|
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.
|
Chăm lo cho người cao tuổi
Người cao tuổi luôn là đối tượng được quan tâm trong xã hội kể và thể chất lẫn tinh thần. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đảo các cấp ngành, địa phương thực hiện tốt công tác chính sách, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi.
Công tác trợ cấp xã hội được quán triệt triển khai thực hiện tốt tại các đia phương trên cả nước. Năm 2022, cả nước đã tập trung vận động nguồn lực trên 80 tỷ đồng để chăm sóc đời sống, sức khỏe cho người cao tuổi và có trên 2.000.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sức khỏe người cao tuổi, các cấp đã tổ chức hướng dẫn thực hiện quy trình theo dõi, thăm khám sức khỏe, lập hồ sơ chăm sóc ban đầu cho người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương.
Hằng năm, có 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ, TB & XH), hiện cả nước có khoảng trên 12 triệu người cao tuổi có thẻ BHYT, chiếm 95% tổng số người cao tuổi. Nhà nước chi trả 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh BHYT đúng qui định cho người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và 100% chi phí khám chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.
Cùng với chăm sóc, nâng cao sức khỏe thể chất, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi cũng luôn được chú trọng. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi được tăng cường thông qua các câu lạc bộ thơ ca, võ thuật, dưỡng sinh, dân vũ; các giải thể thao, bóng chuyền hơi...
Theo thống kê, hiện cả nước hiện có trên 77.000 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút 2,5 triệu người cao tuổi tham gia.
Bên cạnh đó, hội người cao tuổi các địa phương đã phối hợp tổ chức chúc thọ, mừng thọ, tặng quà của Chủ tịch nước tới người cao tuổi có độ tuổi từ 70 đến trên 100 tuổi. Trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, các cấp đã thăm hỏi tặng quà cho 1.578.934 người cao tuổi với tổng số tiền trên 267,7 tỷ đồng; 13.116 người cao tuổi tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ, mừng thọ. Hoạt động có ý nghĩa này đã kịp thời động viên người cao tuổi sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc.
Cùng trong năm 2022, nhằm ổn định nơi ở cho người cao tuổi, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ 500 nhà Đại đoàn kết cho người cao tuổi chưa có nhà/ở nhà tạm tại các địa phương.
Ngoài ra, dưới sự chung tay của cộng đồng, xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt những kết quả nổi bật. Chỉ riêng Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với bệnh viện Mắt quốc tế DND từ năm 2011 đến nay đã giúp gần 1 triệu người cao tuổi được khám sàng lọc và cấp thuốc miễn phí, hơn 5.000 người cao tuổi được thay thủy tinh thể miễn phí tại hơn 20 tỉnh/thành phố. Trong năm 2022 cấp ủy, chính quyền, đoàn thể 20 tỉnh thành trên cả nước đã phối hợp với Tập đoàn Đông Dương tặng 40.000 máy đo huyết áp cho người cao tuổi Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật liên quan đến người cao tuổi được nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung nội dung về trợ cấp hưu trí xã hội, mở rộng đối tượng người cao tuổi được hưởng thụ chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi, việc này sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT.
Vẫn còn những thách thức
Bên cạnh những nỗ lực đã đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định.
Số lượng người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội còn thấp, theo thống kê của Bộ LĐ,TB&XH là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% người sau độ tuổi nghỉ hưu; số người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp BHXH chiếm 65% đang là khoảng trống về an sinh xã hội.
Việc mắc nhiều bệnh lý khi có tuổi cũng tạo nên áp lực tự nhiên cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Mặt khác, người cao tuổi, thường phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần như bị trầm cảm, hay lo lắng, bồn chồn…, một bộ phận người cao tuổi lại có suy nghĩ “mình là người thừa, gánh nặng cho con cháu”.
Theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), gần 70% người cao tuổi Việt Nam có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, 35,73% người cao tuổi Việt Nam gặp khó khăn trong ít nhất 1 chức năng (nghe, vận động, nhìn...), 15% gặp khó khăn liên quan đến tự chăm sóc bản thân. Tâm lý tuổi cao, bệnh lý và hội chứng lão hóa khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.
Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa cũng như nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Hiện nay, cả nước chỉ có một bệnh viện đầu ngành chăm sóc cho người cao tuổi là Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ở một số tỉnh chưa có khoa Lão khoa. Một số trường đại học y còn chưa có hình thức đào tạo chuyên sâu về ngành thầy thuốc lão khoa. Hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn có mặt hạn chế về số lượng và chất lượng. Theo BHXH Việt Nam, về lĩnh vực bảo trợ xã hội, năm 2022 mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội được hình thành và phát triển với 195 cơ sở công lập nhưng chỉ có 8 cơ sở chuyên chăm sóc người cao tuổi.
Giải pháp nâng cao sức khỏe người cao tuổi
Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số tương đối nhanh trong khi đó nền kinh tế đang phát triển nên việc chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội, trong đó có chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chỉ ở mức độ nhất định, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Việc huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn lực ngoài nước đầu tư cho công tác này chưa được đẩy mạnh. Phần lớn người cao tuổi chưa được cung cấp đầy đủ những kỹ năng, kiến thức về chăm sóc sức khỏe. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội ở một số địa phương có lúc chưa thực sự quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe, người cao tuổi. Mặt khác, trong xã hội hiện này còn tình trạng thờ ơ, vô cảm, thậm chí ngược đãi, phân biệt đối xử, bạo hành với người cao tuổi... Những nguyên nhân này khiến cho việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn gặp khó khăn.
Để nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần và sức khỏe người cao tuổi trong thời gian tới, cần tập trung những giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Xác lập ứng xử và quan niệm tiến bộ, nâng cao nhận thức xã hội và bản thân người cao tuổi về vai trò của họ đối với xã hội, xóa bỏ suy nghĩ người già là gánh nặng; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an ninh, chăm sóc, hỗ trợ xã hội và các chương trình ngăn chặn, đối phó với hành vi ngược đãi người cao tuổi.
Hai là, thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh chính sách, pháp luật về người cao tuổi để phù hợp với điều kiện phát triển đất nước hiện nay. Cần tiến tới phổ cập BHYT cho người cao tuổi. Các địa phương căn cứ vào nguồn lực và trên cơ sở qui định của pháp luật, nghiên cứu nâng mức trợ cấp xã hội và hạ tuổi đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội đối là người cao tuổi.
Ba là, có chính sách y tế ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện đại, chuyên nghiệp; mở rộng các nhà cung cấp dịch vụ y tế có trình độ cao, có trách nhiệm; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đầu tư xây dựng lão khoa tại tất cả các các bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố để tiếp nhận điều trị cho người cao tuổi. Thiết lập hệ thống viện dưỡng lão kết hợp trung tâm chăm sóc y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc ban ngày cho người cao tuổi; xây dựng hệ thống khu chăm sóc y tế, tiện ích dành riêng cho người già tại các tổ dân phố, khu chung cư...
Bốn là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc người cao tuổi. Huy động, thu hút mọi nguồn lực, đặc biệt là tư nhân để mở rộng hệ thống chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế, đào tạo chuyên gia, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng cơ sở, trung tâm trong sóc y tế, viện dưỡng lão của các nước trên thế giới trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Năm là, xây dựng, hoàn thiện các chương trình và mô hình về chăm sóc sức khỏe tinh thần, các trung tâm văn hóa, địa điểm sinh hoạt văn nghệ, thể dục, thể thao, các sân chơi, chương trình giao lưu cho người cao tuổi từ trung ương đến địa phương để họ sống vui khỏe, hạnh phúc. Đề cao vai trò, chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý người cao tuổi có chuyên môn, chất lượng và tâm huyết.
Sáu là, phát huy vai trò của hội người cao tuổi tại địa phương trong việc kết nối giữa Đảng, Nhà nước và các hội viên. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong công tác chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần; kịp thời nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người cao tuổi, đặc biệt là đối với những người thuộc diện chính sách, vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.
Võ Đăng Khoa, Trường Đại học Nguyễn Huệ
Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai