Hồi chuông báo động
Dinh dưỡng và suy dinh dưỡng ở trẻ vùng DTTS đang diễn ra đáng lo ngại. Suy dinh dưỡng khiến trẻ không đạt được sự tăng trưởng, phát triển bình thường; thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa; gây ra hệ lụy sau này đối với bản thân trẻ, gia đình và xã hội.
Dinh dưỡng của trẻ em vùng DTTS thường không được bảo đảm với chế độ ăn sơ sài, ít đạm, thậm chí chỉ có cơm trắng, hoặc đơn giản chỉ là gói mì tôm pha nước. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại vùng núi phía Bắc và nhiều vùng dân tộc thiểu số khác, có hơn 70% trẻ em chưa được ăn đúng, ăn đủ. Bên cạnh đó, trẻ vùng cao thường ít được uống sữa, kể cả trẻ sơ sinh thì sữa cũng không được đáp ứng đầy đủ do các bà mẹ không được bảo đảm chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này.
Theo kết quả điều tra ban đầu năm 2023 của Dự án Alive&Thrive, FHI360 tại 11 tỉnh, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn của các DTTS còn thấp (khoảng từ 4% - 33%); tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở DTTS (khoảng từ 33% - 52%) thấp hơn so với vùng đồng bằng (75%). Nguồn dinh dưỡng của trẻ cũng không được bảo đảm về lượng và chất. So với ở nhà, bữa ăn bán trú tại trường, dù không có thịt, chỉ có cơm hoặc mì gói nhưng vẫn là bữa ăn đầy đủ hơn đối với các em.
|
Trao kinh phí hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc Chứt đang học tại Trường Mầm non Hương Liên, điểm Bản Rào Tre, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
|
Chính vì thế, trẻ em vùng DTTS đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cao. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, nước ta là 1 trong số 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Trong số 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng có khoảng 1/3 trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu dinh dưỡng, thể chất thấp còi, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở nhóm DTTS rất ít người ở mức cao.
Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là điều đáng lo ngại. Thực phẩm bị nấm mốc, để lâu ngày đã mọc mầm cũng như việc chế biến, bảo quản đồ ăn vùng DTTS không được bảo đảm. Tình trạng này là do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan:
Thứ nhất, vùng DTTS vẫn là “lõi nghèo" của cả nước, điều kiện kinh tế còn khó khăn khiến bữa ăn hằng ngày cho trẻ không đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Đồng bào DTTS không có đủ kiến thức và điều kiện để bảo quản, lưu trữ thực phẩm đúng cách, lâu dài dẫn đến các loại thực phẩm như ngô, khoai, sắn dễ phát triển nấm mốc nhất là nhiễm vi nấm Aflatoxin. Việc sử dụng thực phẩm nhiễm Aflatoxin thường xuyên là một trong những nguyên nhân gây ra thấp còi ở trẻ em. Vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường chưa tốt cũng gián tiếp dẫn đến thấp còi.
Thứ hai, học vấn của cha mẹ vùng DTTS còn thấp, không có thông tin, kiến thức, thời gian chăm sóc con cái. Hầu như họ để cho các em lớn lên theo cách tự nhiên, có gì ăn nấy, không trú trọng bảo đảm dinh dưỡng phù hợp, dẫn đến trẻ không được cung cấp dinh dưỡng cần thiết, kịp thời cho từng giai đoạn phát triển.
Thứ ba, một vài nơi vẫn tồn tại các hủ tục lạc hậu, nhất là tình trạng tảo hôn khiến cho trẻ em sinh ra thể chất sinh bị bé còi hơn tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, tình trạng hôn nhân cận huyết, mặc dù ở nhiều trường hợp trẻ không mắc các bệnh bẩm sinh nhưng cũng là lý do khiến cho trẻ suy dinh dưỡng.
Thứ tư, phụ nữ DTTS đến khám thai tại các cơ sở y tế thấp hơn phụ nữ người Kinh. Vì thế, việc được tư vấn chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ từ trong bào thai còn có phần hạn chế. Mặt khác, đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS, dinh dưỡng cho trẻ em DTTS thiểu số còn thiếu.
Thứ năm, một số địa phương triển khai nội dung của các dự án liên quan đến dinh dưỡng trẻ em DTTS tiến độ còn chậm; kinh phí phân bổ cho chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em DTTS thấp; thậm chí tại một số cơ sở giáo dục tiểu học còn có tình trạng cắn xén khẩu phần ăn của học sinh DTTS gây bức xúc trong dư luận xã hội; việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho trẻ suy dinh dưỡng còn ở mức độ thấp; nguồn lực ngoài nhà nước tham gia còn ít; việc tham vấn chuyên gia dinh dưỡng nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em DTTS được quan tâm song chưa thực sự đi vào chiều sâu…
Quyết sách đúng đắn, kịp thời
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại vùng DTTS và miền núi là vấn đề cấp thiết. Trước tình hình đó, nhiều chính sách, chương trình hành động mang tính vĩ mô được ban hành nhằm nâng cao tầm vóc trẻ em vùng DTTS như: Quyết định số 1896/QĐ-TTg về Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam, trong đó có trẻ em DTTS; Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược); Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em" với mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 28% vào năm 2025 và dưới 23% vào năm 2030, chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS, chú trọng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực cho đồng bào DTTS…
Bên cạnh đó, sự chung tay, tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong việc nâng cao chất lượng bữa ăn, dinh dưỡng cho trẻ vùng cao, vùng DTTS. Nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện các cuộc thiện nguyện, với mong muốn mang đến những bữa cơm "có thịt" cho các em, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ DTTS…
Nhờ có chính sách kịp thời và sự chung tay của toàn xã hội, dinh dưỡng cho trẻ vùng cao, vùng DTTS đã cải thiện rõ rệt, cùng với đó nhận thức của người dân, trình độ của cán bộ cũng ngày một nâng cao
Trên cơ sở các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, gần 600 cán bộ tuyến huyện, gần 2.900 cán bộ tuyến xã làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, gần 8.500 cán bộ y tế thôn bản được tập huấn chuyên môn dinh dưỡng; hơn 300 mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời được triển khai tại các xã khu vực III được xây dựng; đã có hơn 79.000 phụ nữ mang thai được bổ sung viên sắt, gần 1.500 trẻ suy dinh từ 6 - 23 tháng dưỡng được nhận bổ sung gói đa vi chất…
Đến nay, tỷ lệ trẻ được uống vitamin A và tẩy giun đạt trên 90%, đã cung cấp đa vi chất cho 46.402 phụ nữ có thai và nuôi con bú tại 1.089 xã với tổng số trên 8,45 triệu viên, cấp phát gần 11,14 triệu viên vitamin A 200.000 UI và gần 1,48 triệu viên vitamin A 100.000 UI cho trẻ 6-59 tháng tuổi.
Nhiều địa phương đã quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em DTTS. Tiêu biểu, tỉnh Lạng Sơn với trên 80% dân số là người DTTS đã triển khai bổ sung dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em ở 100% huyện, thành phố. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã khai bổ sung đa vi chất cho gần 2.900 trẻ em; bổ sung vitamin A cho gần 42.000 trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi; trên 14.200 phụ nữ có thai được bổ sung viên đa vi chất; 12.300 phụ nữ mang thai được tiêm phòng uống ván; trên 14.600 bà mẹ mang thai được tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh; trên 7.550 trẻ được thực hiện sàng lọc sơ sinh, phát hiện gần 200 mẫu nguy cơ cao với các bệnh…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ ca sinh của phụ nữ DTTS được cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ đẻ đạt 99,5% (tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2022). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm dần qua từng năm: năm 2022 là 12,33%, 6 tháng đầu năm 2023 là 11,49% (giảm 0,85% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 16,82% (năm 2022), 6 tháng đầu năm giảm còn 15,93% (giảm 0,91% so với cùng kỳ năm 2022)…
Ngoài Lạng Sơn, Yên Bái cũng là tỉnh có nhiều nỗ lực trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em DTTS. Từ năm 2019 đến nay, đã có gần 92.000 lượt trẻ em vùng DTTS và miền núi tỉnh Yên Bái được hỗ trợ hơn 22 tỷ đồng. Qua đó, đã cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí…
Để trẻ vùng cao, vùng DTTS phát triển thể chất và sức khỏe, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương vùng DTTS và miền núi trong triển khai các chương trình, dự án quốc gia có liên quan đến vấn đề dinh dưỡng của trẻ em DTTS; làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em DTTS, vận động loại bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân, môi trường; đẩy nhanh tiến độ phân bổ nguồn kinh phí của Nhà nước; xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách, cắt xén hỗ trợ dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn cho trẻ em DTTS.
Hai là, gắn chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em DTTS với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đồng bào DTTS.
Ba là, phát triển mạng lưới y tế vùng DTTS theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hợp lý; đầu tư hoàn thiện mạng lưới sàng lọc trước sinh, sơ sinh, dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, trẻ em DTTS; xây dựng đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn giỏi…
Bốn là, duy trì có hiệu quả hoạt động tư vấn cộng đồng, vận động thanh niên DTTS thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ DTTS mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự tham gia, đóng góp, hỗ trợ nguồn lực, kinh phí của các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt trong việc sản xuất và cung ứng các vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ em.
Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em" với mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 28% vào năm 2025 và dưới 23% vào năm 2030, chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS, chú trọng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực cho đồng bào DTTS… |
ThS. Loan Hoàng Hải