Những biến đổi tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lý giải vấn đề bản chất của tôn giáo từ mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Trong đó, ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định. Như vậy, tôn giáo là một hiện tượng tinh thần của xã hội và do đó, nó phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Thế giới quan tôn giáo là sự phản ánh tồn tại xã hội và sẽ biến đổi khi các điều kiện xã hội thay đổi.
Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới cả tích cực lẫn tiêu cực. Thể hiện rõ nhất là sự phát triển về kinh tế, đưa đến các nguồn lực để cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng đặt ra những nguy cơ mới về chênh lệch giàu nghèo, các vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống… Như thế, tôn giáo cũng phải chịu những tác động nhất định. Khi đối mặt với đói nghèo, bất công và mặt tiêu cực của toàn cầu hóa, con người tất yếu tìm đến tôn giáo như một giải pháp tinh thần. Nhờ đó, tôn giáo có điều kiện để nuôi dưỡng và phát triển để đáp ứng nhu cầu của con người.
Thực tế, trong mấy thập kỷ gần đây, các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đang phục hồi và phát triển ở nhiều quốc gia, châu lục. Số lượng tín đồ hiện nay chiếm khoảng 3/4 dân số thế giới. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Với sự thay đổi của đất nước do quá trình toàn cầu hóa, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều đổi khác. Nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân gia tăng với số lượng tín đồ các tôn giáo đều tăng (trong vòng 16 năm, từ 2001 đến 2017 tín đồ các tôn giáo tăng thêm 6% tổng dân số và hiện chiếm khoảng 27% dân số cả nước). Các tôn giáo có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Không chỉ ở số lượng, các tôn giáo ở Việt Nam còn có những thay đổi trong cách thức hoạt động, hình thức tương tác với xã hội, cùng với đó là sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới.
Lễ trao tặng quà cho bà con sau cơn bão số 10 ở chùa Phổ Giác, tỉnh Sóc Trăng.
Hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa tạo ra nhiều điều kiện để việc truyền giáo vào Việt Nam có điều kiện được đẩy mạnh qua nhiều con đường: Du lịch, giao lưu, hội thảo, hội nghị, qua các nguồn sách báo, qua các phương tiện thông tin và nhất là in-tơ-net. Người dân dễ dàng tiếp cận với các tôn giáo mới, từ đó hình thành niềm tin tôn giáo mới. Sự giao lưu, giao thoa giữa các quốc gia, dân tộc tạo điều kiện cho sự hình thành đa dạng của tôn giáo ở Việt Nam với sự tồn tại đan xen của tôn giáo truyền thống, tôn giáo nội sinh và tôn giáo ngoại sinh. Niềm tin tôn giáo cũng có sự biến đổi; xuất hiện hiện tượng chuyển từ niềm tin đa thần sang nhất thần hay từ tôn giáo truyền thống, nội sinh sang các tôn giáo ngoại sinh. Như ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, người dân tộc thiểu số từ bỏ tôn giáo truyền thống để theo đạo Tin lành hay chuyển đạo, cải đạo từ các tôn giáo khác sang đạo Tin lành. Số lượng tín đồ đạo Tin lành tăng gấp gần 2 lần năm 2015 so với năm 2004. Bên cạnh đó, từ năm 1986 đến nay xuất hiện “hiện tượng tôn giáo mới” hay đạo lạ. Hiện có trên 70 loại khác nhau, đa số phát sinh từ trong nước như Long Hoa Di Lặc, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Đoàn 18 Vua Hùng, Vàng Chứ, Thìn Hùng, Chân Không (đạo Thày Ty), Dương Văn Mình, Canh tân Đặc sủng, Hà Mòn, Amí Sara, Pơ Khắp Brâu; đồng thời có các loại tôn giáo du nhập từ nước ngoài như Thanh Hải Vô Thượng Sư, Tam Tổ Thánh hiền (từ Đài Loan), Đạo Thánh Đức Chúa trời mẹ…
Cùng với sự biến đổi niềm tin, việc thực hành tôn giáo ở nước ta cũng có nhiều biến đổi dưới tác động của toàn cầu hóa. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, xuất hiện những khái niệm mới như truyền giáo thời in-tơ-net, sống đạo online…. Sự phát triển các trang mạng xã hội không chỉ giúp con người kết nối với nhau mọi lúc, mọi nơi, làm cho thế giới càng trở nên phẳng và ảo hơn, trong đó có đời sống tâm linh tôn giáo. Công nghệ thông tin và in-tơ-net trở thành phương tiện hữu hiệu nhất để các tôn giáo giới thiệu, phổ biến và quảng bá hình ảnh, đi vào đời sống tâm linh của người dân.
Những thách thức mới và cách ứng xử Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán, khẳng định “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta” và “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với những biến đổi mạnh mẽ của niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo, việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quan điểm, chủ trương của Đảng đang đặt ra 5 thách thức mới:
1. Nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân đang gia tăng mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa đặt ra yêu cầu đối với Nhà nước trong giải quyết kịp thời việc đăng ký cũng như quản lý hoạt động của các tôn giáo để bảo đảm hành lang pháp lý cho sinh hoạt tôn giáo và một môi trường tôn giáo lành mạnh.
2. Sự du nhập các tôn giáo ngoại sinh và các giá trị văn hóa nước ngoài trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập góp phần làm giàu thêm truyền thống văn hóa, tôn giáo Việt Nam. Đồng thời, cũng đòi hỏi phải giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trước sự xâm lấn của các giá trị văn hóa ngoại lai không phù hợp.
3. Sự gia tăng hoạt động truyền bá tôn giáo nhờ vào sự phát triển của công nghệ khoa học và sự kết nối, giao lưu giữa các quốc gia, dân tộc tạo nên môi trường tôn giáo đa dạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự đa dạng về tôn giáo cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ xung đột giữa các tôn giáo nếu không có cách ứng xử khéo léo.
4. Sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, trong đó có những tôn giáo hoạt động trái pháp luật, thậm chí có những hoạt động tôn giáo cực đoan trái với thuần phong mỹ tục, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
5. Sự giao lưu kết nối mạnh mẽ giữa tín đồ tôn giáo trong và ngoài nước, sự xâm nhập mạnh mẽ của các luồng tư tưởng tôn giáo vào Việt Nam, trong đó có cả những tư tưởng tiêu cực, chống phá Đảng, Nhà nước. Thực tế, thông qua hoạt động tôn giáo, một số đối tượng tìm cách chính trị hóa hoạt động tôn giáo, xem tôn giáo là một cách thức để tập hợp tín đồ chống phá đất nước thông qua sự kết nối chặt chẽ giữa số đối tượng bên trong và bên ngoài. Một bộ phận tín đồ, thậm chí cả một số chức sắc các tôn giáo còn có tư tưởng lạc hậu, mê tín, đôi khi cuồng tín; một số thái độ thiếu thiện chí, thậm chí chống chính quyền. Một số chức sắc tôn giáo lợi dụng hoạt động giảng đạo để tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước.
Tôn giáo sẽ tồn tại lâu dài bởi nhu cầu về tôn giáo phản ánh quyền tự do chính đáng của con người hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Thực tế, nhiều tôn giáo đã đồng hành, tham gia tích cực vào xây dựng và phát triển xã hội. Hoạt động tôn giáo không xa rời hiện thực và dần hòa vào thế tục thông qua nhiều hoạt động từ thiện - nhân đạo, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội…, góp phần phát triển bền vững đất nước. Trước tình hình đó, cần có cách nhìn nhận, quan điểm mới cũng như chính sách, pháp luật phù hợp nhằm giải quyết đúng đắn việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời ngăn chặn những mặt tiêu cực để tôn giáo thực sự là nguồn lực cho sự phát triển bền vững đất nước.
Trước hết, cần phải quán triệt sâu sắc việc nhìn nhận tôn giáo là một nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, đúng như tinh thần của Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10-1-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Thứ hai, cần phải sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo như đất đai, văn hóa, giáo dục, y tế,… bảo đảm đồng bộ với quan điểm của Đảng, Nhà nước và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Tôn giáo sẽ tồn tại lâu dài bởi nhu cầu về tôn giáo phản ánh quyền tự do chính đáng của con người hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ.
Thứ hai, cần xây dựng luật pháp tôn giáo bảo đảm sự hài hòa tôn giáo, đồng thuận xã hội theo phương châm mọi tổ chức, cá nhân tôn giáo đều được làm những gì luật pháp không cấm. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng để đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng nhu cầu tôn giáo ngày càng gia tăng trong xã hội.
Thứ ba, trước tình hình phát triển của các tôn giáo, sự đa dạng, tồn tại đan xen của các loại tôn giáo và sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định rõ bản chất của các tôn giáo này, đánh giá các mặt tích cực và tiêu cực để có định hướng đúng trong nhân dân. Những tôn giáo đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định của pháp luật cần sớm được công nhận, ngược lại những tôn giáo mang màu sắc cực đoan, tiêu cực, trái với văn hóa Việt Nam cần được ngăn chặn. Khuyến khích các tôn giáo phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những tổ chức lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng hay các hiện tượng phản nhân văn, phi văn hóa.
Thứ tư, tập hợp đầy đủ các nội dung biểu hiện đa dạng của tôn giáo, tín ngưỡng trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế vào các chính sách, chế tài quản lý, xóa các lỗ hổng về pháp lý, tạo tâm lý an lạc trong đồng bào có đạo, đồng thời bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước. Công tác quản lý tôn giáo phải bắt kịp xu thế biến đổi, vận động không ngừng của tôn giáo; kịp thời nắm tình hình diễn biến, dự báo những xu thế của tôn giáo, nhất là tình hình du nhập các tôn giáo bên ngoài để bảo đảm sự phát triển hài hòa, thống nhất của các tôn giáo; sớm có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc lan truyền các tư tưởng tôn giáo cực đoan từ bên ngoài vào trong nước.
Thứ năm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp, bắt đầu từ cơ sở. Bố trí cán bộ, công chức cơ sở có năng lực, có trình độ chuyên môn để tham mưu cho cấp ủy và chính quyền về công tác tôn giáo ở vùng đồng bào tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giải quyết những vấn đề tôn giáo ngay từ cơ sở.
Thứ sáu, sự kết nối giữa các tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa đã khiến vấn đề tôn giáo vượt qua biên giới quốc gia, trở thành vấn đề toàn cầu. Những yếu tố tiêu cực trong tôn giáo, nhất là tôn giáo cực đoan không chỉ tác động đến một quốc gia nhất định mà xu hướng lây lan ra khắp thế giới, đe dọa đến an ninh và hòa bình của khu vực và thế giới. Vì vậy, cần tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tôn giáo để giải quyết hiệu quả vấn đề tôn giáo, bảo đảm tự do tôn giáo cho mọi người, đồng thời ngăn chặn hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống lại các quốc gia.