Hậu Giang tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền
Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị 

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Hậu Giang khẳng định, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn với việc thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo tâm lý phấn khởi, tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Trong năm 2023 tỉnh thực hiện tốt các chế độ, chính sách, tổ chức họp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, người có công cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức chương trình “Xuân yêu thương”, tặng 800 phần quà với tổng số tiền 800 triệu đồng; thăm, tặng quà 657 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4) với số tiền trên 222 triệu đồng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, hoạt động thiết thực khác với các đối tượng thuộc nhóm người dễ bị tổn thương được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, ý nghĩa; đã tạo điều kiện và giải quyết việc làm cho 17.670 lao động, đạt 117,8% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023 (tăng 1,2% so với năm 2022); trong đó đã đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 651/547 lao động, đạt 119,02% kế hoạch năm 2023. Đào tạo nghề cho 8.469/6.500 người, đạt 130,29% kế hoạch năm 2023 của ngành (tăng 11,12% so với năm 2022).

Báo cáo viên trình bày chuyên đề tại Hội nghị. (Ảnh: Ban Tổ chức cung cấp)

Báo cáo viên trình bày chuyên đề tại Hội nghị. (Ảnh: Ban Tổ chức cung cấp). 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Hậu Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh còn có mặt hạn chế như: nhận thức về vấn đề “nhân quyền” và công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền ở một bộ phận cán bộ, đảng viên các sở ngành, địa phương còn chưa cao; công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đôi lúc chưa kịp thời, thống nhất; trong quan hệ, tiếp xúc, làm việc với đối tác nước ngoài, có lúc, có nơi còn bộc lộ sơ hở, kẻ xấu có thể lợi dụng khai thác thu thập thông tin, tình hình để xuyên tạc, chống phá; công tác tham mưu, tuyên truyền về thành tựu công tác bảo đảm quyền con người còn hạn chế, chưa thường xuyên, nội dung tuyên truyền chưa sâu và mang tính định hướng cụ thể; công tác chỉ đạo, quản lý thông tin, đấu tranh, phản bác các luận điệu quan điểm sai trái, thù địch có lúc còn bị động.

 Vì vậy, Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền lần này sẽ giúp cho đại biểu và đối tượng được tập huấn tiếp thu những quán triệt, phổ biến một số nội dung cơ bản về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm quyền con người; âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá Việt Nam; trang bị kiến thức cần thiết để các ngành, các cấp vận dụng vào thực tiễn công tác.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được các báo cáo viên của Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày các chuyên đề: “Quyền con người và giới hạn quyền”; “Quyền của người lao động trong các công ước/điều ước quốc tế về quyền con người Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Hậu Giang.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Hậu Giang. 

Phát biểu bế mạc tại Hội nghị, đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và lực lượng Công an tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn với việc thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo sự tin tưởng của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức quán triệt cho cán bộ viên chức, cán bộ, chiến sỹ nắm những nội dung cơ bản của Hội nghị. Đồng thời, nêu cao vai trò trách nhiệm trong công tác đấu tranh, bảo vệ nhân quyền xác định công tác nhân quyền và công tác bảo vệ ANQG là nhiệm vụ của hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt; các sở, ban ngành và UBND các địa phương quan tâm, phối hợp với lực lượng Công an trong công tác tham mưu triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về công tác bảo vệ, đấu tranh nhân quyền, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền con người, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất