Trong chuyến đi nghiên cứu thực tế ở huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cuối tháng 2-2017, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay kì diệu của bản Lao Đu: Từ một bản làng nghèo, lạc hậu, người dân lam lũ, thiếu đói giờ đây trở thành làng văn hóa cấp tỉnh, đời sống của tộc người Giẻ nơi đây đang từng ngày ấm no. Người già trong làng kể: “Người dân Lao Đu đã nỗ lực nhiều lắm, còn công đầu phải kể đến Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Mặt trận khu dân cư A Song Ba!”.
Người đảng viên luôn đi trước
Người dân ở làng Lao Đu bây giờ từ già đến trẻ thường gọi ông A Song Ba một cách kính trọng, đó là “già làng”. Không chỉ bởi nhiều năm qua ông hướng dẫn cho bà con trong bản làm ăn, sản xuất, mà ông còn là người đầu tiên khởi xướng lập bản mới tại khu đất hiện nay. Hơn hai mươi năm về trước, bản Lao Đu cũ nằm cách đó gần 20km, lọt thỏm giữa thung lũng rừng núi âm u, người dân làm ăn, đi lại khó khăn, sốt rét rừng hoành hành. Sau khi về hưu, ông Ba là người đầu tiên đưa gia đình di chuyển đến nơi ở mới, rồi cùng với những người uy tín trong bản thuyết phục, vận động bà con dân bản đi theo. Lúc ấy, ông cũng là người đầu tiên trực tiếp cùng tổ thanh niên của anh A Song Vơi căng dây, đóng cọc, chia thành các ô vuông để từng hộ gia đình trong bản làm nhà. Bên cạnh việc lưu giữ một số ngôi nhà sàn theo phong tục truyền thống, ông vận động bà con xây dựng nhà kiên cố, trồng cây xanh. Do tập quán lâu đời, bà con dân tộc không có thói quen trồng cây quanh nhà, chính ông lại là người làm trước để thuyết phục. Sau một thời gian cây nhà ông lớn dần, bắt đầu cho bóng mát, lúc bấy giờ mọi người mới nhận ra tác dụng của việc trồng cây và làm theo.
Nhờ ông Ba tích cực tham gia vận động nên ở Lao Đu bây giờ không còn tình trạng chăn nuôi thả rông trâu, bò, heo dưới gầm nhà sàn. Chuồng trâu, bò, heo được dựng xa nơi ở, nhờ vậy cảnh quang, môi trường quanh nhà sạch sẽ hơn, sức khỏe của người dân trong bản được nâng lên đáng kể. Những năm trước đây, bản Lao Đu chưa có điện lưới quốc gia, ông A Song Ba đã dành dụm tiền làm thủy điện nhỏ đặt tại suối ĐắcMy, cách nhà ông gần 500m. Nhờ vậy, gia đình ông có điện thắp sáng, rồi chạy quạt, xem ti vi. Nhờ “công trình” sáng tạo của ông mà người Giẻ ở bản Lao Đu được nghe thời sự, xem truyền hình, điều mà người dân bản chưa bao giờ biết đến. Nhiều gia đình trong bản cũng học ông mà làm theo.
Góp phần xây dựng làng văn hóa
Năm 2002, bản Lao Đu đăng ký với xã, huyện xây dựng tiêu chí theo quy ước làng văn hóa. Đến năm 2005 Lao Đu đã được công nhận là làng đạt chuẩn văn hóa cấp huyện, năm 2006 tiếp tục được công nhận đạt chuẩn làng văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, đã 10 năm liên tục Lao Đu giữ vững danh hiệu này. Để xây dựng tiêu chí làng văn hóa, ông A Song Ba đã cùng trưởng bản và các già làng khác đến gặp gỡ từng hộ gia đình, phân tích cái hay, cái đúng, cái lợi của làng, bản văn hóa; vận động mọi người tham gia soạn thảo hương ước, quy ước. Việc nào ông Ba cũng xung phong đi đầu, nhiệt tình, tận tụy. Ông A Mười, Trưởng bản Lao Đu nhận xét: “Người đảng viên như Bí thư A Song Ba thật xứng đáng là tấm gương sáng của làng. Ông luôn nghĩ trước, làm trước và rất trúng và đúng cái bụng của dân làng…”. Rồi ông chỉ con đường bê tông trước nhà vui vẻ khoe: “Hồi trước con đường đó bẩn lắm, nhưng bây giờ thì sạch sẽ lắm rồi. Nhờ đảng viên A Song Ba cả đấy. Ông Ba vận động bà con trong bản đóng góp công sức xây dựng, rồi nhắc nhở bà con thường xuyên quyét dọn hằng ngày…”.
Năm 2016 vừa qua, khi bình xét cuối năm, trong bản Lao Đu có 157 hộ thì hiện đã có 155 hộ được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa, 90% số hộ đã đạt chuẩn gia đình văn hóa nhiều năm liền. Từ một thôn, bản miền núi vùng cao còn nghèo đói, lạc hậu, 100% số hộ gia đình thiếu đói quanh năm, thì hôm nay đã có 125 hộ có mức sống khá, giàu; 32 hộ đủ ăn, có dư dã, gần 90% số hộ có xe máy, ti vi, nhà bán kiên cố. Mọi trẻ em trong bản đều được cắp sách đến trường, nhiều em đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, hoặc trung cấp chuyên nghiệp, đang làm việc, cống hiến trên khắp mọi miền đất nước. Đời sống bà con đã dần đổi thay, nhưng vẫn còn hộ nghèo thì ông Ba vẫn còn nhiều băn khoăn. Ông trăn trở: “Bản đã đạt chuẩn bản làng văn hóa cấp tỉnh 10 năm liền mà vẫn còn hộ nghèo thì coi sao được. Làm sao để bà con thoát nghèo trong thời gian nhanh nhất là điều mà chi bộ chúng tôi đang bàn bạc, tìm cách. Đó là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng của mỗi đảng viên”.
Tạm biệt Lao Đu, hình ảnh về đảng viên A Song Ba vẫn ấn tượng mãi trong lòng chúng tôi. Ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng người Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Mặt trận khu dân cư ấy vẫn cần mẫn, tất bật mỗi ngày, thầm lặng đóng góp làm nên những đổi thay trên mảnh đất quê hương. Ông là tấm gương sáng của đồng bào người Giẻ trên bản vùng cao.
ThS. Trần Cao Anh, TS. Trần Khắc Xin
Học viện Chính trị khu vực III, TP.Đà Nẵng