Liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai: Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản
Các chuỗi liên kết giúp các địa phương canh tác theo một quy trình, đảm bảo yêu cầu chất lượng và sản lượng ổn định cho đối tác.

Các chuỗi liên kết giúp các địa phương canh tác theo một quy trình, đảm bảo yêu cầu chất lượng và sản lượng ổn định cho đối tác.

Nhiều lợi ích trong liên kết sản xuất nông nghiệp

Từ cuối năm 2018, cùng với việc thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy, việc liên kết mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước, giúp hình thành nền sản xuất lớn, đạt tiêu chuẩn an toàn.

Điển hình như trước đây, Đồng Nai là vùng trồng ca cao lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vì giá bấp bênh nên cách đây hơn 10 năm người dân trong tỉnh ồ ạt chặt bỏ loại cây này. Sau đó, ngành chức năng Đồng Nai đề ra chủ trương liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng lớn trên cây ca cao. Từ đây, cây ca cao phục hồi mạnh mẽ, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được cánh đồng lớn trên cây ca cao với diện tích hơn 800 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, những năm qua, Đồng Nai dành sự quan tâm rất lớn cho mô hình hợp tác, liên kết trong nông nghiệp. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có hơn 200 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của trên 160 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 15.000 nông hộ. Thực tế chuỗi liên kết khép kín đã giúp các hợp tác xã và doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, từ đó sản phẩm có giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại. Chuỗi liên kết cũng giúp doanh nghiệp đa dạng sản phẩm. Việc liên kết tạo thuận lợi cho Nhà nước trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật, triển khai các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định, đồng thời tạo tiền đề hình thành nền sản xuất lớn.

Đồng Nai hiện đang ưu tiên hàng đầu cho việc tạo các chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế và chế biến sâu. Đây là giải pháp bền vững nhằm thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường quốc tế. Với hơn 400 chuỗi liên kết sản xuất trong nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi, gồm 106 doanh nghiệp, 63 HTX và trên 14.400 trang trại, hộ gia đình tham gia liên kết, Đồng Nai đang là địa phương đi đầu trong việc hình thành chuỗi liên kết vùng. Trong đó phải kể đến Xuân Lộc - địa phương có nhiều dự án liên kết, chiếm hơn 50% số chuỗi liên kết được phê duyệt của tỉnh Đồng Nai. Hợp tác xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) có gần 100 hộ dân đang thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao. Hợp tác xã đã ký kết, bao tiêu sản phẩm với Công ty Marou và Công ty Bamboo. Nếu như trước đây, nhiều vườn ca cao cho thu nhập thấp thì bây giờ đạt 200 - 300 triệu đồng/ha. Đồng thời, vườn ca cao được nông dân đầu tư trở thành điểm tham quan du lịch và là nơi học tập, trải nghiệm bổ ích cho các sinh viên, học sinh trong vùng.

Cũng trong những năm qua, nhờ liên kết với nông dân 6 huyện của Đồng Nai và 2 huyện thuộc tỉnh Bình Thuận (thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã) mà Công ty Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) có được nguồn nguyên liệu ổn định; kiểm soát được chất lượng ca cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Do liên kết mang lại hiệu quả nên doanh nghiệp đang lên phương án hợp tác với người dân khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung để mở rộng vùng nguyên liệu.

Cũng từ việc thay đổi phương thức sản xuất, Đồng Nai cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã xuất khẩu được gà sang thị trường Nhật Bản, đánh dấu sự thành công của chuỗi liên kết giá trị. Sau thị trường Nhật Bản, thịt gà thương hiệu Việt Nam đã tiếp tục có mặt ở Hồng Kông, Xing-ga-po, Ma-lai-xi-a, My-an-ma, Hàn Quốc..., điều này cho thấy sự hoàn chỉnh của chuỗi liên kết.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản Đồng Nai

Để phát triển thị trường nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp các ngành, địa phương kịp thời thông tin đến các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về diễn biến thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế; nhu cầu nhập khẩu và các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam để có giải pháp tổ chức sản xuất; kịp thời hướng dẫn cho nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Năm 2023, Ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Thông tin về tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới; đề xuất 18 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao của 8 chủ thể để côngbố rộng rãi trên các kênh truyền thông của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; tổ chức Diễn đàn “Cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam”; tổ chức Tuần lễ trái cây và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai năm 2023; Lễ xuất khẩu chuối tươi, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc; tham gia 5 hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Hướng dẫn, thực hiện quy định về cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, trong năm cấp mới 49 vùng trồng với diện tích 4.871 ha và 28 cơ sở đóng gói được cấp mã số25, lũy kế toàn tỉnh có 170 mã số vùng trồng với diện tích khoảng 27.000 ha và 86 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Úc, Niu Di-lân,...

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp, hướng dẫn 21 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP năm 2023 thực hiện ghi nhãn hàng hóa; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu nông sản chủ lực của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 151 nhãn hiệu thuộc lĩnh vực nông nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ. Tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong và sau hội nghị đã có 16 bản thoả thuận hợp tác được thiết lập giữa các cơ sở sản xuất với các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể trường học với các sản phẩm như thịt heo, bò, gà, cá, rau với sản lượng dự ước khoảng 100 tấn/tháng.

Năm 2023, các mặt hàng nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, ngoài vấn đề chăn nuôi heo, gà gặp khó khăn trong thời gian dài do giá vật tư đầu vào tăng cao, giá bán thiếu ổn định; đối với sản phẩm trái cây có nhiều tín hiệu và chuyển biến tích cực, giá cả và thị trường tiêu thụ tốt, nhất là sản phẩm chuối tươi, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã tạo ra nhiều tiềm năng, cơ hội cho nông sản Đồng Nai. Lũy kế đến nay khoảng 60% sản lượng sầu riêng (47.550 tấn), 85% sản lượng chuối (120.800 tấn) của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 4.777 ngàn tỷ đồng (sầu riêng 3.328 tỷ, chuối 1.449 tỷ).

Đồng Nai hiện ưu tiên hàng đầu cho việc tạo các chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế và chế biến sâu.

Đồng Nai hiện ưu tiên hàng đầu cho việc tạo các chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế và chế biến sâu.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh như: hỗ trợ 5 chủ thể tham gia trưng bày, bán tại Lễ Hội sâm và Hương liệu, dược liệu Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh; mời doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia “Hội chợ - Triển lãm Giống, Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, lần X – năm 2024”, tham gia các chương trình quảng bá trên nền tảng TikTok, “Chợ Công nghệ - Thiết bị và Thương mại tỉnh Đồng Nai (Techmart DongNai 2024)”, Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 tại huyện Thanh Oai; xin chủ trương phối hợp tổ chức thực hiện Hội chợ triển lãm Agri Expo - Đồng Nai năm 2024; triển khai văn bản lựa chọn sản phẩm tham dự chương trình “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”. Nhờ đó, tình hình tiêu thụ các sản phẩm tốt, không xảy ra ùn ứ nông sản. Đa số nông sản có giá tiêu thụ tốt, đặc biệt nhiều nông sản giá cao, người có sản phẩm thu lãi.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng các vùng trồng, vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô sản lượng để gắn kết với công nghiệp chế biến trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai đã được nước nhập khẩu cấp 18 mã vùng trồng và 7 mã cơ sở đóng gói chuối, sầu riêng đi thị trường Trung Quốc. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 189 mã số vùng trồng với quy mô gần 28 ngàn ha và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Ố-xtrây-li-a, Niu Di-lân …; xây dựng 3 vùng nuôi tại huyện Tân Phú, Long Thành, Xuân Lộc đáp ứng điều kiện xuất khẩu, hiện chuỗi sản phẩm gà chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 300 tấn/tháng; hỗ trợ 151 đơn vị sản xuất, chế biến nông sản được cấp nhãn hiệu hàng hóa (trong đó có 95 nhãn hiệu được hỗ trợ theo chương trình khoa học công nghệ).

Rõ ràng, Đồng Nai là địa phương có lợi thế trong việc phát triển chuỗi liên kết vùng, tiêu thụ sản phẩm. Do đó, cần tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở ngành, các địa phương kiểm tra, rà soát và phát huy các chuỗi liên kết hiệu quả, không để đứt gãy chuỗi liên kết. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất trái cây, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, gắn với nhu cầu của thị trường.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất