|
Hình ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ với thế hệ trẻ đầy tiềm năng và nhiệt huyết là ghi nhận chung của nhiều học giả, nhà ngoại giao, chuyên gia khu vực.
|
Ấn tượng Việt Nam
Hình ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ với thế hệ trẻ đầy tiềm năng và nhiệt huyết là ghi nhận chung của nhiều học giả, nhà ngoại giao, chuyên gia khu vực. Để đạt được điều đó, không thể không nhắc đến những con số ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội, đã giúp cải thiện cuộc sống của người dân và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè khu vực và quốc tế.
Đánh giá về các chính sách kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng kinh tế Satvinder Singh nhấn mạnh, Việt Nam đã thực hiện những chuyển đổi kinh tế quan trọng giúp người dân thích ứng với những thách thức hiện nay. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng mạnh từ mức 155,8 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2012 lên 362 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2021. Tỷ trọng của Việt Nam trong GDP khu vực ASEAN cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 6,5% trong thập kỷ trước lên 10,8%. Việt Nam là một trong những nền kinh tế thực sự đóng góp quan trọng vào sự ổn định của ASEAN, đồng thời là hình mẫu về việc thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng tốt.
Để đạt được các kết quả này, ông Satvinder Singh cho rằng, Việt Nam đã nắm bắt những cơ hội mới từ sự tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, về mặt địa chính trị, nhiều công ty toàn cầu đang tìm kiếm chiến lược Trung Quốc+1 và Việt Nam là một trong những nước có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất. Việt Nam có thể thu hút rất nhiều nguồn vốn FDI chất lượng cao không chỉ từ Trung Quốc, mà còn từ nhiều quốc gia trên toàn cầu. Tại Đông Nam Á, các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm một chiến lược mới cho sự hiện diện trong khu vực và Việt Nam đang được nhắc đến và có thể tận dụng các cơ hội đang tới.
Đánh giá về những lý do đằng sau câu chuyện kinh tế thành công của Việt Nam, chuyên gia Ấn Độ S.D. Pradhan nhấn mạnh các yếu tố:
Thứ nhất, Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để đưa ra những cải cách cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống cho người dân. Với mức tăng trưởng ổn định khoảng 7% về GDP từ năm 2000 đến năm 2022 và tốc độ tăng trưởng ổn định trong thời gian đại dịch, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi và thích ứng với hoàn cảnh thay đổi.
Thứ hai, nỗ lực cải thiện sản xuất cả khu vực công nghiệp và nông nghiệp cũng như thúc đẩy xuất khẩu đã mang lại hiệu quả, trong khi các ngành sản xuất và dịch vụ cũng trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, duy trì lạm phát thấp cũng là một yếu tố then chốt trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2022, lạm phát ở mức khoảng 4%, được Chính phủ và các cơ quan hữu quan Việt Nam kiểm soát tốt. Chính phủ đã thực hiện các biện pháp linh hoạt như kiểm soát tính thanh khoản của thị trường, kết hợp chính sách tài khóa với miễn giảm thuế đối với các mặt hàng thiết yếu và chiến lược để kiểm soát lạm phát.
Thứ tư, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một yếu tố giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Những thay đổi về khung pháp lý cho đầu tư nước ngoài như đơn giản hóa thủ tục hành chính và áp dụng các dịch vụ công kỹ thuật số, đã tạo ra một môi trường hiệu quả và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự ổn định chính trị của đất nước và môi trường kinh doanh thuận lợi cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI. Tính đến tháng 12-2022, Việt Nam đã thu hút được tổng vốn FDI là 27,72 tỷ USD, với thêm 224 dự án. Các quốc gia có nguồn FDI hàng đầu vào năm 2022 là Xin-ga-po, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thứ năm, việc Việt Nam nhấn mạnh vào lĩnh vực số hóa để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh là một quyết sách quan trọng góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Thứ sáu, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 19,8%, phản ánh tiêu dùng nội địa tăng và thu nhập cũng tăng. Tiêu dùng trong nước đã trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho rằng, Việt Nam đang tận dụng tất cả các lợi thế của tình hình hiện nay để phát triển kinh tế. Với sự ổn định chính trị, bộ máy lãnh đạo hiệu quả không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn thúc đẩy thị trường xuất khẩu. Không chỉ tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho người dân, một Việt Nam phát triển cũng góp phần không nhỏ vào sự thịnh vượng chung của khối ASEAN.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: “Việt Nam đã có bước chuyển mình lớn trong thời gian qua với sự tăng trưởng đáng kinh ngạc. Về dân số Việt Nam đứng trong top đầu các quốc gia ASEAN, với một nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh mẽ, thu hút được nhiều đầu tư, các chỉ số phát triển xã hội tăng nhanh. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia khu vực thu hút nhiều đầu tư, du lịch…”.
|
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn.
|
Đại sứ In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam Ibnu Hadi nhiệm kỳ 2016-2020: “Tôi ấn tượng với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam thời gian gần đây. Tôi cũng ấn tượng đặc biệt với thế hệ trẻ Việt Nam ham học hỏi, hiểu biết và có tầm nhìn, kiến thức rộng. Thế hệ trẻ được đầu tư giáo dục tốt, chăm chỉ và luôn cố gắng nỗ lực để không bị tụt lại phía sau. Đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển hơn nữa”.
|
Đại sứ In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam Ibnu Hadi nhiệm kỳ 2016-2020.
|
Cơ hội trong thách thức
Kinh tế Việt Nam hiện đối mặt với các cơn gió ngược của cơn bão lạm phát toàn cầu, xung đột địa chính trị gia tăng giữa các cường quốc. Với một nền kinh tế có độ mở lớn, những “cơn gió ngược” đã tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, tài chính và kể cả thu hút FDI. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại từ đầu năm 2023. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I-2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, mức khá thấp. Lĩnh vực xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng lớn khi hai thị trường chủ lực của Việt Nam hiện nay là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU bị suy giảm. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm sáng để giúp đất nước có thể phục hồi trong nửa cuối năm.
Thứ nhất, các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước, phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra.
Thứ hai, tăng điều kiện xuất nhập khẩu cho nhiều ngành hàng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa lại.
Thứ ba, cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư. Bất chấp các biến động của thế giới, tổng FDI đăng ký trong 4 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt gần 8,9 tỷ đô-la Mỹ. Ngành sản xuất ở Việt Nam tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, tạo đà cho các doanh nghiệp lớn dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng được cải thiện cũng là những yếu tố góp phần vào sự thu hút đầu tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, lao động của Việt Nam tương đối rẻ và người lao động Việt Nam có kỷ luật và năng lực tốt.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do FTA tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại của Việt Nam. Với hơn 10 hiệp định thương mại tự do quốc tế đã được ký kết, bao gồm cả EU và Vương quốc Anh, Chính phủ Việt Nam là một đối tác quan trọng trong cộng đồng thế giới. Khi chuyển sang Việt Nam, các công ty không chỉ được hưởng lợi từ việc tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ, mà còn sang các thị trường khác.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Suy thoái toàn cầu có thể đặt ra những vấn đề nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điều quan trọng các quốc gia cần tiếp tục có các điều chỉnh và quyết sách đúng đắn. Theo chuyên gia Ấn Độ S.D. Pradhan, các nhóm động lực Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa để bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định bao gồm tăng đầu tư, thúc đẩy sử dụng công nghệ, lực lượng lao động có tay nghề cao, cơ sở hạ tầng và kết nối với thị trường. Lạm phát phải được kiểm soát và xuất khẩu phải được đa dạng hóa. Về lâu dài, Việt Nam phải bảo đảm có lực lượng lao động trẻ có kỹ năng. Khi hệ thống số hóa hơn phổ biến, mối đe dọa đối với an ninh mạng cũng cần được quan tâm và có các bước phòng ngừa phù hợp.
|
Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng kinh tế Satvinder Singh.
|
Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng kinh tế Satvinder Singh cũng cho rằng, linh hoạt và thích ứng là điều không chỉ Việt Nam mà cả các nước ASEAN nói chung đều phải thực hiện trước những thách thức.
Điều quan trọng thứ nhất là trong sự chuyển mình đó cần phải bảo đảm mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, yếu tố quan trọng trong sự phát triển của một nền kinh tế. Cùng với đó là quá trình chuyển đổi kinh tế, bao gồm kỹ thuật số cũng sẽ kéo theo những rủi ro và cần đưa ra những quy định, biện pháp để bảo vệ người dân, ví dụ như chuyển đổi kỹ thuật số có nguy cơ bị tấn công mạng, nguy cơ lừa đảo trực tuyến...
Ngoài ra các yếu tố bên ngoài như căng thẳng địa chính trị hay xung đột làm giá thực phẩm leo thang cần phải được theo dõi chặt chẽ. Những tác động lớn từ thách thức địa chính trị, không chỉ là cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, các lệnh trừng phạt kinh tế mà còn nhiều vấn đề toàn cầu khác… đang ảnh hưởng đến khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, quản trị tốt là điều mà thế giới có thể thấy sự khác biệt ở ASEAN hay Việt Nam, nơi chính phủ các nước thực hiện những biện pháp và chính sách linh hoạt để giảm tác động tới cuộc sống của người dân.
Trên quy mô toàn khối, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng kinh tế Satvinder Singh cho rằng, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng cần nhận ra: (i) Điều quan trọng hơn bao giờ hết là hội nhập ASEAN và đoàn kết, hợp tác cùng nhau. Một quốc gia riêng lẻ rất khó đối phó với các siêu cường và các vấn đề địa chính trị. ASEAN có tiếng nói rất quan trọng trên thế giới và quyết định được cách thức muốn làm việc với mỗi siêu cường. Điều quan trọng là cần giữ được tinh thần đại gia đình ASEAN và cùng nhau hợp tác để giải quyết các thách thức; (ii) Các ưu tiên kinh tế cần phải rõ ràng. ASEAN cần hỗ trợ người dân chuyển đổi, không chỉ là chuyển đổi kỹ thuật số, mà còn chuyển đổi để ứng phó với các thách thức toàn cầu, từ phát triển bền vững đến các vấn đề biến đổi khí hậu. Theo đó, cần chuyển đổi mô hình kinh doanh, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ học cách chuyển đổi kỹ thuật số, hướng tới nền kinh tế tương lai carbon thấp. Ngoài ra, ASEAN cũng cần hỗ trợ các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, không chỉ phát triển kinh tế, mà còn có thể thực hiện các cam kết đối với Thỏa thuận khí hậu Paris; (iii) Khai thác tiềm năng của người dân. ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có dân số rất trẻ, cần đầu tư và nâng cao năng lực cho người dân, cũng như mang lại cho họ cơ hội bình đẳng. Những nước quan tâm đến điều này một cách nghiêm túc sẽ gặt hái được lợi ích lớn nhất. Phó Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh, thách thức cũng luôn đi kèm với cơ hội, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng luôn có tiềm năng tạo ra khác biệt và lợi thế trước toàn cầu.
Thu Uyên - Tất Đạt - Thu Trang