Nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang đã trả lời phỏng vấn về ý nghĩa chuyến công du cũng như những đóng góp của Việt Nam đối với tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.
|
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang. Ảnh: TTXVN
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ lần đầu tiên tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc, xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa của chuyến công tác này?
Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 79 diễn ra trong bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt khi LHQ và Việt Nam cùng hướng tới 80 năm ngày thành lập LHQ, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh và 80 năm ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hướng tới một tương lai và đường lối phát triển mới cho LHQ và thế giới.
Trong bối cảnh đó, LHQ sẽ tiến hành tổ chức một chuỗi sự kiện trong Tuần lễ Cấp cao của ĐHĐ LHQ khóa 79 mà tâm điểm là Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (từ ngày 22 và 23-9) với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn” và Phiên thảo luận chung của ĐHĐ LHQ (từ ngày 24 đến 28-9) với chủ đề bao trùm là “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện nay và mai sau” nhằm kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và củng cố chủ nghĩa đa phương, trong đó LHQ có vị trí trung tâm nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung, đặc biệt là các Mục tiêu phát triển bền vững. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai có ý nghĩa lịch sử với chương trình nghị sự tham vọng đề cập đến tất cả các lĩnh vực hợp tác tại LHQ và có quá trình chuẩn bị kéo dài gần hai năm qua.
Đây là dịp để lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia trao đổi và đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu, đề ra tầm nhìn chiến lược cho LHQ, định hướng phát triển tương lai vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn cho nhân loại. Các thảo luận và quyết định trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 79 có tác động lâu dài và sâu rộng đối với quan hệ quốc tế, hợp tác toàn cầu và thúc đẩy các mục tiêu chung.
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao của ĐHĐ LHQ với thông điệp lớn là “Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân”. Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 79 sẽ quy tụ số lượng lớn các nhà lãnh đạo quốc tế, để cùng nhau thảo luận, hoạch định đường hướng phát triển của thế giới trong tương lai.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự sự kiện này có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng ta tham dự trực tiếp ĐHĐ LHQ và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu LHQ, qua đó tái khẳng định mạnh mẽ ở cấp cao nhất đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, chia sẻ tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam về vai trò của LHQ và các vấn đề lớn của thế giới, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với hợp tác đa phương, các chương trình nghị sự lớn của LHQ và quan hệ toàn diện với LHQ.
Việt Nam ngày càng có tiếng nói quan trọng tại LHQ, ngày càng chủ động tham gia vào công việc chung của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Theo Đại sứ, đâu là những đóng góp ý nghĩa của Việt Nam cho LHQ trong thời gian qua?
Nhìn lại chặng đường gần nửa thế kỷ qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ đã có những bước phát triển vượt bậc, trên nhiều phương diện và ở nhiều cấp độ. LHQ là người bạn tin cậy, gắn bó với Việt Nam ngay từ những ngày đầu tái thiết đất nước sau chiến tranh và trong công cuộc đổi mới sau này. Việt Nam không ngừng khẳng định vai trò chủ động và đóng góp tích cực vào các hoạt động của LHQ, chia sẻ sâu sắc các giá trị cốt lõi của tổ chức này.
Từ một nước nhận viện trợ của LHQ, Việt Nam chuyển mình, từng bước trở thành đối tác tin cậy, hiệu quả của LHQ, là nước đóng góp lớn thứ 49 cho ngân sách LHQ, tham gia ngày càng sâu rộng, đóng góp có ý nghĩa tại cả ba trụ cột chính: hoà bình-an ninh, hợp tác phát triển và quyền con người.
Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận đa phương để giải quyết các thách thức toàn cầu, khẳng định vai trò then chốt của LHQ; đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Việt Nam đã đóng góp tiếng nói mạnh mẽ của mình phản đối các hành động áp bức, xâm lược, chính trị cường quyền và cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế. Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải trừ quân bị, nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ của mình và thúc đẩy việc thực hiện các điều ước này, trong đó có Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), và là nước thứ 10 trên thế giới phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).
Kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, cử hơn 800 lượt sĩ quan quân đội và công an thực hiện nhiệm vụ tại những khu vực xa xôi như Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, Abyei và tại trụ sở LHQ, đã hỗ trợ thiết thực và gắn bó với người dân địa phương, thực sự trở thành những “sứ giả của hòa bình” ở mỗi địa bàn đóng quân, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của lực lượng vũ trang Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Việt Nam đã hai lần được đông đảo thành viên LHQ tín nhiệm bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ vào các năm 2008 - 2009, 2020 - 2021 và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Việt Nam đã thúc đẩy các sáng kiến về tuân thủ và đề cao Hiến chương LHQ, tăng cường hợp tác giữa LHQ và ASEAN và gắn kết vai trò của ASEAN trong các hoạt động của HĐBA, nhấn mạnh yêu cầu giải quyết hệ quả bom mìn sau chiến tranh. Đặc biệt, trên tinh thần nhân ái, hướng tới người dân, Việt Nam đã chủ trì xây dựng và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573 - nghị quyết riêng đầu tiên của HĐBA về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu (như bệnh viện, trường học, hạ tầng điện, nước) đối với người dân trong xung đột, được tất cả 15 nước thành viên HĐBA và đông đảo thành viên LHQ đồng bảo trợ.
Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào công việc chung của LHQ vì hòa bình và an ninh quốc tế, luôn kiên trì thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng và đối đầu, tìm kiếm các giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Việt Nam luôn đóng góp tích cực để thúc đẩy trật tự kinh tế - thương mại quốc tế công bằng, bình đẳng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nước đang phát triển. Mặc dù còn hạn chế về nguồn lực, Việt Nam là một điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm.
Trong giai đoạn 2000 - 2015, Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt đã hoàn thành trước hạn mục tiêu xóa đói nghèo cùng cực và đạt kết quả tốt trong các mục tiêu về giáo dục và tiếp cận của người dân với nước và vệ sinh. Kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của LHQ thông qua Kế hoạch hành động quốc gia lồng ghép các SDG vào chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đạt tiến bộ vượt bậc trong các mục tiêu giảm nghèo, bảo hiểm y tế toàn dân, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng thư ký, gần đây Việt Nam đã ban hành Cam kết quốc gia của Việt Nam về chuyển đổi SDG ưu tiên một số lĩnh vực quan trọng, trong đó chú trọng an sinh xã hội, việc làm bền vững, phát triển hệ thống y tế, phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng con người toàn diện, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và cam kết vững chắc của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu này.
Mặc dù nguồn lực và trình độ phát triển khoa học công nghệ còn khiêm tốn, Việt Nam đã nỗ lực hết mình ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; đẩy mạnh kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Việt Nam thuộc nhóm nòng cốt thúc đẩy Nghị quyết của ĐHĐ LHQ lấy ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về trách nhiệm của các nước đối với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có sáng kiến đề xuất ngày 27-12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh để nâng cao nhận thức, mức độ sẵn sàng ứng phó với bệnh dịch, được đông đảo các nước thành viên hoan nghênh và đồng bảo trợ.
Những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận và ủng hộ, nhất trí bầu vào các vị trí quan trọng điều hành các cơ quan của LHQ như Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ Khóa 77 (2022 - 2023), thành viên Hội đồng Chấp hành Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) và Văn phòng Dịch vụ của LHQ (UNOPS) nhiệm kỳ 2000 - 2002, thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC) các nhiệm kỳ 1998 - 2000 và 2016 - 2018, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhiệm kỳ 2018 - 2019, tham gia vào những cơ chế điều hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO)...
Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam kiên định với chủ trương của Đảng và Nhà nước coi người dân là “trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại xu hướng chính trị hóa quyền con người, đồng thời ủng hộ cách tiếp cận dựa trên đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt và bất đồng.
Việt Nam đặc biệt chú trọng việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền phát triển, phù hợp với lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển. Việt Nam đã tham gia từ rất sớm và là thành viên của 7 trong 9 công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người, hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thành viên theo các công ước này và có nhiều đối thoại với 5 cơ quan công ước về quyền con người; đồng thời trên tinh thần hợp tác đã đón nhiều báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các quyền con người vào làm việc tại Việt Nam.
Tại LHQ, vừa qua Việt Nam đã thúc đẩy sáng kiến công nhận ngày 11-6 là Ngày vui chơi quốc tế (được 138 nước đồng bảo trợ), ghi nhận vai trò quan trọng của vui chơi đối với sự phát triển thể chất, tâm lý của trẻ em cũng như tiến bộ của xã hội, qua đó không chỉ nâng cao nhận thức về quyền lợi của trẻ em trên toàn cầu mà còn mang ý nghĩa đặc biệt hưởng ứng “Tháng Hành động vì trẻ em Việt Nam”, giúp cho các hoạt động bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam ngày càng có ý nghĩa và thiết thực hơn.
Với uy tín và vị thế quốc tế của mình, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu làm thành viên Ủy ban Nhân quyền (cơ quan tiền thân của Hội đồng Nhân quyền) trong nhiệm kỳ 2001-2003 và Hội đồng Nhân quyền các nhiệm kỳ 2014 - 2016 và 2023 - 2025, Hội đồng Chấp hành Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027.
Trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam tiếp tục đóng góp vào các hoạt động và quyết định quan trọng của cơ quan này, ưu tiên bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người; xây dựng và thúc đẩy thông qua nghị quyết về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Những thực tiễn nổi bật của Việt Nam, đặc biệt là trong việc thực hiện khuyến nghị qua bốn chu kỳ theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền (UPR), đã được LHQ và nhiều quốc gia trong khu vực ghi nhận và đánh giá cao.
Các nỗ lực này không chỉ thể hiện sự cam kết của Việt Nam đối với việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người mà còn góp phần củng cố uy tín quốc tế của đất nước trong lĩnh vực này. Việt Nam đã chính thức tiếp tục ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028, thể hiện sự quyết tâm và khả năng duy trì vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu.
Ngoại giao đa phương có vai trò quan trọng trong đường lối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Đường lối này đã góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước con người Việt Nam như thế nào trong mắt bạn bè quốc tế, thưa Đại sứ?
Cách đây gần 80 năm, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cùng thời điểm LHQ được thành lập. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của LHQ trong hệ thống quốc tế và vị trí của Việt Nam trong dòng chảy lịch sử thời đại, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Chủ tịch ĐHĐ LHQ và nhiều quốc gia thành viên vào đầu năm 1946, chính thức đề nghị kết nạp Việt Nam vào LHQ.
Dù gặp phải nhiều trở ngại lịch sử và mãi tới năm 1977 Việt Nam mới trở thành thành viên chính thức của LHQ, nhưng chính cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ vì độc lập dân tộc, tự do và thống nhất đất nước là đóng góp tích cực và thiết thực của Việt Nam vào mục tiêu cao cả của LHQ – thúc đẩy hòa bình, độc lập, bình đẳng giữa các dân tộc và quyền tự quyết dân tộc, là nguồn cổ vũ, động viên cho phong trào giải phóng dân tộc lên cao và chấm dứt chủ nghĩa thực dân vào thập niên 1960.
Việt Nam là câu chuyện truyền cảm hứng, từ một đất nước bước ra khỏi chiến tranh, nghèo nàn lạc hậu vươn mình phát triển năng động, ổn định chính trị - xã hội, đời sống người dân không ngừng được nâng cao về mọi mặt; từ một nước bị bao vây cấm vận nay đã mở rộng quan hệ với hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngày càng tự tin đảm nhiệm vị trí thành viên và lãnh đạo các cơ quan của LHQ, lạc quan hướng về tương lai, gắn mình với tương lai của khu vực và thế giới, chính là những chia sẻ và đóng góp thiết thực nhằm xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng và tươi đẹp cho tất cả người dân trên thế giới. Đối ngoại đa phương nói riêng và nghệ thuật “ngoại giao cây tre Việt Nam” thể hiện một cách rõ nét tại diễn đàn LHQ và góp phần quan trọng vào thành công này.
Thời gian vừa qua, chúng ta đã gặt hái rất nhiều thành tựu to lớn, làm đẹp thêm hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, thể hiện rõ Việt Nam là một thành viên tích cực, trách nhiệm và chủ động tham gia vào hầu hết hoạt động chung của LHQ, từ hòa bình an ninh, thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững và quyền con người. Việt Nam cũng đưa ra nhiều sáng kiến, thể hiện rõ nét việc sẵn sàng gánh vác các công việc chung của LHQ để cùng các nước thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, chung tay hành động trong một môi trường quốc tế còn phức tạp.
Qua các hoạt động ngoại giao đa phương, bạn bè và đối tác quốc tế cũng ngày càng tin tưởng Việt Nam, góp phần thúc đẩy các mối quan hệ song phương hữu nghị, thúc đẩy các nguồn lực để phát triển đất nước.
Chuyến công tác lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một lần nữa tái khẳng định ở cấp cao nhất đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ của Việt Nam, thể hiện rõ nét hình ảnh Việt Nam là một thành viên tích cực, trách nhiệm và có đủ năng lực gánh vác các công việc chung của LHQ.
Với nền tảng tốt đẹp có được trên chặng đường đã qua, Đại sứ kỳ vọng gì vào quan hệ giữa Việt Nam và LHQ trong thời gian tới?
Thập niên thứ ba của thế kỷ 21 đã đi được gần một nửa chặng đường với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Những biến động chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội, và môi trường, cùng với các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, cạnh tranh giữa các nước lớn, chia rẽ, đối đầu tiếp tục đặt chủ nghĩa đa phương và LHQ trước những thử thách nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các nước vẫn chia sẻ khát vọng về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng ngày càng gay gắt, có tác động cộng hưởng, sâu rộng và xuyên biên giới, đe dọa đến sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia. Đại dịch COVID-19 vừa qua là minh chứng sống động cho sự cần thiết và ý nghĩa sống còn của hợp tác đa phương và của LHQ trong một thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, nơi không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết các thách thức toàn cầu. Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới.
Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, có quan hệ rộng mở, thế và lực không ngừng được củng cố và nâng cao, sẵn sàng gánh vác và đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với LHQ nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; tham gia đóng góp thực chất vào duy trì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế; ứng phó kịp thời và hiệu quả các thách thức toàn cầu, nhất là các cam kết hành động về biến đổi khí hậu; tiếp tục tích cực triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030; đẩy mạnh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; tăng cường quan hệ giữa LHQ với các tổ chức khu vực, đặc biệt đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động ứng cử vào các cơ chế quan trọng của LHQ, trước mắt là Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026 - 2028, Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026 - 2035, Hội đồng Bảo an 2032 - 2033; từng bước giới thiệu người Việt Nam có đủ phẩm chất, năng lực ứng tuyển vào các vị trí điều hành, lãnh đạo các tổ chức chuyên môn của LHQ.
Nhìn lại chặng đường 47 năm qua, quan hệ đối tác Việt Nam - LHQ đạt nhiều kết quả tốt đẹp và có ý nghĩa to lớn, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần phát huy hình ảnh, vị thế đất nước, tăng cường tiếng nói và “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại LHQ. Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam, cũng như đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu chung của LHQ, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: TTXVN