|
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tiếp Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Việt Nam Bader Almatrooshi đến chào nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
|
Hợp tác phòng, chống tội phạm thúc đẩy quan hệ hợp tác
Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1993. Mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, thương mại, văn hóa, quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo, năng lượng, khoa học - công nghệ, y tế, tài chính... Hai nước cũng đã thành lập Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - UAE nhằm thúc đẩy triển khai một cách thiết thực, hiệu quả các hoạt động hợp tác; thường xuyên tổ chức các đoàn cấp cao thăm lẫn nhau. UAE đứng hàng đầu về kinh tế trong các nước Ả-rập và đứng thứ 17 trong số 61 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trên thế giới.
Thời gian qua, điểm nổi bật trong quan hệ giữa hai nước là quan hệ kinh tế - thương mại, lao động và đầu tư. Trao đổi thương mại Việt Nam - UAE phát triển nhanh và mạnh, trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu sang UAE. UAE cũng là một trong những nhà đầu tư lớn từ khu vực vùng Vịnh tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư cam kết ước đạt 4 tỷ đô-la Mỹ; là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng (hiện có khoảng 5.000 lao động Việt Nam làm việc tại UAE, thời điểm đỉnh cao có thể lên tới 10.000 lao động). Cùng với đó, ngày càng nhiều người Việt sang UAE làm ăn, sinh sống, du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tình hình tội phạm liên quan đến hai nước đang diễn biến rất phức tạp. Hiện nay, có 37 công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại UAE. Thực tiễn cũng cho thấy trong các nước khu vực Trung Đông, UAE là nước có quan hệ hợp tác phòng, chống tội phạm nhiều nhất với Việt Nam.
Để tạo cơ sở pháp lý hợp tác, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng trong các lĩnh vực. Trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, hai nước cùng là thành viên của nhiều điều ước quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc (LHQ) về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của LHQ về chống tham nhũng và Công ước quốc tế về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy, chất hướng thần. Các công ước này đều có quy định khuyến khích các quốc gia thành viên ký kết các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Tuy nhiên, trong khuôn khổ hợp tác song phương, hai nước còn thiếu cơ sở pháp lý cần thiết. Hiện nay, hai nước mới chỉ thiết lập cơ sở pháp lý cho việc hợp tác ở cấp Bộ (Bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống tội phạm giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ UAE ký tháng 11-2016) mà chưa thiết lập cơ sở pháp lý hợp tác ở cấp Chính phủ và cấp Nhà nước. Điều này phần nào làm hạn chế hiệu quả hợp tác phòng, chống tội phạm có liên quan đến hai nước.
Tăng cường cơ sở pháp lý trong phòng, chống tội phạm
Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, hai nước đã tiến hành hai vòng đàm phán dự thảo Hiệp định về dẫn độ và dự thảo Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và UAE trên cơ sở dự thảo của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm các nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, trong đó, có tham khảo kinh nghiệm đàm phán và việc hài hoà giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật UAE, thể hiện tính chuyên nghiệp và sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Qua hai vòng đàm phán, hai bên đã cùng thống nhất những nội dung trong hai văn kiện nêu trên. Theo đó, Dự thảo Hiệp định về dẫn độ gồm: Tên gọi, lời nói đầu, phần kết và 23 điều; cụ thể: Nghĩa vụ dẫn độ (Điều 1); tội phạm thuộc các trường hợp bị dẫn độ (Điều 2); các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ (Điều 3); các trường hợp có thể từ chối dẫn độ (Điều 4); dẫn độ công dân (Điều 5); cơ quan Trung ương (Điều 6); thủ tục dẫn độ (Điều 7); thông tin bổ sung (Điều 8); bắt giữ khẩn cấp (Điều 9); nhiều yêu cầu dẫn độ đối với một người (Điều 10); quyết định và thông báo (Điều 11); chuyển giao (Điều 12); hoãn chuyển giao hoặc chuyển giao tạm thời (Điều 13); chuyển giao tài sản (Điều 14); quy tắc đặc biệt (Điều 15); dẫn độ lại cho nước thứ ba (Điều 16); quá cảnh (Điều 17); chi phí (Điều 18); thông báo kết quả (Điều 19); nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế khác (Điều 20); tham vấn (Điều 21); giải quyết bất đồng (Điều 22); điều khoản cuối cùng (Điều 23).
Dự thảo Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù gồm 18 điều đưa ra những nguyên tắc chung, cơ quan Trung ương, điều kiện chuyển giao; từ chối chuyển giao; thủ tục chuyển giao; xác nhận sự đồng ý; hiệu lực của việc chuyển giao đối với Bên chuyển giao; việc xem xét lại bản án; đại xá và đặc xá; tiếp tục thi hành hình phạt; quá cảnh người bị kết án; không xét xử hai lần về một tội phạm; ngôn ngữ; chi phí; phù hợp với các thỏa thuận khác; tham vấn; giải quyết bất đồng; điều khoản cuối cùng.
Cùng với đó, hai Bên cũng đã tiến hành chỉnh lý về bố cục, kỹ thuật trình bày văn bản cho phù hợp với pháp luật hai nước và thông lệ quốc tế.
Đồng thời, cũng nhân dịp này, Bộ Công an đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và UAE.
|
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành đàm phán vòng 1 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).
|
Sau khi đàm phán kết thúc, hai bên cùng ký Biên bản đàm phán và ký tắt vào dự thảo hai Hiệp định, thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định ký chính thức hai Hiệp định trong năm 2023.
Hiện, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xúc tiến các thủ tục cần thiết để báo cáo Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho phép ký chính thức hai Hiệp định với phía UAE trong năm 2023 - nhân dịp kỷ niệm 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại cũng như phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả hai Hiệp định này ngay sau khi có hiệu lực.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả hai Hiệp định, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho các cán bộ thực tiễn về nội dung hiệp định về dẫn độ và hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù cũng như các văn bản có liên quan đến công tác dẫn độ và công tác chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Hai là, các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương rà soát các đối tượng truy nã nghi lẩn trốn ở UAE để lập hồ sơ yêu cầu dẫn độ gửi Bộ Tư pháp UAE và tích cực, chủ động thực hiện các yêu cầu dẫn độ của phía UAE; đồng thời, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại UAE tìm hiểu nguyện vọng của công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án phạt tù.
Ba là, việc triển khai thực hiện hai Hiệp định vừa phải căn cứ vào các quy định trong hai Hiệp định, vừa phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hai nước; đồng thời, trong từng trường hợp cụ thể cũng cần tính đến nguyên tắc hợp tác “có đi, có lại” theo pháp luật quốc tế và xét đến mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Bốn là, theo quy định của hai Hiệp định và pháp luật Việt Nam, Bộ Công an (đơn vị đầu mối là Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp) là cơ quan Trung ương của Việt Nam thực hiện hai Hiệp định. Về phía UAE là Bộ Tư pháp. Hai Bên sẽ thông báo cho nhau về đơn vị phụ trách theo dõi việc thực hiện các yêu cầu dẫn độ.
Năm là, theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam năm 2007, quy trình thực hiện yêu cầu dẫn độ và yêu cầu chuyển giao người bị kết án phạt tù được ba cơ quan chính thực hiện là Bộ Công an - Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; trong đó, Bộ Công an là cơ quan đầu mối tiếp nhận, lập hồ sơ, xem xét hồ sơ bước đầu, chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết theo thẩm quyền; thực hiện việc dẫn độ, tiếp nhận, chuyển giao người bị kết án phạt tù theo quyết định của Tòa án; Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền mở phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù; Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tham gia phiên họp, thực hiện việc giám sát thi hành pháp luật theo thẩm quyền. Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ tham gia khi có kháng cáo, kháng nghị về quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh về việc xem xét các yêu cầu này. Sau khi nhận được quyết định của Tòa án, Bộ Công an tổ chức thi hành ngay theo thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của UAE.
Sáu là, nghiên cứu đánh giá, tổng kết các kết quả, thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện hai Hiệp định; qua đó, rút kinh nghiệm và tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn này.
Bảy là, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tiếp tục tăng cường hoàn thiện quy định pháp luật trong nước liên quan đến công tác dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù, trước mắt là sớm ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động trong tố tụng hình sự.
Có thể nói rằng, việc đàm phán tiến tới ký Hiệp định về dẫn độ, Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và UAE đánh dấu bước phát triển quan trọng góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị hai nước nói chung và hợp tác về tư pháp nói riêng. Sau khi được ký kết, các Hiệp định sẽ tạo một công cụ pháp lý hữu hiệu để hai quốc gia đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm, thực thi pháp luật.