Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Đối ngoại, Bộ Công an đã chủ trì tổ chức Hội thảo thiết lập hệ thống đầu mối quốc gia triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP).
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an và Ngài Manuel B. Felix, Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Hòa bình và Trật tự, Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương Phi-li-pin đồng chủ trì Hội thảo. Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn năm 2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 8-3-2017. Sáng kiến thiết lập một hệ thống đầu mối các đại diện ACTIP quốc gia - một cơ chế để giám sát việc triển khai Công ước ACTIP đã được đưa ra bởi Phi-li-pin, trên cơ sở đó, tạo cơ hội để các cơ quan cấp quốc gia cùng tham gia ý kiến và để phổ biến rộng rãi Kế hoạch hành động Bohol về chống mua bán người giai đoạn 2017-2020.
Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an khẳng định: “Trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng trong khu vực và trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng gia tăng về số vụ và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến quyền con người mà còn gây hậu quả đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc và phối hợp liên ngành, liên quốc gia của nhiều cơ quan chức năng để tăng cường tối đa hiệu quả trong công tác giải quyết và đối phó với nạn mua bán người”. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn đánh giá cao mục đích của Hội thảo và tin tưởng rằng “Vị trí và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục thực thi có hiệu quả các nội dung của Công ước ACTIP trong giai đoạn tới”.
PV