Ngày xuân nghĩ về sử dụng nhân tài

Đất nước ta từ xưa đến nay chưa bao giờ thiếu vắng nhân tài. Từ đầu thế kỷ thứ 15, Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau /Song hào kiệt đời nào cũng có”. Hiện nay trong mọi lĩnh vực của đời sống, chúng ta đều có nhân tài, ở một số lĩnh vực còn có những nhân tài đỉnh cao. Vấn đề của chúng ta là cần nghiêm túc nhìn lại nhân tài đang “bị kẹt” ở đâu để tìm cách tháo gỡ, trọng dụng, phát huy đúng mức tài năng của họ. Một trong những biện pháp là cần học hỏi và rút ra kinh nghiệm từ quá khứ.

Trong sử sách nước ta và trên thế giới cho thấy có nhiều nhà cầm quyền thông thái, biết trọng dụng nhân tài dẫn đến thành công và cũng không ít nhà cầm quyền u tối, sai lầm và tội lỗi, làm thui chột, thậm chí còn hủy diệt nhân tài dẫn đến thất bại đau đớn. Điển hình về sự u tối của các nhà cầm quyền đã trở thành bài học cho muôn đời, mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở Đảng ta cần lưu ý trong một bài viết ngắn có nhan đề “Quý trọng những người khoa học tiến bộ” (Báo Nhân Dân, ngày 30-1-1956): “Chúng ta quý trọng những nhà khoa học tiến bộ đời nay và biết ơn các nhà khoa học tiến bộ thời xưa, vì họ có công to với xã hội. Đồng thời chúng ta cũng nên biết ơn nhiều nhà khoa học tiến bộ đã gan dạ chống lại thế lực phản động và đã hy sinh như: Ông R.Bê-cơn người Anh (thế kỷ 13) làm những thí nghiệm thiên nhiên. Ông bị tôn giáo hồi đó cho là “tà thuật” và bị bỏ tù. Ông G.Bru-nô, người Ý (thế kỷ 14) tiên đoán: ngoài quả đất của chúng ta còn có nhiều ngôi sao khác, mà loài vật có thể sống được. Ông bị đốt sống sau 7 năm ngồi tù!... Ở nước ta trong các chế độ cũ, không ít nhà cầm quyền đã mắc những sai lầm đối với nhân tài. Tuy vậy có rất nhiều vua, quan có những hành xử cao minh, nêu gương sáng muôn đời về phẩm chất cao quý, xứng đáng để mọi thế hệ suy ngẫm và học tập.

Cách đây 600 năm, sau khi đánh đuổi hoàn toàn giặc Minh, lên ngôi vua mới hơn một năm, Thái tổ Lê Lợi đã nhận ra sự thiếu hụt nhân tài trong giai đoạn mới của triều đại, nên ngày mồng một tháng 10 âm lịch năm 1429, ông đã ban hành tờ chiếu với nội dung sau: “Trẫm nghĩ, muốn thịnh trị, phải được người hiền tài; muốn được người hiền tài, phải do tiến cử. Người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên (...). Vậy ra lệnh cho đại thần văn võ, công hầu đại phu từ tam phẩm trở lên, mỗi người tiến cử một người, ở trong triều hay ngoài thôn dã, đã làm quan hoặc chưa làm quan (...). Ai tiến cử được người hiền sẽ được tưởng thưởng”. Chiếu viết tiếp: “Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế, nhưng vẫn phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những người hào kiệt còn bị vùi dập ở bụi bờ hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được? Vậy nên từ nay về sau, các bậc quân tử có ai muốn theo ta, đều cho tự tiến cử”. Hình thức tự tiến cử này giống như việc nộp đơn ứng tuyển vào các chức danh chuyên môn, kể cả quản lý, lãnh đạo mà nhiều nước hiện nay đã và đang làm. Phương pháp tiến hành phải khách quan, dân chủ, công khai, thưởng phạt nghiêm minh. Ai tiến cử người kém, tham lam, gây hậu quả xấu, phải chịu trách nhiệm liên đới. Những người làm lãnh đạo, quản lý và tổ chức - cán bộ của Đảng và Nhà nước ta đều biết hai nhân cách lớn từ câu chuyện về Thái phó Tô Hiến Thành và Thái sư Trần Thủ Độ - hai vị quan nổi tiếng thanh liêm, cương trực.

Tô Hiến Thành giữ chức Tể tướng dưới triều vua Lý Anh Tông, kiêm chức Thái phó giúp việc cho Thái tử Lý Cao Tông. Ông là người có nhân cách lớn, một lòng vì dân, vì nước. Trước khi băng hà, vua Lý Anh Tông dặn dò Tô Hiến Thành hãy phò tá Long Cán - hoàng tử thứ sáu - lên nối ngôi. Lúc đó Long Cán mới ba tuổi nên mọi việc lớn nhỏ trong triều đều giao cho Thái phó Tô Hiến Thành đảm nhiệm. Thái hậu lại muốn phế Long Cán để lập Long Sương (thái tử thiếu nhân cách đã bị truất quyền nối ngôi) làm vua, nên nhân lúc Tô Hiến Thành đi sứ bèn sai người mang vàng lụa đến nhà gặp vợ Tô Hiến Thành, nhờ nói lại ý Thái hậu với ông. Khi về nước, biết ý Thái hậu, Tô Hiến Thành đã khảng khái trả lời: Vua Lý Anh Tông đã hoàn toàn tin tưởng ở ta nên mới giao ta trọng trách. Nay dù Tiên vương đã mất, nhưng ta vẫn không thể phụ lòng tin ấy, muối mặt nhận hối lộ để người đời phỉ nhổ, bêu riếu và đắc tội với anh hồn Tiên vương. Hối lộ không được, Thái hậu chuyển sang dùng áp lực, mời Tô Hiến Thành đến và bảo: ông đối với nước nhà, có thể gọi là trung. Song, tuổi ông đã xế chiều mà thờ ấu chúa thì việc làm của ông ai người biết đến? Chi bằng, lập vua trưởng thành thì người đó sẽ đem ơn đức mà ban cho, ông giữ được phú quý lâu dài há chẳng nên ư? Nhưng Tô Hiến Thành đã dám phủ nhận ý kiến của Thái hậu: Bất nghĩa mà được phú quý không phải là điều người trung thần nghĩa sĩ vui làm. Đối với công luận sẽ như thế nào? Thần không dám vâng lời.

Khi lâm bệnh nặng, Tô Hiến Thành được quan Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ bên cạnh. Trong khi đó thì Gián nghị đại phu Trần Trung Tá bận bịu nhiều việc, không lúc nào rảnh rang để đến thăm. Thái hậu hỏi Tô Hiến Thành: Nếu có mệnh hệ nào, ai thay ông? Ông trả lời không do dự: Người mà ngày thường thần biết, chỉ có Trung Tá mà thôi. Thái hậu bèn nói: Tán Đường ngày ngày hầu hạ thuốc thang cho ông, sao ông không nói tới là làm sao? Còn Trần Trung Tá là kẻ luôn thờ ơ với ông, mà sao ông vẫn tiến cử vậy? Tô Hiến Thành vẫn một mực khẳng định: Thái hậu hỏi người thay thần, nên thần nói tới Trung Tá; nếu hỏi người hầu hạ, phụng dưỡng thần thì phi Tán Đường còn ai nữa? Điều đó cho thấy thái độ của Tô Hiến Thành về việc công, việc tư rất rõ ràng và theo quan điểm của ông thì người gánh vác trọng trách của đất nước dứt khoát phải thực sự có đức, tài. Suy nghĩ và lời nói của Tô Hiến Thành đạt đến mức độ cặn kẽ, thấu tình, đạt lý. Với ông, người làm quan to phải có phẩm chất trung, tín, công minh. Thiếu những phẩm chất ấy thì không xứng là bậc chính nhân quân tử, mà chỉ là hạng giá áo, túi cơm hèn hạ mà thôi.

Trần Thủ Độ tuy ít học nhưng thông minh, sáng suốt hơn người. Nhờ có công lớn lập ra nhà Trần nên ông được phong chức Thái sư - chức quan cao nhất trong triều, có quyền tham gia ý kiến trong mọi việc chính sự. Ở ông, nổi bật nhất là tính cách thẳng thắn, công minh, đặt lợi ích quốc gia ở tầm cao nhất. Trần Thủ Độ làm quan rất nghiêm minh. Thói thường, “một người làm quan, cả họ được nhờ”, nhưng Trần Thủ Độ không thế. Vợ ông là Linh Từ quốc mẫu xin cho một người cháu họ chức câu đương (chức dịch nhỏ ở xã, chuyên lo giải quyết các vụ kiện cáo giữa dân làng với nhau), Trần Thủ Độ tuy miệng nhận lời nhưng phản đối khéo bằng cách: Khi xét, ông gọi người ấy lên mà bảo: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương nên không thể so với người khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Người ấy sợ quá xin mãi mới được tha. Từ ấy không ai, dù người thân thiết, họ hàng dám xin xỏ nữa. Một hôm, vợ ông đi ngang qua cung cấm thì bị một người lính chạy cờ ngăn lại. Bà về nhà thuật lại và khóc: “... Mụ này là vợ ông mà bị bọn quan khinh nhờn như vậy!”. Trần Thủ Độ tức giận sai bắt người lính chạy cờ về trị tội. Nhưng sau khi nghe người này trình bày nguyên do thì ông cười và nói: “Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa”, sau đó ban thưởng cho người này. Lại có người thấy ông có nhiều quyền uy trong triều, vào gặp Thái Tông tâu rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Thái Tông lập tức đưa người ấy đến dinh Thủ Độ, nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ trả lời: “Đúng như những lời hắn nói”. Rồi lấy tiền lụa thưởng cho người ấy. Đặc biệt hơn, khi vua Thái Tông ngỏ ý muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tướng, Thủ Độ chân thành đáp: An Quốc là anh thần, nếu là người hiền tài thì thần xin thôi việc, còn như cho thần là người hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng là tướng thì việc trong triều sẽ ra sao? Câu nói ấy đã phản ánh nhân cách cao đẹp và tầm nhìn xa rộng của Thái sư - người có tài kinh bang tế thế. Trần Thủ Độ đã lường trước được tất cả những điều không hay sẽ xảy ra nếu như cả hai anh em ông đều giữ những chức vụ trọng yếu trong triều đình. Can ngăn nhà vua bằng lời lẽ tâm huyết, chính trực như thế, Thái sư Trần Thủ Độ đã thể hiện đạo đức chí công vô tư của một vị quan liêm khiết, xứng đáng là bậc trung thần hiếm có trong lịch sử.

Từ hai tấm gương sáng Tô Hiến Thành và Trần Thủ Độ trong lịch sử, chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện nhân cách. Chính lý tưởng vì nước, vì dân là nền tảng chi phối tư tưởng, đạo đức, suy nghĩ và hành động của hai danh nhân. Tên tuổi, sự nghiệp và phẩm giá cao đẹp của các ông được lưu truyền muôn thuở trong sự kính phục và yêu mến của nhiều thế hệ người Việt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kế tục và phát huy tới đỉnh cao nhân cách và bản lĩnh sử dụng người tài của tiền nhân trong chế độ mới. Ngày 20-11-1946, chỉ sau 8 tháng Chính phủ hợp pháp do Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bầu ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh người đứng đầu Chính phủ công bố trước quốc dân đồng bào và lệnh cho chính quyền các địa phương trong toàn quốc phải làm ngay việc “Tìm người tài đức”. Trong bức thông điệp ấy, Người khẳng định: Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Người chỉ rõ hãy tin và hãy tìm người tài đức ở ngay trong đồng bào mình, không phân biệt nguồn gốc xuất thân của họ, miễn sao họ có thực tài và có lòng yêu nước, có nhiệt tình đóng góp cho đất nước. Chỉ rõ lực cản đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân là bởi tại Chính phủ, ở những người lãnh đạo từ cấp cao nhất quốc gia trở xuống. Người công khai tuyên bố “... khuyết điểm đó tôi xin nhận...”. Đồng thời, Người chỉ thị chính quyền các địa phương sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng. Cần phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước, lợi dân phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Yêu cầu báo cáo phải nói rõ:Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng, chỗ ở của người đó. Quy định thời hạn phải báo cáo cho đầy đủ.

Mùa xuân mới đã về, Đảng ta khai mở Đại hội XII. Nhân dân cả nước trông đợi, chờ mong, đón nhận những người tài đức của dân tộc xứng đáng được tiến cử gánh vác trọng trách quốc gia trong tình hình mới.

-----

(1)   Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, H.1993, tập 2, tr.302-303.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất