Tạo sự đột phá nâng cao nhận thức về cải cách hành chính nhà nước ở các Đảng bộ tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định.

Tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng lãnh đạo cải cách hành chính nhà nước  – một số kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân

Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH ) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; là trung tâm về khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức trình độ cao; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều cảnh quan, di tích nổi tiếng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc; có Thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của cả nước, có Hải Phòng và Quảng Ninh đang dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước. Vùng ĐBSH là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Các báo cáo về kết quả chỉ số cải cách hành chính nhà nước (CCHCNN) 4 năm gần nhất (từ năm 2020 đến hết năm 2023) cho thấy giá trị trung bình của các tỉnh, thành phố ở vùng ĐBSH luôn dẫn đầu bảng xếp hạng so với các vùng trong cả nước, cao hơn tất cả các vùng kinh tế còn lại. Điển hình là Quảng Ninh, có đến 6 lần dẫn đầu cả nước về chỉ số CCHCNN. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính của Quảng Ninh ba năm gần đây (2021, 2022, 2023) đều đứng số 1/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, ngoài hai thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, và Quảng Ninh là ba tỉnh duy trì khá ổn định thứ hạng cao về CCHCNN thì ở các tỉnh của vùng vẫn còn những hạn chế, một số tỉnh có chỉ số thấp gần nhất cả nước. 

Trong các nội dung, còn có nội dung chỉ số thành phần rất thấp, ví dụ như về cải cách thể chế. Cải cách thể chế các tỉnh ở vùng ĐBSH chưa mạnh mẽ, chưa đủ tạo động lực, đột phá để khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ngang tầm nhiệm vụ, có khả năng làm việc hiệu quả trong điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế còn những mặt hạn chế… Điều này xuất phát từ chính nhận thức chưa sẵn sàng thay đổi, chưa muốn thay đổi phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức.

Ba năm gần đây, 8 tỉnh có chỉ số CCHCNN rất thấp, hoặc tăng giảm không đều, thiếu ổn định. Trong đó, lĩnh vực cải cách thể chế và chỉ số đánh giá về chỉ đạo, điều hành không cao, thậm chí có tỉnh rất thấp, xếp gần cuối bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành, điển hình như Bắc Ninh. Các sáng kiến CCHCNN trong cả nước cũng như ở các tỉnh trong vùng đã tăng lên và được công nhận về hiệu quả, song việc áp dụng các sáng kiến vào thực tiễn còn chậm, chưa rộng khắp. 

Kết quả giá trị trung bình chỉ số CCHCNN ba năm gần đây, có hai tỉnh đứng gần cuối bảng xếp hạng, như Hà Nam (năm 2021 xếp thứ 60/63); Hưng Yên và Bắc Ninh (năm 2022 xếp thứ 59/63, năm 2023 xếp thứ 55/63); có 4/9 tỉnh tăng, giảm không đều, cải thiện chậm, như Vĩnh Phúc (năm 2021 xếp thứ 5/63, năm 2022 xếp thứ 7/63, năm 2023 xếp thứ 32/63; Hưng Yên từ xếp thứ 22/63 (năm 2021, 2022) đến năm 2023 đã xuống thứ 26/63; Thái Bình năm 2021 xếp thứ 20, đến năm 2022 giảm xuống thứ 43, năm 2023 có cải thiện nhưng vẫn xếp thứ 38), Nam Định trong ba năm 2021, 2022, 2023 xếp thứ hạng tương ứng là 40/34/29).

Những hạn chế trên đây có nhiều nguyên nhân, song một nguyên nhân cơ bản, là lực cản lớn có thể rút ra từ các báo cáo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ và các cơ quan hành chính ở các tỉnh đó chính là từ việc chưa sẵn sàng để thay đổi. Chủ trương cải cách tổ chức bộ máy được Đảng nêu từ năm và triển khai từ năm 1986, đến nay đã gần 40 năm nhưng tổ chức bộ máy, cán bộ và chất lượng hoạt động của một số sở, ngành, cơ quan tham mưu, ban chỉ đạo CCHCNN tỉnh, phòng CCHCNN thuộc sở nội vụ, phòng nội vụ huyện vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu, đặc biệt chưa theo kịp sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cách mạng thông tin, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Tinh giản biên chế đã trải qua mấy thập kỷ nhưng vẫn chưa thực sự tạo ra hiệu quả thực chất, có nơi hình thức, không tạo được động lực cho nhân tài có điều kiện phát triển trong cơ quan, tổ chức, thậm chí bị kìm hãm, mất động lực, chưa có giải pháp hiệu quả để người không đủ năng lực chủ động xin nghỉ. Do đó, nhiều khảo sát, đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không cao. Năm 2023, kết quả CCHCNN các tỉnh rất cao, nhưng mức độ hài lòng của người dân chưa tương xứng. Kết quả khảo sát về mức độ đáp ứng nhiệm vụ CCHCNN hiện nay của đội ngũ cán bộ các cơ quan ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ có 40.74% ý kiến cho rằng đáp ứng tốt, 34.26% bình thường và 25.00% hạn chế (phụ lục 23). Tâm lý cả nể, ngại va chạm, thậm chí né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn còn nặng nề trong đội ngũ CBCC kể cả CBCC chuyên trách về CCHCNN.

Việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp tỉnh đối với việc thực hiện nghị quyết về CCHCNN của tỉnh, kiểm tra đảng viên là cán bộ trong cơ quan hành chính trong phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên đối với nhiệm vụ này còn rất hạn chế, nhất là giám sát, kiểm tra đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý. Cấp ủy cấp trên chưa thường xuyên kiểm tra cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và cấp ủy trong các cơ quan hành chính nhà nước về thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo CCHCNN. Bởi vậy, việc phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn từ sớm, từ xa, kịp thời với những lệch lạc trong tư tưởng, sai lầm, khuyết điểm trong hành động của cán bộ, công chức không để trở thành vi phạm lớn, nghiêm trọng chưa được quan tâm đúng mức. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả lãnh đạo CCHCNN của tỉnh ủy. Thực tiễn ở một số tỉnh, có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đứng đầu tỉnh, trong đó có các đồng chí là ủy viên BCH Trung ương sau khi vi phạm đã làm các chỉ số CCHC giảm mạnh là một minh chứng rất khách quan và rõ ràng.

Tạo sự đột phá để nhận thức đúng đắn về cải cách hành chính nhà nước

Cải cách hành chính nhà nước được các đảng bộ ở vùng đồng bằng sông Hồng coi là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên với kết quả chỉ số CCHCNN bộc lộ những hạn chế như vậy cho thấy, quyết tâm và nhận thức về CCHCNN ở các tỉnh chưa cao, chưa có những giải pháp đột phá để giúp cho các cấp ủy, cán bộ, công chức đổi mới tư duy, có nhận thức đúng đắn về lĩnh vực này. Song, một điều đã trở thành chân lý đó là: chỉ khi có nhận thức đúng đắn, thống nhất của các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên về cải cách hành chính thì mới có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp này. Do đó cần hết sức quan tâm, coi trọng và có những giải pháp toàn diện và thực hiện mạnh mẽ kiên trì các biện pháp để tạo ra những sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị của các tỉnh. Trên cơ sở các kết quả, hạn chế và nguyên nhân của ưu điểm, khuyết điểm, dự báo những thuận lợi, khó khăn tác động đến cải cách hành chính ở các tỉnh vùng ĐSBH có thể đề xuất một số giải pháp cơ bản, cấp bách sau:

Một là, tiếp tục quán triệt trong các cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị tỉnh về nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng về CCHCNN, nội dung Chương trình quốc gia về CCHCNN giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ để có chủ trương, giải pháp thực hiện thắng lợi.

Các cấp ủy cần tiếp tục quán triệt trong cấp ủy, cán bộ, đảng viên nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng “về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí của bộ máy nhà nước” (Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1-8-2007 của Đảng). Trong đó, cần nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu cần thực hiện tốt bảo đảm cho Nghị quyết được thực hiện thắng lợi, được Nghị quyết xác định là: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính”. Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc nội dung CCHCNN trong Chương trình CCHC quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

Từ những chức năng, nhiệm vụ, vai trò của tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện, cấp xã cần tập trung nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy viên, để họ có thể tham gia đạt hiệu quả vào việc xây dựng các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, nhất là của tỉnh ủy, BTVTU về CCHCNN, tạo thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết.

Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, coi trọng quán triệt đối với cán bộ, đảng viên là cán bộ, công chức hành chính của UBND tỉnh, cấp huyện, xã về nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng về CCHC, Chương trình quốc gia CCHCNN giai đoạn 2021 - 2030 để họ hiểu và tích cực thực hiện, nêu gương, tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức cùng thực hiện.

Các cấp ủy của đảng bộ tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng về CCHCNN, nội dung Chương trình quốc gia CCHCNN giai đoạn 2021 - 2030 trong các tổ chức của hệ thống chính trị, coi trọng việc quán triệt những nội dung này trong các cơ quan hành chính của UBND tỉnh, cấp huyện và cấp xã để họ tích cực tham gia thực hiện.

Cần phát huy mạnh mẽ vai trò của cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên đã được cấp ủy tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiện về nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng về CCHC, nội dung Chương trình quốc gia CCHCNN giai đoạn 2021 - 2030 trong thực hiện công việc này. Cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc tiến hành các hoạt động tiếp tục quán triệt nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng về CCHC, nội dung Chương trình quốc gia CCHC giai đoạn 2021 - 2030 trong các tổ chức của hệ thống chính trị, các cơ quan, cán bộ, công chức hành chính của UBND tỉnh, cấp huyện, xã. Có thể triển khai thực hiện công việc này, đối với các cơ quan, cán bộ, công chức hành chính của UBND tỉnh và các cơ quan, cán bộ, công chức hành chính của UBND cấp huyện bằng cách phối hợp thực hiện công việc này, đối với hai hoặc ba đơn vị cấp huyện trong tỉnh một cách phù hợp. Đồng thời, triển khai thực hiện công việc này đối với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từng đơn vị hành chính cấp huyện.

Cấp ủy cấp huyện lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công việc nêu trên đối với UBND và cán bộ, công chức UBND và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Có thể tổ chức thực hiện việc này, ở các phường của thị xã, thành phố một cách phù hợp. Đồng thời, tiến hành công này, ở các cụm xã trong huyện…      

Ba là, đa dạng hóa hình thức, phương pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân về CCHCNN và việc tăng cường sự lãnh đạo của tỉnh ủy ở ĐBSH đối với CCHCNN những năm tới. 

Cấp ủy các cấp, nhất là cấp ủy địa phương ở các tỉnh vùng ĐBSH cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân về CCHCNN và việc tăng cường sự lãnh đạo của tỉnh ủy đối với CCHCNN trong những năm tới. Đặc biệt, nâng cao nhận thức trách nhiệm của họ về những nội dung trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, nhất là trong những năm trước mắt của thời kỳ đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Các cấp ủy cần đưa việc quán triệt nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên về những nội dung nêu trên trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ thường kỳ, nhất là trong tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề về CCHCNN; trong các hội nghị sơ kết hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng hằng năm, giữa nhiệm kỳ; qua các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học; triển khai thực hiện các đề tài khoa học; qua các phương tiên truyền thông đại chúng, như báo chí, truyền hình, phát thanh; giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm về lãnh đạo CCHCNN…    

Ban tuyên giáo tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng bản tin nội bộ, mở và nâng cao chất lượng chuyên mục CCHCNN trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; hướng dẫn các cơ quan truyền thông đại chúng cấp huyện hoạt động hiệu quả về nội dung CCHCNN; quan tâm đến hoạt động của hệ thống phát thanh, truyền thanh ở các xã, thị trấn về CCHCNN. Coi trọng phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nêu gương người tốt việc tốt; hướng dẫn thực hiện; phổ biến kinh nghiệm của các địa phương về CCHCNN; phê bình những tổ chức, các nhân có sai phạm; đấu tranh quyết liệt với những quan điểm sai trái về CCHCNN…Thực hiện tốt những việc này, sẽ có tác dụng to lớn đối với nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân về CCHCNN và việc tăng cường sự lãnh đạo của tỉnh ủy ở ĐBSH đối với CCHCNN những năm tới. 

Bốn là, phê phán nhận thức không đúng đắn về việc tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng “về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước”.   

Cần phê phán nghiêm khắc nhận thức không đúng đắn về việc tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiện của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân về nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng “về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước”. Qua đó, xác định chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả trong điều kiện hiện nay. Những nhận thức không đúng đắn của một số cán bộ, đảng viên cho rằng, Nghị quyết này, được ban hành, thực hiện hơn mười năm (14 năm, từ 2007 đến nay), không còn phù hợp với bối cảnh mới, cần có nghị quyết mới thay thế và kết thúc hiệu lực của Nghị quyết này. Quan niệm như vậy, là chưa đúng; không phải đối với mọi nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong thời gian thực hiện nhất định đều phải xây dựng và ban hành nghị quyết mới thay thế; chỉ tiến hành việc này, trong những trường hợp và nghị quyết cụ thể thật cần thiết, bổ sung nhiều vấn đề mới. 

Đối với Nghị quyết Trung ương 5 khóa X nêu trên, phần lớn nội dung của Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị. Những vấn đề mới xuất hiện trong thực tiễn về CCHCNN cần được Đảng lãnh đạo chỉ đạo thực hiện, đã được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo đưa vào nội dung của Chương trình quốc gia về CCHCNN các giai đoạn để thực hiện. Chẳng hạn, trước đây chương trình quốc gia về CCHCNN gồm 5 nội dung, hiện nay Chương trình này, đã được bổ sung thêm mội nội dung. Nghĩa là Chương trình quốc gia về CCHCNN hiện nay gồm sáu nội dung (thêm nội dung thứ sáu là, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số).

Năm là, cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo việc quán triệt sâu sắc Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng trong tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân, liên hệ với tổ chức đảng, đoàn thể ở địa phương về những nội dung CCHCNN, tích cực đóng góp ý kiến về nội dung này. 
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đang tích cực thực hiện Chỉ thị này, chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. 

Các cấp ủy cần coi trọng lãnh đạo việc chuẩn bị báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ cấp mình, chú ý kiểm điểm việc tham gia của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vào việc CCHCNN, dự thảo phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tham gia thực hiện tốt CCHCNN trong nhiệm kỳ tới. Các cấp ủy đặc biệt coi trọng việc thảo luận, góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, trong đó có những nội dung về CCHCNN. Đồng thời, cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành quán triệt và góp ý của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, trong đó có nội dung về CCHCNN. 

Thực hiện tốt những công việc nêu trên, là thiết thực góp phần quan trọng nâng cao nhận thức trách nhiệm của các các cấp ủy viên, cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh về sự cần thiết CCHCNN và tăng cường sự lãnh đạo của tỉnh ủy đối với CCHCNN là tất yếu hiện nay.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất