Sau 2 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, việc bảo đảm quyền tự do thực hành đức tin đối với người dân theo đạo Tin lành không ngừng được bảo đảm. Các tổ chức Tin lành lớn đã được công nhận, các tổ chức nhỏ từng bước đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung với chính quyền cấp xã. Hoạt động tôn giáo trong đạo Tin lành diễn ra thuần túy theo khuôn khổ pháp luật, không xảy ra điểm nóng; khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo được củng cố.
Nỗ lực sau 2 năm thực hiện
Kế thừa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đều quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 1992 và năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị khóa VI về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25- NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tôn giáo; Pháp lệnh Số 21/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ngày 18-6-2004 về tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 4-2-2005 về một số công tác đối với đạo Tin lành; Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31-12-2008 “về nhà, đất liên quan đến tôn giáo”... Trên cơ sở đó, Ban Tôn giáo Chính phủ tham mưu cho Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch số 54/KH-BNV ngày 5-5-2016 về công tác đối với đạo Tin lành giai đoạn 2016 - 2020. Đây là kế hoạch công tác đầu tiên đối với đạo Tin lành được áp dụng chung cho cả nước. Đến ngày 30-6-2019, tất cả các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoặc công văn hướng dẫn triển khai… Như vậy, những chủ trương, chính sách này đã góp phần tạo hành lang pháp lý ổn định, nhất quán để ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Trước khi có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, tính đến tháng 3-2015, cả nước có hơn 975.000 người theo đạo Tin lành thuộc trên 80 tổ chức khác nhau, trong đó có 10 tổ chức được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, 1 Ban Đại diện. Hoạt động của đạo Tin lành bị buông lỏng quản lý trong thời gian khá dài (1975 - 2005) nên trong thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề như: Định kiến đối với đạo Tin lành của một bộ phận cán bộ, quần chúng nhân dân; đất đai, cơ sở thờ tự; hoạt động của người nước ngoài theo đạo Tin lành tại Việt Nam; các nhóm Tin lành tư gia mới nổi; vấn đề lợi dụng đạo Tin lành để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia...
Sau 2 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đến tháng 4-2019, cả nước có hơn 1,12 triệu người theo đạo Tin lành, trong đó có trên 855.000 người của hơn 40 dân tộc thiểu số, đông nhất là các dân tộc Mông (270.000 người), Ê-đê (124.000 người), Gia-rai (99.000 người), K’ho (67.000 người), S’Tiêng (60.000 người). Có 9 tổ chức Tin lành có pháp nhân và 1 Ban Đại diện, 2 tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo (gồm khoảng 70 tổ chức, nhóm Tin lành khác được cấp xã cấp đăng ký); 2.253 chức sắc, 6.851 chức việc, 757 tổ chức tôn giáo trực thuộc, 576 nhà thờ, 5.456 điểm nhóm. Ngoài ra còn có khoảng 8.500 người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại 49 điểm nhóm.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được quán triệt trong cấp uỷ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tín đồ, chức sắc, chức việc đạo Tin lành và quần chúng nhân dân bằng các hình thức phong phú như văn bản, hội nghị, lớp tập huấn, toạ đàm, trao đổi... Hai năm qua, các địa phương đã tuyên truyền, quán triệt tinh thần và nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến 91.012 lượt cán bộ từ cấp tỉnh đến tận thôn, bản và 29.993 chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo nói chung.
Khu vực Tây Nguyên, đến tháng 4-2019 có gần 584.000 người theo đạo Tin lành (500.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 85,6%), 311 chi hội, 183 nhà thờ, 1.742 điểm nhóm (1.391 điểm nhóm được cấp đăng ký, đạt 79,9%), 811 chức sắc, 2.587 chức việc. So với tháng 3-2015, đạo Tin lành ở khu vực này đã tăng gần 84.000 tín đồ, khoảng 1.300 chức sắc và chức việc, 77 điểm nhóm mới. Hoạt động đạo Tin lành nhìn chung diễn ra thuần túy. Đa số tín đồ, chức sắc, nhất là số đang sinh hoạt tôn giáo trong các chi hội, điểm nhóm hợp pháp ý thức rõ về bản chất lợi dụng đạo “Tin lành Đề-ga”.
13 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc (gồm Thanh Hóa và Nghệ An), từ chỗ đạo Tin lành phát triển “lén lút”, “bí mật, “trá hình” một cách bất thường trong đồng bào Mông, Dao, đến nay đã được chấp thuận và đưa vào quản lý theo pháp luật thông qua việc cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 797 điểm nhóm trong tổng số 1.631 điểm nhóm, chiếm 48,8%. Số điểm nóng và các vụ khiếu kiện đối với đạo Tin lành giảm nhiều so với trước, hiện tượng mất đoàn kết trong thôn, bản giữa người theo đạo và không theo đạo cơ bản được giải quyết. Hiện tượng di dân tự do trong đồng bào Mông đã giảm. Các điểm nhóm có thái độ cởi mở, hợp tác với chính quyền địa phương.
Một buổi cầu nguyện tại nhà thờ Tin lành.
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đạo Tin lành tiếp tục đi vào nền nếp, tăng sự thống nhất giữa các địa phương, giảm đáng kể các vụ việc giải quyết sơ hở nên hạn chế được khiếu kiện vượt cấp; quản lý được nhiều tổ chức, điểm nhóm và hoạt động của đạo Tin lành hơn trước trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu tôn giáo chính đáng của đa số tín đồ, chức sắc; phát hiện và ngăn chặn hiệu quả hoạt động tà đạo, đạo lạ lợi dụng danh nghĩa đạo Tin lành để hoạt động. Mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với tín đồ, chức sắc đạo Tin lành tiếp tục được cải thiện theo hướng củng cố niềm tin; đoàn kết giữa người theo đạo Tin lành và không theo đạo Tin lành được tăng cường, giảm xung đột. Các nhóm thuộc các giáo phái Tin lành cực đoan đã được phát hiện, ngăn chặn. Điều này đã góp phần đáng kể trong công tác đấu tranh ngoại giao, là một trong những điểm sáng của Báo cáo tự do tôn giáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ và của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế các năm gần đây.
Những hạn chế và giải pháp Bên cạnh những thành tựu đạt được, đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành 2 năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một là, tình hình đạo Tin lành có dấu hiệu chuyển biến nhanh và đã khác các giai đoạn trước. Tốc độ phát triển của đạo Tin lành có dấu hiệu tăng nhanh hơn. Xuất hiện nhiều hơn các giáo phái Tin lành cực đoan như "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ", "Ân điển cứu rỗi", "Tia chớp phương Đông", "đạo Bà cô Dợ", "Hội thánh Giê-sùa", Pơ Khắp Brâu… Âm mưu lợi dụng đạo Tin lành để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch tiếp tục diễn biến phức tạp. Sau thất bại của cái gọi là "Nhà nước Đêga", "Nhà nước Mông", chúng tiếp tục dựng lên các tổ chức mang tên đạo Tin lành, như "đạo Bà cô Dợ", "Hội thánh Giê-sùa" (trong đồng bào Mông), "Hội thánh Đấng Christ", "Hội thánh Tin lành Lutheran Việt Nam - Hoa Kỳ" (ở khu vực Tây Nguyên) hòng tập hợp lực lượng và thiết lập mạng lưới tổ chức để tuyên truyền xuyên tạc về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kích động đồng bào bất hợp tác với chính quyền, biểu tình đòi ly khai, tự trị. Hai là, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đạo Tin lành còn một số bất cập.
Các tổ chức Tin lành chưa được công nhận vẫn thực hiện hoạt động đào tạo, phong chức, phong phẩm; vẫn quan hệ quốc tế và được cộng đồng Tin lành trong - ngoài nước nhìn nhận là những Hội thánh độc lập, có tiếng nói riêng. Một số Hội thánh thu hút được khá đông người tin theo, đặc biệt là số từng có vấn đề, như bị các Hội thánh khác khai trừ, kỷ luật, từng liên quan đến FULRO... Nhiều tổ chức đã liên kết với nhau hình thành nên các hiệp hội như Hiệp hội Thông công Tin lành Việt Nam (VEF), Hiệp hội Thông công Liên hữu Tin lành (CFV), Hiệp hội Thông công Tin lành Hà Nội (HCF)...
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành dành cho cán bộ tỉnh Gia Lai.
Do vậy, cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết những tồn tại cũ và những phát sinh mới đối với đạo Tin lành cũng như trong công tác quản lý nhà nước như sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10-01-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Thông báo 160-TB/TW ngày 15-11-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về chủ trương công tác đối với đạo Tin lành; Kết luận số 101-KL/TW ngày 3-9-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương công tác đối với đạo Tin lành; tuyên truyền và thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật, nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, đảng viên của cả hệ thống chính trị.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và đồng bộ với pháp luật trong các lĩnh vực liên quan.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tín đồ tôn giáo nói chung và tín đồ đạo Tin lành nói riêng về quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo và nhận thức rõ về hoạt động của các tổ chức tôn giáo trái pháp luật cũng như hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Nhà nước.
Thứ tư, củng cố bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp thành hệ thống thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Gắn công tác tôn giáo với công tác dân tộc. Quan tâm, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo là người dân tộc thiểu số ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong vùng đồng bào có đạo Tin lành.
Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tôn giáo nói chung và công tác đối với đạo Tin lành nói riêng, có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông... đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng nhân quyền, tôn giáo chống phá Việt Nam thông qua qua nhiều cấp và nhiều kênh khác nhau, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình, chính sách, về vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Thứ sáu, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ 5 năm sơ, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo nói chung và các kết luận của Ban Bí thư về chủ trương công tác đối với đạo Tin lành.
Thứ bảy, tập trung chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào theo đạo Tin lành nói riêng; trước hết là giải quyết vấn đề đất đai, việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí cho đồng bào và tăng cường sức đề kháng trước hoạt động truyền đạo trái pháp luật.
Nguyễn Ngọc Bảo
Phó Vụ trưởng Vụ Tin lành, Ban Tôn giáo Chính phủ