Ấn tượng về một người lính già
Ông Lê Minh Bội tham gia festival “Cầu rồng kể chuyện ngàn năm" trên cầu Long Biên năm 2010.

Đã ở tuổi xế bóng chiều nhưng anh Lê Minh Bội vẫn thường thông tin, gặp gỡ, tiếp xúc với bạn chiến đấu C1-E220-F361 và chính quyền các địa phương, nơi trước đây đã hợp đồng chiến đấu cùng đơn vị, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống của quân đội, tình đoàn kết quân dân.

Năm 1950 anh tham gia thanh niên tuyên truyền của tỉnh Nam định. Hai năm sau (1952) Anh nhập ngũ và tham gia chiến dịch Hà- Nam- Ninh. Có mặt trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô và gắn bó với Hà Nội từ những ngày đầu thành lập lực lượng pháo cao xạ, anh đảm nhiệm chức đại đội trưởng đơn vị pháo Phòng không 100mm khi thành lập sư đoàn phòng không Hà Nội ngày 19-5-1965. Ở cương vị này, người đại đội trưởng dũng cảm đã chỉ huy đơn vị chiến đấu 250 trận, bắn rơi 13 máy bay, trong đó có những trận thắng lợi hay một hình thức tác chiến, có khi là một biện pháp kĩ thuật đã ghi dấu ấn, góp phần cùng các chiến thắng của các đơn vị khác tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Đơn vị phòng không 100mm dưới sự chỉ huy của đại đôi trưởng Lê Minh Bội luôn vững vàng trên trận địa bảo vệ phía Tây nam Hà Nội. Anh đã chỉ huy đại đội đã thực hiện phong trào thi đua lập công “Tháng năm đỏ”, tổ chức bộ đội học tập nghiêm túc, khoa học, thành thục động tác kĩ thuật cá nhân, hợp đồng khẩu đội, đại đội chặt chẽ. Ngày 25-6-1965 đơn vị đã nổ súng kịp thời vào 2 chiếc máy bay RF4-C của không quân Mỹ xâm phạm bầu trời Hà Nội. Một chiếc bốc cháy. Chiến thắng trận đầu từ loạt đạn đầu thể hiện quyết tâm chiến đấu, kết quả chuẩn bị chiến đấu, và trình độ chỉ huy, xạ kích của bội đội. Ngày 29-8-1965 đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đến thăm đại đội 1, đại đội trưởng Lê Minh Bội báo cáo hứa quyết tâm bắn rơi tại chỗ bất cứ loại máy bay nào của không quân Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội.

Thực hiện quyết tâm đó, 10giờ ngày chủ nhật 12-6-1966, mục tiêu xuất hiện trên bản đồ tình báo quốc gia, theo dõi tốc độ, đường bay, tầm cao, đại đội trưởng Lê Minh Bội phán đoán khả năng đây là máy bay không người lái đi trinh sát Hà Nội. Đây là loại mục tiêu nhỏ, bay thấp, các khí tài điện tử dễ bị nhầm lẫn sóng địa vật, các khí tài quang học thường bị địa vật che khuất. Đại đội trưởng nhắc các trắc thủ bám chắc mục tiêu, giữ vững ổn định các phần tử. Khi máy bay vào tầm hoả lực, đai đội trưởng Lê Minh Bội ra lệnh bắn kịp thời chính xác, chiếc A3-J trúng đạn đâm xuống vườn chùa Thông, Hoà mục (Hà Nội), cách sở chỉ huy sư đoàn chưa đầy 100m. Đại đội được tặng cờ “đơn vị bắn rơi máy bay đầu tiên tại Hà Nội”. Chiến thắng mở ra một giai đoạn mới, bất kì loại máy bay nào xâm phạm vùng trời Hà Nội cũng sẽ bị tiêu diệt tại chỗ. Kết quả của đơn vị đã tạo khí thế, niềm tin của nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước đang hướng về Thủ đô.

Những ngày cuối năm 1966, không quân Mỹ đánh phá nhiều mục tiêu ở Hà Nội. Đại đội 1 vượt sông Hồng về Gia Thượng bảo vệ cầu Long Biên, cầu Đuống, sân bay Gia Lâm, nhà máy điện Yên Phụ, khu Trung ương. Công tác chuẩn bị chiến đấu rất khẩn trương, đại đội trưởng Lê Minh Bội vẫn dành thời gian sát hạch kiến thức từng cán bộ, từng vị trí chiến đấu của khẩu đội.

Ngày 5-5-1967 không quân Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch “Sấm rền 56” bằng 48 lần chiếc F105-D, F4, đánh 10 mục tiêu, trong đó có nhà máy điện  Yên Phụ, Văn Điển, Thượng Đình, đánh kiềm chế các trận địa pháo, trận địa tên lửa. Hệ thống khí tài điện tử bị nhiễu nặng. Đại đội trưởng Lê Minh Bội chỉ huy các khí tài quang học bắt và bám chắc mục tiêu, ra lệnh bắn 4 loạt bằng phần tử máy đo xa, tiêu diệt 1 F105D, rơi tại chỗ. Chiến thắng này đã mở ra một thời kì mới, tận dụng mọi khí tài, phát huy hết khả năng sáng tạo, trí tuệ thông minh và lòng dũng cảm của cán bộ chiến sĩ thì chắc chắn sẽ bắn rơi tại chỗ bất cứ loại may bay nào của không quân Mỹ.

Khi không quân Mỹ đánh vào cầu Long Biên ngày 11-8-1967. Trận địa đại đội ở ngay chân cầu, nổ súng giòn giã, máy bay địch phải dạt ra ném bom xuống bãi cát sông Hồng. Một chiếc lẻn ném bom vào cầu, nhịp số 14  bị sập, một loạt bom ném vào trận địa, rồi tiếp đến một loạt bom bi. Đại đội trưởng Lê Minh Bội ở vị trí chỉ huy đại đội vẫn dõng dạc hạ lệnh bắn. Trận đia mù trong khói lửa, bom bi, bom phá tiếp tục dội xuống. Đơn vị hy sinh 6, bị thương 32 trong đó, nữ dân quân một hy sinh và 3 bị thương. Kết thúc trận chiến đấu, đại đội cùng với đơn vị bạn bắn rơi hai chiếc F105D, thế nhưng, gần một nửa quân số của đơn vị thương vong. Đến giờ bữa cơm tối, các chiến sĩ đều cảm thấy hụt hẫng, đau xót trước mất mát quá lớn, cả đại đội không ai có thể ăn nổi bát cơm dù đã rất đói và mệt. Trước tình hình đó, để giữ vững tinh thần chiến đấu cho chiến sĩ, Đại đội trưởng ra lệnh “ bắt” mọi chiến sỹ phải ăn cơm để tiếp tục chiến đấu. Anh động viên nhân dân, người lo mai táng liệt sỹ, người lo san lấp hố bom, tổ chức dân quân tiếp đạn, xốc lại đội hình sẵn sàng chiến đấu. Công việc tạm ổn, anh cầm bát cơm mà phải quay đi giấu dòng nước mắt dàn dụa. Hình ảnh người đảng viên, người chỉ huy dũng cảm ấy theo tôi đi suốt gần 40 năm quân ngũ.

Nhớ lần không quân Mỹ đánh cầu Long Biên, Đại đội trưởng Lê Minh Bội chỉ huy khí tài ra đa và máy chỉ huy cùng bắt một tốp máy bay từ hướng Tam Đảo bay vào có xu hướng đánh cầu Đuống, Anh hạ phần tử tổng hợp ( kết hợp phần tử máy đo xa và ra đa) bắn bốn loạt tiêu diệt tại chỗ 1 F105D. Với 32 viên đạn hạ 1 F105D, đã đạt hiệu xuất chiến đấu cao, nhưng điều có ý nghĩa hơn là đã khẳng định dù trong điều kiện ác liệt, địch gây nhiễu vô tuyến, nhiễu kim loại rất nặng nề vẫn có thể tiêu diệt được không quân Mỹ bằng sự kết hợp phần tử của ra đa và máy chỉ huy, mở ra khả năng tận dụng tối đa yếu tố kĩ thuật trong mọi điều kiện khó khăn để tiêu diệt địch chính xác, hiệu quả.

Bằng kiến thức và kinh nghiệm chiến đấu, những năm tiếp theo,anh Lê Minh Bội được bổ nhiệm qua các chức vụ tham mưu trưởng trung đoàn, trợ lí tham mưu Sư đoàn 361, trợ lý tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân. Dù ở cương vị nào anh cũng bám sát đơn vị, cùng cơ quan đề xuất các biện pháp tác chiến, và giúp đỡ đơn vị để cùng quân dân Thủ đô làm một Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội. Sau chiến thắng mùa xuân 1975, anh được bổ nhiệm Trung đoàn trưởng Pháo cao xạ bảo vệ biên giới phía Bắc.

Gần 40 năm quân ngũ, anh trở về đời thường, tham gia 2 khoá Hội đồng Nhân dân phường Ngô Thì Nhậm ( quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ), phụ trách về kinh tế. Anh cùng bà con vật lộn với cái đói nghèo, lo bữa cơm, manh áo, học hành, phổ cập văn hoá, chống lại thiên tai, dịch bệnh, tệ nạn xã hội, được nhân dân tin yêu. Những năm gần đây tuy không còn trực tiếp giữ các chức vụ công tác ở địa phương, cựu chiến binh Lê Minh Bội lại lặn lội tìm đồng đội, gặp các bạn chiến đấu, cùng nhân dân địa phương nơi đã hợp đồng tác chiến tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Khi nói về những hoạt động của anh, các thế hệ lãnh đạo xã Ngọc Thụy, nay là phường Ngọc Thụy đều phát biểu chân tình “Truyền thống của đơn vị cũng là truyền thống của địa phương Ngọc Thụy, đó là tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của cán bộ chiến sĩ C1, E220 và dân quân Gia Thượng, chiến công trong chiến đấu bắt nguồn từ truyền thống quân dân một ý chí mà hôm nay ta có trách nhiệm phát huy. Những hoạt động phát huy truyền thống đoàn kết đó có công lớn của nguyên đại đội trưởng Lê Minh Bội, anh vừa là người chỉ huy tài năng, mẫu mực, vừa chí nghĩa, chí tình, là người đảng viên gương mẫu, - anh Cả của đơn vị, người bạn chiến đấu thuỷ chung, son sắt của bà con Ngọc Thụy chúng tôi”.

Những ký ức về các anh, tôi càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “ Mỗi đảng viên là người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành... Mà muốn quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn, ở phải thế nào cho dân phục dân yêu”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất