Đảng tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng quyết định lập lại Ban Nội chính Trung ương và hệ thống ban nội chính các tỉnh, thành ủy. Trong 3 năm qua, Ban Nội Chính Trung ương đã chủ động phát hiện, tham mưu và trực tiếp đôn đốc các cơ quan chức năng đưa hàng trăm vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Hướng tới Đại hội XII của Đảng và nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngành Nội chính Đảng, phóng viên (PV) Vũ Chung đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương về những kết quả đạt được và những định hướng lớn phòng, chống, tham nhũng trong thời gian tới.

                    
Đồng chí Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trả lời phỏng vấn.

PV: Thưa đồng chí, trong 3 năm qua có nhiều vụ tham nhũng, mới đây nhất trước thềm Đại hội XII, 8 vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử. Xin đồng chí cho biết, đóng góp của Ngành Nội chính vào kết quả này?

Trong thời gian qua, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử nghiêm minh với nhiều mức án nghiêm khắc, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe được dư luận đồng tình.

Trong 2 năm 2014 và 2015, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã có 14 vụ với 149 bị cáo được xét xử sơ thẩm, với 8 án tử hình cho 7 bị cáo, 14 án chung thân cho 13 bị cáo, 2 án 30 năm tù cho 2 bị cáo, 126 bị cáo có mức án từ 2 đến 25 năm tù. Đã xét xử sơ thẩm 6 vụ trong 8 vụ án trọng điểm Ban Chỉ đạo yêu cầu xét xử trước Đại hội XII của Đảng và đang xét xử 2 vụ. Các vụ án Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã xét xử sơ thẩm 17 vụ với 119 bị cáo, trong đó có 2 bị cáo có mức án tù 20 - 30 năm, 67 bị cáo mức án tù từ 2 năm đến dưới 20 năm. Đầu năm 2016 sẽ đưa 4 vụ với 49 bị cáo ra xét xử sơ thẩm. Đó là quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ráo riết với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chỉ đạo; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Ban Cán sự đảng và lãnh đạo Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân tối cao, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; sự nỗ lực vượt bậc của các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương.

Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương vừa chủ động tham mưu về định hướng, chủ trương xử lý, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, vừa tích cực theo dõi, đôn đốc, phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc. Từ đó đã góp phần tích cực xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các vụ án, vụ việc tham nhũng. Sự đóng góp cụ thể của Ban Nội chính Trung ương thể hiện trong 7 nội dung sau:

1. Tham mưu, đề xuất cơ chế theo dõi, chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo 3 cấp độ: Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.

Từ Phiên họp thứ 3 năm 2013 của Ban chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương đã chủ động lựa chọn 8 vụ án, 2 vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp để phối hợp tham mưu đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Từ đó đến nay, Ban đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo 19 vụ án, 6 vụ việc; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc 29 vụ án, 5 vụ việc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 90 vụ án, 94 vụ việc. Đây là khâu đột phá đầu tiên mà Ban Nội chính Trung ương đã tập trung tham mưu cho Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý có hiệu quả rõ nét đối với các vụ án, các vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.

2. Tham mưu Ban Chỉ đạo cơ chế chỉ đạo, xử lý khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý án bảo đảm đúng quy định của pháp luật theo từng cấp độ được Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận:

- Khi phát sinh vướng mắc, cơ quan đang thụ lý vụ án chủ trì tổ chức cuộc họp lãnh đạo liên ngành để thống nhất biện pháp tháo gỡ.

- Nếu không tháo gỡ được khó khăn vướng mắc, Ban Nội chính Trung ương tổ chức và chủ trì cuộc họp lãnh đạo liên ngành để xử lý.

- Trường hợp vẫn còn vướng mắc, báo cáo Thường trực Ban Bí thư- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp để chỉ đạo xử lý. Nếu vẫn còn vướng mắc thì tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý; tiếp theo là Ban Chỉ đạo, Bộ Chính trị.

Thực hiện cơ chế này, trong 3 năm qua, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức và chủ trì 33 cuộc họp liên ngành tư pháp Trung ương và địa phương; tham dự 35 cuộc họp liên ngành tư pháp Trung ương và địa phương  với một số cơ quan có liên quan để tháo gỡ 140 khó khăn, vướng mắc, thống nhất hướng xử lý đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng thuộc diện theo dõi ở 3 cấp độ. Tham mưu Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức, chủ trì 5 cuộc họp để cho chủ trương xử lý bảo đảm đúng quy định của pháp luật một số vụ án tham nhũng (vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh; vụ Vinalines; vụ án xảy ra tại Tổng công ty Bảo hiểm (Bảo Việt)… đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và còn có quan điểm xử lý khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương.

Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu ban hành 22 văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn trong công tác phối hợp xử lý vụ án, vụ việc và tháo gỡ khó khăn trong công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án và giải quyết các vụ việc nêu trên. Ban hành 29 văn bản chỉ đạo và đôn đốc ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan, đơn vị, địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng.

3. Ban Nội chính Trung ương đã tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng. Tham mưu Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, giám sát thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng.

4. Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo chỉ đạo Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao lãnh đạo Hội đồng Thẩm phán ban hành Nghị quyết số 01 để khắc phục tình trạng án treo không đúng mức độ vi phạm luật đối với các tội phạm về tham nhũng. Từ đó tỷ lệ án treo đã giảm (trên 149 bị cáo thuộc 14 vụ án diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã xét xử chỉ có 2 bị cáo hưởng án treo).

5. Tham mưu, đề xuất chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế.

6. Tham mưu về chỉ đạo các cơ quan chức năng chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng (năm 2013 chưa đạt 10%, năm 2014 đạt trên 22%, năm 2015 trên 55%).

7. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (tham mưu ban hành các quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước, với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương với cơ quan tố tụng cấp dưới được ủy quyền công tố và xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế v.v...).

PV: Ngoài theo dõi, đôn đốc xử lý các vụ án tham nhũng, trong 3 năm qua, kể từ ngày tái lập, nhiệm vụ tham mưu cho Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện vụ việc tham nhũng đã được Ngành Nội chính triển khai như thế nào?

Trong thời gian qua, công tác phát hiện, nhất là tự phát hiện tham nhũng vẫn đang là khâu yếu. Do đó, Ban Nội chính Trung ương đã tập trung tham mưu về tăng cường chỉ đạo công tác phát hiện tham nhũng như sau: 


1. Chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập 25 đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 đảng ủy, ban cán sự đảng bộ, ngành Trung ương và 29 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Qua kiểm tra, giám sát, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ; đề xuất, kiến nghị đưa 126 vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, nhiều vụ án, vụ việc được chỉ đạo, xử lý dứt điểm.  
                                                            

2. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo (hậu kiểm) để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác chỉ đạo xử lý. Theo đó, năm 2015 Ban đã tổ chức 7 đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất của  năm 2013 và 2014.


3. Đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo rà soát hoạt động tín dụng để phòng ngừa, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Trong năm 2016, Ban sẽ phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan.

4. Tham mưu về chỉ đạo kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội từ 2011-2014 để phát hiện các sai phạm có dấu hiệu tội phạm, nhưng chưa chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, nhất là các sai phạm có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Kết quả rà soát đã phát hiện và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 27 vụ việc có dấu hiệu phạm tội kinh tế và tham nhũng.

5. Tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 50- CT/TW ngày 07-12-2015 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.

PV: Từ thực tiễn triển khai các nhiệm vụ của Ngành, theo đồng chí, có những vấn đề gì chúng ta cần phải thay đổi để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới?

Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng tương đối đầy đủ, hệ thống. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, theo tôi cần tập trung các giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tập trung xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Thể chế là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn việc xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế hình thành nhóm lợi ích và lợi ích nhóm. Đây là nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng và thực hiện chính sách.

Hai là, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu, quyết tâm, quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, trước hết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách.

Ba là, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Càng công khai, minh bạch thì càng tạo điều kiện cho nhân dân, báo chí giám sát có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý thì hiệu quả phòng ngừa tham nhũng càng cao.

Bốn là, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Năm là, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.

Sáu là, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, báo chí và mọi người dân trong phòng, chống tham nhũng. Xây dựng văn hóa phòng, chống tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!


                                                                                                        Vũ Chung (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất