|
Ảnh minh họa
|
PBXH được xem là hình thức thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân, PBXH luôn hiện hữu trong đời sống chính trị - xã hội, được nhà nước thừa nhận trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Ở Việt Nam, PBXH được coi trọng, phát huy nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng PBXH để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất là trong điều kiện bùng nổ mạng xã hội hiện nay.
Phản biện xã hội và âm mưu chống phá
PBXH là quyền bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở nhằm thực hiện quyền dân chủ của cá nhân đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người. Điều 19 và Điều 25, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền…”; đồng thời, “mọi công dân đều có quyền và cơ hội để tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện được họ tự do lựa chọn”. Như vậy, quyền tự do ngôn luận chính là tiền đề, là điều kiện cơ bản cần thiết để người dân thực hiện PBXH và PBXH cũng chính là một trong những hình thức để người dân phát huy vai trò trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
PBXH thể hiện rõ trong việc nêu ý kiến đóng góp, bổ sung, những vấn đề chưa tán thành của người dân đối với những chủ trương, chính sách, quyết định, phán quyết... của các cơ quan đảng, nhà nước từ Trung ương đến địa phương để làm sáng tỏ bản chất của vấn đề, chỉ ra ưu điểm, hạn chế, chưa hợp lý, bất cập. Như vậy, bản chất của PBXH là thực hành dân chủ; có ý nghĩa chính trị sâu sắc, phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân; thể hiện sâu sắc dân chủ XHCN, bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN, quyền lực thuộc về nhân dân; tập hợp sức sáng tạo và trí tuệ của các giai tầng, tạo nên sức mạnh nội lực để giải quyết các vấn đề.
Tuy nhiên, cùng với sự đóng góp có ý thức, xây dựng của các tầng lớp nhân dân thì một số thành phần đã lợi dụng PBXH để thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng PBXH, nhân danh phản biện để tập hợp lực lượng đối lập, chống đối chính trị, thúc đẩy sự đối kháng trong xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước bằng nhiều thủ đoạn:
Thứ nhất, lợi dụng PBXH để đưa ra những quan điểm, tư tưởng sai trái, kích động, vu cáo, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cố tình xuyên tạc tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam; qua đó, tập hợp lực lượng chống đối, tạo sự đối kháng trong xã hội…
Thứ hai, tán phát các loại “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các cấp, ngành và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội, các tài khoản cá nhân; trả lời phỏng vấn của các đài, báo nước ngoài với nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thổi phồng những tồn tại, hạn chế của đời sống xã hội. Với danh nghĩa “phản biện” song sử dụng ngôn từ công kích, bóp méo sự thật, tuyệt đối hóa tự do, dân chủ; lu loa rằng “thiếu không gian tự do”, quy chụp "nguyên nhân thiếu tự do và trì trệ về kinh tế, chính trị" là “do độc Đảng”.
Thứ ba, một số trường hợp sau khi rời các vị trí, chức vụ trong Đảng, Nhà nước vì tư lợi hẹp hòi, bất mãn hay động cơ xấu đã lợi dụng danh nghĩa PBXH đưa ra những quan điểm lệch lạc; lấy cớ góp ý với Đảng, Nhà nước truyền bá quan điểm cực đoan, sai trái nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân, chia rẽ đoàn kết nội bộ, kích động tư tưởng chống đối trong xã hội. Một số người tự xưng là “nhà lý luận”, lợi dụng PHXH để kích động, tuyệt đối hóa tự do, dân chủ; cho rằng chúng ta đang "xây dựng một xã hội bó buộc", đòi hỏi "dân chủ hóa", "giải phóng" con người là chiếc chìa khóa vạn năng, phải “cởi bỏ mọi ràng buộc”.
Những trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng PBXH xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước thường tuyệt đối hoá vấn đề tự do, dân chủ. Khái niệm tự do đã bị hiểu theo nghĩa không còn tổ chức, không còn quy tắc, văn hóa, pháp luật, nghĩa là không còn gì ràng buộc. Bằng con đường tiếp cận sai trái, họ hướng lái quan điểm, tâm lý người dân để gây mâu thuẫn, kích động chống phá.
PBXH nếu được thực hiện một cách có hiệu quả, có thể giúp điều chỉnh xã hội từ vi mô tới vĩ mô, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chủ trương, chính sách; biểu thị cho tính dân chủ của xã hội, sự đồng thuận, khuyến khích, cổ vũ xã hội. Nhưng nếu lợi dụng PBXH để kích động, thổi phồng, xuyên tạc nhằm gây nhiễu loạn thông tin… thì là hành vi phá hoại, gây nhiều hậu quả, cần phải đấu tranh, loại trừ. PBXH có hiệu quả, ý nghĩa tích cực chỉ khi dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích hướng đến; nếu không sẽ dễ chỉ là ý kiến chủ quan, cảm tính, phiến diện, thậm chí cực đoan, không đóng góp với tiến trình phát triển của xã hội, của đất nước, trở thành “tấm khiên” cho những kẻ chống phá.
Phát biểu tại Hội nghị MTTQ Việt Nam ngày 16-8-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: MTTQ đã kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. |
Phát huy vai trò phản biện xã hội, nâng cao dân chủ cơ sở
Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích người dân tham gia PBXH với ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng, các ý kiến đóng góp có tính khoa học, thực tiễn, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp để hoàn thiện các chủ trương, chính sách, phục vụ thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Văn kiện Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”; “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”...
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân”... Cụ thể quan điểm của Đảng, ngày 26-10-2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, PBXH của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do vậy, giám sát, PBXH có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là một hình thức để thực hiện dân chủ XHCN, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, làm cho đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, luôn vì lợi ích của nhân dân, Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình xây dựng, trước khi ban hành, mặc dù đã trải qua nhiều bước thảo luận, trao đổi, góp ý trong các cơ quan chức năng, các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật vẫn rất cần có ý kiến đóng góp, nhận xét, phản biện từ phía nhân dân, xã hội.
Nhằm tăng cường sự giám sát và tham gia của nhân dân, ngày 12-12-2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo đó, PBXH là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp; kiến nghị những nội dung thiết thực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội… Chủ thể của PBXH là MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở, bao gồm: MTTQ Việt Nam, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Người dân thực hiện quyền phản biện trực tiếp hoặc gián tiếp qua lấy ý kiên cử tri của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; thông qua sinh hoạt thôn, bản, tổ dân phố; qua các tổ chức chính trị - xã hội mà người dân là một thành viên của tổ chức đó… Ngoài ra, nhân dân vẫn có thể tự mình phản biện bằng con đường gửi thư, gửi ý kiến đến các cấp có thẩm quyền, thông qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải ý kiến của mình.
Năm 2018-2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành 14 hội nghị phản biện xã hội với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn và phản biện có chiều sâu; đã tập trung phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo, trong đó có các dự án luật, đề án… liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được nhân dân quan tâm. Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện, trong đó cấp tỉnh 827 cuộc, cấp huyện 3.488 cuộc; cấp xã 19.554 cuộc.
Điển hình như việc phản biện các dự án luật quan trọng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như dự án Luật Đất đai. Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến PBXH đối với dự án luật, góp phần hoàn thiện trước khi trình Quốc hội cho ý kiến. Hay như việc MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị PBXH đối với dự thảo chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề nghị dự thảo cần chỉ rõ thực trạng và cơ cấu, chất lượng của nhà ở trên địa bàn thành phố; kiến nghị cần phân tích khoa học hơn để định hướng cụ thể cho từng loại hình nhà ở, bổ sung chính sách nhà ở với người có công và hộ thu nhập thấp, xác định mục tiêu xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng …
Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích các diễn đàn PBXH với ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng, các ý kiến đóng góp có tính khoa học, thực tiễn, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp để ngày càng đóng góp nhiều hơn, tốt hơn cho sự phát triển chung của đất nước. Những hành vi lợi dụng danh nghĩa PBXH để xâm phạm lợi ích của Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì tuỳ tính chất, mức độ phải chịu những chế tài của pháp luật.
ThS. Nguyễn Thị Thành