Bảo đảm quyền an sinh xã hội đối với người lao động

TS. Lê Xuân Tùng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trao

Trao "Túi An sinh công đoàn" cho người lao động. Ảnh minh họa (Nguồn: Hanoimoi.com.vn).

Quyền an sinh xã hội

Dưới lăng kính quyền con người, quyền được hưởng an sinh xã hội (hay còn gọi là quyền an sinh xã hội) là một quyền con người cơ bản, được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế cũng như trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 khẳng định, mọi người đều có quyền hưởng an sinh xã hội, quyền hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình trên các phương diện ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, ốm đau, khuyết tật, già hóa hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ. Như vậy, quyền an sinh xã hội có tính phổ quát, dành cho tất cả mọi người trên thế giới, đồng thời gắn liền với trách nhiệm của các chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền, mà trước hết và chủ yếu là Nhà nước.

Xét về bản chất, quyền an sinh xã hội thuộc về nhóm quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, như được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) năm 1966. Quyền an sinh xã hội có vai trò trọng tâm trong việc bảo đảm nhân phẩm cho tất cả mọi người khi phải đối mặt với những hoàn cảnh mà không có năng lực tự mình bảo đảm đầy đủ các quyền con người cơ bản. Nội hàm của quyền an sinh xã hội gắn liền với quyền tiếp cận và duy trì những trợ cấp, bằng tiền mặt hoặc bằng hiện vật, mà không có sự phân biệt đối xử để bảo vệ con người trong các hoàn cảnh khó khăn trên các phương diện khác nhau của đời sống.

Trong lĩnh vực lao động - việc làm, quyền an sinh xã hội là một quyền gắn bó thân thiết và đặc biệt có ý nghĩa đối với người lao động. Thực tế cho thấy, người lao động, dù trong khu vực công hay tư, đều có nguy cơ đối mặt với những rủi ro không thể lường trước trong cuộc sống như ốm đau, tai nạn lao động, mất việc làm,… Trong đó, mất việc làm có thể được xem như một trong những rủi ro lớn nhất bởi lẽ khi đó, người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả những người phụ thuộc (như trẻ em, người già không còn sức lao động), không còn hoặc khó có khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, lương thực, thực phẩm, giáo dục... Hơn nữa, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, họ còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Vì lẽ đó, bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động nói chung, nhất là người lao động bị mất việc làm, có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm cho họ được hưởng thụ công bằng và đầy đủ các trợ cấp xã hội khi gặp rủi ro, mang đến cho họ cơ hội bình đẳng để hiện thực hóa các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Hơn nữa, điều này còn thể hiện sâu sắc chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Một số vấn đề đặt ra về quyền an sinh xã hội

Năm 2022, tình hình quốc tế biến động trong bối cảnh hậu COVID-19 đã ảnh hưởng tới phần lớn các quốc gia trên thế giới trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trên các phương diện như sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, chăm sóc y tế, lao động - việc làm… Thực tế này cũng tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó đáng kể là sự sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn và truyền thống giảm mạnh, cùng những gia tăng về chi phí nguyên liệu, nhiên liệu…, gây ra nhiều khó khăn và thách thức cho cả doanh nghiệp và người lao động. Tình trạng các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động có chiều hướng tăng trong các tháng cuối năm, dẫn đến hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm hoặc phải giảm giờ làm (kể cả tạm thời hay chính thức mất việc). Trong tình huống đột ngột rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp do những khó khăn từ phía doanh nghiệp (khác với trường hợp ốm đau, tai nạn lao động…), người lao động rõ ràng buộc phải từ bỏ những kế hoạch đã định và cũng khó có thể ngay lập tức đối phó được với những rủi ro kéo theo khi mất đi công việc và nguồn thu nhập chính.

Trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp đang giảm quy mô sản xuất, khả năng tìm kiếm việc làm mới của những người lao động vừa mất việc là rất thấp. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây do Viện Nghiên cứu đời sống xã hội thực hiện, 60% người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, có nghĩa là dễ dàng được tuyển dụng nhưng cũng dễ dàng bị sa thải, bị mất việc làm khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này cho thấy mức độ bấp bênh về cơ hội việc làm của người lao động là rất lớn, trong khi mức độ sẵn sàng đối phó với những rủi ro khó lường của họ lại không cao. Đặc biệt, đối với những lao động là người lớn tuổi (trên dưới 40 tuổi, thường được xem là lực lượng lao động “hết tuổi nghề, nhưng chưa hết tuổi hưu”), rủi ro bị thay thế bởi lực lượng lao động trẻ hơn là rất lớn, trong khi đó họ cũng không có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm mới khi thất nghiệp do áp lực cạnh tranh cao và nhu cầu sử dụng đối tượng lao động này của doanh nghiệp lại thấp.

Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn hoặc các tỉnh có nhiều khu công nghiệp tập trung, lực lượng lao động ngoại tỉnh chiếm đa số và phải đối mặt với những khó khăn đặc thù khi bị mất việc làm. Một bộ phận người lao động bị mất việc làm sẽ khó có cơ hội tìm việc làm mới nếu trở về địa phương và do đó, họ cố gắng “bám trụ” lại thành phố với hi vọng dễ tìm việc hơn hoặc chờ doanh nghiệp khôi phục quy mô sản xuất, kinh doanh để có cơ hội trở lại làm việc như trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thất nghiệp và không còn nguồn thu nhập ổn định, việc “trụ” lại thành phố khiến người lao động bị mất việc làm phải đứng trước nhiều rủi ro khác như không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà, dịch vụ chăm sóc y tế, chi trả học phí cho con cái, thanh toán chi phí cho các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, xăng xe… Nếu không thể tìm được việc làm mới thì họ không còn cách nào khác ngoài việc trở về địa phương và có thể phải tiếp tục đối mặt với rủi ro thất nghiệp lâu dài ngay tại quê hương mình.

Ngoài ra, một thách thức thực tế không thể không đề cập tới chính là những phản ứng tức thời của người lao động khi đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hằng tháng. Trong những trường hợp đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, nếu họ không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, nếu trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày, người lao động dễ có những phản ứng tiêu cực như ngừng việc, đình công… Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tính đến cuối tháng 11-2022, đã có 144 cuộc ngừng việc tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trên cả nước, tăng hơn so với các năm trước. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế quốc gia.

Những thách thức nói trên đặt ra yêu cầu cần phải có những biện pháp, giải pháp kịp thời nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt của người lao động bị mất việc làm, bảo đảm quyền an sinh xã hội cho họ và đề ra những giải pháp dài hạn cho tương lai.

Bảo đảm quyền an sinh xã hội cho lao động mất việc làm

Một là, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng bảo đảm tính bền vững và công bằng của chính sách, chú trọng phúc lợi xã hội, an ninh xã hội và an ninh con người. Các chính sách xã hội cần được thiết kế theo hướng xử lý kịp thời và hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn xã hội, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhất là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó có người lao động bị mất việc làm. Đây là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng an sinh xã hội, cung cấp “bệ đỡ” an toàn cho người dân nói chung và người lao động nói riêng khi đối mặt với khủng hoảng, rủi ro khó lường trong cuộc sống, hướng tới mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội.

Hai là, Nhà nước với tư cách là chủ thể có nghĩa vụ chính trong việc bảo đảm quyền an sinh xã hội cần có những kế hoạch dài hạn kết hợp với những phương án kịp thời để giải quyết vấn đề làm cho người lao động bị mất việc. Đó có thể là điều phối và cân đối lực lượng lao động giữa các ngành sản xuất, tạo việc làm mới thông qua hoạt động triển khai các dự án đầu tư công tại các ngành, địa phương, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm được thụ hưởng an sinh xã hội một cách đầy đủ và hiệu quả.

Ba là, nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột. Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế… tránh nguy cơ vỡ các quỹ truyền thống này, qua đó góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta.

Bốn là, tiếp tục thực hiện các gói cứu trợ người lao động bị mất việc làm như đã triển khai trong đại dịch COVID-19. Tuy đây là những giải pháp tình thế, nhưng lại có ý nghĩa rất thiết thực, giúp người lao động bị mất việc làm vượt qua khó khăn tạm thời, ổn định cuộc sống để sẵn sàng chuẩn bị cho những cơ hội trong tương lai.

Năm là, vận dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định và thực thi các chính sách xã hội nhằm bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động nói chung và người lao động bị mất việc làm nói riêng. Trong đó, cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm của chính sách và lấy quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.

Bảo đảm quyền an sinh xã hội của người lao động nói chung và người lao động bị mất việc làm nói riêng cũng chính là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của giai cấp công nhân nước ta. Do vậy, cần có sự kết hợp và vận dụng linh hoạt các giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài với những biện pháp, phương án trước mắt, kịp thời để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người lao động, qua đó góp phần thực hiện an sinh xã hội hiệu quả, vì mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất