Nét mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa I

1. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh xây dựng, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, bồi dưỡng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ. Nội dung, chương trình được thiết kế theo hướng nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian đào tạo, bảo đảm tính kế thừa, thống nhất. Bậc đào tạo càng cao, nội dung càng chuyên sâu, tránh trùng lặp nội dung ở các hệ, bậc học dưới. Chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý phù hợp với đối tượng học là những cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, hành chính ở các học viện, trường đại học, các trường chính trị tỉnh, thành phố, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các ban, ngành Trung ương. Đa số học viên là cán bộ, công chức, viên chức công tác trong hệ thống chính trị đã được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng. Nhiều học viên của các hệ đào tạo, bồi dưỡng vừa có trình độ học vấn cao, vừa có kinh nghiệm triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa có kinh nghiệm thực tiễn, nhất là giải quyết những tình huống thực tế. Đối tượng học viên đặt ra yêu cầu về chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên, nhân viên phục vụ đến cơ sở vật chất, kỹ thuật đều có tính đặc thù.

Mục tiêu, đặc điểm, đối tượng, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đặt ra những yêu cầu cao về việc xây dựng các loại chương trình, giáo trình. Các giảng viên và học viên có giáo trình hoặc đề cương phù hợp với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Lần đầu tiên, các học viên cao học có đầy đủ giáo trình cho các học phần bắt buộc và tự chọn do chính Học viện biên soạn; các nghiên cứu sinh có đề cương chi tiết các học phần thuộc chương trình tiến sĩ của chuyên ngành theo học. Điều này không chỉ có ý nghĩa thống nhất về mặt nội dung các học phần của cùng một chương trình, mà còn khắc phục được tình trạng “dạy chay”, “học chay”, có gì dùng nấy. Các giảng viên, học viên đều được định hướng nội dung, tài liệu học tập, câu hỏi, phương pháp nghiên cứu, giảng dạy thống nhất, tạo điều kiện chủ động, độc lập và sáng tạo trong học tập, nghiên cứu.  Từ năm học 2014-2016, thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 8-3-2013 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, chương trình giảng dạy, học tập cao cấp lý luận chính trị trong toàn quốc đã được thống nhất cho các hệ tập trung, không tập trung.

Để khắc phục hạn chế trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và xử lý tình huống cho các đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện, Ban Tổ chức Trung ương đã phối hợp với Học viện CTQG Hồ Chí Minh xây dựng nội dung chương trình và tổ chức 3 lớp bí thư cấp ủy cấp huyện cho 166 học viên nhằm bổ sung, cập nhật một số vấn đề lý luận, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; kiến thức lãnh đạo, quản lý và kỹ năng cần thiết để giải quyết tốt các tình huống, các vấn đề đặt ra trong thực tiễn góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý và phẩm chất chính trị, đạo đức để đội ngũ cán bộ này hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Các học viên được nghiên cứu 14 chuyên đề (5 lý luận chung và 9 kỹ năng tác nghiệp).

2. Thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt: bồi dưỡng trước và sau khi bổ nhiệm, theo chức danh, theo chuyên đề, cập nhật kiến thức… Kết hợp bồi dưỡng trong nước và ở nước ngoài. Ở Trung ương, đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, tổ chức 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho hơn 150 đồng chí là ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XI. Các địa phương cũng chủ động phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thuộc diện quản lý của địa phương. Nội dung bồi dưỡng theo từng lĩnh vực, chuyên ngành: Lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quốc phòng - an ninh, ngoại ngữ, tin học... Hầu hết cán bộ được bồi dưỡng nâng cao về nhận thức, lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý.

3. Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cấp chiến lược. Cán bộ cấp chiến lược ở Trung ương và địa phương gồm các đồng chí quy hoạch BCH Trung ương khóa XII và quy hoạch lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Trung ương, địa phương. Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức được 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp với 511 học viên. Nội dung bồi dưỡng không chỉ làm sâu sắc hơn các vấn đề lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay mà còn cập nhật có hệ thống, làm rõ các vấn đề mới trong đường lối của Đảng sau 30 năm đổi mới. Trong quá trình bồi dưỡng, ngoài học tập trên lớp, học viên còn đi nghiên cứu thực tế ở các địa phương để nâng cao kỹ năng nắm bắt và xử lý các vấn đề thực tiễn, cụ thể; đề án tốt nghiệp mang tính triển khai, xử lý các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng... và trở thành phương án chỉ đạo của học viên tại đơn vị, địa phương mình với tư cách là người lãnh đạo chủ chốt. Đến nay, nhiều học viên được quy hoạch và bổ nhiệm vào các vị trí công tác cao hơn. Trong đại hội đại biểu đảng bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua, nhiều học viên công tác tại các địa phương đã được bầu vào ban thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy, 45 đồng chí đắc cử bí thư tỉnh ủy, thành ủy.

Năm 2016, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH, hội nhập quốc tế ở nước ta.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất