|
Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn.
|
Những bất cập trong thực tiễn
Qua thống kê từ năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã xét duyệt, kiểm tra nhân sự nhập cảnh cho 8.813.409 NNN, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; cấp 775.240 thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh Việt Nam, cấp 854.445 thị thực; 370.996 giấy miễn thị thực, 165.081 thẻ tạm trú và gia hạn tạm trú cho 567.075 trường hợp; cấp gần 3.000 thẻ thường trú. Kiểm tra nhân sự đề nghị cấp giấy miễn thị thực do cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam gửi về: 219.787 trường hợp; Xét duyệt nhân sự cấp thẻ ABTC đối với 26.952 doanh nhân nước ngoài. Cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao từ năm 2020 đến nay, cấp 452.966 thị thực, 473.189 Giấy miễn thị thực. NNN nhập cảnh Việt Nam cư trú chủ yếu tại các tỉnh, thành phố là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc có nhiều điểm du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Dương... Về cơ bản, NNN cư trú tại Việt Nam chấp hành tốt pháp luật Việt Nam, tuy nhiên vẫn có một số vi phạm.
Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, do Việt Nam áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh để phòng dịch, một số cá nhân, tổ chức đã có những hoạt động vi phạm pháp luật như: lợi dụng chính sách của Chính phủ trong giải quyết nhập cảnh đối với chuyên gia để mời bảo lãnh cho NNN “núp bóng” chuyên gia nhập cảnh Việt Nam; giả mạo hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động hoặc núp bóng nhà đầu tư để hợp thức hóa việc xin cấp giấy tờ cư trú dài hạn và ở lại Việt Nam hoạt động trái phép; làm giả thẻ tạm trú cho NNN để cư trú trái phép, xuất cảnh; sử dụng chứng nhận tạm trú quá thời hạn, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép, khai không đúng sự thật để được cấp thị thực Việt Nam. Hoặc thậm chí, xuất hiện tình trạng NNN mắc kẹt, lang thang không nơi ở, không có khả năng tài chính, tạo gánh nặng cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa phương, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh. Có địa phương xảy ra tình trạng NNN nhập cảnh trái phép, chủ yếu tìm kiếm việc làm, thăm thân, trốn truy nã, hoặc tiếp tục sang nước thứ ba tìm việc làm hoặc đánh bạc; người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để về Trung Quốc qua biên giới đất liền.
Sau đại dịch COVID-19, với chủ trương tạo thuận lợi hơn nữa cho NNN nhập cảnh Việt Nam, số lượng NNN nhập cảnh tăng mạnh, đặc biệt, số người nhập cảnh bằng thị thực điện tử (không có cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh) ngày càng nhiều. Tuy nhiên, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam năm 2014 (Luật số 47) lại bộc lộ một số hạn chế trong bảo đảm quyền và nghĩa vụ của NNN gồm:
Một là, Luật số 47 mới quy định NNN tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Điều này làm nảy sinh tình trạng cơ sở lưu trú đổ lỗi cho NNN không xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú khi bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm không khai báo tạm trú cho NNN mặc dù NNN đã xuất trình giấy tờ đó. Cũng có trường hợp NNN không xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú. Cả hai trường hợp trên đều có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi không khai báo tạm trú cho NNN.
Hai là, Luật số 47 mới quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh NNN nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam, mà chưa quy định đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là NNN, tổ chức chương trình du lịch cho NNN hoặc cho NNN tạm trú. Điều này dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là NNN, tổ chức chương trình du lịch cho NNN hoặc cho NNN tạm trú khi có biết hoặc nghi ngờ NNN cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam. Hoặc thậm chí vì lợi nhuận hoặc ngại va chạm nên có cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh không thông báo hoặc chưa biết cách thông báo với chủ thể nào.
Ba là, mặc dù khi Việt Nam mở lại hoàn toàn các hoạt động đón khách quốc tế nhưng số lượng NNN đến Việt Nam còn hạn chế. Một trong những lý do được chỉ ra là xuất phát từ quy định thời gian lưu trú với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực quá ngắn (15 ngày). Hiện nay, các quốc gia có hoạt động du lịch phát triển đều quy định thời gian tạm trú với công dân các nước được quốc gia mình đơn phương miễn thị thực 30-45 ngày.
Tháo gỡ khó khăn
Luật 23/2023/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam đã kịp thời khắc phục hạn chế trên. Luật đã bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của NNN cũng như trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt động của NNN cư trú tại Việt Nam.
Thứ nhất, bổ sung nghĩa vụ xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam của NNN cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định. Cơ sở lưu trú chỉ được cho NNN tạm trú khi NNN cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu NNN xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho NNN tạm trú. Việc khai báo tạm trú cho NNN thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú. Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi NNN đến cơ sở lưu trú.
Quy định này giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xác định lỗi thuộc về chủ thể nào (NNN hay cơ sở lưu trú) khi có vi phạm không khai báo tạm trú cho NNN từ đó có cơ sở áp dụng chế tài đúng đắn, khắc phục tình trạng cơ sở lưu trú đổ lỗi cho NNN. Đồng thời, cũng quy định rõ về nghĩa vụ của NNN trong xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú.
Thứ hai, Luật 23/2023/QH15 đã đổi tên chương từ quyền, nghĩa vụ của NNN; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh NNN nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam thành quyền, nghĩa vụ của NNN; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do vậy, đã mở rộng thêm chủ thể có quyền và trách nhiệm trong bảo đảm việc thực thi pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam gồm: cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là NNN, tổ chức chương trình du lịch cho NNN hoặc cho NNN tạm trú.
Thứ ba, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (bên cạnh cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh) có liên quan hoạt động của NNN cư trú tại Việt Nam: (i) cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng lao động là NNN, tổ chức chương trình du lịch cho NNN hoặc cho NNN tạm trú khi NNN cư trú hợp pháp tại Việt Nam; (ii) cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất; trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trong khu vực biên giới phải thông báo ngay cho cơ quan Công an hoặc đồn, trạm Biên phòng nơi gần nhất.
Thứ tư, đối với công dân nước ngoài được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 45 ngày (mở rộng thêm 30 ngày so với luật số 47) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định. Điều này sẽ góp phần bảo đảm cho NNN, khách du lịch được xuất nhập cảnh nhiều lần để thực hiện các công việc kinh doanh cũng như các tour du lịch kết nối nhiều địa điểm hoặc nhiều quốc gia.
Mặc dù trong các quy định mới đa số là các nghĩa vụ và trách nhiệm của NNN, nhưng bản chất đây đều là các quy định hướng tới xây dựng và bảo đảm một môi trường du lịch, đầu tư an toàn cho NNN cũng như bảo đảm cho một quốc gia có kỷ cương, trật tự, điều mà mọi NNN đều mong muốn hướng tới khi nhập cảnh.
Các nghĩa vụ này đã phản ánh đúng cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời cũng bảo đảm nguyên tắc hiến định của Việt Nam tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Như vậy, có thể khẳng định hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú của NNN ở Việt Nam đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, hệ thống pháp luật này luôn được quan tâm hoàn thiện với những quy định đột phá, thể hiện tính phục vụ và quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Điều này đặt ra đòi hỏi các cơ quan quản lý cần phải nhận thức đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của NNN để góp phần bảo đảm hơn nữa quyền con người ở Việt Nam, cũng như phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý NNN và bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội. Với các quy định mới, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần thường xuyên tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trên lĩnh vực xuất nhập cảnh cho NNN, người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng như các cơ quan, tổ chức khác. NNN, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (đặc biệt là cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là NNN, tổ chức chương trình du lịch cho NNN hoặc cho NNN tạm trú khi NNN cư trú) cần tôn trọng các quy định của pháp luật Việt Nam trong quá trình xuất nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam và nêu cao trách nhiệm trong bảo đảm trật tự, kỷ cương trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
ThS. Phạm Đức Chính
Học viện An ninh nhân dân