Đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số

5 khuyến nghị thuộc lĩnh vực giáo dục

Hiện nay, có 5.766 trường mầm non và 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở.

Năm 2019, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 96,9%; cấp trung học cơ sở là 81,6%; cấp trung học phổ thông là 47%. Đã triển khai dạy và học 6 thứ tiếng DTTS (Mông, Chăm, Khơ-me, Gia Rai, Ba Na, Ê-Đê) cho gần 185.000 học sinh phổ thông của 21 tỉnh/thành trong cả nước. Ngoài ra còn có 6 thứ tiếng DTTS khác (Hoa, Thái, Cơ Tu, Tà Ôi, PaKo, MNông) đang được dạy thực nghiệm tại nhiều tỉnh/thành trong cả nước với hàng trăm lớp và hàng chục nghìn học sinh. Bên cạnh đó, việc dạy học tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS được các địa phương đẩy mạnh.

Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm, trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người từ 15-60 tuổi tham gia các lớp học xóa mù chữ. Năm 2019, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15-60 của toàn quốc là 97,85%, tỷ lệ người DTTS 15-60 tuổi biết chữ là 93,7%; năm 2019, có 80,9% người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Năm học 2018-2019, toàn quốc có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với gần 110 nghìn học sinh. Trường phổ thông dân tộc bán trú đã được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô 1.097 trường và hơn 185 nghìn học sinh. Hiện nay, đã có 51/53 DTTS có học sinh, sinh viên cử tuyển. Cả nước có 4 trường dự bị đại học, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 3 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học, đào tạo hơn 5.000 học sinh dự bị/năm. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người DTTS đã hỗ trợ đào tạo khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14% trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động. Đến năm 2019, có 10,3% người DTTS đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ; 82,1% người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm.

Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS&MN. Qua các chương trình, dự án đầu tư của Chính phủ, mạng lưới trường, lớp học thuộc vùng đồng bào DTTS&MN phát triển nhanh, hầu như các xã đều có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, nhiều trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 đã được triển khai xây dựng gồm 10 dự án và tiểu dự án với các hoạt động hướng tới người dân sinh sống ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN ở nước ta trong đó có nội dung tiếp tục đầu tư nguồn lực để xây dựng trường học cho người DTTS.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các DTTS

Về vấn đề bảo tồn các giá trị văn hoá, thời gian qua, các cấp đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới nội dung hoạt động sưu tầm, kiểm kê, trưng bày hiện vật để phát huy giá trị di sản văn hóa ở 3 bảo tàng cấp Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh. Nhiều địa phương đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các đề án, dự án bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hiệu quả. Địa bàn vùng DTTS&MN được cấp có thẩm quyền công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử văn hóa. Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú là người DTTS. Công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của nhiều DTTS ngày càng được chú trọng.

Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đồng bào DTTS hưởng ứng, đạt kết quả tốt; nhờ đó, một số phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ. Hằng năm, đã tổ chức được nhiều ngày hội văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của các dân tộc đặc trưng cho từng vùng, miền.

Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, 95% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; xây dựng được hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc đa dạng của người dân. Chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc được chú trọng hơn, tăng cả số lượng đài và thời lượng phát sóng.

Các ấn phẩm báo chí phong phú, đa dạng; có gần 100 tờ báo viết, 200 trang thông tin điện tử cùng với hàng triệu tờ báo/tạp chí của 18 ấn phẩm báo chí cấp không thu tiền ở vùng DTTS&MN đã góp phần chuyển tải chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

Chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng DTTS&MN

Mạng lưới y tế ở vùng DTTS&MN tiếp tục phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh - huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư. Nhờ đó, đồng bào DTTS, phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Các dịch bệnh sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế; tuổi thọ trung bình tăng; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm mạnh qua từng năm. Thành tựu về giảm suy dinh dưỡng trẻ em nhanh, bền vững và giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em của Việt Nam đã đảm bảo tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Mạng lưới y tế cơ sở vùng DTTS&MN ngày càng hoàn thiện; cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ y, bác sỹ ngày một nâng lên. Đến nay, vùng DTTS&MN có 99,5% số xã có trạm y tế; 83,5% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015.

Tại các địa phương, mô hình bác sỹ gia đình đang triển khai mở rộng. Hiện có 1.737 cô đỡ thôn bản đang hoạt động tại 8.165 thôn bản khó khăn, làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng DTTS&MN; biết quản lý thai nghén và đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn; thực hiện vai trò là cầu nối giữa y tế xã với người dân. Nhờ vậy, chất lượng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình từng bước được nâng cao; các chỉ số về sức khỏe sinh sản cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm hằng năm.

Chống phân biệt đối xử và bất bình đẳng giữa các nhóm dân tộc trong tôn giáo

Chính phủ đã ban hành Chương trình “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN) giai đoạn 2021-2030” tập trung vào các nhiệm vụ như tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi và huy động sự tham gia của toàn xã hội nhằm bảo vệ và phát triển các dân tộc ít người; Nâng cao năng lực hệ thống y tế vùng dân tộc về cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; Chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ, nâng cao tỷ lệ trẻ em đến lớp ở các nhóm tuổi mẫu giáo đúng độ tuổi…

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, hiện nay nước ta có khoảng 2,8 triệu người DTTS theo tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số là người DTTS) với 16 tôn giáo được nhà nước cấp phép hoạt động và 10.239 cơ sở sinh hoạt.

Chính sách của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực tôn giáo đã đem lại sự thay đổi căn bản trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, trong đó có người DTTS ở Việt Nam.

Theo các quy định pháp luật như Hiến pháp năm 2013, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo trong đó có người DTTS được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong những năm qua, chính quyền địa phương vùng đồng bào DTTS&MN luôn thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không theo tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo được chăm lo. Các nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo đã được các cấp chính quyền quan tâm hướng dẫn, giải quyết.

Phát triển cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa và vùng DTTS&MN

Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội, CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 đã được triển khai xây dựng gồm 10 dự án, tiểu dự án với các hoạt động, nội dung hướng tới người dân sinh sống ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN ở nước ta trong đó có nội dung “Nỗ lực trong phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn vùng DTTS&MN”.

Các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN bao gồm: Công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; Công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; Trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng; Trạm y tế xã đạt chuẩn; Công trình trường, lớp học đạt chuẩn; Cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi nhỏ; Các loại công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật; ưu tiên công trình có nhiều hộ nghèo, phụ nữ hưởng lợi.

Trong các cơ chế, phương thức triển khai nhiệm vụ thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu trên, chú trọng tham mưu triển khai cơ chế phân cấp xã làm chủ đầu tư các dự án, trao quyền tự chủ cho cộng đồng gắn với nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá, đảm bảo “xã có công trình, dân có việc làm và tăng thêm thu nhập”.

Tăng cường các biện pháp cung cấp trợ giúp pháp lý cho người DTTS

Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người DTTS ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn là một trong những chủ trương nhất quán từ trước đến nay, được quy định trong Luật TGPL năm 2006 và tiếp đó là Luật TGPL năm 2017. Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện đã thành lập Trung tâm TGPL nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp. Trong 2 năm 2019 và 2020, đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 17.694 người DTTS và hỗ trợ thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng cho người DTTS có tính chất phức tạp hoặc điển hình là 6.890 người. Đẩy mạnh công tác truyền thông cho các tổ chức, cá nhân đặc biệt là người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn để họ biết về quyền được TGPL của mình; đẩy mạnh chất lượng vụ việc TGPL cho người dân; cấp phát tờ gấp pháp luật bằng tiếng DTTS để phổ biến, giáo dục pháp luật và quyền được TGPL cho đồng bào DTTS.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và triển khai các chính sách bảo vệ và thúc đẩy quyền của người DTTS đặc biệt là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Các cơ quan công tác dân tộc địa phương đã tổ chức được 7.245 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông cho 478.298 người tại các xã triển khai mô hình điểm. Tổ chức các hoạt động truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Tổng số là 120.774 cuộc với 4.070.148 người tham gia; Thiết kế, lắp đặt 2.704.757 (pa-nô, áp-phích; tờ rơi/tờ gấp, sổ tay hỏi đáp pháp luật...)  phát cho 1.412.363 đồng bào để tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Từ năm 2019 đến tháng 8-2020, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo quốc gia lần thứ năm của Việt Nam thực thi Công ước CERD. Đến cuối năm 2020, Báo cáo quốc gia lần thứ năm thực thi Công ước CERD đã được Việt Nam gửi lên Ủy ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc và đang chờ xếp lịch bảo vệ báo cáo. Năm 2021, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, cập nhật thông tin về các thành tựu trong thực hiện chính sách dân tộc; xây dựng kế hoạch về các phương án, các kỹ năng đối thoại bảo vệ báo cáo cho các thành viên tham gia Đoàn liên ngành bảo vệ báo cáo; triển khai công tác tuyên truyền về báo cáo CERD và nhân quyền trước, trong và sau khi bảo vệ báo cáo.

Ngoài ra, chúng ta đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng, đa dạng về hình thức, nội dung và phương tiện truyền tải thông tin cho cán bộ và người dân vùng DTTS&MN về các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm quyền cho người DTTS trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường tuyên truyền các thành quả của Việt Nam, chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất