Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề: “Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP năm 2024” tại Hội trường Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Xuân Lộc.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Thị Sự - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Văn Linh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương; TS. Trần Thiện Khánh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai.
|
Quang cảnh Hội nghị chuyên đề “Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP năm 2024”.
|
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và thành phố Long khánh; các công ty, doanh nghiệp phục vục lĩnh vự nông nghiệp cùng với hơn 120 hội viên, nông dân là chủ các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và hộ có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hồ Thị Sự - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động rộng hội viên, nông dân sản xuất nông nghiệp theo hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến cán bộ, hội viên, nông dân, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, vận động nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh nông sản sạch và phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng với các ngành, địa phương nỗ lực triển khai, hỗ trợ và đồng hành cùng người nông dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hiện đã đạt được những kết quả nhất định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, với quy mô 28,7 ha và gần 1.000 ha cây trồng theo hướng hữu cơ; Chương trình phát triển chăn nuôi hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm đã đã được triển khai cho nông hộ với quy mô hơn 100 con heo. Về nông nghiệp công nghệ cao đã được các địa phương rà soát, xác định 98 vùng sản xuất, với diện tích khoảng 18.970ha. Đến nay có 59.754ha, chiếm gần 31,27% so với tổng diện cây trồng chủ lực của tỉnh được lắp đặt hệ thống tưới bán tự động, cơ giới hóa đồng bộ, được chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); khoảng 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; ứng dụng hệ thống cung cấp thức ăn nước uống tự động; toàn tỉnh có 220 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên”.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lởi câu hỏi của nông dân tại Hội nghị.
|
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tìm hiểu các loại sản phẩm phân hữu cơ vi sinh, bàn các giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ 2020 - 2025 Nghị quyết tỉnh Đảng bộ khóa XI và được cụ thể hóa thông qua Kế hoạch số 110-KH/TU Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh đó là: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025”. Đây được xem là những giải pháp hiệu quả để vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa thay đổi phương thức canh tác theo hướng bảo vệ môi trường.
Minh Anh