Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Đồng Nai và những kinh nghiệm quý
Chỉ tính riêng mảng trồng trọt, hiện Đồng Nai đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vượt so với mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp đến năm 2025

Chỉ tính riêng mảng trồng trọt, hiện Đồng Nai đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vượt so với mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp đến năm 2025

Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Nai “về đích” sớm, vượt mục tiêu

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Đồng Nai có 40 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, chỉ tính riêng lĩnh vực trồng trọt đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vượt 12,5% kế hoạch đề ra cho toàn Ngành Nông nghiệp. Phong trào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không chỉ thu hút các doanh nghiệp, chủ trang trại lớn mà nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ cũng đã chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tại huyện Xuân Lộc, nhiều đơn vị đang tiên phong đưa cơ giới hóa, cập nhật, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Trong đó, HTX Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn với con người và môi trường. Ông Trần Quang - Giám đốc HTX Xuân Tiến chia sẻ: “Nhờ ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên lợi nhuận từ mô hình sản xuất lúa đặc sản an toàn của HTX tăng thêm từ 15 - 25% so với cách làm truyền thống”.

Tại huyện Xuân Lộc, HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát chọn hướng liên kết sản xuất, tạo ra cánh đồng lớn để tiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động. HTX hiện có 2 sản phẩm OCOP 3 sao và đã xây dựng được nhãn hiệu riêng Ca cao Thành Ý.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, từ rất sớm, Đồng Nai đã định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại. Hiện toàn tỉnh có 442 trang trại (chiếm khoảng 21% tổng số trang trại) sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín. Với hai vật nuôi chủ lực là heo và gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%. Trong đó không thiếu các trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu của thế giới, tiêu biểu như HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) là đối tác cung cấp nguồn thịt gà an toàn xuất khẩu đi Nhật Bản.

Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao

Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao.

Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, tỉnh cũng phát triển theo hướng công nghệ cao. Trong đó, nuôi thủy sản nước lợ tập trung ở huyện Nhơn Trạch và Long Thành với mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm không ngừng tăng nhanh về diện tích, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Trường Đại, nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) cho biết, so sánh với công nghệ nuôi mới như lót bạt ni lông ở đáy ao, làm lưới che phía trên ao nuôi, có hệ thống xử lý nước ao, máy cho tôm ăn tự động..., năng suất tôm mỗi vụ cao gấp nhiều lần so với nuôi ao đất, tăng lên 4 - 5 vụ/năm, cao gấp hai lần so với cách nuôi truyền thống. Nhờ đó, ngành thủy sản Đồng Nai luôn đạt mức tăng trưởng tốp đầu so với các lĩnh vực khác như trồng trọt, chăn nuôi. Hiệu quả sử dụng đất thủy sản cũng không ngừng tăng lên, đạt mức 485 triệu đồng/ha/năm.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt nhiều kết quả tích cực: 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng gần 59.754 ha, chiếm gần 31,27% so với tổng diện cây trồng chủ lực của tỉnh có nhu cầu tưới; 2.785 ha cây trồng đạt chứng nhận sản xuất an toàn thực phẩm, trong đó có 7 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ với quy mô 27,2 ha; khoảng 1.000 ha chuối, lúa ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; gần 149 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; khoảng 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín (năm 2022: 21%); 65% tổng đàn heo, 49% tổng đàn gà chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đạt 83,91%.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, thâm canh bền vững có hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện Long Thành, Nhơn Trạch (tổng diện tích 171 ha) cho lợi nhuận khoảng 600 - 800 triệu đồng/ha, mô hình trồng Sầu riêng trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất cho lợi nhuận cao từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Về kết quả thực hiện các mục tiêu đột phá đạt một số kết quả như: (1) xây dựng được 7/8 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, với quy mô 27,2 ha, 2,2 ha hồ tiêu trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã được đánh giá đang chờ cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn EU, bên cạnh đó 17,8 ha đang trong giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ (đã chuyển đổi được 3 năm); (2) hình thành 45/40 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (vượt 12,5% kế hoạch đến 2025) với quy mô 1.258 ha; (3) tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tiêu thụ qua hợp đồng liên kết đạt trên 45,2%; (4) tỷ lệ diện tích được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương đạt 1,3% (2.990/230.000 ha), nếu tính riêng sản phẩm chủ lực, đạt 1,86% (2.990/160.000 ha); (5) tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt 64,2% (năm 2022: 52%);…

Kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Đồng Nai

Đồng Nai xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu của tỉnh. Xu hướng này giúp thúc đẩy kết cấu hạ tầng, nhận diện thương hiệu, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm...

Là tỉnh công nghiệp nên nông dân trong tỉnh đã sớm có ý thức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành lớp nông dân thời công nghệ hiện đại. Điểm nổi bật trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Đồng Nai là nông dân không áp dụng rập khuôn mà rất sáng tạo trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, có nhiều cải tiến giúp giảm chi phí đầu tư, phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Đặc biệt, Đồng Nai cũng thu hút rất nhiều doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao. Tiêu biểu như Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt ứng dụng công nghệ cao từ khâu xử lý chất thải chăn nuôi, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đến trang trại trồng trọt trong nhà màng tại huyện Xuân Lộc. Trong đó, trang trại rộng 13ha với hệ thống nhà màng trồng rau, trái sạch được đầu tư công nghệ hiện đại trên thế giới, có robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây trồng; ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng để có chi phí sản xuất rẻ nhất.

Cùng với đó là sự đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư công để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất. Đồng thời, đề xuất báo cáo chủ trương đầu tư vào vùng nông nghiệp các địa phương đều gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định. Về cơ sở hạ tầng giao thông, điện sản xuất cho các vùng nông nghiệp các địa phương đều này đã được đảm bảo. Ngành Nông nghiệp phối hợp với địa phương, doanh nghiệp rà soát xây dựng phương án cấp nước từ các công trình thủy lợi để phục vụ các vùng sản xuất trên.

Việc sử dụng điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp đang được áp dụng rộng rãi tại Đồng Nai nhằm giảm chi phí vận hành.

Việc sử dụng điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp đang được áp dụng rộng rãi tại Đồng Nai nhằm giảm chi phí vận hành.

Một trong những kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Đồng Nai là sự tham gia của Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai vào sự phát triển, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Hội đã tổ chức khoảng 30 đợt cho hàng trăm hội viên nông dân học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài tỉnh. Nhiều nông dân còn được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh và có nhiều chuyển biến, góp phần nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm... Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Trong đó, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm đảm bảo cho sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất