Bài 1: Hành trình tăng
trưởng ngoạn mục của Bắc Giang sau đại dịch
Từng bị đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề, các con số thống
kê mới đây cho thấy, Bắc Giang đang bứt phá, tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, trở
thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội.
Hồi sinh sau đại dịch
9h
sáng, hàng trăm công nhân phân xưởng may mặc của Công ty BGG Bắc Giang (thị
trấn Kép, huyện Lạng Giang) hăng say hoàn thành các đơn hàng chờ xuất sang thị
trường Châu Âu. Hướng mắt về phía nhóm công nhân đang hăng say làm việc, ông
Dương Thanh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, cách đây tròn một năm,
dịch Covid-19 quét qua, cảnh tượng tại phân xưởng lúc ấy thật sự “rất đau
lòng”.
Hồi
sinh mạnh sau đại dịch, Công ty BGG hiện nay có gần hai nghìn công nhân làm
việc ổn định với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/lao động. Các đơn hàng
trong và ngoài nước đang được hoàn thành để giao kịp tiến độ. BGG Bắc Giang chỉ
là một trong hàng trăm doanh nghiệp tại tỉnh này đang hồi sinh mạnh mẽ sau đại
dịch Covid-19. Từng doanh nghiệp khôi phục hoạt động sau dịch bệnh đang đóng
góp vào bức tranh kinh tế tỉnh Bắc Giang những kết quả tích cực.
Thống
kê sáu tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
tỉnh Bắc Giang đạt tới 24%. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay của Bắc
Giang và đứng đầu cả nước. Ngoài ra, bảy tháng đầu năm 2022, tỉnh thu hút hơn
một tỷ USD tổng vốn đầu tư quy đổi. Riêng với các dự án có vốn đầu tư nước
ngoài (FDI), Bắc Giang thu hút được hơn 800 triệu USD (đứng thứ 7 cả nước). Trong
tám tháng năm 2022, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của
Bắc Giang tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thống
kê mới nhất của tỉnh Bắc Giang cho thấy, toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp được
Thủ tướng chấp thuận chủ trương. Trong đó có 5 khu công nghiệp đang hoạt động
với tỉ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối. Từ việc chủ động đón làn sóng dịch chuyển
đầu tư, trong vòng sáu tháng, tỉnh Bắc Giang có 19 dự án FDI cấp mới với tổng
vốn đăng ký lên đến gần 300 triệu USD; 26 dự án khác tăng tổng vốn thêm gần 600
triệu USD. Số
liệu thống kê từ 2015 đến nay, tỉnh này đã thu hút thêm được 6,4 tỷ USD, đưa
tổng vốn FDI đăng ký lên 8,84 tỷ USD; Bắc Giang đứng thứ 13 toàn quốc về thu
hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cùng với việc hồi sinh các doanh nghiệp trong
và ngoài khu công nghiệp, hơn 300 nghìn lao động tại Bắc Giang đang duy trì
công việc ổn định với thu nhập bình quân ở mức khá.
|
Trao
đổi với VietNamNet về tốc độ tăng trưởng tích cực đạt được, Phó Bí thư Thường
trực Tỉnh ủy Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng chia sẻ: “Tỉnh đón nhận kết quả trên
trong tâm thế chủ động và xem đó là tiền đề, nguồn động lực để tiếp tục bứt phá,
hoàn thành các mục tiêu trong thời gian tới”. Bà Hồng nói thêm, kết quả trên
đạt được trong bối cảnh tỉnh Bắc Giang vừa trải qua hơn một năm chống chọi với
đại dịch Covid-19. Tỉnh từng chứng kiến hàng trăm doanh nghiệp tạm dừng hoạt
động, phá sản; áp lực cân não thuyết phục các nhà đầu tư “đại bàng” khi chuỗi
cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; kết quả tăng trưởng có giai đoạn tụt về con số
âm… Để gượng dậy sau đại dịch và lấy lại đà tăng trưởng tích cực, theo bà
Hồng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 nhiệm kỳ 2020-2025 được xác định là cột
mốc quan trọng.
Tỉnh
ủy Bắc Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 là đưa Bắc Giang
trở thành một tỉnh công nghiệp. Cũng trong năm 2025, Bắc Giang đặt mục tiêu sẽ
tự cân đối về thu chi ngân sách. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang nhìn
nhận, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang hướng đến sự bền vững và nâng
cao chỉ số hạnh phúc của người dân.
Nỗi lo giữa tăng trưởng
Trực
tiếp phụ trách về lĩnh vực kinh tế của Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan
Thế Tuấn nhìn nhận, kết quả tăng trưởng của tỉnh đạt được xuất phát từ định
hướng phát triển của tỉnh tập trung ba mũi nhọn chính gồm công nghiệp, dịch vụ
và nông nghiệp. “Bắc Giang có dư địa phát triển công nghiệp rất tốt”, ông Tuấn
nói và viện dẫn, tỉnh có lợi thế về giao thông khi có tuyến cao tốc kết nối từ
Hà Nội đi Lạng Sơn, Thái Nguyên; các trục quốc lộ kết nối vùng với các địa
phương lân cận. Đặc biệt, Bắc Giang có nhiều nguồn lực phát triển khi có số
lượng lao động lớn, lành nghề. Dù
vậy, ông Tuấn thẳng thắn chia sẻ, trong bức tranh tăng trưởng kinh tế chung của
tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế cần tháo gỡ. Một trong số đó là sự tăng
trưởng không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Việc phục hồi và phát triển sau
đại dịch tập trung vào các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang
gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Tỉnh
đã nhận ra và tổ chức rất nhiều giải pháp, thậm chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh
trực tiếp xuống với doanh nghiệp để lắng nghe, động viên và ban hành các chính
sách để tiếp sức cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói. Đặc
biệt, ông Phan Thế Tuấn cho biết, cơ cấu kinh tế hiện nay của tỉnh phụ thuộc
lớn vào các dự án FDI. Đại dịch Covid xảy ra đã cho thấy, khi dịch tấn công vào
khu vực kinh tế này sẽ kéo giảm sự tăng trưởng của toàn tỉnh. Thậm chí, đưa chỉ
số này về tăng trưởng âm.
Từ
đây, Bắc Giang một mặt thu hút các dự án FDI chất lượng cao, mặt khác triển
khai đồng loạt các giải pháp để thu hút các doanh nghiệp nội đầu tư trên địa
bàn. Ngoài ra, ông Tuấn chia sẻ, tỉnh Bắc Giang đang phát triển rất mạnh về
công nghiệp. Tuy nhiên, các dịch vụ đi kèm hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu
cầu từ thực tiễn đặt ra. Việc đầu tư phát triển tại các huyện, thành phố
vẫn chưa đồng đều, các huyện miền núi thu hút đầu tư còn chậm.
Mở rộng không gian phát
triển
Nhận
diện rõ những tồn tại hiện hữu, tỉnh Bắc Giang triển khai hàng loạt giải pháp
để đưa phát triển của tỉnh theo hướng bền vững. Một trong những nhiệm vụ trọng
tâm tỉnh hướng đến là cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Một trong những ưu
tiên của tỉnh là tập trung cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Việc cải cách
này bắt đầu từ thái độ phục vụ của cán bộ với người dân, doanh nghiệp.
Đại
dịch Covid-19 gây ra nhiều tổn thất với Bắc Giang, nhưng cũng từ đó, Bắc Giang
linh hoạt trong việc “chớp thời cơ vàng” để tạo đà phát triển. Một
trong những dẫn chứng rõ nét nhất của việc chớp thời cơ của Bắc Giang là giữ
chân lao động. Khi dòng chảy lao động Bắc Giang rời khỏi các tỉnh phía Nam trở
về quê, tỉnh nhanh chóng có hàng loạt chính sách để lực lượng lao động lành
nghề này làm việc trên chính quê hương mình.
Bên
cạnh có nguồn lao động dồi dào, lành nghề, theo ông Phan Thế Tuấn, Bắc Giang
chớp thời cơ về “làn sóng dịch chuyển đầu tư” sau đại dịch đã có những tác động
tích cực. Thống kê của UBND tỉnh cho thấy, đã có trên 500 doanh nghiệp, nhà đầu
tư trong và ngoài nước mong muốn đầu tư tại Bắc Giang. Dù vậy, ông Phan Thế
Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định tỉnh không ồ ạt thu hút các
dự án FDI mà có “sự chọn lọc”. Tỉnh kiên định chọn các dự án không ô nhiễm, sử
dụng ít đất, lao động và ưu tiên nhà đầu tư công nghệ cao, suất vốn và hiệu quả
kinh tế cao.
Một
điểm nhấn đáng chú ý trong việc hoạch định chiến lược phát triển của Bắc Giang
là mở rộng không gian phát triển bằng cách kết nối vùng. Cụ thể hóa quan điểm
trên, vào đầu năm 2022, tỉnh Bắc Giang cùng với Quảng Ninh và Hải Dương chính
thức thực hiện các chính sách về liên kết vùng để thúc đẩy tăng trưởng các địa
phương. Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, các thế mạnh, tiềm năng đặc
trưng của địa phương, việc ký kết liên kết vùng được kỳ vọng sẽ mang đến kết
quả tích cực. “Trong thời gian tới, việc Bắc Giang có biển từ kết nối vùng với
Quảng Ninh là điều khả thi”, Phó Chủ tịch Phan Thế Tuấn chia sẻ.
Quan
điểm của Bắc Giang trong việc liên kết vùng là ưu tiên hợp tác trên các lĩnh
vực, trong đó số một là làm tốt hạ tầng giao thông và văn hóa, du lịch. “Để
phát triển bền vững, chúng tôi xác định không chỉ đi một mình mà phải có sự
đồng hành của các địa phương trong vùng như Quảng Ninh, Hải Dương”, ông Phan
Thế Tuấn nhấn mạnh.
Bài 2: Chinh phục 'đại bàng' tỷ USD
và hành trình tăng trưởng xuyên đại dịch của Quảng Ninh
5
năm liên tiếp chiếm đỉnh bảng xếp hạng PCI, tăng trưởng kinh tế xuyên đại dịch
với nhiều nhà đầu tư tỷ USD đặt chân, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành các nhiệm vụ tưởng
như “bất khả thi”.
Thuyết phục “đại bàng” tỷ USD
Tháng
3/2021, giữa lúc đại dịch Covid càn quét khiến nhiều khu công nghiệp đóng băng,
nhiều ngành nghề bị tàn phá nặng nề, một doanh nghiệp “đại bàng” chọn Quảng
Ninh để rót vốn đầu tư dự án gần 1 tỷ USD.
|
Nhiều
câu hỏi được đặt ra, rằng Quảng Ninh đã làm cách nào để “hút” trọn vẹn 2 dự án
liên quan đến sản xuất tấm quang năng quy mô lớn của Công ty TNHH Công nghiệp
Jinko Solar Việt Nam (Công ty Jinko)? Hai
dự án này gồm dự án công nghệ tế bào quang điện và Dự án công nghệ tấm silic,
đặt tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tổng mức đầu tư lên đến 865,6 triệu
USD. Kể về quá trình quyết định đầu tư trên, Tổng Giám đốc đối ngoại, kiêm Giám
đốc điều hành Công ty Jinko - ông Hoàng Kim Tinh cho biết, thời điểm ban đầu
công ty vẫn đắn đo vì đây là địa phương hoàn toàn mới mẻ. Lúc đầu, công ty
Jinko chỉ có ý định thực hiện Dự án công nghệ tế bào quang điện, còn Dự án công
nghệ tấm silic – nơi sản xuất nguyên liệu đầu vào cho Dự án công nghệ tế bào
quang điện để sản xuất sản phẩm cuối cùng là tấm quang năng thì chưa có kế
hoạch đặt tại Quảng Ninh.
Một
cuộc khảo sát “âm thầm” được triển khai độc lập về nhiều khía cạnh từ thủ tục
hành chính, quy mô kinh tế… “Khảo sát của các chuyên gia công ty Jinko cho
thấy, Quảng Ninh có sự ổn định về phát triển kinh tế, đặc biệt nhất là sự
vào cuộc hỗ trợ nhiệt tình của hệ thống chính trị”, ông Hoàng Kim Tinh nói về
lý do then chốt khiến Jinko song hành cùng Quảng Ninh. Với
sự quyết liệt, kiên trì thuyết phục của chính quyền Quảng Ninh, ngày 10/1/2022,
công ty Jinko tổ chức lễ khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của Dự
án công nghệ tấm silic.
Theo
ông Hoàng Kim Tinh, Quảng Ninh có rất nhiều điều kiện lý tưởng và thuận lợi để
tiến hành đầu tư, trong đó việc hỗ trợ trước và sau đầu tư là rất chuyên nghiệp
và bài bản. “Đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh hiện có 5 khu kinh tế đã được thành lập
và đang hoạt động trong đó có 2 khu kinh tế ven biển. do nằm trong khu kinh tế
nên các doanh nghiệp đến đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi tương ứng
về đầu tư, thuế.
Chia
sẻ về điều tâm đắc nhất khi đầu tư vào Quảng Ninh, ông Tinh cho rằng tỉnh có
điều kiện thông thương với Trung Quốc tốt nhất Việt Nam qua hệ thống các cửa
khẩu trên đất liền và trên biển. Trong đó phải kể đến cửa khẩu Móng Cái, Bắc
Phong Sinh, cảng nước sâu Cái Lân. Do vậy mà việc nhập khẩu nguyên vật liệu,
máy móc qua đường bộ, biển rất thuận tiện và nhanh chóng. Cái khác biệt nhất ở
Quảng Ninh đó là các vấn đề liên quan đến chuyên gia nước ngoài, nhập khẩu máy
móc nguyên vật liệu luôn nhận được sự hỗ trợ của tỉnh.
Đặc
biệt đối với việc nhập cảnh của chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài, chính
quyền tỉnh luôn kịp thời giải quyết nhu cầu nhập cảnh để không ảnh hưởng đến
tiến độ chung của dự án. "Bất ngờ nhất là việc hỗ trợ sau đầu tư, khi gặp
khó khăn, công ty chúng tôi phản hồi thì tỉnh Quảng Ninh luôn tích cực, chủ
động ghi nhận, lắng nghe, lập tức tham gia giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề
thông qua các cuộc họp, các chỉ đạo cụ thể kể cả vào ngày nghỉ theo quy
định", ông Hoàng Kim Tinh cho biết. Dự án trên của Công ty Jinko Việt Nam
là 2 trong tổng số 150 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng
lãnh thổ trên thế giới. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 8,26 tỷ USD.
5 năm giữ đỉnh PCI
Theo
báo cáo kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021 do Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Quảng Ninh giữ vững vị trí
số 1 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Với kết quả trên, Quảng Ninh duy trì 5
năm liên tiếp xếp thứ nhất và 9 năm liên tiếp trong top 5 các tỉnh, thành phố
có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Quảng Ninh cũng là tỉnh
duy nhất được VCCI xếp hạng có chất lượng điều hành kinh tế rất tốt vào năm
2021.
Nhờ
những nỗ lực cải nêu trên, các con số thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng
kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh giai đoạn 2016-2021 luôn đạt mức tăng trưởng trên
hai con số. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tốc dộ tăng trưởng kinh tế
GRDP của Quảng Ninh đạt 10,66%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 28.671 tỷ đồng,
tổng vốn cho đầu tư phát triển ước đạt 42.310 tỷ đồng, và đã thu hút được trên
5,5 triệu lượt du khách đến với tỉnh. Số liệu thống kê trên cho thấy, Quảng
Ninh bứt phá mạnh mẽ, tạo nên điểm sáng về việc thực hiện “mục tiêu kép” – vừa
chống dịch hiệu quả vừa tăng trưởng kinh tế.
Hoàn thiện “đường băng” đưa tỉnh cất
cánh
Nói
về việc thu hút các nhà đầu tư “đại bàng”, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn
Xuân Ký cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tô điểm vào bức tranh phát
triển kinh tế với nhiều lợi thế nổi trội. Trong đó, Quảng Ninh là địa phương
duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc,
có 3 cửa khẩu. Đây là nền tảng để thúc đẩy phát triển thương mại biên mậu, trao
đổi hàng hóa và dịch vụ với thị trường trên 1 tỷ dân.
|
Sân bay Vân Đồn.
|
Đến
nay, Quảng Ninh có hơn 200km đường cao tốc đi qua (chiếm 1/10 chiều dài đường
cao tốc cả nước), thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ còn lại 1,5 giờ
và đến TP Móng Cái (cửa khẩu quốc tế của tỉnh Quảng Ninh) chỉ còn 3 tiếng di
chuyển. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên
của Việt Nam được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.
Nền
tảng để Quảng Ninh phát triển còn dựa trên nội lực đó là có tổng diện tích khu
công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước với những lợi thế khác biệt như 2 khu
kinh tế ven biển, 3 khu kinh tế cửa khẩu, 16 khu công nghiệp. Các khu kinh tế ,
khu công nghiệp của Quảng Ninh được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cao
tốc tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển mua bán hàng khóa. Các khu
kinh tế ven biển và cửa khẩu Quảng Ninh đều được Chính phủ cho phép hưởng cơ
chế chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất. Nỗi
trăn trở của hệ thống chính trị Quảng Ninh khi điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ
tầng đã có nhưng phải làm sao cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sao cho
nhanh, nhạy và hiệu quả. Về việc này, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhìn nhận quan
trọng nhất là công tác cải cách hành chính.
"Trong
khi đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội giúp giảm chi phí trực tiếp, thì
việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần cắt
giảm các chi phí gián tiếp của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư,
sản xuất, kinh doanh", ông Nguyễn Xuân Ký nhận định. Nhiều mô hình mới
phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thiết lập, vận hành hiệu quả như: Trung
tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác
Investor care ...
Sau
những cố gắng thay đổi, phát triển để thích ứng đã có những quả ngọt đầu tiên
người dân Quảng Ninh được thụ hưởng. Dù được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ” -
Quảng Ninh với mục tiêu muốn “quả ngọt” ra mãi đã từng bước hiện thức hóa việc
mở rộng không gian phát triển. Đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cùng với Bắc Giang
và Hải Dương chính thức thực hiện các chính sách về liên kết vùng nhằm thúc đẩy
tăng trưởng các địa phương. Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, các thế
mạnh, tiềm năng đặc trưng của địa phương, việc ký kết liên kết vùng được kỳ
vọng sẽ mang đến kết quả tích cực.
Bài 3. Vùng quê nghèo thành trung
tâm công nghiệp lớn
Từ
một vùng đất khô cằn, từ khi Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn đi vào hoạt động đã làm
“thay da, đổi thịt” cả một vùng quê nghèo xứ Thanh. Nay Nghi Sơn trở thành một
trong những trung tâm công nghiệp đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả
nước.
Quyết làm Khu kinh tế
Nếu
như trước đây có câu “Nhất Gia, nhì Xương”, ý muốn nói tới sự nghèo khó của hai
huyện vùng ven biển ở phía Nam của tỉnh Thanh Hóa là Tĩnh Gia (nay là Nghi Sơn)
và Quảng Xương thì nay cả hai địa phương đã đổi thay rõ rệt. Nghi Sơn hiện đang
phát triển mạnh, mang dáng vóc của một thành phố biển hiện đại, trù phú. Để có
được thành quả như ngày hôm nay, các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm không thể quên
được người “đặt nền móng” cho sự ra đời của KKT Nghi Sơn lúc bấy giờ. Người đó
là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi.
|
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi.
|
Chia
sẻ với VietNamNet, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi cho biết, năm
2001, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Khu Công nghiệp (KCN) Nghi
Sơn. Lúc bấy giờ, các cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa nhận định nếu chỉ là KCN
như mọi KCN khác, thì tiềm năng và thế mạnh của Nghi Sơn sẽ không được phát huy
đầy đủ. Mục tiêu đặt ra là phải xúc tiến thành lập KKT. Chỉ có như vậy mới có
cơ chế đặc thù, và từ đó sẽ có nhiều các công ty lớn về đầu tư.
“Đây
là thời điểm khá nhạy cảm. Vì trước đó đã có một số KKT trong nước được thành
lập nhưng không phát huy hiệu quả. Từ đó, tạo ra một làn sóng dư luận, khiến
Trung ương phải xem xét”, ông Lợi cho biết. Nghi Sơn có lợi thế nổi bật và
riêng so với các địa phương khác, đó là cảng nước sâu. Cảng này có khả năng
phát triển thành một trong những cảng biển lớn của cả nước, với khả năng tiếp
nhận tàu có trọng tải lên tới 50.000DWT, năng lực xếp dỡ lên đến hàng trăm
triệu tấn/năm. “Từ
những lợi thế và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa, chúng tôi đã chủ
động trình bày ý tưởng dự án với các bộ, ban, ngành Trung ương. Đúng như dự
đoán, một số ý kiến từ phía Trung ương chưa được đồng thuận. Lúc bấy giờ chúng
tôi đã bằng mọi cách để trình bày, thuyết phục và cuối cùng cũng được đồng
thuận”, ông Lợi nhớ lại.
Ngày
15/5/2006, KKT Nghi Sơn chính thức được thành lập theo quyết định số 102/QĐ-TTg
của Thủ tướng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, KKT Nghi Sơn đã thu hút được
các dự án lớn như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Xi măng
Nghi Sơn, Dây chuyền 1 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, các dự án may mặc, da
giày... Để
“giữ chân” được các dự án lớn, công tác giải phóng mặt bằng được quan tâm hàng
đầu. Có đợt cao điểm, chỉ trong 40 ngày huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn)
phối hợp với KKT Nghi Sơn đã di chuyển được gần 700 hộ dân tới khu tái định cư
mới. Chỉ tính đến cuối năm 2008, KKT Nghi Sơn đã giải phóng mặt bằng cho 31 dự
án, với diện tích 831,67 ha.
Giờ
đây, KTT Nghi Sơn đã phát triển sôi động có vai trò to lớn trong định hướng,
chiến lược phát triển vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, và trở thành một trong các KKT
động lực của Việt Nam với một số dự án trọng điểm, mang tầm quốc gia, đóng góp
quan trọng vào các chỉ số tăng trưởng và thu ngân sách hằng năm của tỉnh.
Góp gần một nửa tổng thu ngân sách
Ông
Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp
(gọi tắt là KKT Nghi Sơn) tỉnh Thanh Hóa cho biết, KKT Nghi Sơn đang tạo việc
làm cho gần 37 nghìn lao động. Lũy kế đến nay có 264 dự án đầu tư trong nước
tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.084 tỷ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài với
tổng vốn đăng ký đầu tư là 12.809 triệu USD. Lũy kế giá trị thực hiện đạt
68.051 tỷ đồng và 12.078 triệu USD.
|
Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
|
Năm
2021, KKT Nghi Sơn nộp ngân sách nhà nước hơn 16.000 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm
2022 là hơn 11.600 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng thu ngân sách trên địa bàn
tỉnh. Để có
được những kết quả nổi bật nêu trên, ngay từ những ngày đầu, Thanh Hóa đã xác
định tầm chiến lược quan trọng của KKT Nghi Sơn và hạt nhân là Liên hợp Lọc hóa
dầu (LHLHD) Nghi Sơn. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã
tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào nơi đây.
Đáng
kể như đầu tư về giao thông, sau khi đưa Cảng Hàng không Thọ Xuân vào khai thác
dân dụng, Thanh Hóa đã trở thành một trong số ít địa phương có hệ thống giao
thông toàn diện, đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển và đường
hàng không. Cùng với đó là đầu tư xây dựng tuyến đường từ KKT Nghi Sơn đi sân
bay Thọ Xuân, dài khoảng 60km đưa vào sử dụng. Như vậy, chỉ riêng khu vực KKT
Nghi Sơn, hệ thống giao thông kết nối đã hoàn thiện, tạo thuận lợi rất lớn cho
các nhà đầu tư.
Ngoài
ra, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, các dự án đầu tư vào KKT Nghi
Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa được hưởng các ưu đãi vượt trội
về đất đai, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp... Đây là tiền đề
rất quan trọng để Thanh Hóa sớm trở thành một trong những trung tâm lớn của
vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo,
sớm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở
thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Theo
báo cáo tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, dự toán thu NSNN trên
địa bàn năm 2022 là 28.143 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 27.143 tỷ đồng; thu từ
hoạt động xuất nhập khẩu 11.000 tỷ đồng. Chỉ mới 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu
NSNN trên địa bàn đã ước đạt 26.334 tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán cả năm và tăng
63% so với cùng kỳ năm 2021, và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Bài 4. Cách Bình Dương làm để thu
hút vốn FDI dẫn đầu cả nước
Từ
chỗ có nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, nhờ cách chăm sóc nhà đầu tư bài bản,
Bình Dương từ vị trí thứ tư (2021) đã vọt lên trở thành tỉnh thu hút FDI dẫn
đầu cả nước.
Khôi phục và phát triển
Những
ngày này, hàng ngàn công nhân của công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (chuyên sản
xuất linh kiện ô tô ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đang hối hả làm việc trong các
dây chuyền sản xuất. Không khí làm việc tại đây rất khẩn trương để đáp ứng đủ
số lượng đơn hàng. Yazaki EDS là một trong những doanh nghiệp đã từng phải gồng
mình chống chọi trong lần bùng phát đại dịch Covid-19 vừa qua, bị ảnh hưởng
nặng nề về hoạt động sản xuất.
|
Công ty Yazaki
|
Kể từ
lần xuất hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên tại công ty từ 7-7-2021, hoạt động
sản xuất của doanh nghiệp buộc phải dừng ngay lập tức. Để
việc cung ứng sản phẩm đến khách hàng không bị gián đoạn, công ty Yazaki bắt
đầu thực hiện sản xuất 3 tại chỗ kéo dài hơn 3 tháng, chỉ với nguồn lực trong
khoảng gần 20% so với năng lực hiện tại. Thời điểm này, công ty chủ yếu sản
xuất cầm chừng nhằm duy trì việc giao hàng đến đối tác trong khả năng có thể.
Ngoài
việc phải tăng chi phí sản xuất đặc biệt trong điều kiện giãn cách, công ty còn
phải phát sinh nhiều chi phí khác mới đảm bảo được tiến độ hàng hóa. Lãnh đạo
Công ty Yazaki cho hay, thời điểm này, công ty vẫn phải chi trả lương cho hơn
11.000 lao động trong vòng hơn 3 tháng mặc dù công nhân không tham gia sản
xuất, với mục đích sau khi đại dịch đi qua công ty vẫn đảm bảo được nguồn nhân
lực đủ để đáp ứng nhu cầu mới từ phía khách hàng. Tuy
vậy, khi trở lại trạng thái bình thường mới, công ty khôi phục sản xuất một
cách nhanh chóng. Đơn hàng từ đối tác liên tục tăng, công nhân lao động có việc
làm trở lại, thậm chí có những khâu sản xuất phải tăng ca mới đáp ứng đủ nhu
cầu đơn hàng. Cùng với đó, Yazaki đang tuyển dụng thêm khoảng 1.000 lao động để
tăng sản lượng do đơn hàng ngày càng tăng.
Công
ty cổ phần Sáng Ban Mai (chuyên sản xuất máy phát điện ở thị xã Bến Cát, tỉnh
Bình Dương) cũng là một doanh nghiệp từng chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh. Ông
Trần Thành Trọng – Tổng giám đốc công ty cho biết, trong đợt dịch Covid-19 thứ
4, dù công ty đã duy trì sản xuất 3 tại chỗ trong hơn 3 tháng nhờ có sự dự trữ
nguyên liệu từ trước nhưng không tiêu thụ được sản phẩm trong thời gian bị
phong toả, do vậy doanh thu và lợi nhuận năm 2021 giảm gần 30%. Phải đến
đầu năm 2022, công ty tập trung phục hồi sản xuất, đáp ứng những đơn hàng dang
dở năm 2021. Đến tháng 8/2022, doanh thu đã tăng 10% so với cùng kỳ 2021, dự
kiến trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất, từng bước
đạt mức tăng trưởng cao.
Theo
báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội
của Bình Dương tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó thu hút đầu tư
nước ngoài lũy kế 5 tháng đầu năm đã đạt được gần 2,5 tỷ USD, vươn lên đứng đầu
cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, thu hút đầu tư trong
nước đạt 8.047 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đầu năm đã thu hút được 30.997 tỷ đồng. Thu
hút FDI được 151 triệu USD, lũy kế 5 tháng đã thu hút được gần 2,5 tỷ USD,
trong đó có những tập đoàn lớn như Tập đoàn LEGO và Tập đoàn Pandora với tổng
số vốn hơn 1,1 tỷ USD.
Chỉ
số sản xuất công nghiệp ước tăng 9% so với tháng trước và tăng 12,3% so với
cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với
cùng kỳ năm trước. Đến nay, Bình Dương có hơn 4.000 dự án đầu tư nước ngoài
đang còn hiệu lực với tổng vốn trên 38 tỷ USD; trong đó có 29 khu công nghiệp
tập trung với tổng diện tích gần 13.000 ha. Các chỉ số FDI liên tục tăng, phạm
vi hoạt động của các cụm khu công nghiệp ngày càng mở rộng đã tạo cho Bình
Dương nhiều cơ hội phát triển về kinh tế - xã hội, đồng thời trở thành nơi đến
của lao động nhập cư.
Chính sách phù hợp
Trao
đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, Bình
Dương đã từng phải trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, thử thách, đứng trước
nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất do dịch bệnh. Tuy vậy, bằng sự quyết liệt
của lãnh đạo tỉnh, sự đồng tình ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân Bình Dương,
tỉnh đã vượt qua và đạt được những thành quả thuận lợi.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh.
|
Theo
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, dù trong thời điểm khó khăn đó, lãnh đạo tỉnh
nhất quán chủ trương vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất một cách an toàn, hiệu
quả. Một trong những chính sách thực hiện sản xuất an toàn lúc đó là “3 tại
chỗ” trong doanh nghiệp, nhất quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất nhưng vẫn
đảm bảo phòng chống dịch. “Thời
điểm này, có những quyết định thực sự vô cùng khó khăn với tỉnh Bình Dương,
tình thế có thể coi như ngàn cân treo sợi tóc. Tuy nhiên đến lúc này đã có thể
khẳng định những quyết định, chính sách đã thực hiện là đúng đắn” – ông Minh
chia sẻ. Ông Minh cho biết thêm, hiện nay Bình Dương luôn quan tâm, chú trọng
đến thu hút đầu tư, kể cả thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.
Để
thực hiện việc này, lãnh đạo Bình Dương thường xuyên tổ chức các buổi hội nghị
xúc tiến đầu tư, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong quá
trình đầu tư vào Bình Dương. Ngoài việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ở
tỉnh, lãnh đạo Bình Dương còn trực tiếp đến các nước như Canada, Australia,
Mỹ,… để gặp gỡ, trao đổi với nhà đầu tư. Bên
cạnh đó, việc thu hút đầu tư nội địa cũng được Bình Dương chú trọng và quan
tâm, hiện đã có những nhà đầu tư lớn trong nước đầu tư vào Bình Dương.
Bài 5. Con đường để tăng trưởng bền
vững hơn
Nỗi lo khi dựa nhiều vào vốn nước
ngoài
Bắc
Giang đang nổi lên là địa phương vươn mình mạnh mẽ trong thu hút FDI. Nhưng
trong cuộc trò chuyện với PV.VietNamNet, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Bắc Giang đã nêu quan điểm của tỉnh Bắc Giang là một mặt thu hút FDI có
chọn lọc, mặt khác cũng đang có những kế hoạch để thu hút đầu tư từ các DN
trong nước vào sân golf, các khu du lịch tâm linh, các khu đô thị… Định
hướng này được Bắc Giang quán triệt khi tỉnh này nhận ra rằng để phát triển bền
vững thì cần đi bằng nhiều chân, không nên quá phụ thuộc vào một thành phần
kinh tế nào.
|
Thực
tế, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã giúp nhiều địa phương đổi vận, giàu lên.
Chẳng hạn với tỉnh Bắc Ninh, nguồn thu từ khu vực FDI còn cao hơn tất cả các
khu vực kinh tế khác cộng lại. Báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh cho thấy,
tổng thu ngân sách 9 tháng của tỉnh này đạt 21.214 tỷ đồng (dự toán cả năm là
30.567 tỷ đồng). Trong đó, thu từ khu vực DN FDI chiếm tới 6.018 tỷ đồng (thu
từ thuế TNDN là 4.579 tỷ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là
2.579 tỷ đồng, thu từ khu vực DNNN chỉ hơn 600 tỷ đồng… Nhìn chung, kinh tế của
Bắc Ninh gắn chặt với sức khỏe của hàng loạt DN FDI lớn có nhà máy đặt trên địa
bàn.
Còn
trên bình diện cả nước, xuất khẩu của khu vực FDI nhiều năm gần đây chiếm tới
trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, còn doanh nghiệp ‘nội’ chỉ chiếm
phần nhỏ còn lại. Riêng xuất khẩu của 1 DN FDI như Samsung đã chiếm tới 16%
tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2021. Bộ
Công Thương khi xây dựng Luật Phát triển công nghiệp cũng dẫn chứng đối với các
ngành xuất khẩu chủ lực như điện – điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh
nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80%
kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn
để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và
các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam.
Đó là
điều khiến PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế trong các
bài trình bày của mình trước Ban Kinh tế Trung ương đã phải cảnh báo về một nền
kinh tế 2 khu vực “nhị nguyên”. Đó là lệ thuộc tăng trưởng ngày càng nhiều vào
khu vực FDI, trong khi sản xuất của khối nội địa gặp khó khăn, bị trói buộc nhiều
và hầu như không gắn với chuỗi của FDI.
Nguồn
thu bị phụ thuộc vào đất
Dù
thường xuyên công bố những con số to lớn về thu hút FDI nhưng nhiều địa phương
nguồn thu từ sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chủ yếu vẫn dựa nhiều vào thu
tiền sử dụng đất. Ngay cả Bắc Giang, do chỉ mới vươn mình trong sản xuất công
nghiệp vài năm gần đây, nên nguồn thu vẫn dựa vào đất. 6 tháng năm 2022, thu
ngân sách của Bắc Giang đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng có tới hơn 5.300 tỷ là
thu từ tiền sử dụng đất. Còn năm 2021 thu ngân sách của Bắc Giang đạt 21,9
nghìn tỷ đồng thì có tới hơn 13 nghìn tỷ là thu từ tiền sử dụng đất. Thu từ khu
vực DN đầu tư nước ngoài chỉ là 1.548 tỷ đồng. Thu từ khu vực kinh tế ngoài
quốc doanh chỉ là 1.484 tỷ đồng… Hưng Yên, địa phương có nguồn thu điều tiết về
Trung ương, 6 tháng năm 2022 tỉnh này thu được 26.279 tỷ đồng, tăng tới 34,6%
dự toán HĐND giao. Nhưng có tới 18.408 tỷ thu từ tiền sử dụng đất, đạt tới 250%
so với cùng kỳ (chủ yếu từ dự án lớn của Vingroup).
Còn
cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ
Thanh Hóa đến Bình Thuận), Bộ Tài chính đánh giá cơ cấu thu ngân sách còn chưa
thực sự bền vững, phụ thuộc vào một số khoản thu có tính chất một lần (thu tiền
sử dụng đất, tiền thuê đất một lần), chịu ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài (như
giá dầu thô liên quan đến thu NSNN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Thanh
Hóa).
Đáng
chú ý, nguồn thu của nhiều tỉnh còn phụ thuộc rất nhiều vào 1 doanh nghiệp lớn
trên địa bàn. Chẳng hạn Quảng Nam nguồn thu chủ yếu từ công ty sản xuất và lắp
ráp ô tô Chu Lai Trường Hải, số thu từ Công ty chiếm trên 50% thu nội địa của
Tỉnh. Còn tỉnh Khánh Hòa nguồn thu chủ yếu từ Tổng công ty Khánh Việt chiếm
khoảng 20% thu nội địa của Tỉnh... Trong
số 63 tỉnh thành trên cả nước, mới chỉ có 16 tỉnh thành có điều tiết ngân sách
về trung ương, còn lại là các tỉnh vẫn cần Trung ương hỗ trợ về ngân sách để
chi cho các hoạt động.
Thu
hút công nghệ cao
Trong
hội nghị phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì
mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhắc đến một số địa
phương như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng với thành tích thu hút dự án FDI
như LG và Samsung. Nhưng theo ông Trần Sỹ Thanh, các dự án này mới chỉ sản xuất
phần “xác” của sản phẩm, còn phần hồn là phần chip, microchip, và công nghệ phụ
trợ cho chuỗi sản xuất của các nhà máy đóng trên các địa bàn này còn yếu.
“Khi
tôi tiếp một số tập đoàn rất lớn của Hàn Quốc, họ nói rằng trong vòng 20 năm,
Hàn Quốc từ một nước chưa sản xuất được chip bán dẫn thì giờ đây đã trở thành 1
trong 4 nền kinh tế đứng đầu thế giới về chip bán dẫn gồm Mỹ, Hàn Quốc, Đài
Loan, Trung Quốc và người ta chủ động được chip bán dẫn. Giờ họ muốn chuyển
dịch công nghệ sản xuất này sang Việt Nam”, ông Trần Sỹ Thanh kể.
|
Nhà
nước có hỗ trợ gì để thu hút các tập đoàn lớn, mang công nghệ cao vào Việt Nam
chính là câu hỏi được các tập đoàn này gửi đến lãnh đạo Hà Nội. Đó là câu hỏi
ông Thanh cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần lưu tâm để khi DN đầu tư vào Việt
Nam 5 tỷ USD, 10 tỷ USD cho dây chuyền sản xuất chip thì Nhà nước cam kết gì
với nhà đầu tư. Tham
gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm mang giá trị gia tăng
cao hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn thay vì chỉ gia công, lắp ráp như lâu nay
là con đường Việt Nam phải đi. Dòng vốn của Samsung, LG, Intel, các nhà cung
cấp của Apple… sẽ có giá hơn nếu mang lại giá trị gia tăng cao hơn. “Nếu chúng
ta làm được chuỗi công nghệ cao này thì chúng ta có vị thế trong bản đồ về
thương mại, công nghiệp công nghệ cao. Khi đó tiếng nói của chúng ta sẽ khác
trên thị trường quốc tế”, ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ.
Nhưng vẫn phải quan tâm đàn chim sẻ
Những
dự án lớn, nhà đầu tư tên tuổi thường được các địa phương nhấn mạnh trong các
báo cáo như một thành tích. Có một sự thật là, sau 35 năm phát triển kinh tế
thị trường, dù khu vực tư nhân sản xuất hơn 40% GDP thì khu vực doanh nghiệp tư
nhân Việt Nam chỉ đóng góp chưa đến 10%. Điều đó cho thấy sự nhỏ bé của
khu vực DN trong nước. Theo
đánh giá của Bộ Công Thương, hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh
nghiệp FDI ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi tỷ lệ
vốn FDI trong công nghiệp ở mức cao nếu so với nhiều nước khác. Sự liên kết
giữa doanh nghiệp trong nước và FDI lỏng lẻo khiến sự lan tỏa về công nghệ,
kiến thức, kỹ năng sản xuất từ khu vực FDI rất hạn chế, làm ảnh hưởng lớn đến
chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng mà Bộ Công Thương mô
tả là “một quốc gia, hai nền kinh tế”.
Một
chiếc xe ô tô có tới 30 nghìn linh kiện, nhưng DN trong nước chưa thể tham gia
được nhiều vào chuỗi giá trị này, hầu hết linh kiện, phụ tùng vẫn phải nhập
khẩu. Một tập đoàn lớn như Samsung xuất khẩu hơn 60 tỷ USD mỗi năm nhưng số DN
Việt đủ sức thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung chỉ là 51 (thời điểm năm 2014
chỉ có 4 nhà cung cấp) với những sản phẩm ít giá trị cao.
Mỗi
năm, Việt Nam vẫn phải nhập tới 100 tỷ USD tư liệu sản xuất, trang thiết bị máy
móc từ Trung Quốc, chưa kể nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan… Đó là hệ quả của một nền
công nghiệp hỗ trợ yếu kém - nơi các DN nhỏ và vừa đóng vai trò trọng yếu. Vì
thế, các địa phương cũng cần dành sự quan tâm cho những “chú chim sẻ” này, để
Việt Nam có được nền móng sản xuất tốt, đáp ứng nhu cầu cung ứng linh phụ kiện,
nguyên vật liệu của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, thay vì phải nhập
khẩu từ cái kim sợi chỉ như hiện nay. Đó
cũng là cách để Việt Nam chủ động được sản xuất, xuất khẩu thay vì thiếu tự
chủ, dễ tổn thương bởi các biến động trên thế giới và trong khu vực như trong
như thời đại dịch Covid-19 hoành hành 2 năm vừa qua. Đó cũng là con đường để
các địa phương không phụ thuộc quá lớn vào một nguồn thu từ sử dụng đất, hay từ
1-2 nhà máy tỷ đô đóng trên địa bàn.
Nguyễn Đình Đoàn Bổng - Phạm Lương Bằng - Lê Văn Dương - Phạm Văn Công - Đàm Xuân An