Trong lĩnh vực nông nghiệp, định hướng chính là thực hiện nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững. Trên cơ sở Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, ngày 28-4-2023.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, với mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính (KNK) tối thiểu đạt 121,9 triệu tấn các-bon tương đương, đóng góp vào cam kết của quốc gia đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tạo cơ sở cho phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G) và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước phù hợp từng vùng sinh thái nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lúa thủy sản (lúa – cá, lúa – tôm) và sang cây trồng cạn nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương…
Trong lĩnh vực chăn nuôi sẽ tiến hành cải thiện khẩu phần thứ ăn cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt; cải thiện chất lượng khẩu phần ăn cho trâu và dê; tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ… Cùng với đó, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi; phục hồi (trồng mới) rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nâng cao năng suất và trữ lượng các-bon của rừng trồng gỗ lớn. Nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng carbon và bảo tồn đất.
Nhằm hướng tới mục tiêu "Net Zero" lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đề án xác định quan điểm: "Sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long là lợi thế của vùng và có vai trò nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050".
|
Có thể khẳng định Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là một hình mẫu trên thế giới về phát triển nông nghiệp các-bon thấp. Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.
Những chính sách mới và đột phá của Đề án không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn định hướng phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế, nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã vào cuộc quyết liệt để góp phần thực hiện thành công Đề án như: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang...
Theo đó, ngày 16-7-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai mô hình thí điểm 50ha lúa tại HTX Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) và sẽ tiếp tục triển khai mô hình thí điểm 10ha trên diện tích lúa - tôm tại huyện An Minh. Một số hạng mục đầu tư chính của đề án trên địa bàn tỉnh gồm: Nâng cấp hệ thống tưới tiêu, cải thiện hệ thống giao thông, hỗ trợ cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo, hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số, cơ giới hóa đồng bộ… Dự án đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ là Dự án đặc biệt cấp quốc gia.
Theo ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, chia sẻ: "Rất vinh dự khi được chọn làm đơn vị đầu tiên của tỉnh khởi động đề án với diện tích 50 ha, có 25 hộ tham gia. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được hợp tác xã triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Gần đây nhất là mô hình sản xuất lúa SRP, cánh đồng lớn giảm chi phí, cánh đồng lớn lúa hữu cơ.…Để thực hiện Đề án, thành viên HTX sẽ thực hiện theo cam kết ban đầu với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ là sau khi thu hoạch lúa hè thu 2024 nông dân sẽ không đốt rơm rạ. Các hộ tham gia đề án sẽ nhận được sự hỗ trợ như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá sản xuất. Đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa máy sạ cụm, sạ hàng, drone phun phân, thuốc, giống... Với kinh nghiệm hiện có cùng với sự quyết tâm của thành viên, HTX quyết tâm thực hiện hiệu quả đề án này".
Ngoài ra, Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030 ban hành ngày 24-8-2023 xác định mục tiêu sẽ đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, qua đó thực hiện được các cam kết của Tuyên bố Glasgow. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng cũng đã được phê duyệt với mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt hơn một triệu ha.
Nhằm cụ thể hóa các nội dung tại của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch quốc gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030, các tỉnh, địa phương đã ban hành Kế hoạch của địa phương triển khai thực hiện Tuyên bố trên, trong đó có tỉnh Lào Cai và Sơn La. Theo đó, tỉnh Lào Cai phấn đấu diện tích rừng tự nhiên nghèo được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030, góp phần giảm tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên trung bình và giàu. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 20.000 ha vào năm 2025, đạt 35.000 ha vào năm 2030.
|
Chính địa phương sẽ thực hiện thể chế hoá các quy định để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nông lâm nghiệp bền vững không gây mất rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa; phát triển kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng đa mục đích, phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tính bền vững của rừng trồng và cây trồng nông nghiệp; nâng cao tính chống chịu, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Đồng thời, triển khai cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon rừng để đáp ứng các yêu cầu của thị trường các bon trong nước và quốc tế; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.
|
Giải pháp mang tính cốt lõi để nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững chính là ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Trong đó, phải tăng cường đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Hoàn thiện cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, hoạt động khuyến nông, khuyến công; tăng cường năng lực các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ công lập. Tăng cường xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ theo cơ chế thị trường. Thực hiện khoán, đặt hàng sản phẩm khoa học - công nghệ.
Chủ động, tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích, hỗ trợ thành lập các Vườn ươm/Trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy các mô hình liên kết đa tác nhân, đa lĩnh vực giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nhằm nâng cao năng lực và kiến thức, kinh nghiệm quản lý vận hành hiệu quả. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kinh tế - xã hội, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn…
Xây dựng các khung chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh và kết nối cung - cầu, phát triển mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.
Cần triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo hướng đi mới cho Nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững cụ thể như: Mô hình ứng dụng công nghệ thủy canh, sử dụng giá thể không dùng đất là hướng đi hứa hẹn nhiều tiềm năng, bởi thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe, yêu cầu sản phẩm chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, cần tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được ban hành năm 2023 với mục tiêu tổng quát: "Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại".
Theo đó, Ngành Nông nghiệp phải đi theo hướng mới, áp dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ, phổ biến các nền tảng IOT để thu thập, làm sạch và khai thác, sử dụng các yếu tố trong tất cả các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp, từ khâu làm đất đến khâu gieo trồng, chăm bón, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu.
|
Nông nghiệp Việt Nam cần xây dựng tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số từ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển nông nghiệp thông minh; tích hợp chuỗi cung ứng; đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ cho lao động nông nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng các nền tảng trực tuyến cho việc mua bán sản phẩm nông nghiệp, tư vấn nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin. Tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp số. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức nghiên cứu và đầu tư viên tham gia vào phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể xây dựng hệ thống AgriAI sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cung cấp dịch vụ cho từng nông dân hay hệ thống hỏi đáp thông tin nông nghiệp để giúp giám sát chất lượng nông sản, mở rộng truy xuất nguồn gốc tốt hơn.
Cần biến xây dựng nông thôn đổi mới trở thành phong trào mạnh mẽ, lan rộng khắp cả nước. Theo đó, cần xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Có chính sách phù hợp đối với xây dựng nông thôn mới ở từng vùng ven đô thị, đồng bằng, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô thị lớn, thị trấn, thị tứ, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị. Nâng cao hiệu quả, tăng đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, ưu tiên các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu không để chênh lệch lớn giữa các vùng.
Tích hợp một số chương trình đầu tư đang triển khai trên địa bàn nông thôn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, chú trọng hình thức hợp tác đầu tư công - tư (PPP), đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, logistics, viễn thông, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục, y tế. Khẩn trương có kế hoạch cụ thể để nâng nhanh tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Nâng cấp, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, đê sông, đê biển, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
|
Quyết liệt xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải. Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Quy hoạch, kiến trúc khu dân cư, công trình, nhà ở phù hợp với văn hóa, cảnh quan, điều kiện thực tế từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong thiết kế, quản lý, xây dựng kiến trúc nông thôn. Cải thiện điều kiện sống, nhà ở, thay đổi tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền.
Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là điểm mới của Nghị quyết 19-NQ/TW, nhằm nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định. Thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành, các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị cần tăng cường giáo dục, đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức, trình độ theo hướng “trí thức hóa nông dân” để có thể làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp. Đổi mới toàn diện hình thức tổ chức, nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là cho lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập.
Đẩy mạnh các phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chủ động cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân và người dân nông thôn về pháp luật, kiến thức sản xuất kinh doanh, khoa học và công nghệ, phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt nam và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Triển khai thực hiện tốt các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình, thôn, làng, ấp, bản văn hóa.
|
Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng dần lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Có chính sách phù hợp, tạo môi trường hấp dẫn thu hút lao động có trình độ về công tác tại vùng nông thôn. Hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp truyền thống nhỏ, lẻ, sang nông nghiệp sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số. Thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân nông thôn. Xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy sự đa dạng các giá trị văn hoá.
|
Quá trình hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước, thay đổi trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu nông sản, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và năng lực cạnh tranh quốc tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng góp phần cải thiện cán cân thương mại.
Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực nhờ cắt giảm thuế quan như các mặt hàng gạo, cà phê, thủy sản, rau quả. Nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường, đối tác phù hợp, có nhiều lợi thế hơn trong thương mại.
Theo dự báo của FAO: Nhu cầu về lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự mất ổn định và biến động về kinh tế, chính trị thế giới, mối lo ngại về an ninh lương thực mở ra nhiều cơ hội trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Giai đoạn 2019-2028 tiêu dùng các sản phẩm nông sản của thế giới tăng bình quân 1,5-3%/năm, trong đó nhu cầu tiêu thụ thịt và cá bình quân đều tăng 3%, nhu cầu tiêu thụ cá cũng dự báo tăng 2,12%, nhu cầu ngũ cốc dự báo tăng khoảng gần 2%, nhu cầu về nội thất sử dụng các nguyên liệu từ gỗ, tre nứa tăng 10,6% nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang rất nhiều thị trường trên thế giới đặc biệt là những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản…
Để tăng cường hoạt động xuất khẩu nông sản, các sở ban, ngành và các tổ chức như trung tâm khuyến nông, trồng trọt, trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư, các hiệp hội ngành hàng nông sản, ngân hàng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải, công nghệ thông tin và marketing cũng góp phần quan trọng để chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xuất khẩu cải thiện cả về hiệu quả và hiệu suất.
Thời gian tới, cần tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ. Chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTAs, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn tài trợ. Mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ giống, công nghệ môi trường, tái sử dụng phụ phẩm. Tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.
|
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã định hướng nhiệm vụ đặt ra đối với Ngành Ngân hàng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của Ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, ngoài các cơ chế, chính sách đã và đang được triển khai ở giai đoạn trước, NHNN còn xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu và tăng cường nguồn vốn tín dụng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, như: nghiên cứu, thành lập diễn đàn chung về tài chính xanh của Ngành Ngân hàng; đẩy mạnh thực hiện mua sắm xanh trong hoạt động mua sắm công...
Đặc biệt, để đưa ra các nguyên tắc quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, tăng cường tăng trưởng xanh cũng được triển khai tích cực, như: chương trình cho vay khuyến khích phát triển theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trong nông nghiệp; chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở phòng tránh biến đổi khí hậu.
|
Các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, năng lực nhân sự về tín dụng xanh trên toàn Ngành cũng được triển khai đồng thời. NHNN đã tổ chức nhiều đợt cử các đoàn công tác cán bộ lãnh đạo cấp cao của NHNN đi học tập, khảo sát ở nước ngoài, cử cán bộ tham dự các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do các tổ chức quốc tế, ngân hàng Trung ương các nước tổ chức. Nhiều chương trình bồi dưỡng về ngân hàng xanh, tín dụng xanh và nhiều hội thảo, tọa đàm liên quan đến các hoạt động ngân hàng xanh, phát triển bền vững, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh... đã được tổ chức, thu hút đông đảo sự quan tâm của các chuyên gia trong và ngoài ngành, các cán bộ làm công tác quản lý, xây dựng chính sách và các cán bộ làm việc trực tiếp tại các ngân hàng thương mại.
Để khơi thông dòng tín dụng xanh các bộ, ban, ngành cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý để có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Nghiên cứu có hướng dẫn chung về ESG giúp các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện chuyển đổi xanh. Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Phát triển thị trường vốn cho lĩnh vực xanh bổ trợ cho nguồn vốn tín dụng như trái phiếu xanh, tín chỉ carbon...
Đối với các tổ chức tín dụng cần nâng cao nhận thức về rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu, nhận định phát triển bền vững là xu hướng tất yếu. Từ đó, tích cực và chủ động xây dựng và triển khai hệ thống quản trị rủi ro môi trường xã hội, lồng ghép phát triển xanh vào chiến lược hoạt động của tổ chức tín dụng. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo liên quan tín dụng xanh, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định, quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với cán bộ ngân hàng. Chủ động và phối hợp với NHNN, các bộ, ngành có liên quan tìm kiếm, huy động các nguồn lực về vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh.
Có thể nói, sự thống nhất về mặt chiến lược mang tính dài hạn đối với tăng trưởng xanh tại Việt Nam là nền tảng để xây dựng, phát triển các chính sách cụ thể của từng ngành/lĩnh vực. Đối với ngành Ngân hàng, các hoạt động được xây dựng trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Chiến lược và Kế hoạch triển khai chiến lược tăng trưởng xanh; tuân thủ các quy định tại các Luật Ngân hàng nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng vẫn thúc đẩy được các tổ chức tín dụng tham gia triển khai các giải pháp về tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh trên cơ sở quyền tự chủ kinh doanh.
Kết quả triển khai cho thấy tín dụng xanh từ hệ thống ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thể cơ cấu tài chính xanh tại Việt Nam hiện nay, tuy nhiên mới chỉ với một quy mô rất hạn chế như trái phiếu xanh, bảo hiểm xanh, các quỹ bảo vệ môi trường...
Cụ thể đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dư nợ cho vay các lĩnh vực xanh như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh... cũng tăng trưởng ổn định qua các năm.
Trong năm 2024, Agribank vẫn tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh đặc biệt tập trung vào nông, lâm nghiệp và năng lượng tái tạo. Tính đến hết quý I-2024, kết quả cho vay đối với tín dụng xanh ghi nhận nhiều nỗ lực ấn tượng. Trong lĩnh vực phát triển lâm nghiệp bền vững dư nợ đạt 8.456,1 tỷ, chiếm tỷ trọng 29%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh. Trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, dư nợ đạt 5.711,4 tỷ, chiếm tỷ trọng 20%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh.
Lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ghi nhận dư nợ đạt 14.680 tỷ, chiếm tỷ trọng 51%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh. Các dự án này hiện đang triển khai rất hiệu quả và mang lại lợi ích về môi trường và xã hội cũng như thúc đẩy kinh tế tại địa phương.
Các chương trình ưu đãi tín dụng xanh của Agribank: Chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng. Đối tượng khách hàng liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ hiện còn 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng. Bên cạnh đó, Agribank đã triển khai một số chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với doanh nghiệp trong đó khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp có sản phẩm xanh với mức lãi suất giảm tối đa 1,5% so với sàn lãi suất cho vay của Agribank. Với chương trình này, khách hàng có thể vay với mức lãi suất ưu đãi tối thiểu 3,5%/năm.
Có thể khẳng định rằng, với vị thế, tiềm năng, cơ hội cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn xã hội chúng ta tin tưởng những mục tiêu, tầm nhìn chiến lược được đề ra trong các chương trình, nghị quyết liên quan đến lĩnh vực "tam nông", sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công và có những bước phát triển đột phá mạnh mẽ hơn nữa, nhằm tiếp tục khẳng định nông nghiệp với vai trò vị thế trụ đỡ của nền kinh tế trong tiến trình phát triển đất nước, nâng cao vị thế của ngành vươn tầm thế giới.
(Hết)
NCS. Cao Thị Phương