Tương thích với pháp luật quốc tế
Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án chung thân đối với bị cáo Phạm Trung Kiên thay vì tử hình như đề nghị của Viện Kiểm sát khi đã hoàn trả 3/4 tài sản tham nhũng trong vụ án "chuyến bay giải cứu" vừa qua, các trang mạng phản động như Việt Tân, RFA, FRI, VOA... đồng loạt đăng tải bài viết với nội dung xuyên tạc chính sách giảm án của Việt Nam.
Chúng vu cáo Việt Nam đang áp dụng "tiêu chuẩn kép" đối với các bị cáo nguyên là quan chức trong các vụ án kinh tế, hối lộ và có sự khác biệt so với bị cáo là người dân bình thường; “cứ nộp tiền là miễn án tử hình”, “công lý giành cho quan chức”; “việc tuyên án tử hình hay bỏ án tử hình ở Việt Nam tùy tiện”; “án tử hình là sự vi phạm nhân quyền trắng trợn, thiếu nhân đạo”; vu cáo pháp luật Việt Nam “không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”; đồng thời, đòi thả tự do cho số đối tượng phạm tội chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang chấp hành án phạt tù.
Pháp luật quốc tế không cấm áp dụng hình phạt tử hình. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) quy định: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt này đối với những tội ác nghiêm trọng nhất”.
Năm 1989, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị định thư tùy chọn thứ hai bổ sung ICCPR trong đó quy định không bắt buộc tất cả thành viên phải cam kết thực hiện mà chỉ những thành viên nào tự nguyện tham gia Nghị định thư này mới có nghĩa vụ pháp lý quốc tế về việc xóa bỏ hình phạt tử hình trong hệ thống pháp luật quốc gia mình. Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa tham gia Nghị định thư này, do vậy, xóa bỏ hình phạt tử hình không phải nghĩa vụ pháp lý quốc tế bắt buộc.
Theo Công ước ICCPR, “chỉ được áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất”. “Tội phạm nghiêm trọng nhất” trong bảo đảm thứ nhất, Văn kiện các bảo đảm về các quyền của những người bị kết án tử hình do Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) thông qua năm 1984 quy định: “là những tội phạm thực hiện do chủ ý, gây ra hậu quả chết người hoặc những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác”. Mặt khác, bảo đảm thứ nhất của văn kiện trên đã “loại trừ khả năng áp dụng hình phạt tử hình với các tội phạm kinh tế và những tội phạm không có nạn nhân trực tiếp... mà cấu thành hành vi của nó mang tính trừu tượng…”.
Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS 2015) quy định 18 tội danh có mức phạt cao nhất là tử hình, trong đó có tội nhận hối lộ (Điều 35): "của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên" sẽ bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Bộ luật Hình sự cũng quy định không thi hành án tử hình nếu: "Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn..." (Điều 40). Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định về "loại trừ khả năng áp dụng tử hình" theo Văn kiện các bảo đảm về các quyền của người bị kết án tử hình của ECOSOC nêu trên; không phải là "tiêu chuẩn kép" về giảm án đối với tội phạm nguyên là cán bộ nhà nước.
Các quy định của pháp luật Việt Nam về án tử hình hoàn toàn tương thích với luật pháp quốc tế; phù hợp với xu hướng của thế giới và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Nghiêm minh nhưng nhân văn, nhân đạo
Việt Nam là một trong số các nước vẫn áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình nhằm răn đe, phòng, chống tội phạm, loại trừ mối nguy hiểm cho xã hội, người dân. Tuy nhiên, mục đích chính của các hình phạt chính là giáo dục, cải tạo, do vậy, bên cạnh khung pháp lý cho mỗi tội phạm, pháp luật Việt Nam còn ban hành khung giảm nhẹ hình phạt, trong đó có việc giảm án từ tử hình xuống phạt tù có thời hạn.
Việc xóa án tử hình hay thay phạt tù bằng phạt tiền đã được khẳng định rõ Nghị quyết Trung ương 3 khoá X của Đảng: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng”. Nghị quyết cũng xác định “nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”.
Cụ thể hoá quan điểm của Đảng, BLHS 2015 quy định không áp dụng hoặc không thi hành đối với những đối tượng sau: người dưới 18 tuổi khi phạm tội; phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội... Trên thực tế, đã có nhiều bị cáo được hưởng chính sách này. Điển hình như bị cáo Lê Văn Luyện trong vụ án "tiệm vàng Ngọc Bích", phạm tội giết người, cướp của nhưng tại thời điểm phạm tội, bị cáo chưa đủ 18 tuổi nên đã không bị kết án tử hình.
Như vậy, không chỉ người bị kết án tử hình do tham ô tài sản, sau khi nộp lại ít nhất 3/4 tài sản hối lộ và tích cực khai báo, phối hợp điều tra được giảm từ án tử hình xuống phạt tù có thời hạn mà nhiều đối tượng khác cũng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi. Điều này vừa thể hiện tính nghiêm minh, răn đe, vừa đảm bảo được tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.
|
Các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" tại phiên toà.
|
Cơ sở của quy định nộp lại ít nhất 3/4 tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ để xem xét xóa án tử hình xuất phát từ việc người phạm tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. Thời gian qua, ở nước ta, hạn chế lớn nhất khi xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng đó là khắc phục thiệt hại, thu hồi tài sản tham nhũng. Thực tế, mặc dù kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, chuyển biến tích cực song số tài sản thu hồi so với bị chiếm đoạt, thất thoát còn thấp.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, giai đoạn 2012-2022 cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong 10 năm qua đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, trong đó chỉ riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%. Do đó, khuyến khích tội phạm tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản, hạn chế án hình sự là vô cùng cần thiết.
Không những vậy, BLHS 2015 đã bổ sung trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên: “Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm” (khoản 6 Điều 63). Quy định trên không chỉ thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm án tử hình mà còn thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Ở Việt Nam dù đối tượng là “quan chức” hay không, khi phạm tội về kinh tế, tham nhũng nếu khắc phục hậu quả, nộp 3/4 tài sản tham nhũng đều được xem xét để xóa án tử hình thành tù chung thân và giảm án.
Trường hợp cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn là ví dụ. Ngày 4-5-2018, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã ra phán quyết, tuyên phạt y án tử hình với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn với hành vi tham ô 49 tỷ đồng. Nhưng sau đó, gia đình bị cáo Nguyễn Xuân Sơn giao nộp 32 tỷ đồng khắc phục hơn 3/4 số tiền. Vì vậy, bị cáo Sơn được giảm án xuống mức án chung thân. Điều này cho thấy, không có chuyện nộp 3/4 tài sản là sự ưu ái, không công bằng, là "tiêu chuẩn kép" cho đối tượng quan chức khi phạm tội; tất cả các bị cáo phạm tội về kinh tế, tham nhũng khác đều được hưởng chính sách nhân đạo trên. Ngoài ra, phạt tiền cũng là một hình phạt đối với tội phạm về kinh tế, tham nhũng điều đó đã được quy định trong pháp luật, do vậy, việc giao nộp 3/4 tài sản tham ô có thể coi là một hình phạt "kép" thay thế tử hình.
Ở nước ta mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; mọi tội phạm phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục. Luận điệu cho rằng quan chức “cứ nộp tiền để không tử hình” hay pháp luật “công lý giành cho quan chức” là hoàn toàn sai trái, thù địch, thể hiện tư duy thiển cẩn với mưu đồ xấu nhằm xuyên tạc nền tư pháp Việt Nam.
Xử lý tham nhũng theo đúng pháp luật là điều tất yếu quan trọng, nhưng một nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng là thu hồi được tài sản do phạm tội. Việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án chung thân đối với bị cáo Phạm Trung Kiên trong vụ án "chuyến bay giải cứu" là hoàn toàn đúng quy định, hợp hiến và tương thích với các văn bản quốc tế mà Việt Nam tham gia; vừa là bản án nghiêm minh, vừa thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.
Số lượng tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình giảm từ 44 (Bộ luật Hình sự năm 1985) xuống 29 (Bộ luật Hình sự năm 1999), 22 (Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009) và 18 (Bộ luật Hình sự năm 2015). Điều này cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong giảm án tử hình. |
Nguyễn Thị Bích Chi
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế