|
Chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
|
Nỗ lực hoàn thiện chính sách an sinh xã hội
CSXH và quản lý phát triển xã hội vì mục tiêu phát triển con người là quan điểm xuyên suốt của Đảng qua các giai đoạn cách mạng. Phát triển từ quan điểm chú trọng phát triển xã hội đơn chiều đến quan điểm phát triển xã hội bền vững trên cả 3 nội dung cơ bản: (i) nâng cao năng lực vốn con người (thông qua tăng cường phúc lợi toàn dân); (ii) cải thiện môi trường hoạt động của con người (thông qua phát triển các chính sách lao động, việc làm, y tế, giáo dục, phát triển doanh nghiệp, hạ tầng cơ sở...); (iii) bảo đảm ASXH (thông qua các chính sách hỗ trợ người yếu thế tham gia thị trường lao động, tăng cường BHXH, trợ giúp xã hội và giảm nghèo).
Từ nhận thức đến hành động, các chính sách ASXH không ngừng được hoàn thiện. Chính sách BHXH được bổ sung, sửa đổi ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật BHXH năm 2014 bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH cho người lao động.
Ngày 23-5-2018, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khoá XII) ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đề ra mục tiêu mở rộng diện bao phủ, hướng tới BHXH toàn dân. Luật Việc làm năm 2013 mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện, từng bước mở rộng đối tượng để hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo bền vững. Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều để đo lường tình trạng nghèo của hộ gia đình một cách đầy đủ và tổng thể, bên cạnh yếu tố thu nhập, sự thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin truyền thông, việc làm. Cơ chế, chính sách giảm nghèo từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, tăng cường tự chủ, phân cấp mạnh cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong xây dựng và lập kế hoạch.
Xu hướng phát triển trợ giúp xã hội đã từng bước tiệm cận được với thế giới, đặc biệt là Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, Nghị định qui định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020.
Đến nay, chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi; từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng, tạo thành lưới ASXH rộng khắp, đan xen. Chính sách bảo đảm ASXH đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân vượt qua các khó khăn trong cuộc sống, gồm cả phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro kinh tế, xã hội, môi trường, các rủi ro thường xuyên và rủi ro đột xuất, khó lường trước.
Diện bao phủ BHXH ngày càng mở rộng, đạt 16,2 triệu người tham gia BHXH vào năm 2020, đạt 17,48 triệu người năm 2022. Đến năm 2022, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,4 triệu người, bằng 6 lần số lượng năm 2018.
Năm 2022, cả nước có 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng, được chi trả bằng nhiều hình thức, linh hoạt (tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân). Độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng: từ 8,27 triệu người năm 2012 lên 13,3 triệu người năm 2020 và gần 14,33 triệu người năm 2022. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng đều hàng năm, đạt 26,8% năm 2020, 31,1% năm 2022.
Các chính sách về giảm nghèo như các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, được quan tâm đặc biệt và đem lại hiệu quả thiết thực. Giai đoạn 2011-2015 đã có 71/311, đạt tỷ lệ 22,8% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; giai đoạn 2016-2020 đã có 125/292 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt tỷ lệ 42,8%.
Một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS đã được triển khai có kết quả tích cực giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn, hỗ trợ di dân, định canh định cư, bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ đồng bào DTTS, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.
Giai đoạn 2016-2020, áp dụng chuẩn nghèo theo tiếp cận đa chiều và nâng chuẩn nghèo thu nhập cao hơn so với giai đoạn trước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm, từ 9,88% đầu năm 2016 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, năm 2021 giảm còn 2,23%. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo nhất (64 huyện) giảm từ 58,33% năm 2010, xuống còn 23,42% cuối năm 2020.
Việt Nam luôn chú trọng bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản. Hoàn thành trước thời hạn phổ cập giáo dục từ cấp mầm non (trẻ 5 tuổi) đến THCS. Trẻ em đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015; cấp THCS đạt trên 95% năm 2020; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%. Về y tế tối thiểu: Năm 2022, cả nước có 91,1 triệu người tham gia BHYT, chiếm 92% dân số; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 96%-98%. Việt Nam không thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Đến hết năm 2020, đã hỗ trợ nhà ở cho 339.176 hộ gia đình có công với cách mạng, 648.000 hộ nghèo nông thôn, 17.200 nghìn hộ phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung.
Chính phủ đã tập trung nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Từ năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất. Đến năm 2020, có 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có đài truyền thanh xã.
Tiếp tục đổi mới theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững
Tuy Nhà nước đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội để thực thi chính sách đồng bộ, mạnh mẽ, rộng khắp, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và lãnh đạo, doanh nghiệp và người lao động giữ vai trò nòng cốt, góp phần tạo nên một xã hội phát triển hài hòa, đoàn kết, chia sẻ khó khăn, phát huy được truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc Việt Nam, nhưng thực tiễn bảo đảm ASXH vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức.
Thứ nhất, mức độ bao phủ của hệ thống ASXH chưa cao, đối tượng còn hẹp. Tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp do các giải pháp mở rộng đối tượng chưa thật sự hiệu quả. Quỹ BHXH chưa bền vững.
Thứ hai, hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Thứ ba, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn cao (có nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, tỷ trọng hộ nghèo DTTS chiếm trên 61,28% tổng số hộ nghèo trong cả nước).
Thứ tư, sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng (chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất và nhóm 20% dân số nghèo nhất năm 2014 là 9,7 lần tăng lên 10,2 lần vào năm 2018 và giảm xuống 8,07 lần vào năm 2020).
Thứ năm, quá trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện CSXH còn chậm; cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thứ sáu, nguồn lực thực hiện chính sách ASXH còn hạn hẹp, phụ thuộc rất lớn vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước; chưa tạo được cơ chế đầy đủ động viên, thu hút được nhiều sự tham gia của xã hội và khuyến khích người thụ hưởng chính sách tự vươn lên.
Bước vào thời kỳ mới, hệ thống chính sách ASXH sẽ đối mặt với những thách thức lớn như: quá trình phát triển, toàn cầu hóa, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hóa, di dân tự do làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, nhất là vấn đề nhà ở, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng, tình trạng thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo, rủi ro và xung đột xã hội; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo làm thay đổi phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất và tiêu dùng, thay đổi thế giới việc làm; vấn đề già hoá dân số nhanh, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, tỷ trọng việc làm trong khu vực phi chính thức cao đang đòi hỏi chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực toàn diện; biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh phi truyền thống đang tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, gia tăng rủi ro.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng CSXH và quản lý phát triển xã hội theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững, “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân”, vì thế cần thống nhất tư duy và hành động coi chính sách ASXH là chính sách cho con người, vì con người, có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng, Nhà nước. Bảo đảm ngày một tốt hơn quyền con người, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương.
Một trong những tôn chỉ hành động là chúng ta không hi sinh tiến bộ và công bằng xã hội, ASXH để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm ASXH, phúc lợi xã hội cho Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân tham gia và thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới; phát triển đất nước. Đồng thời, quá trình xây dựng và thực hiện chính ASXH và CSXH phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Nhà nước đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách ASXH là đầu tư cho phát triển. Cần huy động và phân bổ nguồn lực phù hợp với khả năng nền kinh tế và yêu cầu hiện thực hóa mục tiêu chính sách ASXH. Xây dựng và hoàn thiện CSXH toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển; hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng linh hoạt và hiệu quả trước các rủi ro trong cuộc sống.
CSXH phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hằng năm, đạt 3,042 triệu người (bao phủ hơn 3% dân số) năm 2020; đạt 3,3 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) năm 2022, trong đó trên 55% là người cao tuổi; chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời. |
TS. Bùi Sỹ Tuấn - ThS. Đỗ Thị Kim Huế
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội