|
Ảnh minh hoạ.
|
1. Nguyên tắc không phân biệt đối xử là một nguyên tắc căn bản, được thể hiện trong tất cả các công ước quốc tế về QCN.
Không phân biệt đối xử là nguyên tắc nền tảng trong lĩnh vực QCN và được qui định trong nhiều văn kiện pháp lý quốc gia và quốc tế cũng như trong các khuôn khổ đạo đức. Nguyên tắc này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối xử bình đẳng với mọi cá nhân, không có sự phân biệt hay thiên vị, bất công trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
Cũng như vậy, UDHR tuyên bố phẩm giá vốn có cũng như các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất các thành viên trong gia đình nhân loại. Hiến chương của Liên hiệp quốc - văn kiện đầu tiên của Luật quốc tế hiện đại có 4 lần nhắc đến nguyên tắc không phân biệt đối xử ở các khoản 3 Điều 11; khoản 1 Điều 132; khoản c Điều 553 và khoản c Điều 764. Tuy nhiên, trong danh sách các nền tảng bị cấm của phân biệt đối xử trong Hiến chương chỉ có sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ và tôn giáo.
Hầu hết các văn kiện quốc tế về QCN đều có điều khoản bảo vệ đặc biệt với các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người thiểu số... Các điều khoản đặc biệt này sẽ giúp chúng ta hiểu ra về nội dung và ý nghĩa của nguyên tắc không phân biệt đối xử. Điều 25 của UDHR nói về quyền được hưởng an sinh xã hội. Đó là quyền của mọi người được bảo vệ trong các trường hợp thất nghiệp, ốm đau, khuyết tật, goá bụa, tuổi già, bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Trong khi đó, điều 24 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) công nhận quyền được bảo vệ đặc biệt của trẻ em. Điều 10 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (ICESCR) ghi nhận các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện không chỉ các biện pháp đặc biệt để bảo vệ trẻ em và các bà mẹ trước, trong và sau khi sinh con mà còn chống lại lao động trẻ em và sự bóc lột về kinh tế và xã hội.
Ngược lại, Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) và Công ước của LHQ về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) cho phép các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp đặc biệt nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm cho sự phát triển đầy đủ cho các nhóm chủng tộc, sắc tộc nhất định. Sự bảo vệ đó là nhằm để cho các nhóm này được thụ hưởng hoặc thực hiện các quyền mà khi bị phân biệt đối xử thì họ sẽ khó thực hiện được.
Tuy nhiên, các biện pháp này không được dẫn đến hệ quả là tạo ra các quyền riêng biệt cho các nhóm chủng tộc này, khi đó lại bị coi là tạo ra các phân biệt đối xử với các nhóm người khác. Chẳng hạn, Điều 3, 4 và 11 của CEDAW đưa ra một số lượng hạn chế các biện pháp phân biệt đối xử tích cực dành cho phụ nữ. Điều 4 qui định các biện pháp đặc biệt với khoản 1 ghi nhận rằng, các quốc gia thành viên có thể tạm thời áp dụng trên thực tế các biện pháp đặc biệt để duy trì sự bình đẳng giữa nam và nữ và các biện pháp này không bị xem là phân biệt đối xử. Nhưng sẽ là phân biệt đối xử nếu các biện pháp này tạo ra các chuẩn mực riêng biệt hoặc bất bình đẳng và nó sẽ phải bị xoá bỏ khi mục tiêu đã đạt được.
Các công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp tích cực để ngăn chặn, cấm đoán và khắc phục hậu quả của phân biệt đối xử dưới mọi hình thức; bảo đảm rằng mọi người đều được hưởng các QCN của mình mà không bị thành kiến hay phải chịu đựng những bất công.
Không phân biệt đối xử cũng là một nguyên tắc làm việc của các báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ. Sự ra đời của các báo cáo viên đặc biệt của LHQ từ năm 1952 đã góp phần rất lớn vào việc bổ sung các nội dung vào nguyên tắc phân biệt đối xử và bình đẳng. Mục đích của luật chống phân biệt đối xử là cho phép tất cả các cá nhân có cơ hội bình đẳng và công bằng trong việc tiếp cận các cơ hội sẵn có trong xã hội. Điều này có nghĩa là các cá nhân/ các nhóm ở trong tình huống tương tự sẽ không bị đối xử kém thuận lợi hơn cá nhân/ nhóm khác chỉ vì một đặc điểm cụ thể như giới tính, nguồn gốc, chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, khuyết tật, tuổi tác, khuynh hướng tính dục...
Những nhận định kể trên của các báo cáo viên đặc biệt về QCN của LHQ đã bổ sung thêm rất nhiều khía cạnh cho việc hiểu về nguyên tắc không phân biệt đối xử. Đây cũng là những hướng dẫn cần được các quốc gia tham khảo trong quá trình xây dựng qui định cũng như thi hành pháp luật về chống phân biệt đối xử.
2. Nguyên tắc không phân biệt đối xử là nguyên tắc quan trọng trong pháp luật nhân quyền của nhiều quốc gia trên thế giới
Nguyên tắc không phân biệt đối xử thường được thể hiện trong Hiến pháp và pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, mặc dù cách thức qui định và thực hành có nhiều khác biệt.
Ví dụ, Mỹ ghi nhận về quyền không bị phân biệt đối xử trong nhiều phần của Hiến pháp và đạo luật về Dân quyền (Civil Rights Act), ra đời năm 1964, với qui định cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính, màu da, tôn giáo hoặc quốc tịch trong nhiều lĩnh vực như việc làm và dịch vụ công cộng.
Nguyên tắc không phân biệt đối xử cũng là một nguyên tắc quan trọng trong Hiến pháp và pháp luật của Cộng hoà Pháp. Hiến pháp Pháp ghi nhận nguyên tắc không phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tôn giáo hoặc nguồn gốc dân tộc; mọi người có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử.
Ngoài ra, Pháp còn thông qua một số đạo luật liên quan đến nguyên tắc không phân biệt đối xử như: Luật về nhập cảnh và lưu trú của người nước ngoài và quyền tị nạn (Code de l'entrée et du séjour des étrangers et du droit d'asile)…
Nhiều quốc gia cũng đã có một luật riêng về chống phân biệt đối xử, hoặc là đã đưa các qui định về chống phân biệt đối xử vào các qui định pháp luật dân sự, hình sự, lao động, hôn nhân gia đình... Các quốc gia trên thế giới cũng đã xây dựng các cơ quan chuyên trách về chống phân biệt đối xử, đó có thể là các Uỷ ban chuyên trách hay cũng có thể là các cơ quan nhân quyền quốc gia đảm nhận việc chống phân biệt đối xử như Uỷ ban về Bình đẳng và Chống phân biệt đối xử về sắc tộc của Bồ Đào Nha, Uỷ ban Bảo vệ và chống phân biệt đối xử của Bulgaria, Uỷ ban về Chống phân biệt đối xử và bình đẳng cơ hội của Đức hoặc nhiều Thanh tra quốc hội (Ombudsman) ở các nước như Na Uy, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Thái Lan đảm nhận vai trò về chống phân biệt đối xử nói chung hoặc chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật...
Như vậy, vượt qua khuôn khổ của một nguyên tắc trong một Tuyên ngôn ở tầm quốc tế, không phân biệt đối xử đã được thể hiện và bảo vệ ở nhiều quốc gia nhằm đảm bảo QCN và xây dựng các nền tảng đạo đức trong một xã hội bình đẳng và văn minh hơn.
3. 75 năm đã trôi qua kể từ ngày UDHR được thông qua, cũng là 75 năm nguyên tắc không phân biệt đối xử trong nhân quyền được khẳng định, được đề cao và được pháp điển hoá ở khắp nơi trên thế giới. Vì là một phần quan trọng của UDHR nên nguyên tắc không phân biệt đối xử cũng đã được xem như là một phần của luật tập quán quốc tế. Không phân biệt đối xử giờ đây đã trở thành một chuẩn mực nhân quyền phổ quát, vượt qua mọi rào cản và mọi ranh giới.
Có thể thấy, không phân biệt đối xử góp phần phát triển kinh tế và xã hội bằng cách bảo đảm rằng mọi thành viên trong xã hội đều có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, được giáo dục, được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, được tham gia vào hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội mà không bị phân biệt đối xử. Nhờ thế mà tăng năng suất lao động và xã hội phát triển thịnh vượng và văn minh hơn. Hơn nữa, trong các xã hội mà việc chống phân biệt đối xử được thực hiện tốt thì xã hội sẽ hoà bình và ổn định hơn.
Nguyên tắc không phân biệt đối xử đóng giá trị tinh thần, đạo đức và pháp lý đặc biệt quan trọng trong đời sống pháp lý quốc tế về nhân quyền. Nguyên tắc này không chỉ được cụ thể hoá, xuyên suốt trong các Công ước quốc tế về QCN mà còn được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật của phần lớn các quốc gia trên thế giới. Mặc dù đã được thừa nhận ở khắp mọi nơi và có giá trị đặc biệt quan trọng như vậy nhưng trên thực tế, có thể thấy, việc đảm bảo giá trị của nguyên tắc này còn là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết.
Không thể chối cãi, các công cụ pháp lý chính là các công cụ hữu hiệu nhất trong việc bảo vệ mọi cá nhân/nhóm chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử nhưng đây cũng không phải là các công cụ toàn năng mà vẫn cần được dần hoàn thiện. Việc liệt kê các căn cứ phân biệt đối xử trong các Công ước quốc tế về QCN hoặc trong pháp luật nhiều nước trên thế giới đã không còn phù hợp và thiếu nhiều yếu tố mới trong thời đại ngày nay. Việc xoá bỏ các rào cản đối với các nhóm người dễ bị tổn thương cần các công cụ toàn diện, bao trùm lên nhiều lĩnh vực từ dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Ngoài ra, phân biệt đối xử luôn gắn với các định kiến, vì thế, muốn ngăn ngừa phân biệt đối xử là phải ngăn ngừa các định kiến và coi việc duy trì các định kiến này trong xã hội như là những hành vi có hại. Điều này không còn là đòi hỏi về mặt pháp luật nữa mà nó là vấn đề của nhận thức và cần có các hoạt động tuyên truyền để thay đổi nhận thức của xã hội.
Ở Việt Nam, mặc dù nguyên tắc không phân biệt đối xử đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật nhưng nhu cầu về việc phải xây dựng một luật về chống phân biệt đối xử vẫn luôn hiện hữu. Việc xây dựng một luật về chống phân biệt đối xử sẽ giúp hệ thống hoá và cụ thể hoá các qui định hiện còn rải rác và thiếu sức mạnh về thực thi nằm trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
TS. Nguyễn Linh Giang