Bài 2: Những cơ sở thực tiễn vững chắc

Những cơ sở quan trọng để ứng cử

Việt Nam đã từng đảm trách thành công vai trò thành viên của HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016. Trong đó, ngày 12-11-2013, Ðại hội đồng LHQ khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu bầu và Việt Nam đạt 184/192 phiếu, dẫn đầu trong số 14 nước thành viên được lựa chọn. Sau 3 năm nghiêm túc thực hiện, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò và được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều lãnh đạo các nước thời điểm đó ca ngợi tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, năng động của Việt Nam, đóng góp nhiều giá trị vào sự tiến bộ của nhân loại trong bảo đảm QCN. Nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2014-2016 có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của nước ta.

Các quốc gia chúc mừng Việt Nam trúng cử thành viên của HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016

Gần 10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên tại HĐNQ, Việt Nam có nhiều tiến bộ vượt bậc trên mọi mặt đời sống xã hội và việc tham gia HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 sẽ đóng góp thiết thực vào thực hiện đường lối đối ngoại tích cực, tự chủ theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, đồng thời thể hiện quyết tâm, sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy QCN trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, Việt Nam tham gia với tư cách là người kiến tạo cuộc chơi, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học của Việt Nam với thế giới. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam là một trong những “điểm sáng” về phòng, chống dịch COVID-19 và cần thiết phải phổ quát những kinh nghiệm đó với thế giới  Đây vừa là nghĩa vụ quốc tế, vừa là vận hội để nước ta khẳng định uy tín, vị thế và quảng bá với thế giới về một Việt Nam hùng cường, luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của phát triển.

Trên thực tế, Việt Nam đã gặt hái nhiều bước tiến về QCN, được thế giới ghi nhận, trong đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện mọi mặt. Tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII ngày 26-1-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó tự hào nêu rõ “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khằng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”

Có rất nhiều “điểm sáng” cần kể đến trong lĩnh vực QCN như bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, đem lại cơ hội phát triển đến khắp mọi người dân, phấn đấu không để ai bị bỏ lại phía sau… Trong đó, bình đẳng giới ở Việt Nam có nhiều tiến bộ, nhất là phụ nữ được bình đẳng giới trong chính trị, được tăng cường tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo các tổ chức chính trị, cơ quan hành chính sự nghiệp... Ngày 3-3-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở kế thừa các bước tiến của giai đoạn 2011-2020, quyết tâm “đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ”.

Bình đẳng giới ở Việt Nam có nhiều tiến bộ, nhất là việc phụ nữ được bình đẳng giới trong chính trị

Ngoài ra, những thành tựu y tế của Việt Nam trong phòng chống đại dịch COVID-19 là niềm tự hào trong tiến trình đảm bảo quyền sống, được bảo vệ sức khỏe đối với người dân cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trước tiên, trên hết. Không phải quốc gia nào cũng đạt được sự đồng thuận cao của xã hội và người dân trong phòng, chống dịch như vậy. Thành tựu chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam cũng đem đến những mô hình tiên phong trong bối cảnh thế giới đang tính toán tái cơ cấu nền y tế toàn cầu như tinh thần Tuyên bố Rome tháng 5-2021. Các nước có thể phối hợp, trao đổi với Việt Nam về kinh nghiệm triển khai ngăn chặn đại dịch COVID-19 để đối phó hiệu quả với những nguy cơ tương tự, bất ngờ xảy đến trong tương lai. 

Việt Nam là quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong phòng, chống đại dịch COVID-19

Việt Nam có sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế. Trong Năm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) với những đóng góp thiết thực. Việt Nam đã cùng ASEAN tiến những bước dài trên cả 3 trụ cột Cộng đồng Chính trị - ​An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, với tinh thần “gắn kết” và “chủ động thích ứng”. ASEAN trong năm Chủ tịch Việt Nam 2020 đã đương đầu với nhiều biến chuyển nhanh của tình hình khu vực, thế giới (như tình hình nhân đạo tại Mi-an-ma, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…).

Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khu vực mậu dịch rộng lớn trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), qua đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho người dân. Việt Nam cùng các nước đã chèo lái con thuyền ASEAN để ngăn ngừa đại dịch COVID-19 tác động tới 650 triệu dân của Cộng đồng. Đặc biệt, những tiến bộ và đóng góp quốc tế của Việt Nam đã được các nước ASEAN ghi nhận, đề cử Việt Nam đại diện ứng cử thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025. Cần lưu ý rằng, trước đó, ASEAN thường xuyên đặt trọng trách này lên vai In-đô-nê-xi-a (đã đảm nhiệm 5 nhiệm kỳ). Hơn nữa, Mi-an-ma đang nổi lên là điểm nóng phức tạp, HĐNQ phải có cầu nối với khu vực để ứng phó kịp thời và Việt Nam tự tin hoàn toàn phù hợp theo đề cử của ASEAN.

Việt Nam có đầy đủ chính sách, sự quyết tâm, nguồn lực, nhân lực có kinh nghiệm, trình độ để đảm trách cương vị thành viên HĐNQ thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng khóa XIII. Lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần đưa ra những cam kết quốc tế mạnh mẽ trong phát huy QCN cho thấy quyết tâm chính trị rất cao để ứng cử vào HĐNQ.

Ngày 22-2-2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định sẽ “Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ QCN và các quyền tự do cơ bản của người dân…”. Việt Nam luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự tiến bộ vượt bậc để đảm nhiệm các trọng trách quốc tế giao phó. Trong đó, Việt Nam có bề dày kinh nghiệm tham gia ASEAN, LHQ; có đội ngũ cán bộ đáp ứng đầy đủ phẩm chất, bản lĩnh để giúp đảm trách cương vị này. Đồng thời, có kết nối tốt với từng nước thành viên của HĐNQ, luôn luôn cập nhật, học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề nhân quyền phức tạp hiện thời.

Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao khóa họp 28 HĐND LHQ.

Việt Nam sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các bài học cũng như các khó khăn khác biệt với các nước để tăng cường hiểu biết và bảo đảm QCN. Các nước có Đối thoại nhân quyền với Việt Nam như Mỹ, Thụy Sỹ, Úc, Na Uy, Liên minh châu Âu (EU)… đều ghi nhận những tiến triển mà Việt Nam đạt được về QCN, cùng với những thành tựu của công cuộc Đổi mới và bảo đảm an sinh xã hội…

Nước rút triển khai các biện pháp 

Những tiến bộ nêu trên là cơ sở vững chắc để Việt Nam tự tin ứng cử, song càng gần thời điểm bầu chọn, chúng ta càng cần phải tập trung nguồn lực, ý chí để khẳng định với quốc tế, khu vực quyết tâm và nỗ lực để trở thành thành viên HĐNQ có trách nhiệm, năng lực. Trong thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên triển khai khác biện pháp sau:

Một là, tiếp tục bồi đắp, phát triển sâu sắc hơn các nội hàm QCN trong hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam, chú ý nghiên cứu để hài hoà chuẩn mực quốc tế về QCN với điều kiện đặc thù của nước ta. Thúc đẩy cải thiện về lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về vấn đề QCN.

Hai là, chỉ còn thời gian ngắn đến thời điểm nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam cần đẩy mạnh vận động quốc tế, chú trọng tranh thủ sự ủng hộ từ các nước bạn bè, anh em. Trong đó, tại các cuộc tiếp xúc, cần vận động phía bạn ủng hộ trên tinh thần vì nền nhân quyền thế giới, đôi bên cùng có lợi... Việt Nam cũng cần nghiêm túc tiếp thu có chọn lọc và thực hiện một số khuyến nghị của HĐNQ nhằm tránh những ý kiến chính thức trái chiều từ các nước thành viên trước thềm cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ. Ngoài ra, các ban ngành hữu quan cần chủ động rà soát, nghiên cứu các điểm nóng về nhân quyền, dự báo và đề ra những công tác cần triển khai trong trường hợp đắc cử thành viên, đảm bảo hiệu quả, nổi bật vai trò của Việt Nam. Chuẩn bị tốt các kịch bản nếu như HĐNQ gây sức ép, chỉ trích ta hoặc đòi đưa các phái đoàn vào trong nước tìm hiểu những tình hình phức tạp về nhân quyền. 

Ba là, phát huy hơn nữa thành tựu đạt được về QCN trên tất cả các mặt dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội theo đúng mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đặt ra. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang đe doạ đến an ninh, an toàn của con người, ưu tiên cao nhất vẫn là bảo đảm quyền sống, quyền chăm sóc sức khoẻ, đồng thời an sinh xã hội cho nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương, chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch. Tiếp tục đặt công tác đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân Việt Nam là ưu tiên hàng đầu đúng theo tinh thần Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ban Chỉ đạo quốc gia quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề ra. Trong tương lai không xa, khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi, Việt Nam cần nỗ lực tái thiết nền kinh tế, vực lại đời sống người dân. Trong đó, cần chú trọng kế thừa, áp dụng các bài học kinh nghiệm, chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả từ các nước… Toàn hệ thống chính trị cần phát huy các quyền của người dân trên mọi lĩnh vực, phấn đấu đưa nền kinh tế Việt Nam đi lên, trở thành nguồn cảm hứng với thế giới.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy tiến bộ QCN. Trong đó, lưu ý rằng ASEAN đã tiến cử Việt Nam vào vị trí thành viên HĐNQ, ta cần thường xuyên tiến hành các cuộc tham vấn với các nước, các cơ quan chuyên trách của Cộng đồng. Điều này vừa nhằm sát hợp với lợi ích của toàn khối vừa tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề QCN, gắn kết được trách nhiệm của Cộng đồng trước các vụ việc nhạy cảm mà Việt Nam có thế đối mặt trên cương vị đó. Ngoài ra, Việt Nam cần làm tốt công tác thông tin đối ngoại, để thế giới hiểu điều kiện, khả năng và thiện chí của Việt Nam khi đắc cử thành viên HĐNQ cũng như hiểu hơn về xu hướng của thế giới trong lĩnh vực này.

Năm là, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong và ngoài nước. Nâng cao nhận thức người dân, các cấp chính quyền về đảm bảo QCN. Ta cũng cần làm tốt công tác thông tin đối ngoại, để thế giới nhận thức đầy đủ về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm QCN tại Việt Nam.

Việt Nam đã có những nền tảng vững chắc cho việc ứng cử thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động tác động to lớn đến việc bảo đảm QCN. Thực tiễn đã minh chứng cho những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc phấn đấu xây dựng Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” , xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và tham gia tích cực vào công việc chung của cộng đồng quốc tế vì QCN. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam là cơ sở để tin tưởng rằng nước ta sẽ được quốc tế tín nhiệm và bầu chọn làm thành viên HĐNQ.

Hội đồng Nhân quyền có 47 quốc gia thành viên được Đại hội đồng LHQ bầu ra căn cứ theo các khu vực địa lý. Thông qua các cơ chế của mình, cơ quan này đã thúc đẩy thế giới bảo đảm các QCN vào trong toàn bộ hệ thống của LHQ. Việc ứng cử HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện mong muốn đóng góp của Việt Nam nhằm thúc đẩy và bảo vệ QCN.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất