rách” và sự nhiệt thành trong mọi công việc, nhất là những việc vì cộng đồng. Đến nay chị đã có tám năm tuổi Đảng.

Phấn đấu vào Đảng theo cách của mình

Đến chợ Nhị Thiên Đường (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) hỏi chị Diệu bán quần áo thì ai cũng biết. Bà mẹ hai con này đã gắn bó với chợ suốt 18 năm qua trong vai trò tiểu thương kiêm kế toán ban quản lý (BQL) chợ.

Nói về chuyện được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chị nói: “Thấy tôi vào Đảng, ai cũng nghĩ tôi phải phấn đấu dữ lắm. Đúng là phải phấn đấu nhưng theo cách của mình nên không thấy khó khăn. Tôi phấn đấu bằng cách làm tốt nhất nhiệm vụ được giao, lắng nghe nguyện vọng, chia sẻ khó khăn và giải quyết nhu cầu cho bà con tiểu thương cũng như tất cả những ai đang mưu sinh ở chợ”.

Nữ tiểu thương Nguyễn Thị Thanh Diệu (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm cho khách.

Nữ tiểu thương Nguyễn Thị Thanh Diệu (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm cho khách.

Trong cuộc sống, ngoài những lo toan của người mẹ, người vợ cho gia đình, chị Diệu chan hòa với bạn hàng và mọi tiểu thương. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, chị một mình bám trụ tại văn phòng BQL suốt hai tháng để coi ngó chợ cũng như hỗ trợ địa phương phòng chống dịch khi cần. “Hai đứa nhỏ ngày nào cũng điện thoại dặn mẹ phải cẩn thận giữ gìn sức khỏe. Lúc đó chỉ muốn được ở ngay bên con, nhưng tôi biết, trong cơn hoạn nạn của cả thành phố, nghĩa vụ mình phải chu toàn” - chị nói về tình riêng và trách nhiệm chung. Khi dịch đi qua, thành phố bước vào “bình thường mới”, chị Diệu lại cùng với BQL hỗ trợ tiểu thương chuyển hướng kinh doanh, vay vốn, tư vấn cho bà con gặp rắc rối nhằm giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.

Nói về cái sự nhiệt tình vì mọi người, chị nhớ lại, hồi mới “chân ướt chân ráo” đến chợ, với nghề kế toán, chị không quản ngại đỡ một tay sổ sách cho BQL. Ngoài cơ hội phát huy chuyên môn, chị còn cảm thấy hạnh phúc khi được cùng anh chị em tiểu thương lên kế hoạch quyên góp để dựng lại nhà, xây lại cầu cho đồng bào miền Tây.

Hồi đầu tháng 9, biết chị hay giúp người, có hai mẹ con chị kia dắt nhau đến sạp chị Diệu xin đồ mặc. Người mẹ rất tự trọng, chỉ nhận quần áo chứ không cần gì khác. “Tôi vẫn thường gom hàng tồn ở sạp chở lên Đồng Nai để một người bạn chuyên làm công tác xã hội đem tặng những người đang thiếu thốn, cho nên chuyện này khiến tôi nảy ra ý tưởng sẽ quy tụ nhiều tiểu thương hơn, trước hết là ở các ngành hàng quần áo, giày dép, đồ tiêu dùng, tập hợp đồ tồn kho để giúp những người khó khăn” - mắt chị Diệu sáng lên.

Nữ tiểu thương 39 tuổi chân thành: “Tôi vẫn là mình với tất cả những tố chất và lòng trắc ẩn. Vào Đảng rồi, tôi xác định và củng cố tất cả những việc tốt đã làm, đang làm và sắp tới sẽ làm để nỗ lực hơn nữa”.

Lấy cái tích cực để cảm hóa những tồn tại

Cái khéo léo của một đảng viên nơi cộng đồng thương nhân luôn là sự bình dị đúng nghĩa “đầy tớ cho nhân dân”, nhưng không có nghĩa là theo đuôi quần chúng, hạ thấp trình độ nhận thức, phẩm chất chính trị, mà là luôn luôn vững vàng trên lập trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước để trao đổi, sẻ chia với bà con.

Năm 2017, nhân việc chị được phân công hỗ trợ giám sát công trình lắp đặt hệ thống báo cháy, máy bơm chữa cháy tại nhà lồng chợ, chị đã chủ động vận động mỗi hộ kinh doanh trang bị một bình chữa cháy ngay tại quầy sạp, ki-ốt bằng những phân tích thuyết phục về lợi ích với tiểu thương. Năm nay, cùng với tinh thần phục hồi kinh tế sau dịch, chị Diệu lại tiếp tục vận động bà con tiểu thương niêm yết giá cả trên từng mặt hàng kinh doanh để cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Ngoài tuyên truyền, nhắc nhở, chị cùng BQL thường xuyên kiểm tra, lập danh sách những hộ thực hiện theo đúng yêu cầu để nêu gương cho những hộ còn lại. “Tại sao không lấy cái tích cực để cảm hóa những vấn đề còn tồn tại!”, chị giải thích.

Sắp tới, BQL chợ Nhị Thiên Đường sẽ sắp xếp lại quầy sạp đang bỏ trống theo phương án “cho mượn sạp để kinh doanh” nhằm bảo đảm khai thác hết công năng quầy sạp, lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông và không để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường… Phương án này còn nhằm giúp đỡ và hỗ trợ giảm bớt khó khăn ban đầu cho những tiểu thương muốn vào chợ để kinh doanh đúng ngành hàng. Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận tiểu thương hiện đang kinh doanh tự phát trên các tuyến đường Bông Sao, Hoàng Minh Đạo, Bùi Minh Trực, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Nhị Thiên Đường kiểm tra những quầy sạp hiện đang để trống có vị trí thuận lợi, có thể kinh doanh, để đưa bà con vào sạp kinh doanh ổn định cuộc sống.

Phương án “cho mượn sạp để kinh doanh” đang nhận được sự ủng hộ của các tiểu thương cũ cũng như mới. BQL dự kiến sẽ vận động chủ sạp không lấy tiền thuê trong 30 ngày đầu; các khoản do BQL chợ thu theo quy định (gồm bảo vệ hàng hóa đêm, trật tự kinh doanh, phí chợ, vệ sinh…) cũng sẽ miễn trong 30 ngày. Tất cả ý tưởng và phương án ấy đều có sự góp ý của chị Diệu.

Chị Diệu hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ phường 5, quận 8, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Nhị Thiên Đường.

BÀI 2: 13 NĂM BỒI ĐẮP TÌNH YÊU VỚI ĐẢNG

Bén duyên với Đảng từ năm 1994, nhưng đến năm 2007, chị Nguyễn Vũ Song Hòa, tiểu thương chợ Tân Thành (quận 5) - mới đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với chị, hành trình 13 năm ấy được bồi đắp bằng niềm tin đối với phong trào Hội.

Mẹ đỡ đầu của 62 trẻ mồ côi

“D.M.T. có ba đi phụ bán hàng ở chợ Hòa Bình. Đợt vừa rồi cháu được học sinh giỏi. Chị rất mừng”, chị Nguyễn Vũ Song Hòa phấn khởi điểm lại tình hình những đứa trẻ mồ côi cha mẹ vì COVID-19 mà chị nhận đỡ đầu gần một năm nay.

Đầu năm 2022, khi đến nhà trao quà cho D.M.T., thấy thằng bé đang ngồi chơi game, chị Hòa rất lo. Mẹ mất, một mình cha đi phụ việc ở chợ để nuôi ba đứa con. T. đang học lớp Sáu, còn hai đứa em sinh đôi chưa tròn hai tuổi. Thế là không chỉ nhận chăm lo cho T., chị Hòa còn vận động để có thêm một suất chăm lo cho hai đứa trẻ sinh đôi. “Mẹ mất rồi, con phải cố gắng học hành để sau này nhờ tấm thân, đừng phụ lòng các cô chú đã chăm lo cho con nha!” - chị Hòa động viên T., nhưng vẫn có cảm giác không ổn nếu như không theo sát sao những trường hợp này. Đó là lý do mà hằng tháng, chị đều tranh thủ thời gian đến từng nhà, vừa là để trao hỗ trợ nhưng cũng là để nắm bắt tình hình học hành, nuôi dạy, chăm sóc các bé… để kịp thời thông tin cho Hội Phụ nữ.


            Chị Nguyễn Vũ Song Hòa (bìa trái) khen thưởng những học sinh vươn lên học giỏi dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Chị Nguyễn Vũ Song Hòa (bìa trái) khen thưởng những học sinh vươn lên học giỏi dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Chị Hòa không ngờ, kết thúc lớp Sáu, T. được học sinh giỏi. Nhiều em trong số 62 trẻ được chị nhận đỡ đầu cũng được xếp loại giỏi. “Mừng là một năm qua, cuộc sống của các em đã ổn định hơn” - chị Hòa chia sẻ.

62 đứa trẻ mồ côi cha mẹ vì COVID-19 tại quận 4, quận 5, quận 8 và huyện Bình Chánh đã được “tiếp sức yêu thương” từ những đồng lương hưu hoặc từ những khoản thu nhập hằng tháng của chị Nguyễn Vũ Song Hòa và những người bạn trong nhóm từ thiện Hoa Từ Bi. Từ vận động của chị Hòa mà mỗi người trong nhóm, tùy theo khả năng, đã nhận hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng cho từ một đến hai đứa trẻ, với hy vọng sẽ đi cùng các em đến ngày trưởng thành.

“Còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương nhưng chúng tôi không đủ khả năng, chỉ cố gắng hết sức có thể để mỗi năm, những sự hỗ trợ này sẽ phần nào giúp các gia đình bớt đi gánh nặng, để các cháu có tinh thần vươn lên. Mong các cháu hãy yêu quý tình cảm của những người xung quanh đã dành cho mình mà vượt qua nỗi đau hiện tại, nghĩ đến tương lai, cố gắng học tập thật tốt để sau này có một tương lai tốt” - đó là những lời chị Hòa gởi gắm đến 17 trẻ mồ côi tại quận 4 trong ngày chị đến “tiếp sức yêu thương” cho các em.

Vào Đảng là cống hiến chứ không mưu cầu quyền lợi

Không chỉ là một tiểu thương hơn 30 năm kinh doanh phụ tùng xe đạp luôn hướng đến sự “kinh doanh văn minh”, chị Nguyễn Vũ Song Hòa còn là một đảng viên gương mẫu tại chi bộ chợ Tân Thành. Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, chị là một trong những nhà hảo tâm thường xuyên đóng góp và cùng các tiểu thương của chợ tham gia nhiều chương trình từ thiện, hỗ trợ cho các khu vực thiên tai, bão lũ. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, nên khi cuộc sống đã tạm ổn định, chị hướng đến sự chia sẻ với những người khó khăn xung quanh mình. Chị thường xuyên đưa các con đến thăm các trại trẻ mồ côi, những ngôi trường đang nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, người già neo đơn để con biết đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh.

Chị Nguyễn Vũ Song Hòa (bìa phải) trao bảo trợ cho trẻ mồ côi vì COVID-19 tại quận 5.

Chị Nguyễn Vũ Song Hòa (bìa phải) trao bảo trợ cho trẻ mồ côi vì COVID-19 tại quận 5.

Được sự giới thiệu của chi bộ và Ban Quản lý chợ Tân Thành, năm 1994, bà Lê Thị Hiền (má Năm Hiền) - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 5 đã xuống chợ gặp gỡ, vận động chị Hòa vào Đảng. “Giữa ngàn tiểu thương ở chợ, gặp Hòa rất khó. Khi gặp được, tiếp xúc rồi, má biết đây là nhân tố ưu tú. Nhưng khi má nói rõ mục đích của mình thì Hòa từ chối”, má Năm Hiền nhớ lại. Chị Hòa giải thích lý do: “Mặc dù từ nhỏ, tôi đã rất yêu quý Bác Hồ và trong tâm luôn có lòng yêu nước, mong muốn được phụng sự. Thế nhưng ở thời điểm đó, tôi bận rộn buôn bán, chăm lo gia đình, con cái cũng còn nheo nhóc, nên tôi lo mình không có thời gian”.

Phải đến năm 2007, sau 13 năm và qua nhiều đời BQL, chị Hòa mới quyết định vào Đảng trước sự động viên, thuyết phục của các chị em trong Chi hội chợ. Tuy nhiên, sự thuyết phục không phải là yếu tố quyết định. “Trong hành trình 13 năm trước đó, thấy được những điều các dì, các chị Hội mình làm, tôi có đủ thời gian để tình cảm mình dày hơn với phong trào Hội, để hiểu rằng vào Đảng là cống hiến chứ không phải để mưu cầu quyền lợi cho bản thân. Tôi bước vào hàng ngũ của Đảng với tâm niệm sẽ nhắc nhở bản thân nhiều hơn, duy trì và giữ vững lòng yêu nước, yêu dân tộc mình hơn”, chị Hòa nhớ lại cảm xúc ngày được kết nạp.

 BÀI 3: DẤN THÂN CHO LỢI ÍCH CỘNG ĐỒNG

“Tôi đến với Hội vì thương mẹ, rồi từ Hội mà biết thương hơn chị em quanh mình. Được xét kết nạp Đảng, tôi băn khoăn, tự hỏi mình có thể hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao phó, có nêu gương được không? Bởi, tôi chỉ là một phụ nữ bình thường”, chị Huỳnh Thị Khải Hoàng chia sẻ.

Chị Khải Hoàng (41 tuổi, ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) là một đảng viên và là cán bộ nhiệt huyết được Hội Phụ nữ phát hiện, bồi dưỡng từ một bà nội trợ.

Vì thương mẹ mà nhận nhiệm vụ

Quán cà phê Thắm Thía trên đường Nguyễn Văn Cự, phường Tân Tạo A được chị Khải Hoàng và cô em gái Hoàng Nguyên mở năm 2016. Từ đó, nơi này trở thành điểm hẹn của cán bộ, hội viên phụ nữ khu phố 7 của phường. Cứ một, hai tháng, mọi người lại tập trung đến đây để chế biến 400-500 suất ăn rồi chở lên Bệnh viện Ung Bướu (TP. Hồ Chí Minh) phân phát cho bệnh nhân nghèo. Mỗi lần như thế chị Khải Hoàng lại móc tiền túi mua thêm vài thùng sữa tươi, ít bánh ngọt để bổ sung cho suất ăn thêm dày dặn. Bởi cái tính hay nghĩ ngợi nên trong bất kỳ hoạt động từ thiện nào chị cũng tìm cách để có thêm quà. Trong dịp Trung thu vừa qua, dự tính ban đầu chỉ trao 100 phần quà, nhưng rồi chị lo các bé ở các xóm lao động gần đấy thấy vui ghé lại mà không có quà thì tội, nên đã tìm cách chuẩn bị thêm 100 phần nữa. “Chỉ hộp bánh trung thu, ít kẹo với chai nước ngọt, nhưng cháu nào cũng vui, làm mình vui lây”, chị Khải Hoàng hạnh phúc. Toàn bộ quà đều do anh chị em của chị, người làm nội trợ, người buôn bán nhỏ, người làm tài xế góp lại với nhau. “Anh em tôi đều tâm niệm chẳng cần chờ tới khi giàu có mới cho đi, mà trong khả năng của mình có thể giúp gì được cho mọi người, góp vui được cho các cháu, thì làm”, chị Khải Hoàng tâm sự.

Chị Khải Hoàng nối bước mẹ vào căn nhà của Hội.

Chị Khải Hoàng nối bước mẹ vào căn nhà của Hội.

Trước khi mở quán cà phê Thắm Thía, gia đình chị Khải Hoàng ở Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo A. Chồng đi làm xa, còn chị ở nhà quán xuyến gia đình và nuôi dạy hai con nhỏ. Hồi ấy, mẹ chị - dì Lại Thị Cầm - đang là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 7. Thương mẹ tất bật sớm khuya, vừa buôn bán kiếm sống vừa lo việc Hội, nên chị thường theo giúp mẹ, nhân đó rủ rê chị em công nhân đang ở trong năm phòng trọ nhà mình góp sức mỗi khi có hoạt động cộng đồng. Bù lại, mỗi khi Hội tổ chức đưa hội viên đi tham quan, dã ngoại, chị đều khuyến khích chị em tham gia và tài trợ 50% chi phí cho mọi người.

Lặng lẽ đồng hành bên mẹ, chị Khải Hoàng không ngờ mình nhận được sự thương quý của chị em. Đến năm 2013, sức khỏe của mẹ yếu dần nên bà nhờ chị gánh vác việc Hội. Chị bối rối, bởi nghĩ rằng mình chỉ quen nội trợ, làm sao đủ sức đứng ra đại diện cho giới, nhất là việc chăm lo chu toàn đời sống vật chất lẫn tinh thần cho chị em. Nhưng mẹ chị thuyết phục: “Mẹ già rồi, không còn mau lẹ nữa, mà việc Hội thì rất cần người trẻ khỏe”. Bà động viên chị cứ nhận nhiệm vụ và hứa, bà và các chị em khác sẽ cùng sát cánh. Rồi đến hôm “ra mắt”, bà con đồng thanh bầu chị giữ chức Tổ phó tổ dân phố 55 và Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 7.

Từ một cán bộ Hội nhiệt huyết, chị Khải Hoàng được Hội Phụ nữ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân bồi dưỡng để trở thành một nữ đảng viên luôn dấn thân vì lợi ích cộng đồng.

Thắp lên hy vọng về sự sống cho người khác

Đến nay, chị Khải Hoàng đã có gần bảy năm tuổi Đảng. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, chị tâm sự, khi trở thành đảng viên, ý thức về sự nêu gương nơi chị càng lúc càng rõ ràng. Nếu như trước kia, chị muốn mọi thứ lặng lẽ thì sau này chị lại muốn những việc tốt được lan tỏa để nhiều người cùng kề vai chung sức. Như chuyện hiến máu, chị đã thực hiện gần 10 năm nay, mỗi năm ba, bốn lần. Không những thế, chị còn vận động ngày càng nhiều người thân và bà con lối xóm cùng tham gia. Cô em gái Hoàng Nguyên và người chị dâu của chị đã có ngót nghét 30 lần hiến máu. Chị Nguyễn Thị Chi, một bà mẹ ba con sống bằng nghề làm nem chả, hễ nghe chị Khải Hoàng gọi hiến máu là bỏ cả việc để tham gia. Anh Nguyễn Văn Vương, một thợ điện, dù nay đã chuyển chỗ ở đi nơi khác, nhưng cứ nghe chị thông báo hiến máu là quay về góp mặt…

Tháng 7 vừa qua, chị Khải Hoàng làm thủ tục hiến mô tạng sau khi qua đời. Điều đặc biệt là có ba bạn trẻ ở độ tuổi 20-30, vì thương quý chị qua các hoạt động tình nguyện mà cùng theo chị làm thủ tục hiến mô tạng. “Khi tham gia các hoạt động tình nguyện, tôi gặp nhiều bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện, từ đó nhận ra sự sống quý giá và hy vọng cũng quý giá không kém. Tôi nghĩ đơn giản lắm, chết là hết, nhưng nếu cơ thể mình còn có ích, giúp được cho ai đó thắp lên ngọn lửa hy vọng về sự sống, hoặc cho nghiên cứu trong ngành y, thì sao lại không làm”, chị Khải Hoàng bộc bạch.

Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Bình Tân cho biết, từ Tổ phó tổ dân phố, năm 2017 chị Khải Hoàng được bà con tín nhiệm bầu làm Phó Ban điều hành khu phố 7. Chị luôn tiên phong kêu gọi các nữ chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng, sẵn sàng hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những người lao động có hoàn cảnh quá khó khăn; tập, sách, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Hội Liên hiệp phụ nữ quận, phường đã nhiều lần biểu dương chị là tấm gương phụ nữ sống giản dị, chí nghĩa, chí tình. Tháng 6 vừa qua, chị cũng được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen ghi nhận nghĩa cử hiến máu nhiều lần.

BÀI 4: CHỌN GIÚP NGƯỜI – GIÚP ĐỜI LÀM LẼ SỐNG

Với họ, những người lao động bình thường vào Đảng là vinh dự, trách nhiệm, là được học hỏi những người đi trước về lẽ sống và cách giúp đỡ bà con. Suy nghĩ dung dị ấy đã làm nên những phẩm chất cao đẹp.

Thương những cảnh đời éo le

“Chú ơi, bữa nay mình bán được mấy tờ? Nồi thịt kho vừa miệng cô chú không?”, chị Nguyễn Thị Vân, gọi điện cho ông Trần Tố Hà, một người bán vé số thuê phòng ngay từ những ngày đầu chị mở khu trọ ở ấp Chánh, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Đáp lại, giọng bên kia phấn khởi: “Nay 100 tờ đó cô Vân. Thịt mềm và thơm nên bà nhà tôi ăn được. Cô cho quà hoài, thấy ngại quá”. Chị Vân cười: “Có đáng gì đâu chú, miễn cô chú khỏe là mừng”.

Chị Vân (phải) ghé thăm, tặng quà cho bà Oanh, người đang phải vật lộn kiếm tiền nuôi hai đứa cháu mồ côi.

Chị Vân (phải) ghé thăm, tặng quà cho bà Oanh, người đang phải vật lộn kiếm tiền nuôi hai đứa cháu mồ côi.

Khu trọ được xây dựng năm 2012. Từ đó tới nay, chị Vân vẫn giữ nguyên giá 1.500.000 đồng/tháng cho mỗi phòng rộng 28m2. Năm 2017, chị đầu tư nâng nền, làm thêm gác lửng và dự tính sẽ tăng giá 100.000 - 200.000 đồng, nhưng lại sợ bà con áp lực nên chị không tăng nữa. “Riêng vợ chồng chú Hà, tôi chỉ lấy 1.200.000 đồng. Chú thường xuyên lên huyết áp, còn cô bị tiểu đường, tim mạch, phải ra vô bệnh viện quanh năm, mình không nỡ”, chị Vân chia sẻ. Ngoài tiền phòng, điều đặc biệt ở người chủ trọ này là luôn dõi theo những cảnh đời éo le đang ở trọ để kịp thời giúp đỡ, khi bao gạo, lúc thùng mì. Với những cặp vợ chồng lớn tuổi như chú Hà, hễ nấu món gì ngon cho gia đình, chị lại để dành riêng ra, nấu nhừ hơn rồi đem tặng.

 Hiện tại, gia đình chị Vân ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12. Chị đang là Tổ phó tổ dân phố 1, khu phố 11 và là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố. Chị mới được kết nạp Đảng vào tháng 11-2021. Chị tình thiệt: “Mọi người vẫn nghĩ vào Đảng là để được đề bạt lên chức. Nhưng tôi đã 50 tuổi rồi, lại chỉ là một người lao động bình thường, vào Đảng với tôi là vinh dự, cũng là trách nhiệm. Tôi mong qua chi bộ sẽ được học hỏi những người đi trước về cách làm sao giúp bà con mình nhiều hơn, giúp mà không khiến bà con tủi phận nghèo và làm sao để hỗ trợ phụ nữ địa phương về việc làm, nơi ăn chốn ở, để chị em tự tin vào giá trị của bản thân”.

Là “người mới” trong ngôi nhà Hội, nhưng chị Vân đã nhanh chóng có được cảm tình của hội viên nhờ sống chân tình, gần gũi và có mặt kịp thời khi chị em cần. “Có chị Vân giúp, cuộc sống của mẹ con tôi đã dễ thở hơn”, chị Đặng Thị Tuyết Nhung, 41 tuổi, ở tổ 1, khu phố 11, thổ lộ. Cách nay ba năm, chồng chị Nhung qua đời sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư thực quản. Chị một mình nuôi ba đứa con ăn học. Là thợ may nhưng chị không có vốn để lấy vải về bán khi khách cần. Đầu năm nay, ngoài việc bỏ tiền túi để tặng học bổng cho con chị Nhung, chị Vân còn giới thiệu người mẹ nghèo vay 50 triệu đồng vốn để mua máy vắt sổ và lấy vải về bán thêm.

Không nề hà việc khó

Đầu tháng 10, chị Nguyễn Thị Ngọc Lý, 46 tuổi, ngược xuôi vận động khẩu trang, quần áo… để có hàng trăm phần quà tặng cho bà con nghèo tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Tới giữa tháng, chị lại hí hoáy làm các sản phẩm từ rác thải để tham gia hội thi thiết kế “Hãy tái chế tôi” do Hội Liên hiệp phụ nữ quận Bình Tân và trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân tổ chức. Cùng với chị Phạm Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Bình Trị Đông A, chị Lý đang có ý tưởng mở chợ quê ba miền nhằm giới thiệu những nét đẹp văn hóa cũng như các món đặc sản của các tỉnh, thành trên cả nước.

Chị Lý giới thiệu sản phẩm tham gia cuộc thi tái chế rác thải với chủ đề “Hãy tái chế tôi” tại trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân.

Chị Lý giới thiệu sản phẩm tham gia cuộc thi tái chế rác thải với chủ đề “Hãy tái chế tôi” tại trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân.

Trước đây, chị Lý từng có 20 năm làm việc cho Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy sản (INCOMFISH) trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc và được kết nạp Đảng tại đây vào năm 2009. Chị kể: “Tôi lập gia đình năm 2000, 12 năm sau mới có được mụn con. 12 năm đó, tôi ra vô bệnh viện không biết bao nhiêu lần. Có con, tôi vừa đi làm, vừa đi học đại học, vừa chăm con. Để hoàn thành nhiệm vụ, tôi đã nhận được sự chia sẻ rất lớn của đồng nghiệp, đồng chí”.

Nhà ở quận Bình Tân, con học ở quận 6 theo hộ khẩu bên chồng, chồng làm ở quận 1, còn chị lại làm ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Sống cảnh một nhà mà ba, bốn lối đi về khiến chị Lý vừa đuối sức vừa thiếu thời gian cho con. Thế nên, vào năm 2018, chị xin nghỉ việc. Chuyện nghỉ việc khiến chị phải đắn đo suy nghĩ nhiều ngày. Thế nhưng chuyển sinh hoạt đảng về khu phố 6, phường Bình Trị Đông A lại là cơ hội để chị sống gần hơn với bà con lao động và tham gia các hoạt động xã hội có ích tại địa phương như ra quân vệ sinh môi trường, vận động kinh phí giúp đỡ bà con nghèo... Bất kể mưa nắng, không hoạt động nào chị Lý vắng mặt. Bồn xi măng nằm giữa trục chính chạy từ đầu đường Lê Văn Quới vào tới văn phòng khu phố 6 dài gần 1.000m, trước đây chỉ có nước đọng, cỏ dại và rác, nay rực rỡ sắc hoa mười giờ là nhờ chị Lý và bà con đã ra tay cải tạo.

Sân nhà chị hiện cũng là nơi luyện tập hằng đêm của Câu lạc bộ dân vũ thể thao Sức Sống Mới của khu phố.

Chị Lý đang là Tổ trưởng tổ phụ nữ 123, khu phố 6, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Sau những đóng góp miệt mài của chị, Hội Liên hiệp phụ nữ Bình Trị Đông A vừa đề xuất lên Đảng ủy phường và Hội Liên hiệp phụ nữ quận xem xét bầu bổ sung chị vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường nhiệm kỳ 2021-2026.

BÀI CUỐI: HỘI PHỤ NỮ VÀ NHỮNG CUỘC “ĐÃI CÁT TÌM VÀNG”

Tìm những quần chúng ưu tú để giới thiệu vào Đảng được ví như “đãi cát tìm vàng”. Nếu cấp ủy, chi bộ có nhiệm vụ thu hút, định hướng, giúp đỡ những quần chúng ưu tú, có cảm tình với Đảng thì Hội Phụ nữ lại có nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện những quần chúng ưu tú của giới để giới thiệu với tổ chức.

Nhiều trở ngại, khó khăn do đặc thù công việc

Ghi nhận ở nhiều Hội liên hiệp phụ nữ các quận huyện cho thấy trong vòng 5 năm qua, có nhiều địa phương không phát triển được một đảng viên mới nào là nữ tiểu thương, nữ nông dân hay nữ chủ nhà trọ.

Là đơn vị có kha khá nữ tiểu thương, nữ chủ nhà trọ được kết nạp Đảng, Hội liên hiệp phụ nữ quận 8 chia sẻ một kinh nghiệm quý, đó chính là sự phối hợp nhịp nhàng của Hội cùng địa phương, đơn vị để giúp đỡ cảm tình Đảng.

Chị Hoàng Ngọc Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 8 cho biết: “Do đặc thù công việc nên việc phấn đấu vào Đảng với các chị em tiểu thương, nữ chủ nhà trọ cứ như là câu chuyện… rất xa xôi. Để phát hiện một hội viên ưu tú có tình yêu và niềm tin với Đảng để giới thiệu cho tổ chức bồi dưỡng, kết nạp là cả một quá trình. Từ phong trào phụ nữ, dễ thấy nhiều chị em nổi bật bởi phẩm chất, năng lực, uy tín và có tình yêu với Đảng. Nhưng khi nói về chuyện vào Đảng thì các chị thường lắc đầu. Họ ngại vì đặc thù công việc, vì chưa hiểu hết giá trị của việc phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Để có một hội viên trở thành đảng viên, thường Hội Phụ nữ phải kết hợp chặt chẽ với chi bộ nơi các chị sinh sống, buôn bán kinh doanh, để cùng nhau vận động”.

Ngày chị Phan Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường 2, quận Tân Bình vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ngày chị Phan Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường 2, quận Tân Bình vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Từng có kinh nghiệm phối hợp với Hội Phụ nữ chợ Nhị Thiên Đường trong việc hướng dẫn, giúp đỡ hội viên phấn đấu vào Đảng, ông Phan Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Nhị Thiên Đường cho rằng, việc phát triển Đảng viên vốn đã khó lại càng khó trong môi trường kinh doanh. Tiểu thương đa số đã lớn tuổi, còn các bạn trẻ hơn thì chưa đủ điều kiện. Ba năm qua Chi bộ chợ Nhị Thiên Đường chưa kết nạp thêm được đảng viên mới nào. “Chúng tôi vẫn nỗ lực tìm kiếm. Nhưng kiếm được rồi, đang bồi dưỡng thì họ lại bỏ về quê. Phát triển được một đảng viên là tiểu thương gắn bó với chợ, không gì quý hơn”, ông Phan Anh Tuấn nói.

Cảm nhận được ý nghĩa của phong trào mới cảm tình với tổ chức

Nhớ lại chuyện phải vào các chợ để tiếp cận tiểu thương cũng như thâm nhập vào các doanh nghiệp tư nhân để vận động, thuyết phục công nhân, chủ doanh nghiệp vào Đảng theo chỉ đạo của Thành ủy TP.Hồ Chí Minh và phân công của Quận ủy quận 5, bà Lê Thị Hiền, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 5 cho biết, đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng với suy nghĩ “vừa học vừa làm” để tìm ra phương pháp tốt nhất với một nhiệm vụ chưa có tiền lệ, cách nay 20 năm, bà Hiền đã len lỏi vào các chợ Tân Thành, Bàu Sen, Kim Biên, Hòa Bình, An Đông, là những chợ có đông chị em nữ tiểu thương ở quận 5, trưởng - phó ban quản lý chợ cũng là nữ. Theo lời bà Hiền, mỗi chợ có vài trăm đến cả ngàn tiểu thương, do đó công tác tiếp cận phải bắt đầu từ lực lượng nòng cốt, là tổ trưởng, tổ phó các ngành hàng. Như vậy, địa chỉ tiếp xúc đầu tiên phải là ban quản lý chợ. Từ những tiêu chuẩn đưa ra, bà nhờ ban quản lý chợ giới thiệu đối tượng phù hợp và sắp đặt những cuộc tiếp xúc. “Để gặp được chị em tiểu thương có khi phải mất vài tuần lễ. Mình phải đợi chị em xong việc bán buôn rồi mới nói chuyện, cho nên thường phải chờ đến trưa đứng bóng”, bà Lê Thị Hiền kể.

Bà Lê Thị Hiền (bìa phải) trong buổi họp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2022).

Bà Lê Thị Hiền (bìa phải) trong buổi họp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2022).

Nhiều năm làm công tác phát triển Đảng, đối với bà Lê Thị Hiền, tiểu thương, nữ chủ nhà trọ… luôn là đối tượng khó vận động nhất.

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến 2021, các cấp Hội tại thành phố đã giới thiệu 11.276 hội viên ưu tú cho Đảng và trong đó có 3.671 chị được xem xét, bồi dưỡng kết nạp, chiếm tỷ lệ 32,56%. Đây là nỗ lực lớn của từng cá nhân và các chi, tổ hội, đặc biệt là với những chị em phụ nữ trong các nhóm đặc thù như nữ tiểu thương, nữ chủ nhà trọ, nữ nông dân…

Tiếp cận đã khó, thuyết phục chị em đồng ý phấn đấu vào Đảng càng khó, bởi đa phần họ rất bận rộn, chỉ mải mê buôn bán. Bài học bà rút ra từ công tác dân vận là: câu chuyện ban đầu bao giờ cũng là “mắm muối, dưa cà”, hỏi thăm hoàn cảnh, cuộc sống gia đình để tạo sự gần gũi, gắn kết. Những câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan ấy đã giúp bà “điều tra lý lịch” của đối tượng một cách tế nhị, qua đó bà biết rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của chị em, những lo toan về chuyện gia đình, con cái để báo cáo với quận Hội và chi hội phụ nữ chợ, khu phố hỗ trợ, động viên bằng những nguồn vốn vay lãi suất thấp, hoặc trao học bổng cho con em những tiểu thương khó khăn; chia sẻ cùng các nữ chủ nhà trọ trong chăm lo công nhân, người thuê trọ… “Nếu xuống vận động ngay là thất bại. Phải tìm cách đưa các hoạt động, phong trào vào chợ, vào nhà trọ một cách tự nhiên, gần gũi, để chị em cảm nhận được ý nghĩa tốt đẹp của các phong trào thì mới có cảm tình với tổ chức”, bà Lê Thị Hiền khẳng định.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh trao danh sách hội viên ưu tú cho cấp ủy đảng địa phương nhân dịp kỷ niệm 8-3-2022.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh trao danh sách hội viên ưu tú cho cấp ủy đảng địa phương nhân dịp kỷ niệm 8-3-2022.

Một nữ cán bộ Hội tiết lộ “bí quyết” trong những lần xuống chợ, hay vào các khu nhà trọ tiếp xúc, vận động chị em cảm tình Đảng phấn đấu vào Đảng bà không đi một mình mà gọi thêm người đứng đầu chi hội phụ nữ và đại diện ban quản lý chợ, khu dân cư… đi theo để họ nắm nội dung, biết cách làm việc, để sau đó họ tiếp tục vận động. Nếu vận động thành công thì việc kết nạp do chi bộ chợ, khu phố nơi đó phụ trách. Thông qua những cuộc gặp đó, chi hội phụ nữ tại nơi ấy sẽ có cơ hội và biết cách đi sâu vào đời sống, tâm tư tình cảm của chị em, từ đó gây dựng những phong trào phù hợp, đáp ứng được mong mỏi. Và rồi từ đó lại phát hiện ra các nhân tố mới để định hướng, bồi dưỡng, giúp đỡ họ phát triển và giúp tổ chức ngày càng lớn mạnh.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất