Thực hiện “tam nông” ở Đồng Nai: Nhất quán trong chủ trương, quyết liệt trong chỉ đạo

 

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tham quan các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của trên địa bàn

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tham quan các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của trên địa bàn

Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược mang tính đột phá, là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân. Xây dựng nông thôn mới là giải pháp chủ yếu, quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Mặc dù là tỉnh công nghiệp nhưng Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển, coi đây là cơ sở để phát triển kinh tế bền vững ở một tỉnh còn trên 60% dân số sống chủ yếu ở khu vực nông thôn, làm ăn sinh sống từ nông nghiệp. Nhờ đó, Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển nông nghiệp, trở thành một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nông thôn mới.

Từ “Bốn có” đến “Tam nông”

Trước khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương về “tam nông”, từ năm 2007, Đảng bộ Đồng Nai đã có Nghị quyết và Đề án xây dựng nông thôn “4 có”, gồm có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có đời sống kinh tế được cải thiện, có đời sống văn hóa tốt, và có môi trường sinh thái tốt nhằm hướng tới nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Bộ tiêu chí 4 có của Đồng Nai gồm 4 tiêu chí lớn và 33 tiêu chí nhỏ. Theo đó, có đời sống kinh tế được cải thiện (gồm 9 tiểu tiêu chí nhỏ); có đời sống văn hóa tốt (gồm 14 tiểu tiêu chí nhỏ); có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tốt (gồm 5 tiểu tiêu chí nhỏ) và có môi trường sinh thái tốt (gồm 5 tiểu tiêu chí nhỏ).

Xây dựng nông thôn mới, nhìn từ thành công của Đồng Nai

Xây dựng nông thôn mới, nhìn từ thành công của Đồng Nai.

Để thực hiện mô hình này, Đồng Nai chủ trương thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ và đã hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn. Đặc biệt, ngay từ thời điểm đó, tỉnh đã chủ trương ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất được xem là khâu đột phá nhằm tăng nhanh thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của nông dân ở vùng nông thôn. Chính tư duy này đã tạo ra những bước phát triển đầu tiên trong sản xuất ở Đồng Nai. Xác định tam nông là cơ sở để phát triển kinh tế bền vững ở một tỉnh còn trên 60% dân số sống chủ yếu ở khu vực nông thôn, làm ăn sinh sống từ nông nghiệp, Đồng Nai đã đi trước một bước với việc thực hiện nông thôn “4 có” và mô hình này đã dần dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cuộc sống của những người dân nông thôn. Việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí “4 có” đã tạo được cơ sở, nền tảng ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng trong hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, qua đó đẩy nhanh hoạt động giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Trên nền tảng nông thôn “4 có”, Đồng Nai đã nhanh chóng đón đầu khi các chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng rãi trên cả nước. Năm 2014, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có đơn vị cấp huyện “về đích” trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, Đồng Nai tiếp tục là một trong 2 tỉnh dẫn đầu của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và “về đích” trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Ngày 30-9-2014, thực hiện Thông báo kết luận số 440-TB/TU ngày 7-7/-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chỉ thị 24/CT-UBND về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở chính sách của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đồng Nai tiếp tục vận dụng, cụ thể hóa vào điều kiện thực tế của tỉnh để huy động tối đa, hợp lý các nguồn lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn từ việc huy động các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, tỉnh, huyện, lồng ghép từ các chương trình mục tiêu, từ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và đặc biệt là huy động từ sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của người dân trên từng địa bàn.

Cuối năm 2021, Đồng Nai đã thực hiện đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Giai đoạn 2008-2021, Đồng Nai đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2008 - 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 6,2%/năm. Riêng trong năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt trên 43,7 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh tăng đều theo hằng năm. Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt trên 61,7 triệu đồng/người/năm, tăng gần 4,4 lần so với năm 2008. Năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng thu nhập bình quân đầu người của nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vẫn đạt trên 66 triệu đồng/người. Giá trị sản xuất trồng trọt đạt 127 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, qua gần 3 năm triển khai thực hiện, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đã có 71 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Nhiều sản phẩm OCOP đã mở được kênh xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Tại hội nghị trực tuyến do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với các tỉnh ủy, thành ủy về tình hình thực hiện và công tác Tổng kết Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 đánh giá cao thành quả các địa phương đạt được trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh đông dân nhưng thu nhập của người dân nông thôn đạt mức cao so với mặt bằng chung của các tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị. Với 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019, Đồng Nai cũng đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Với chặng đường tiến nhanh, tiến mạnh trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, song lãnh đạo tỉnh Đồng Nai luôn xác định, từ “bốn có” đến “tam nông” thì mục tiêu kiên định, nhất quán của tỉnh vẫn là làm sao để đời sống nông dân tốt lên, bộ mặt nông thôn thay đổi. Sau nông thôn mới sẽ là những “phiên bản” cao hơn, sâu hơn về sự phát triển của nông thôn. Có như thế, người dân mới một lòng cùng địa phương tiếp tục dồn sức cho sự phát triển chung, vì cốt lõi của nông thôn mới là phải hướng về đối tượng thụ hưởng chính đó là nông dân.   

Một số kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai

Quán triệt, triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa X), BCH Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (khóa VIII) đã ban hành Kế hoạch số 97-KH/TU; tập trung, tích cực chỉ đạo với tinh thần thống nhất, đồng bộ và quyết liệt hơn bằng nhiều chủ trương, giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên toàn địa bàn tỉnh thực hiện phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhất là coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới.

Từ chủ trương lãnh đạo của Tỉnh uỷ đến công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai trong quá trình xây dựng nông thôn mới đều xác định phải bắt đầu từ sản xuất, trước hết từ chuyển dịch mạnh, có kết quả về cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng đến xác lập tiêu chuẩn cây, con “Bốn có”, đó là: Có giá trị kinh tế, năng suất cao; có chất lượng tốt; có thị trường tiêu thụ ổn định; có thu nhập cao cho người nông dân. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo tác động tích cực 4 nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đó là: Đưa nhanh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; giải quyết thị trường tiêu thụ nông sản; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tổ chức liên kết, hợp tác trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Từ đó, người dân có điều kiện để tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, huy động hợp lý sức dân để chăm lo lợi ích chính đáng của dân, vì mục tiêu phát triển: xây dựng con người mới, diện mạo mới, sức sống mới, động lực phát triển mới đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đảng bộ tỉnh cũng sớm xác định giai cấp nông dân trong tỉnh không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn và chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới, có tính chất quyết định đến thành công của mô hình “Bốn có” và xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai nên đã lãnh đạo hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phối hợp cùng làm tốt công tác dân vận, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận và tích cực tham gia phong trào. Vì vậy, mặc dù được triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã tạo được cơ sở, nền tảng ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng để Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh về sau này.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất