Mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gắn Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc cho ông Nguyễn Tài Phương

Thưa ông, là người sống xa quê hương, mỗi lần về Việt Nam hẳn ông đều cảm nhận được những nét đổi thay của chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài?

Tôi là người Việt Nam ở nước ngoài luôn tha thiết với quê hương. Hiện nay, trong một năm, thời gian tôi ở Mỹ và Việt Nam cân bằng, có phần ưu tiên quê nhà hơn. Dù sang định cư ở Mỹ hơn 35 năm, khi trở về tôi không quá xa lạ với nếp sống, văn hóa và cách làm việc hiện nay ở quê hương. Căn cốt của người Việt gần gũi với tôi từ thói ăn, nết ở. Nhìn nhận khách quan, tôi thấy chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có những bước tiến bộ vượt bậc, ngày càng đi vào thực tiễn nhằm xây dựng tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong, ngoài như một và thu hút, phát huy nguồn lực của người Việt xa quê vào tiến trình hội nhập và xây dựng đất nước.

Người Việt Nam khi sinh sống ở nước ngoài trở về thường được gọi là Việt kiều. Đây là mỹ danh thường gắn với sự sung túc, giàu có của người xa quê. Nhưng thực ra, cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài muôn hình, muôn vẻ. Ở Mỹ có gần 2 triệu, chiếm gần 1/2 cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Con đường cập bến nước Mỹ của mỗi người khác nhau. Hầu hết những năm tháng đầu tiên khi tới Mỹ là thời gian cực nhọc để học tiếng và hội nhập. Đầu tiên là kiếm một việc làm để có thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình. Tiếp đến là học tiếng Anh. Công việc và cuộc sống ở nước ngoài, dù ở nước phát triển như Mỹ cũng không hoàn toàn màu hồng. Đa phần người Việt Nam có việc làm ở Mỹ chỉ có mức sống trung bình so với dân nhập cư khác. Chưa kể, một số ít người vẫn phải sống nhờ vào khoản trợ cấp xã hội. Dù xã hội Mỹ rất cởi mở, nhưng quá trình hội nhập và vươn lên của người Việt thấm đẫm mồ hôi, công sức và phải rất kiên nhẫn, sáng tạo, cố gắng, dẻo dai mới đạt được thành công. Cộng đồng gốc Việt tuy đông nhưng chưa có nhiều những doanh nghiệp lớn. Điểm khác biệt của người Việt Nam với các sắc dân nhập cư ở Mỹ là gắn bó đặc biệt với văn hóa truyền thống quê hương. Biểu hiện cụ thể trong hầu hết mỗi gia đình người Việt Nam đều có bàn thờ gia tiên, đồ dùng, hiện vật gắn với văn hóa dân tộc. Người lớn dù phải bươn trải kiếm sống nhưng vẫn luôn cố gắng dạy con trẻ học tiếng Việt, giữ gìn phong tục, tập quán, tham gia những hoạt động chung của cộng đồng nhân các dịp lễ, Tết theo truyền thống. Chính từ đặc điểm gắn bó với quê cha đất tổ, quê hương, đất nước nên chính sách của Đảng và Nhà nước rất quan trọng trong việc thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, dù thành công hay chưa thành công đều muốn đóng góp với quê hương tùy theo khả năng của mình.

Theo ông, những đổi mới về chính sách đã tạo nên những động lực?

Đúng vậy. Quá trình đổi mới nói chung, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ nói riêng tạo ra động lực và sức hút người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước. Quá trình ấy có thể chia làm hai giai đoạn trước và sau Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Những năm 80 của thế kỷ trước, việc trở về nước của người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước phương Tây gặp rất nhiều khó khăn ngay từ khâu xin hộ chiếu nhập cảnh. Qua được cửa ải ấy, về nước lại gặp chính sách hai giá. Tức là Việt kiều bị coi là người nước ngoài. Về thăm quê đã khó, về đầu tư càng rắc rối. Ngày đó hệ thống luật pháp chưa đầy đủ, chưa có quy định liên quan đến cư trú, ngoại hối, đầu tư, doanh nghiệp… Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời ấy phạm vi hoạt động rất hạn hẹp, ít có tác động tới họ. Những điều đó tạo ra sự ngăn cách trong ngoài. Nói đúng hơn là người Việt Nam ở nước ngoài không có điều kiện kết nối và gắn bó với quê hương. Bởi thế, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị là một động lực cực kỳ quan trọng đối với cộng đồng người Việt Nam xa quê. Lần đầu tiên, họ được coi là một bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Dẫu những chính sách, luật pháp liên quan tới Việt kiều được bổ sung và hoàn thiện từng bước, nhưng về mặt tâm lý, tình cảm, Nghị quyết 36 đã tạo dựng được niềm tin vững chắc và gỡ bỏ được nỗi ưu tư lớn nhất của người Việt. Đó là được xác nhận luôn gắn bó, không thể tách rời với nguồn cội, đất nước. Từ đó, những tình cảm dân tộc của người vốn chỉ được khép kín trong các hội đoàn nhỏ, phân tán giờ đã được hòa vào nguồn cội. Tuy hiệu ứng của mỗi nhóm cộng đồng người Việt Nam xa quê trước mỗi chính sách mới có khác nhau, nhưng tựu trung, tình cảm dân tộc và sự gắn kết với nguồn cội đã vượt lên những mặc cảm tưởng chừng như cố cựu, băng đá trong tâm khảm mỗi người. Sau Nghị quyết 36, Đại hội X của Đảng (2006) khẳng định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, chấp hành tốt pháp luật các nước sở tại; bảo vệ quyền lợi chính đáng của đồng bào… Có chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hướng về xây dựng quê hương, góp phần xây dựng đất nước. Quy chế miễn thị thực xuất nhập cảnh có hiệu lực từ ngày 1-9-2007 mở rộng cánh cửa vốn bị khép hẹp để kiều bào về cội nguồn và tìm hiểu sự phát triển và đổi mới của đất nước. Luật Quốc tịch sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2008 giải tỏa khó khăn về câu chuyện hai quốc tịch vốn là một thực tế của rất nhiều kiều bào mong muốn khẳng định gốc gác Lạc - Hồng của mình. Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2009, đặc biệt là Luật Đất đai bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2015 đã biến ước mơ từ rất lâu của người Việt Nam ở nước ngoài thành sự thực là được gắn bó trực tiếp, thoát khỏi phận làm khách khi sống ở chính bản quán của mình. Kiều bào còn được tham gia góp ý kiến vào các vấn đề chính sách, văn bản pháp lý, Hiến pháp 2013 và dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Một minh chứng quan trọng nữa, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 36, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới thể hiện sự nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác này. Nghị quyết 36 được coi là động lực, là kim chỉ nam định hướng, bởi từ đó một loạt hệ thống, chính sách được luật hóa bằng những văn bản pháp quy, điều chỉnh địa vị pháp lý của kiều bào ở rất nhiều lĩnh vực theo hướng ngày một thông thoáng, cởi mở, hội nhập và tiếp cận đến những chuẩn chung của trong nước và quốc tế.

Và trên thực tế đã đạt hiệu quả, thưa ông?

Hiển nhiên. Trước đây, chúng ta có thể đếm trên đầu ngón tay người Việt Nam bằng nhiều cách trở về đất nước. Ông Nguyễn Văn Hảo, cựu Phó Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, ngay từ những năm 1979-1980 đã tham vấn cho Bộ Ngoại giao về cách thức và cơ hội bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Càng về sau người Việt Nam ở nước ngoài trở về ngày càng nhiều, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế như ông Bùi Kiến Thành (Việt kiều ở Mỹ), giáo sư Đặng Lương Mô (Việt kiều ở Nhật)… Tiếp theo là GS. Trần Văn Khê, Trần Thanh Vân (Việt kiều ở Pháp) và rất nhiều trí thức, doanh nhân đã trở về và có đóng góp với quê hương. Ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trong buổi gặp gỡ Việt kiều đón xuân Ất Mùi cho biết, năm 2014 có hơn 756.974 lượt Việt kiều về nước qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Trong năm có trên 88.100 lượt Việt kiều tạm trú ở địa phương và 309 Việt bào đã về sinh sống tại đây. Mỗi năm, hàng triệu lượt người Việt Nam trở về với quê hương. Những dịp cuối năm ở các nước có đông người Việt Nam như Mỹ, việc đặt vé máy bay về quê đón Tết rất sôi động. Sự tấp nập các chuyến bay quốc tế đổ về Việt Nam đồng nghĩa với dòng hành hương con Hồng, cháu Lạc muôn phương đã được thiết lập và chuyển động. Đây là dấu hiệu tốt lành cho quá trình hội nhập và phát triển đất nước.

Hiện có 4.5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó gần 400.000 là trí thức, nhà khoa học - công nghệ, nhiều doanh nghiệp trẻ thành đạt trong lĩnh vực công nghệ cao. Nguồn lực kiều bào thường được định lượng bằng nguồn kiều hối khoảng hơn 92 tỷ USD gửi về từ năm 1991 đến nay. Đây là nguồn lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Số tiền ấy còn cao hơn nguồn vốn ODA đã giải ngân. Hơn 2.000 dự án có vốn từ đầu tư của Việt kiều thu hút gần 20 tỉ USD. Hàng trăm nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ đã về Việt Nam tham gia nghiên cứu, giảng dạy… Nhưng đó mới chỉ là một phần rất nhỏ định lượng được của nguồn lực đó. Vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp lớn của người Việt ở nước ngoài trở về đầu tư trong nước. Các dự án đầu tư hiện tại còn chưa hội tụ được thế mạnh về tri thức khoa học - kỹ thuật. Nguồn đầu tư khoa học - kỹ thuật cao gắn với chuyển giao khoa học công nghệ, tư vấn chính sách, kết nối giữa Việt Nam với các trung tâm công nghệ tiên tiến, các nền kinh tế hàng đầu mới là “nguồn lực tiềm ẩn” mà chúng ta chưa tận dụng, thu hút và phát huy được nhiều và đúng năng lực sẵn có.

Theo ông, phải làm gì để tiếp tục khai thác nguồn lực tiềm ẩn ấy?

Hiệu quả từ Nghị quyết 36 quá rõ. Nhưng theo tôi, Nghị quyết chưa được thực hiện đồng bộ ở mọi cấp, ngành, địa phương, nhất là ở cấp cơ sở - nơi trực tiếp với người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể hơn, cấp cơ sở còn có nhiều việc gây khó khăn, phiền nhiễu, nhất là đối với các doanh nhân về đầu tư. Theo tôi, Chính phủ cần tiếp tục ban hành chương trình hành động cụ thể hơn để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 trong giai đoạn mới. Trong đó, tập trung vào vấn đề đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đảng và Nhà nước cần làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân. Cụ thể là phát huy thế mạnh hệ thống chính trị, của mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì hệ thống tổ chức của mặt trận có từ Trung ương đến cơ sở, tiếp cận trực tiếp mọi tầng lớp nhân dân, có các ủy viên tiêu biểu đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở khắp năm châu; phát huy tinh thần yêu nước của bà con hải ngoại, tập hợp toàn dân trong và ngoài nước đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người Việt Nam ở nước ngoài là nhân tố quan trọng thúc đẩy quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa nước ta và các nước sở tại. Chính phủ cần sớm bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về vấn đề quốc tịch. Có chính sách cụ thể ưu đãi, hỗ trợ cho cộng đồng, tổ chức đoàn thể người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương và cơ sở giáo dục Việt ngữ tại hải ngoại, nhất là ở các địa bàn ưu tiên. Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú, đăng ký thường trú. Là một doanh nhân, tôi đặc biệt quan tâm và đề nghị khẩn trương ban hành quy định ưu đãi đầu tư đối với dự án của người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành. Các cơ quan có trách nhiệm cần tích cực thành lập ban công tác thực thi chính sách hỗ trợ đối với kiều bào đã và đang đầu tư phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật trong nước (chứ không phải là ban chỉ đạo công tác về người Việt Nam ở nước ngoài). Ban này phối hợp cụ thể với các địa phương để hỗ trợ trực tiếp, giải quyết tại chỗ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án do Việt kiều đầu tư. Khi đất nước coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời, là máu thịt của dân tộc Việt Nam, tức họ là một phần của dân tộc Việt Nam. Họ không mong mỏi gì hơn được sự quan tâm sâu sắc và đối xử bình đẳng, đúng theo quy định mà luật pháp đã ban hành. Thực hiện tốt và đầy đủ điều đó cùng với chính sách đại đoàn kết dân tộc đang triển khai hiệu quả thời gian qua, niềm tin của người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được nhân lên gấp bội, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được phát huy tối đa, đi vào cuộc sống, nguồn lực “tiềm ẩn” sẽ được khơi thông và phát huy hiệu quả to lớn hơn.

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc ông cùng gia đình đón một xuân mới Bính Thân ấm áp tại quê nhà!

Thu Huyền (thực hiện)


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất