Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tham gia Tổng tuyển cử đầu tiên
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh chúc mừng đồng chí Ngô Thị Huệ, đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, IV trong buổi gặp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội.

Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), Người đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay là: “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”, “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức” ([1]).

Ngày 8-9-1945 tại Hà nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước VNDCCH đã ký sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội. Bản sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của quốc dân đại biểu Đại hội họp ngày 16 và 17-8-1945, tại Khu giải phóng ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa, và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu, cử lên”. “Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội”([2]).

Ngày bầu cử, tại Sài Gòn - Chợ Lớn, hàng trăm cán bộ chia nhau đi các ngả, vào từng khu phố lập danh sách cử tri và vận động đồng bào tham gia bỏ phiếu đông đảo. Ở những nơi không thể lập phòng phiếu cố định, cán bộ phải mang hòm phiếu lưu động đến từng ngõ, từng nhà cho đồng bào đi bỏ phiếu. Một không khí mà người dân dù phải nằm trong những hành động gây hấn, tại từng làng, xã trong ngoại ô, hay nội thành, nhưng người dân rất phấn khởi khi lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân đi tự tay mình bỏ phiếu bầu ra những đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên.

Tại vùng tạm chiếm, cuộc bầu cử diễn ra rất quyết liệt, thậm chí có đổ máu (ở Sài Gòn - Chợ Lớn có 42 cán bộ làm công tác bầu cử hy sinh, trong đó có Chủ tịch Ủy ban kháng chiến thành phố Nguyễn Văn Tư). Tại Tân An (Long An), máy bay Pháp xả súng bắn vào nơi quần chúng đi bỏ phiếu làm 14 người chết và nhiều người bị thương; nhiều nơi phải bỏ phiếu ban đêm, vậy mà có trên 90% cử tri đi bỏ phiếu. Tại Mỹ Tho, ngày bầu cử, máy bay Pháp bắn phá dữ dội suốt ngày, rà theo khắp các kênh lạch; tại Mỹ Hạnh Đông, cán bộ ta vẫn chèo xuồng, chèo tam bản, đánh trống, chở hòm phiếu len lỏi vào tận các mương xẻo rạch nhỏ, nơi đồng bào tản cư để đồng bào được thực hiện quyền công dân của mình, đi bỏ phiếu bầu những đại biểu Quốc hội đầu tiên.([3]). 

Theo Ban Chỉ đạo Hội đồng biên soạn Nam Bộ kháng chiến, trong tình hình kẻ địch vẫn chiếm đóng nhiều làng, xã ở Sài Gòn và Nam Bộ; như ở làng Đông Thành (quận Trà Ôn, Cần Thơ), có 2.188 cử tri; buổi sáng máy bay địch đến đánh phá, đến chiều vẫn có tới 1.827 người đi bỏ phiếu. Ở làng Mỹ Hòa, sáng sớm giặc Pháp đã vào lùng sục khắp làng, bắn chết 13 người, trong đó có một em bé bị giặc bắn ném xuống sông, nhưng đến chiều vẫn có 1.927 cử tri trong tổng số hơn 2.500 cử tri đi bỏ phiếu. Ở làng Thành Mỹ Hưng (Cần Thơ), có 4.288 cử tri, bất chấp địch đánh phá, vẫn có 4.209 người đi bỏ phiếu.

Và kết quả đã nói rõ lòng dân với Đảng, là những vùng do chính quyền kháng chiến kiểm soát, cử tri hồ hởi phấn khởi đi bỏ phiếu với tỷ lệ rất cao (như ở Bạc Liêu 90,77%, ở Sa Đéc 93,54%...) ([4]).

Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và 19 tỉnh Nam bộ đã bầu được 73 đại biểu Quốc hội Khóa I thuộc nhiều dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội, ngành nghề... khác nhau, tiêu biểu có các ĐBQH như Lý Chính Thắng, Tôn Đức Thắng, Thái Văn Lung, Huỳnh Văn Tiểng, Ngô Thị Huệ, Trịnh Thị Miếng,…. Và trong 10 đại biểu nữ được trúng cử cao vào Quốc hội Khóa I, Nam bộ có 3 đại biểu, là các bà Trịnh Thị Miếng (đại biểu Gia Định), Nguyễn Thị Thập (đại biểu Mỹ Tho), Ngô Thị Huệ (đại biểu Bạc Liêu). 

Nữ đồng chí Ngô Thị Huệ, một trong 10 đại biểu nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đã kể: “Tôi nhớ mãi hình ảnh của những bà mẹ mua gánh bán bưng ngoài chợ đã viết tên tôi trên những tấm lá chuối hay giấy gói hàng chuyển cho người khác. Những bà mẹ cổ động mọi người bỏ phiếu cho tôi bằng những dòng chữ nguệch ngoạc. Làm sao tôi có thể quên được những tình cảm của người dân nghèo đối với những ứng cử viên của cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên đó…”. 

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội: “Kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.                                                   

Ngày 6-1-1946 đã ghi vào lịch sử Việt Nam một mốc son chói lọi. Thắng lợi Tổng tuyển cử cho thấy quyết định sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Thắng lợi rực rỡ của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân ta, từ địa vị nô lệ đứng lên giành độc lập, tự tổ chức ra nhà nước của mình, nhà nước của dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.  


ThS. Phạm Bá Nhiễu




[1] - Văn kiện Đảng 1945 – 1954, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr.28.

[2]  - Việt Nam dân quốc công báo, số ngày 29-9-1945.

[3]  - Nam Bộ Kháng chiến, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010, tr. 255.

[4] - Nam Bộ Kháng chiến, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010, tr. 255-256.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất