|
Bác Vũ Xuân Trung cùng các thành viên Câu lạc bộ thơ ca Thị trấn Than Uyên.
|
BÀI I:
NGƯỜI GIÁM ĐỐC NÔNG DÂN
Duyên với nghề
Sinh ra từ quê lúa Thái Bình, nhưng bao thăng trầm, buồn vui của bác Vũ Xuân Trung lại gắn với mảnh đất “ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên” - nơi mà không ít người với lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng phải đầu hàng vì điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và điều kiện sống thiếu thốn khiến họ không thể an cư lạc nghiệp .... Tuy nhiên điều đó lại không thể khuất phục được người lính Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 năm nào. Thách thức lớn lao nhưng cũng là cơ hội rộng mở để Bác Vũ Xuân Trung tiếp tục rèn luyện và thể hiện bản lĩnh người lính Cụ Hồ qua từng dấu mốc thời gian trong sự nghiệp công tác ở Agribank của mình.
Năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, gia đình bác Vũ Xuân Trung lên vùng kinh tế mới Tây Bắc khai hoang, lập nghiệp. Sau một thời gian dài tham gia quân ngũ (từ năm 1971 đến 1977), năm 1978 bác về công tác tại Chi điếm Ngân hàng Nhà nước huyện Than Uyên, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Không bao lâu sau, trước nguy cơ chiến tranh biên giới Việt - Trung, trong đó có huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu ngày nay (trước đây là tỉnh Hoàng Liên Sơn, gồm 2 tỉnh Yên Bái, Lào Cai bây giờ), bác tái ngũ công tác tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Than Uyên. Khi chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 kết thúc, như mối duyên nợ với Ngành Ngân hàng, năm 1981 bác trở lại công tác tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Than Uyên, nay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên và đã để lại những dấu ấn còn mãi với thời gian trên mảnh đất đầy nắng, đầy gió của núi rừng Tây Bắc.
Tháng 5-1997, bác được giao trọng trách là người đứng đầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên trong bối cảnh có những khủng hoảng trầm trọng về tài chính, thu nhập, đời sống của cán bộ, nhân viên không bảo đảm phần nào tinh thần, trách nhiệm làm việc của họ chưa cao, chưa phát huy hết được năng lực, sở trường công tác của mình. Trăn trở, lo lắng đến gầy rộc cả người nhưng với tinh thần “sẵn sàng chiến đấu” của một người lính và cái tâm của người làm nghề “mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ”, bác đã lên kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với thực trạng của Chi nhánh, đồng thời động viên toàn thể cán bộ, nhân viên chung sức đồng lòng để cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn mà Chi nhánh đang phải đối mặt.
Nỗ lực không mệt mỏi
Trước khối lượng công việc lớn, đầu tiên bác động viên, khuyến khích cán bộ là đảng viên, cựu chiến binh phát huy tinh thần, trách nhiệm gương mẫu, đi đầu, nhận những phần việc “khó” nhất, phụ trách những xã xa nhất, những vùng khó khăn nhất. Rồi bác lại tổ chức họp bàn với dân theo phương châm “Tìm dân mà đến, họp dân để bàn”, cán bộ ngân hàng từng bước, từng bước giải thích cho người dân hiểu về hoạt động ngân hàng: Là cầu nối giữa những người có nguồn tiền nhàn rỗi và những người có nhu cầu sản xuất, kinh doanh, mua sắm đồ dùng gia đình... nhưng chưa có đủ tiền... Từ đó nhiều hộ gia đình, cá nhân đã mạnh dạn đứng lên vay vốn ngân hàng về chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế VAC.... Rồi bác lên lịch làm việc của mình khoa học, chi tiết và hiệu quả. Các ngày thứ 2, 4, 6 là ngày bác ở cơ quan ký xét duyệt cho vay vốn, còn thứ 3, 5, 7 đi cơ sở kiểm tra, giám sát vốn vay. Đích thân Giám đốc xuống tận nhà dân, lên tận nương đồi kiểm tra hiệu quả đồng vốn và cũng nhờ đó mà Giám đốc nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân đồng thời cũng thấy được tinh thần, trách nhiệm, hiệu quả làm việc của cán bộ, nhân viên “nhà mình”. Trước cường độ làm việc không quản ngày đêm của đồng chí Bí thư Chi bộ - Giám đốc Chi nhánh mà cán bộ, nhân viên trong cơ quan cũng theo đó thêm nhiệt tình và trách nhiệm với công việc. Nhờ đó, tình hình tài chính của Chi nhánh cũng như thu nhập của cán bộ, nhân viên dần được cải thiện đáng kể. Trước đó, lương từ 30.000 đến 50.000 đồng/người, giờ đây đã là 1.000.000đ/người. Khi mà mọi việc đã vào “guồng”, hoạt động nhịp nhàng, cán bộ nhân viên của Chi nhánh đã toàn tâm, toàn ý với công việc thì bác lại tạo việc làm cho chính mình bằng những ý tưởng đầy sáng tạo và hiệu quả cao.
Bác biết với thế mạnh của huyện Than Uyên là trồng và chế biến chè nên ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất để người dân được vay vốn, Bác còn cùng với cán bộ, nhân viên trong Chi nhánh góp công và tiền, tự ươm bầu chè giống để cung cấp cho người dân với giá thành hợp lý. Vụ chè năm 2002, Chi nhánh ươm được 40 vạn bầu chè giống cung ứng cho người dân với giá 300đ đến 350đ/bầu, giảm được 100đ đến 150đ/bầu so với giá do các điểm cung ứng khác bán ra, và được vận chuyển tới tận nơi người dân trồng chè. Nơi nào chưa có đường cho xe ô tô vào, bác thuê người chở đá lát nền để xe đi được. Bác làm vậy vì suy nghĩ rằng: “Tôi cùng anh em cơ quan làm thí điểm để tham mưu với huyện và buộc các nơi cung ứng phải hạ giá chè giống xuống, giảm bớt được chi phí cho người dân còn ngân hàng thì tính được định mức kinh tế, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu vay vốn của bà con sát với thực tế”.
Trong mỗi lần về với bà con, hơn ai hết bác thấu hiểu và đồng cảm được nỗi vất vả, khó khăn của người dân: “Có đến với dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng xa mới thấy hết nỗi khổ của họ. Họ nghèo lắm, cả năm làm quần quật mà cái đói, cái nghèo vẫn vây quanh. Nhiều hôm đi bộ vào bản, đói và mệt nhưng dân cũng không có cơm để mời, mình lại ăn sắn, ăn khoai cùng đồng bào”. Hiểu, thông cảm và chia sẻ với họ nên những khi đi công tác, bác và cán bộ, nhân viên của cơ quan lại trích một phần thu nhập của mình để mua quà cho các cụ già và cháu nhỏ nơi bác và đoàn xuống công tác. Ngoài việc đóng góp đầy đủ, kịp thời các quỹ do Ngành và địa phương phát động, cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên đã cùng nhau tự nguyện trích thu nhập cá nhân đóng góp và ủng hộ 167 triệu đồng để xây dựng trường học, mua sắm bàn ghế, bảng, ti vi, loa đài …cho 11 trường mầm non (số liệu tổng hợp năm 1997-2013); tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam số tiền gần 200 triệu đồng (số liệu tổng hợp từ năm 2004 đến nay).
Bác “Giám đốc nông dân” - Người đã cùng với cán bộ, nhân viên đồng cam, cộng khổ vượt qua bao khó khăn để đưa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đồng thời bác luôn đồng hành, sát cánh bên những người dân nghèo lam lũ giúp họ phát triển kinh tế gia đình, dần thoát nghèo và nâng cao đời sống.
Ngoài ra, bác Vũ Xuân Trung còn là một người sống tình cảm và dạt dào tâm hồn người nghệ sĩ. Chính vì lẽ đó, tháng 10-2003, bác cùng với Hội Người cao tuổi thành lập “Câu lạc bộ thơ ca thị trấn huyện Than Uyên”, đây là một sáng kiến thiết thực và mang nhiều ý nghĩa. Trong các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ, ngoài việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, của Ngành về phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân, bác còn phối hợp với Ban lãnh đạo Câu lạc bộ tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề “Tiết kiệm làm giàu”. Với những lời ca tiếng hát, những sáng tác văn thơ với chủ đề “Tiết kiệm làm giàu” đã có sức lan tỏa rất rộng lớn trong hoạt động của Câu lạc bộ nói riêng và Hội người cao tuổi của thị trấn huyện Than Uyên nói chung. Các “Cụ” tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình, ngoài việc khuấy động phong trào, các “Cụ” còn là những tuyên truyền viên tích cực cho Ngân hàng, động viên con cháu, hàng xóm cùng tiết kiệm và gửi tiền vào Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên. Đồng tiền gắn liền thơ ca, một sự kết hợp sáng tạo và hiệu quả đã tạo ra được phong trào tiết kiệm trong mọi tầng lớp dân cư của huyện, nguồn vốn nhàn rỗi huy động được từ phong trào “Tiết kiệm làm giàu” tăng từ 3 đến 3,5 tỷ mỗi năm, tạo điều kiện để Chi nhánh mở rộng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhất là các chương trình phục vụ dân sinh như: Trồng mới gần 700 ha chè, làm 47,8 km đường giao thông nông thôn, cải tạo khai hoang 1.234 ha ruộng nước, kênh mương hóa nội đồng 22,9 km…
Đã hơn hai thập kỷ gia nhập “Ngôi nhà chung” Agribank, những câu nói dung dị, đời thường được chắt lọc từ thời binh lửa của bác, được bác vận dụng một cách hiệu quả trong điều hành hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên cũng như trong cuộc sống hàng ngày như “Người đi trước rước người đi sau”, “Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”… Những danh hiệu mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên và cá nhân bác Vũ Xuân Trung vinh dự nhận được là thành quả xứng đáng cho tư duy làm việc sáng tạo, hiệu quả của bác.
Năm 2005, bác Trung được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong công tác từ năm 2001-2004”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng Bằng khen “Đã có nhiều thành tích hoàn thành nhiệm vụ năm 2004; năm 2005-2007; 2007-2008”... Đặc biệt năm 2010, bác được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huân chương Lao động hạng Ba “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2005 đến năm 2009, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Bác tích cực chia sẻ, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần vào hoạt động của Hội Khuyến học và Hội Chữ thập đỏ. Với những đóng góp nhiệt tình, tích cực, hiệu quả của mình, bác được UBND tỉnh Lai Châu, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ghi nhận tặng nhiều Bằng khen, Huy chương như Huy chương: “Vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam. Đã có nhiều công lao đóng góp trong sự nghiệp nhân đạo” năm 2003. Bằng khen: “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội, phong trào chữ thập đỏ năm 2010”. UBND tỉnh Lai Châu tặng bác Bằng khen: “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục THCS giai đoạn 2001-2005”. Hội khuyến học tặng Bác bằng khen: “Đã có công lao, đóng góp đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Và tháng 7-2012, bác vinh dự được đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Thời gian thấm thoát thoi đưa với hơn 42 năm công tác, tháng 3-2014, bác Vũ Xuân Trung đã được Nhà nước cho về nghỉ chế độ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên nơi bác cống hiến trọn đời mình cho đến nay vẫn luôn kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được, luôn là lá cờ đầu trong việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh doanh của Agribank Chi nhánh tỉnh Lai Châu. Luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương, ngân hàng các cấp ghi nhận là đơn vị hoạt động kinh doanh có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác xóa đói – giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Không biết tự bao giờ, tinh thần, ý chí, nghị lực của bác đã thấm sâu vào trong tâm trí tôi, tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực rất lớn để tôi vượt qua mọi chông gai, thử thách trên con đường cùng các thế hệ cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank “mang phồn thịnh đến khách hàng”. Cùng Agribank phát triển thành ngân hàng hiện đại “tăng trưởng - an toàn - hiệu quả - bền vững” khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đủ sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Cảm ơn người “Giám đốc nông dân”, Người đã để lại những dấu ấn còn mãi với thời gian trên mảnh đất Tây Bắc đại ngàn đầy nắng, đầy gió
Vũ Thị Hòa - Trung tâm Lưu trữ Agribank