Hơn 70 năm qua, kể từ khi Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, nhân loại đã đạt được nhiều tiến bộ trên con đường đấu tranh bảo vệ quyền con người, chống lại sự bất công, sợ hãi, đói nghèo cùng cực và coi thường tính mạng con người. Cuộc đấu tranh ấy sẽ không thể có được kết quả như ngày hôm nay nếu không có sự chung tay, góp sức của cộng đồng nhân loại tiến bộ thông qua các cơ chế của LHQ.
Chúng ta đang ở trong thời khắc của những ngày sắp kết thúc năm 2019, kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới (10-12), cùng điểm lại một số thành tựu nổi bật về hợp tác quốc tế trên bình diện toàn cầu vì quyền con người, trong đó không thể không kể đến những dấu ấn của việc xây dựng nền móng pháp lý quốc tế về quyền con người và các thiết chế của LHQ nhằm theo dõi, giám sát, thúc đẩy các vấn đề về quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Ngay sau khi được thành lập, LHQ đã bắt tay ngay vào dự thảo Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Đây là bước phát triển cụ thể của Hiến chương LHQ về quyền con người, được đánh giá là một trong những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong ba hoạt động trụ cột của LHQ gồm hòa bình - an ninh, phát triển và quyền con người. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã đưa ra được những chuẩn mực chung cho tất cả các quốc gia, dân tộc về các quyền và tự do cơ bản của con người, trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại; đặt nền tảng cho việc xây dựng một hệ thống các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về quyền con người cũng như quyền tự quyết của mỗi quốc gia, dân tộc; kêu gọi cộng đồng nhân loại cùng đoàn kết, có trách nhiệm bảo vệ hòa bình và ngăn ngừa thảm hoạ chiến tranh vì các thế hệ tương lai. Có thể nói, Hiến chương LHQ và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người là những sản phẩm đầu tiên của sự hợp tác quốc tế giữa các nước thành viên LHQ, là hai văn kiện quốc tế quan trọng đề cập đến quyền con người, làm cơ sở cho việc pháp điển hoá quyền con người trong một loạt công ước quốc tế, ghi nhận hầu hết các quyền và tự do cơ bản của con người, đồng thời cho phép LHQ thiết lập các cơ chế giám sát các quốc gia thành viên trong việc thực thi công ước.
Sự ra đời của Bộ luật Nhân quyền quốc tế mang tính chuẩn mực và có sự ràng buộc pháp lý mạnh mẽ đối với cộng đồng quốc tế đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế, ngăn chặn các cuộc chiến tranh có nguy cơ lan rộng và khó lường; phẩm giá và các quyền cơ bản của con người ngày càng được bảo đảm, thúc đẩy trên phạm vi toàn cầu. Việc thay thế Ủy ban Nhân quyền thành Hội đồng Nhân quyền, thiết lập cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là một bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế của LHQ vì quyền con người.
Cứ 4 năm một lần, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Nhân quyền, 193 quốc gia thành viên LHQ lần lượt thực hiện việc rà soát định kỳ tình hình bảo đảm quyền con người của nước mình. Lần đầu tiên, một cơ chế nhân quyền quốc tế được thành lập có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề quyền con người ở tất cả các quốc gia và tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người. Cơ chế UPR được tiến hành theo nguyên tắc “khách quan, minh bạch, công bằng, có tính xây dựng, không đối đầu và phi chính trị hóa”, có tính đến hoàn cảnh xã hội, chính trị và kinh tế của mỗi quốc gia, điều mà trước đây Uỷ ban Nhân quyền chưa bao giờ làm được vì đã bị một số nước lớn thao túng, chính trị hoá bởi mưu đồ riêng.
20 năm sau ngày ra đời Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10-12-1948 – 10-12-1968), LHQ đã chính thức lấy ngày này làm Ngày Nhân quyền thế giới, đồng thời tổ chức hai Hội nghị Nhân quyền thế giới, thông qua Tuyên bố và chương trình hành động về quyền con người (Teheran 1968 và Vienna 1993), thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của cả cộng đồng quốc tế, “khẳng định sự tin tưởng vào các quyền con người cơ bản, vào nhân phẩm và giá trị của con người và quyền bình đẳng nam nữ cũng như giữa các dân tộc lớn và nhỏ”, “cứu các thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh, thiết lập những điều kiện để có thể duy trì công lý và sự tôn trọng các nghĩa vụ đặt ra trong các điều ước và các văn kiện luật pháp quốc tế khác; thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao tiêu chuẩn sống trong điều kiện tự do hơn, có thái độ khoan dung và quan hệ láng giềng tốt và sử dụng cơ chế quốc tế để thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế và xã hội của tất cả các dân tộc”.
Với Việt Nam, nhận thức rất sớm về tầm quan trọng của tổ chức LHQ nên ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập LHQ. Mãi đến năm 1977, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên của tổ chức này. Trong chặng đường 42 năm qua, Việt Nam đã vươn lên từ một quốc gia nhận sự hỗ trợ là chính, trở thành quốc gia có tiếng nói ngày càng quan trọng tại diễn đàn toàn cầu này. Với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong tất cả các hoạt động của LHQ nói chung và lĩnh vực quyền con người nói riêng, Việt Nam rất coi trọng, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người mà trước hết là nhanh chóng gia nhập và nội luật hoá các công ước quốc tế về quyền con người; tham gia các cơ chế nhân quyền của LHQ, có nhiều đóng góp, sáng kiến được ghi nhận tại Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng Chấp hành UNESCO… Việt Nam ủng hộ đối thoại và hợp tác, thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện, chống xu hướng “chính trị hoá”, “tiêu chuẩn kép”, tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ rà soát định kỳ phổ quát theo cơ chế UPR và báo cáo kết quả thực thi các công ước mà Việt Nam là thành viên, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Ngày nay, cộng đồng nhân loại đang sống trong một không gian của thế giới toàn cầu hoá mạnh mẽ, một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, vừa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức. Cuộc đấu tranh vì quyền con người hơn lúc nào hết cần có sự chung tay góp sức, đồng lòng của cả cộng đồng quốc tế cùng với sự nỗ lực của mỗi quốc gia trong ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia đang hằng ngày, hằng giờ đe doạ hòa bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mọi quốc gia, ngăn cản việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Toàn cầu hóa đem lại thịnh vượng song cũng làm gia tăng các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia hiện đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lan rộng ở quy mô toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ. Bối cảnh này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các nước trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, như ma tuý, rửa tiền, tham nhũng, buôn bán người, di cư bất hợp pháp, nô lệ hiện đại, tội phạm công nghệ cao, biến đổi khí hậu, môi trường… Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được vấn nạn này. Trường hợp thảm kịch 39 người Việt bị chết trong công-ten-nơ ở hạt Essex, Vương quốc Anh đã gióng thêm hồi chuông cảnh tỉnh rằng các chính phủ phải phối hợp hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn và chấm dứt những thảm hoạ tương tự trong tương lai.
Một “Ngôi làng toàn cầu” đang dần hình thành với sự hỗ trợ của viễn thông và in-tơ-net; thế giới ngày nay thực sự đang đứng trước những thách thức to lớn, trong đó, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong một môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững, các giá trị nhân văn được tôn trọng và bảo vệ. Sự thật là, trong thế giới ngày càng đan xen và kết nối như hiện nay, đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau là nhân tố thiết yếu để giải quyết những thách thức toàn cầu, thúc đẩy các nước nghèo phát triển và bảo đảm thực thi hiệu quả các mục tiêu về quyền con người, hướng tới an ninh, hoà bình và phát triển bền vững cho nhân loại.
PV