Nhiều lần tận mắt chứng kiến người bệnh sau ca phẫu thuật dẫn đến sức khỏe suy yếu, nằm vật vờ do thiếu máu khiến anh không khỏi xót xa. Trái tim thôi thúc anh Vũ Bá Trung (ảnh bên), sinh năm 1971, ngụ ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước phải làm gì đó để giúp đỡ họ. Nghĩa cử cao đẹp cho đi những giọt máu hồng được nhen lên từ đó.
6 năm, 20 lần hiến máu
Gặp chúng tôi vào một ngày đầu tháng 11, ấn tượng đầu tiên về anh Trung là một nông dân đôn hậu, chất phác, hiền lành. Rót ly trà mời khách, anh bắt đầu câu chuyện. Anh kể, năm 1980, cùng gia đình rời miền quê nghèo thuộc tỉnh Tây Ninh đến Bình Phước lập nghiệp. Trên vùng đất mới, anh Trung làm nhiều nhiều công việc.
Anh cho hay, tháng 8-2006, trong chuyến đi về Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám sức khỏe, tận mắt chứng kiến nhiều bệnh nhân ốm yếu, nằm vật vờ trên giường mà không khỏi xót xa. Nhất là đối với những bệnh nhân nghèo, sau phẫu thuật mất máu rất nhiều, không có tiền bồi bổ. Họ cần lắm những đơn vị máu để kịp hồi phục.
Buồn một nỗi, cuộc sống của anh quay quắt với những khó khăn chất chồng. Vậy nên, anh cũng chẳng làm gì để giúp đỡ được họ. Từ sau chuyến đi ấy, anh Trung luôn suy tư và trăn trở. Anh mong muốn được góp giọt máu hồng của mình cho những phận đời éo le ấy. Suy nghĩ cao đẹp này nhanh chóng “bắt gặp” ý tưởng của các cơ quan ban ngành về việc vận động các đơn vị đăng ký chỉ tiêu hiến máu.
Anh nói: “Ngày đó không ghi tên danh sách như bây giờ. Nhưng mỗi lần phát động, kêu gọi là mình tự đi hiến máu. Ai thiếu thì cho. Hễ có đơn vị nào vận động đều hăng hái tình nguyện”. Do vậy, dù anh sống ở xã Thuận Phú, nhưng vẫn có thể hiến máu lưu động ở nhiều nơi khác, như: phường Tân Đồng; Tân Phú (thị xã Đồng Xoài); Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước; Trường Tiểu học Tân Phú … Mỗi lần, anh Trung đều cho đi 350 cc máu của mình.
Theo anh Trung, phải tới năm 2010, mới có việc hiến máu ghi danh. Đó là lần đầu tiên nghĩa cử cao đẹp của anh được ghi trong danh sách tại xã Thuận Phú, với 350 cc máu. Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, anh đều tham gia hiến máu tại địa phương mình sinh sống. Tính đến cuối năm 2016, tại sổ ghi danh còn lưu tại Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước, anh Trung đã 20 lần có tên.
Giọt máu cho đi, niềm vui ở lại
Nhiều người cho rằng việc hiến máu sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Nhưng với anh Trung thì khác. Anh chia sẻ: Với tôi, việc hiến máu không những không ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí, sau khi cho đi những đơn vị máu, tôi thấy thể trạng mình trở nên tốt hơn rất nhiều. Vừa cho người bệnh được lượng máu đang cần, trong người mình lại được sản sinh lượng máu mới. Thường thì mỗi năm tôi hiến 3 lần, “cứ đến hẹn lại lên”.
Năm nay đã ngoài 40 tuổi, sức khỏe của anh cũng không được tốt như trước nữa. Nhưng với anh, hiến máu là niềm vui và hạnh phúc. Quy định chỉ được hiến máu đến 60 tuổi, nhưng anh mong muốn nếu được cho phép sẽ hiến máu đến trọn cuộc đời. “Làm được việc thiện, giúp ích cho đời đó là niềm vui. Vậy nên, còn sức khỏe thì vẫn còn cống hiến”, anh nói.
Ngoài việc trực tiếp hiến máu cứu người, anh là người năng nổ tham gia các hoạt động đoàn ở thôn, xã, anh Trung luôn tích cực vậnn động mọi người người cùng tham gia hiến máu. Đó là những học viên trường nghiệp vụ cao su, bà con láng giềng, bè bạn xa gần của mình … “Tôi luôn nghĩ: Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Trải qua nhiều lần tham gia hiến máu nhân đạo, sức khỏe tôi vẫn rất tốt. Nên tôi thường động viên mọi người cũng nhân lên những việc tốt đẹp cho xã hội. Hạnh phúc trong cuộc sống, nhiều khi chỉ đơn giản vậy thôi”, anh cười hiền chia sẻ.
Với những đóng góp đầy ý nghĩa của mình, anh Trung đã 2 lần vinh dự nhận Giấy khen của UBND huyện Đồng Phú vào các năm 2013, 2016 vì đã có nhiều đóng góp cho trong phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương.
Xuân Hiệp
Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Bình Phước