Bảo đảm quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Tính thiết yếu tiên quyết về việc sửa đổi Luật

Luật số 72/2006/QH11 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 72) bắt đầu thi hành từ năm 2007. Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng đáng kể với hơn 80.000 người trung bình mỗi năm. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người đi lao động tại nước ngoài. Điều này góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật số 72.

Thứ nhất, quá trình hội nhập quốc tế và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong khối ASEAN dẫn đến xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới chưa được quy định trong Luật số 72 như: công dân xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp theo quy định của nước sở tại (Ma Cao, Úc, Niu Di-lân)… do vậy đã gặp một số khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành Luật và công tác quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ hai, thực tiễn áp dụng Luật số 72 đã phát sinh một số vướng mắc, không còn phù hợp với thực tế hiện nay như: điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Thứ ba, một số quy định của Luật số 72 chưa bảo đảm sự đồng bộ với các luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây như: Bộ luật Lao động 2012 và đã được sửa đổi, bổ sung 2019, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Việc làm 2013, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014...

Thứ tư, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài là do Luật số 72 quy định doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.

Thứ năm, Luật số 72 chưa quy định rõ về loại hình đối với Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, dẫn đến cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động và tổ chức bộ máy của Quỹ chưa được định hình rõ ràng. Những nội dung chi hỗ trợ của Quỹ được quy định trong Luật số 72 mới chỉ mang tính chất giải quyết rủi ro, chưa mang tính hỗ trợ thúc đẩy hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ sáu, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói riêng và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế vì mục đích việc làm nói chung để phù hợp với những tiến bộ mới về khoa học - công nghệ, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Đi vào thực chất

Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội thảo luận vào tháng 5 và mới đây vào ngày 13-7-2020, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến. Qua các lần tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có bố cục 8 chương và 78 điều (giữ nguyên số chương và giảm 2 điều so với Luật hiện hành). Một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật nên tập trung quy định các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch và xử lý nghiêm khi vi phạm pháp luật; đề nghị cân nhắc thêm việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài… Do vậy Ủy ban cho rằng cần phải được tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn và phù hợp với Nghị quyết số 67/2013/QH13, tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, đặc biệt đối với lao động nữ...

Thứ nhất, về vấn đề chuẩn bị nguồn lao động (Điều 18 và Điều 19). Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp dịch vụ và mở cơ chế cho doanh nghiệp có thể hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm để bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, việc này sẽ tận dụng được cơ sở vật chất và khả năng cung ứng của các cơ sở này, tránh lãng phí. Đồng thời, để khắc phục tình trạng đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề… chưa sát với khả năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần được chỉnh lý quy định về chuẩn bị nguồn lao động của dự thảo Luật theo hướng phân định rõ bước sơ tuyển, đào tạo bổ túc kỹ năng nghề nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nhưng hạn chế việc lạm dụng và tránh lãng phí xã hội không cần thiết.

Thứ hai, hoàn thiện bổ sung các quy định của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4). Ngoài quy định về chính sách của Nhà nước tại dự thảo Luật này thì Điều 20 của Luật Việc làm đã quy định chính sách đặc thù đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) theo hướng bổ sung tại Điều 4 của dự thảo Luật quy định dẫn chiếu Luật Việc làm và chỉnh lý các nội dung chính sách cho phù hợp để bảo đảm tính bao quát của chính sách việc làm trong nước cũng như việc làm ngoài nước đối với người lao động. Đồng thời, bổ sung làm rõ chính sách, chiến lược về đào tạo, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và sử dụng nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.         

Thứ ba, tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định phù hợp để bảo đảm bình đẳng giới thực chất về quyền, lợi ích của lao động nữ. Tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài; doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và các đơn vị, tổ chức thực hiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để bảo đảm bình đẳng giới và được cụ thể hóa tại các Điều 70, 71.

Thứ tư, hoàn thiện các chính sách đối với người lao động sau khi về nước (khoản 6 Điều 4 và Điều 61, Điều 62, Điều 63). Cần cụ thể hóa các chính sách đối với lao động sau khi về nước theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, người lao động. Dự thảo Luật dự kiến tiếp thu và chỉnh lý theo hướng bảo đảm tính liên kết trong thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm giữa quy định của Luật này với chính sách hỗ trợ việc làm của Luật Việc làm, rà soát để tránh chồng chéo giữa các chính sách do ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương cũng như từ nguồn Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thực hiện. Mặt khác, trong thực tế hiện nay rất nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nghị quyết riêng về hỗ trợ lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở khả năng, điều kiện ngân sách của địa phương. Do vậy, dự thảo Luật dự kiến bổ sung quy định “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của địa phương trình HĐND cùng cấp để có chính sách hỗ trợ người lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước” vào Điều 61 về hỗ trợ việc làm để đáp ứng điều kiện thực tiễn và trên cơ sở nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của các địa phương sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể.                

Thứ năm, bỏ quy định người lao động phải đóng một phần phí môi giới cùng với doanh nghiệp, bổ sung nguyên tắc để xác định mức trần tiền dịch vụ, bảo đảm quyền lợi người lao động. Đồng thời, sửa đổi bổ sung quy định việc hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo hướng tập trung vào xử lý những rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Quỹ này do người lao động, doanh nghiệp đóng góp là chính, không sử dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên việc xác định Quỹ này là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là chưa thực sự phù hợp. Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: (1) Bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng; (2) Các nhiệm vụ chi phải tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động, doanh nghiệp; có cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người lao động, cho doanh nghiệp, nhất là khi người lao động gặp rủi ro ở nước ngoài....

Về giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (các điều 11, 12 và 17) thì sẽ thống nhất giữ như quy định của Luật hiện hành không quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bỏ khoản 2 Điều 11 của dự thảo) nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung các điều kiện đối với doanh nghiệp được cấp giấy phép, cũng như bổ sung các quy định cụ thể về các trường hợp nếu doanh nghiệp dịch vụ vi phạm hoặc không đáp ứng được thì sẽ phải nộp lại hoặc bị thu hồi giấy phép, cơ bản bảo đảm bảo vệ tốt hơn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, do đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài, nên việc cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và cập nhật hệ thống báo cáo thường xuyên, định kỳ phù hợp mới là công cụ hiệu quả để bảo đảm thực thi pháp luật và hạn chế các vi phạm pháp luật.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất