Giáo dục đạo đức cách mạng là quá trình đưa các giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng thành những đòi hỏi bên trong của người cán bộ, đảng viên nhằm hình thành niềm tin, nhu cầu, động cơ, tình cảm và hành vi đạo đức cách mạng.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đây là giải pháp giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên tự giác thấm nhuần tư tưởng, đạo đức người cộng sản, góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, để Đảng “là đạo đức, là văn minh” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong Văn kiện Đại hội XII, xây dựng Đảng về đạo đức được xác định là một nội dung riêng trong các mặt công tác xây dựng Đảng, đặt lên ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng ta cũng xác định, xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nội dung trọng tâm của xây dựng Đảng về đạo đức. Mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức được tập trung đến việc nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng.
|
Nếu Đại hội XII, Đảng chỉ đề cập đến 3 giải pháp chính trong xây dựng Đảng về đạo đức gồm: 1) Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 2) Đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống; 3) Nêu gương, thì trong văn kiện Đại hội XIII Đảng ta đã đề cập và nhấn mạnh hầu hết tất cả các mặt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức, với 6 giải pháp trọng tâm là: 1) Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; 2) Thực hiện nghiêm quy định nêu gương; 3) Bổ sung, hoàn thiện các giá trị và xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng; 4) Giáo dục đạo đức cách mạng; 5) Đấu tranh chống quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức; 6) Khen thưởng, kỷ luật cán bộ, đảng viên.
Văn kiện Đại hội XIII, Đảng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình”. Theo đó, nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cũng là một điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng so với các kỳ Đại hội trước đó. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị cũng ban hành và sửa đổi các quy định mới có liên quan đến nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và việc nêu gương của cán bộ, đảng viên một cách có hệ thống.
Đặc biệt, khi Đảng ta đã chỉ rõ một trong những vấn đề cấp bách nhất của công tác xây dựng Đảng hiện nay là ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giải pháp thiết yếu để ngăn chặn chính là đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, trong đó phải nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự soi”, “tự sửa”, đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên.
Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới bằng hệ thống các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, địa phương, cần đồng bộ việc giáo dục lý tưởng cách mạng thông qua xây dựng môi trường đạo đức lành mạnh như trong nhà trường, trong sinh hoạt chi bộ, trong môi trường công tác, trong mối quan hệ gắn bó giữa đảng viên và quần chúng nhân dân...
Để đổi mới công tác giáo dục tư tưởng chính trị đối với cán bộ, đảng viên, phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức. Trong đó, bí thư cấp ủy và người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và kết quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị trong tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, cần đổi mới từ nội dung đến hình thức công tác giáo dục tư tưởng chính trị. Trước hết, phải đổi mới cách tiếp cận những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những định hướng trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cho sát với điều kiện thực tiễn đất nước và nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, kịp thời định hướng tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ xác định rõ: "Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)...". Việc học tập, tự học tập để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cần thường xuyên trao đổi, thảo luận, tự phê bình và phê bình trong chi bộ và cơ quan. Biểu dương những việc làm tốt, kịp thời phát hiện, uốn nắn những việc làm chưa tốt của đảng viên, nhất là trong việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”. Như vậy, tu dưỡng đạo đức là công việc phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ, mà theo Người: “Mỗi con người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đó cũng là công việc phải làm kiên trì, bền bỉ suốt cả cuộc đời, không người nào có thể chủ quan tự mãn”. Bởi vậy, đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình giác ngộ, tự tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ đảng viên cũng như sự giáo dục, bồi dưỡng của cấp uỷ, tổ chức đảng.
Việc ban hành những chuẩn mực đạo đức cách mạng giai đoạn mới chỉ là thành công bước đầu, điều quan trọng và cốt lõi nhất là mọi cán bộ, đảng viên phải tự quán triệt, thực sự thấm nhuần sâu sắc quy định và phải thực hành các chuẩn mực đạo đức một cách tự giác, thường xuyên như cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước của ta đã đặt ra câu hỏi cũng là yêu cầu thực tiễn là: “Phải làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng nổi bật của người cán bộ, đảng viên, trở thành vũ khí sắc bén, vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức đối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, làm cho đạo đức cách mạng trở thành hồn cốt của văn hóa Đảng; định hướng, thúc đẩy, xây dựng, củng cố nền tảng đạo đức, văn hóa - xã hội; lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, làm cho văn hóa con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và bảo vệ đất nước”.
Theo đó, điều quan trọng đầu tiên là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, "tự soi", "tự sửa" theo chuẩn mực đạo đức cách mạng, làm tròn bổn phận và trách nhiệm, luôn đề cao danh dự và lòng tự trọng, liêm sỉ, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức, không bị cám dỗ trước tiền tài, vật chất, danh vọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng chỉ rõ, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân, không làm được cách mạng. Muốn có đạo đức cách mạng phải rèn luyện thường xuyên, bền bỉ trong mọi hoạt động thực tiễn; phải tỉ mỉ công phu mới có được phẩm chất đạo đức tốt và ngày càng được bồi đắp, nâng cao.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhắc: Cán bộ, đảng viên là “cái gốc của mọi công việc”, là linh hồn, là nòng cốt của Đảng, Nhà nước, là nhân tố bảo đảm đưa các chỉ đạo đúng đắn của Đảng vào đời sống và hội nhập quốc tế, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, đảng viên có vai trò vô cùng quan trọng trong mọi mặt công tác của Đảng. Đại hội XIII cũng nhấn mạnh đến vấn đề tự giác và mục đích của việc nêu gương của đảng viên: “Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”.
Thực tiễn đã cho thấy, khi người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất thì sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, tự khắc dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm Điều lệ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Vì vậy, việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về xây dựng đạo đức lại càng có tầm quan trọng đặc biệt, là giải pháp căn cốt để thực hành đạo đức cách mạng. Mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Muốn nâng cao đạo đức cách mạng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Do vậy, việc tự ý thức rèn luyện là vô cùng quan trọng. Ở bất cứ đâu, thời kỳ nào, cán bộ, đảng viên tự giác nêu gương, thực hành đạo đức, nói đi đôi với làm đều có ảnh hưởng sâu sắc trong Đảng và được cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, làm theo.
Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không. Chính từ sự tự giác, thống nhất về mặt ý chí và nhận thức, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ có những hành động thiết thực, cụ thể trong việc thực hành những chuẩn mực đạo đức cách mạng. Chỉ khi cán bộ, đảng viên nhận thức và hành động đúng đắn, chuẩn xác các chuẩn mực đạo đức cách mạng mới tạo nên sự thống nhất cao, sức mạnh to lớn của toàn Đảng, đẩy lùi những nhận thức sai trái ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng.
Mọi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khắc ghi những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy đó là chuẩn mực đạo đức, phương châm hành động và thái độ ứng xử của mình. Đây phải được xác định là biện pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và Nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Có ý chí, nhận thức và hành vi đạo đức cách mạng đúng đắn, trong sáng. Phải thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện, coi đây là việc làm thường xuyên, hằng ngày. Phải rèn luyện tinh thần phụng sự, cống hiến vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự tiến bộ của nhân loại.
Trong cuộc khảo sát đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện vào tháng 4-2023, có 90% cán bộ, đảng viên khi được hỏi cho biết, nếu việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới được tổ chức tốt, thì sức mạnh của Đảng sẽ được tăng cường. Do vậy, hầu hết mọi cán bộ, đảng viên đều có niềm tin về việc thực hành đạo đức cách mạng sẽ giúp cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên cả nước được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản tại các đơn vị, địa phương với một tinh thần “tự thân - tự giác - tự nguyện - tự điều chỉnh hành vi” của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được gắn chặt với phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 01-KL/TW được coi là giải pháp căn cốt nhất trong việc nâng cao đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải chú trọng đến hiệu quả, thực chất và sáng tạo trong học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải kiên trì, sáng tạo và thực chất trong việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm trước của cán bộ công đoàn các cấp, đồng thời coi trọng việc xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
|
Theo đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, kinh nghiệm quý trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Nhiều điển hình tiên tiến là cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo Bác được tuyên dương. Điều này góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, tạo chuyển biến rõ về kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân với Đảng. Tuy nhiên, thực tế vẫn xuất hiện bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, chưa tự giác trong học tập, công tác, rèn luyện. Việc xây dựng chuẩn mực và thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra…
Điều này đặt ra yêu cầu mới với những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, để đây tiếp tục là phong trào hành động cách mạng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nêu gương sáng để hàng triệu đảng viên là những tấm gương sáng, để toàn Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với Nhân dân.
Cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, nhằm lan tỏa, khơi dậy tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phải kết hợp “xây” và “chống” trong học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Xây” là bảo vệ, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; “chống” là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Có như vậy, việc thực hành nghiêm túc những chuẩn mực đạo đức cách mạng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mới giúp mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng hoàn thiện bản thân, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Muốn xây dựng chuẩn mực đạo đức trở thành đặc trưng tốt đẹp của đội ngũ cán bộ, đảng viên thì chính những chuẩn mực đó phải được thực hành thường xuyên, lâu dài trong thực tiễn đời sống cách mạng. Theo đó, việc thực hành đạo đức cách mạng không chỉ còn là nghĩa vụ, yêu cầu, mệnh lệnh hành động cần phải làm, mà phải trở thành lẽ sống, lý tưởng, mục tiêu hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.
Những chuẩn mực đạo đức cách mạng giai đoạn mới không chỉ là những chuẩn mực để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng hằng ngày mà còn là một giải pháp xây dựng Đảng vững mạnh về đạo đức, đấu tranh hiệu quả với những biểu hiện suy thoái đang diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Nếu như trước đây chúng ta rất dễ dàng tìm ra những tấm gương điển hình và từng phát động nhiều phong trào học tập và noi gương các anh hùng cách mạng rất thiết thực và hiệu quả như học tập anh Nguyễn Viết Xuân, chị Út Tịch, anh Nguyễn Văn Trỗi… thì hiện nay, mặc dù hằng năm chúng ta biểu dương rất nhiều gương điển hình tiên tiến, tuy nhiên lại rất khó khăn trong việc tìm kiếm những điển hình về thực hành đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới.
|
Văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh giải pháp trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là: “Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống” và “xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống”. Do vậy ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt phong trào học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng bằng hành động thực tiễn, lan toả và phổ biến nhân rộng những điển hình, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới dưới nhiều hình thức khác nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Đảng viên dù là ở cương vị công tác nào cũng đều phải là những chiến sỹ cộng sản có lý tưởng và hành động theo đường lối của Đảng”. Theo đó, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng xúc động chia sẻ tại buổi lễ nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng bằng cách dẫn lời của một bài hát: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương, nếu là chim hãy là chim bồ câu trắng, nếu là đá hãy là đá kim cương, nếu là người hãy là người Cộng sản!”. Đó chính là mong muốn của Tổng Bí thư gửi gắm không chỉ tới cán bộ, đảng viên mà hơn hết là tới toàn thể người dân Việt Nam, hãy là những cộng sản kiên trung, cống hiến, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...
Trong suốt cuộc đời hoạt động, tận hiến cho Đảng, cho Dân, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hình mẫu tiêu biểu của một người chiến sĩ cộng sản chân chính, kiên trung.
Trong bài viết “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành trọn những cảm xúc đặc biệt nhất để nói về đồng chí Nguyễn Phú Trọng: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân”.
Đồng chí Tô Lâm khẳng định: “Trọn cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; khẳng định một nhân cách lớn, coi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, giữ vững nguyên tắc, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng trong sáng, “chí công vô tư”, lối sống giản dị, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, tôn trọng và yêu thương con người…, được cán bộ, đảng viên và nhân dân kính trọng, tín nhiệm cao, tin tưởng và yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao”.
|
Với 80 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, có thể nói đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người lãnh đạo liêm chính, trí tuệ, mẫu mực, sống một đời giản dị, thanh cao khiến toàn Đảng, toàn Dân nể phục, kính trọng; là biểu tượng cao đẹp của người cộng sản, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sự chỉ đạo quyết liệt, nói đi đôi với làm của Tổng Bí thư đã trở thành kim chỉ nam tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng cả nước vững bước tiến lên. Đồng chí là chính là một tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, là một người không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Thời gian qua, cũng đã có những cán bộ, đảng viên xuất hiện với những phẩm chất tiêu biểu của người cách mạng giai đoạn mới, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phúc vụ Nhân dân, dũng cảm hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, vì sự an toàn của đồng đội và nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, được đông đảo quần chúng nhân dân tin tưởng, ghi nhận.
Trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, cơn bão có tên quốc tế YAGI - siêu bão số 3 đã đổ bộ vào Việt Nam với sức tàn phá khủng khiếp. Chính từ trong mất mát, đau thương đó, chúng ta lại thấy những điểm sáng trong phẩm chất cao đẹp của những người cán bộ, đảng viên như: Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm, Đại đội trưởng Đại đội 3, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 đã dũng cảm hy sinh khi cứu đồng đội trong cơn bão dữ. Thiếu tá Trần Quốc Hoàng, cán bộ trại giam Quảng Ninh, thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an, hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ. Trưởng thôn Kho Vàng Ma Seo Chứ đã dũng cảm kiên quyết vận động 115 người dân di dời đến nơi an toàn, trước thảm họa sạt lở đất tại Lào Cai; anh Hoàng Văn Diệp, trưởng thôn Làng Nủ, ngôi làng tan thương nhất tại Lào Cai trong cơn bão số Yagi, đã tích cực phối hợp chỉ dẫn, hỗ trợ các lực lượng chức năng, tìm kiếm người dân thôn Làng Nủ mất tích, lo hậu sự cho những người xấu số được tìm thấy...
|
Vào thời điểm cam go nhất khi làn sóng COVID-19 hoành hành, cũng đã xuất hiện những tấm gương “xé rào” vì lợi ích, tính mạng của người dân. Không nói quá khi công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua cũng chính là phép thử để đo tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các địa phương. Cụ thể, những người lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh - địa phương chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất vì dịch bệnh, đã có những quyết sách, sáng kiến thể hiện đúng tinh thần “7 dám” như lãnh đạo huyện Củ Chi đã mạnh dạn áp dụng phương pháp "không coi F0 là người bệnh" và đưa thuốc Đông y vào sử dụng từ rất sớm giúp địa phương này điều trị khỏi nhiều ca bệnh rất nhanh và đặc biệt không có trường hợp tử vong. Bí thư Quận uỷ Quận 6 là người đã mạnh dạn chỉ đạo cơ sở y tế phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 tự điều trị tại nhà dù chưa có hướng dẫn của Sở Y tế Thành phố, điều này cũng giúp số ca tử vong giảm hẳn…
Gần đây nhất, trong bối cảnh “vi rút mang tên Việt Á” lây lan và gây biết bao hệ lụy cho Ngành Y tế, những việc làm của đảng viên, bác sỹ Nguyễn Thành Danh được coi là điểm sáng, đại diện cho phẩm chất cao quý của người thầy thuốc với phương châm: "khó khăn không chùn bước, tiền bạc không thể lung lay, luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trung thành với Tổ quốc và Nhân dân”. Ông là người duy nhất được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên miễn trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, trên cương vị Giám đốc CDC Bình Dương, dù đã đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên khi được tổ chức, cấp trên yêu cầu, ông Nguyễn Thành Danh đã đồng ý ở lại để phục vụ nhân dân. Trong tình huống nguy cấp, người đảng viên Nguyễn Thành Danh đã “xé rào” để thực hiện vay kit test, sinh phẩm của Việt Á để kịp thời đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn nhiều khu công nghiệp trọng yếu như Bình Dương. Một điều đặc biệt khiến chúng ta tự hào về người đảng viên, người thầy thuốc ấy là dù đã có rất nhiều lần nhân viên Việt Á đưa tiền, nhưng ông đều từ chối, đồng thời luôn nhắc nhở, cảnh tỉnh cấp dưới quyền của mình không được nhận tiền của Việt Á hay của bất kỳ ai.
Hành động của ông Nguyễn Thành Danh đã cho thấy hành vi và động cơ của ông không có gì khác ngoài lợi ích của Nhân dân, phúc vụ Nhân dân, phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ngày 4-9 vừa qua, ông Nguyễn Thành Danh đã được phục hồi đảng tịch khi Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã có quyết định thay đổi hình thức kỷ luật Đảng từ hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng thành Khiển trách đối với cựu Giám đốc CDC Bình Dương.
|
Có thể nói, những tấm gương trên đã đại diện cho việc thực hiện những giá trị chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới không còn là những việc trên chỉ thị, nghị quyết của Đảng, mà nó đã được chuyển hoá thành những hành động, việc làm đời thường. Họ đã thực hiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên đúng với lương tâm, trách nhiệm của mình, vì một mục tiêu trên hết, trước hết là hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đúng như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là cách hữu hiệu nhất để lan toả hình ảnh, phẩm chất đạo đức cách mạng người cộng sản trong giai đoạn mới.
|
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương đánh giá: Trong bối cảnh công tác xây dựng Đảng về đạo đức được Đảng ta đặc biệt coi trọng, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn những việc cần làm, những mục tiêu cần phấn đấu để có được sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân. Thực hiện tốt Quy định này cũng là làm theo những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng.
Đồng chí Vũ Văn Phúc tin tưởng, với những quy định rõ ràng, cụ thể để đảng viên soi chiếu, nỗ lực rèn luyện phấn đấu được nêu tại Quy định số 144-QĐ/TW cùng với Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung sẽ tạo động lực để mỗi cán bộ, đảng viên nhân lên khát vọng cống hiến, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, từ đó đóng góp công sức mình cho công cuộc phát triển và chấn hưng đất nước.
|
TS. Nguyễn Trung Dũng - NCS. Cao Thị Phương