Vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I. Lê-nin về quyền dân tộc bình đẳng và tự quyết chỉ thuộc về nhân dân
Lãnh tụ V.I. Lê-nin. Ảnh minh hoạ

Lãnh tụ V.I. Lê-nin. Ảnh minh hoạ

Sự vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh

Lê-nin khẳng định: Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng về chủ quyền và được quyền tự quyết về chủ quyền; chỉ nhân dân các dân tộc mới có quyền tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình; liên hợp công nhân tất cả các dân tộc lại. Quyền dân tộc tự quyết về chủ quyền là tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, công bằng về cơ hội và không có sự can thiệp đối với quyền của mỗi dân tộc trong việc tự do lựa chọn chế độ chính trị và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa trên cơ sở chủ quyền quốc gia.

Cả hai công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị và về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (năm 1966) đều khẳng định trong Lời mở đầu và Điều 1 của Công ước về quyền dân tộc bình đẳng và tự quyết của các quốc gia. Và “trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc.”. Nghĩa là, quyền dân tộc bình đẳng về chủ quyền và tự quyết chỉ thuộc về nhân dân thuộc dân tộc đó.

Hồ Chí Minh khi công bố bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, đã vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng của Lê-nin về quyền dân tộc bình đẳng, tự quyết chỉ thuộc về nhân dân và ý tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp (1789) thành quyền độc lập, tự do, hạnh phúc của mọi dân tộc.

Qua đó, Hồ Chí Minh đã mở rộng quyền tự nhiên, cơ bản của cá nhân con người thành quyền dân tộc; từ quyền con người (QCN) trừu tượng thành quyền của quốc gia, dân tộc được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Và dựa trên cơ sở pháp lí về quyền “tự nhiên”, Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền đấu tranh “chống áp bức” của các dân tộc thuộc địa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bên cạnh đó, việc Hồ Chí Minh kết nối quyền dân tộc - quốc gia với QCN đã tạo cơ sở lí luận - thực tiễn cho việc xem xét và giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa quyền dân tộc - quốc gia và dân tộc - tộc người cũng như quyền của các cộng đồng khác (giới, tôn giáo, giai tầng xã hội,…).

Theo đó, các dân tộc đa số, thiểu số và tất cả các cộng đồng khác đều được tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy quyền bình đẳng, tương trợ, đoàn kết,... trong quá trình bảo đảm quyền dân tộc - quốc gia. Do ý thức được vị trí và tầm quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nên ngay từ những ngày đầu của cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong thời kì xây dựng đất nước trên con đường đi lên CNXH, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của Lê-nin về vấn đề dân tộc phù hợp với thực tiễn Việt Nam: (i) Từ việc gắn quyền dân tộc - quốc gia, Đảng, Nhà nước Việt Nam kiên định xuất phát từ nhu cầu bảo đảm đời sống ấm no, hạnh phúc của mọi người dân tại tất cả các dân tộc - tộc người thống nhất trong một dân tộc - quốc gia Việt Nam; (ii) Quyền dân tộc - quốc gia nói riêng và dân tộc - quốc gia Việt Nam nói chung đều gắn kết và dựa trên việc bảo đảm nhân quyền thống nhất với quyền công dân; (iii) Xây dựng Nhà nước theo nguyên tắc bảo đảm “thần linh pháp quyền”[1] và “sửa sang thế đạo” để thực hiện nhân quyền[2] theo tư tưởng Hồ Chí Minh; (iv) Không quên, không bỏ ai ở lại phía sau, mà bảo đảm quyền của mọi chủ thể quyền (nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, các bậc phụ lão, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, doanh nhân, phạm nhân,...), đặc biệt trong điều kiện phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội theo cơ chế thị trường như hiện nay; (v) Bảo đảm quyền dân tộc bình đẳng, tự quyết của nhân dân Việt Nam đồng thời tôn trọng quyền dân tộc bình đẳng, tự quyết của các dân tộc khác.

Thực tế mối quan hệ biện chứng giữa quyền dân tộc - quốc gia và QCN ở nước ta cho thấy, quyền dân tộc - quốc gia chỉ được bảo đảm khi quyền của các dân tộc thiểu số, đồng thời quyền của các cộng đồng khác trong nhân dân (tôn giáo, giới, giai tầng xã hội) cũng được bảo đảm. Hơn nữa, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chi khi nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc thì quyền độc lập, tự do của dân tộc - quốc gia mới có nghĩa lí thực tế [3].

Như vậy, nhờ bảo đảm mối quan hệ biện chứng này nên ở nước ta không xảy ra khủng hoảng trong vấn đề dân tộc khi có khủng hoảng về kinh tế - xã hội trong thập niên 1980. Do đó, đổi mới ở Việt Nam trước hết và chủ yếu là đổi mới kinh tế - xã hội. Trong khi đó tại Liên Xô, do không giải quyết được mối quan hệ biện chứng giữa quyền dân tộc - quốc gia, dân tộc - tộc người và QCN, nên khi phát sinh khủng hoảng kinh tế - xã hội thì đồng thời cũng phát tác khủng hoảng dân tộc, nhất là tại các nước cộng hòa Xô-viết. Hậu quả là ban lãnh đạo Liên Xô không thể thực hiện được cải tổ toàn diện, từ kinh tế - xã hội đến vấn đề dân tộc... Và cùng với sự can thiệp của phương Tây, Liên Xô đã sụp đổ.

Quyền dân tộc - quốc gia và quyền con người với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

Hiện nay, ở nước ta, việc thực hiện mối quan hệ biện chứng này đang góp phần thúc đẩy chuyển từ thể chế Nhà nước quản lí sang thể chế Nhà nước phục vụ. Qua đó, tạo ra một môi trường chính trị - pháp lí để quản lí, điều tiết các chủ thể hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, một cách khách quan theo đúng pháp luật và chuẩn mực đạo đức trong Đảng và trong xã hội. Qua đó, mỗi chủ thể hoạt động trong nền kinh tế - xã hội, có thể thực hiện một cách hợp lí những quyền, nghĩa vụ và chuẩn mực đạo đức của mình.

Trong thực tiễn hoạt động kinh tế - xã hội theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế nổi lên vấn đề: Các nhóm lợi ích khác nhau sẽ hưởng lợi khác nhau từ các thể chế kinh tế - xã hội. Do đó, họ có thể có ý đồ cài cắm, lèo lái lợi ích của mình theo các thể chế chính trị - xã hội phù hợp để bảo vệ quyền lực kinh tế của nhóm và qua đó, có quyền kiểm soát nguồn lực chính trị  - pháp lí trong xã hội. Nếu nguồn lực này bị giới hạn trong một nhóm nhỏ, thì nhóm đó có thể thao túng các thể chế kinh tế, chính trị - pháp lí.

Vì vậy, một nguyên tắc chính trị -  đạo đức trong Nhà nước pháp quyền XHCN là: Đảng và Nhà nước phải tăng cường lãnh đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật kết hợp với các chuẩn mực đạo đức trong Đảng và trong xã hội, để bảo đảm kết hợp quyền, trách nhiệm và gương mẫu đạo đức của mọi cán bộ, đảng viên trong việc giám sát các nguồn lực kinh tế, chính trị  - pháp lí trong xã hội không bị thao túng bởi lợi ích nhóm nhằm phục vụ hiệu quả quyền lợi công của Nhân dân.

Từ phương diện xây dựng phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo đảm quyền dân tộc - quốc gia trên cơ sở bảo đảm quyền dân tộc - tộc người và QCN là nền tảng xã hội - pháp lí của phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cơ bản và trước tiên bằng cơ chế dân chủ XHCN. Phương thức đó gắn liền với thể chế Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện quản lí xã hội bằng pháp luật gắn với kỉ luật, kỉ cương và nghĩa vụ công dân theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Qua đó nhằm bảo đảm quyền lực của nhân dân và giải quyết công bằng mối quan hệ giữa quyền và lợi ích, quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm.

Nhưng thực tế cho thấy, Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng cơ chế dân chủ XHCN là chưa đủ, mà tại một nước phương Đông luôn nêu cao tấm gương đạo đức như Hồ Chí Minh đã khẳng định[4], thì Đảng còn phải biết lãnh đạo bằng tấm gương đạo đức, nhằm “gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội”[5]. Trong Đảng và trong xã hội, Đảng phải "là đạo đức là văn minh" thì mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, nhất là trong điều kiện “một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lí tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[6] như Đại hội XIII của Đảng đã cảnh báo. 

Thực tiễn cách mạng giải phóng dân tộc và cách  mạng XHCN tại Việt Nam chứng thực quan điểm của Lê-nin về quyền bình đẳng, tự quyết của dân tộc thuộc về hnân dân và quan điểm của Hồ Chí Minh, rằng cách mạng lấy sức mạnh từ trong lòng dân.

Trong thời kì đổi mới, việc tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân cơ bản tùy thuộc vào việc tổ chức, cá nhân trong Đảng và trong xã hội thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách khách quan trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật, không bị cài cắm, lèo lái bởi lợi ích nhóm, không quan liêu, tham nhũng, hối lộ.

Để Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng cơ chế dân chủ XHCN kết hợp với tấm gương đạo đức, cần thực hiện yêu cầu của Hồ Chí Minh: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”[7]. Nhân dân cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lí những vi phạm dân chủ và đạo đức của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng cơ chế dân chủ XHCN kết hợp với tấm gương đạo đức cho thấy, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không chỉ căn cứ vào tính đúng đắn của đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, mà trước tiên và còn gắn liền với sự gương mẫu về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong mỗi tổ chức cơ sở đảng, từ Trung ương đến địa phương trong toàn Đảng, trước hết ở những người giữ chức trách đứng đầu.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Sđd, t. 1, tr.473.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Sđd, t. 2, tr.502.

[3] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Sđd, t.4. tr.64.

[4] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 284.

[5] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.169.

[6] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập I, tr.92.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.337-338

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất