|
Ảnh minh hoạ
|
1. Một trong những quyết sách được mong đợi là chính sách cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, tác động đến toàn bộ người lao động trong đơn vị hành chính sự nghiệp công lập và doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Quốc hội, từ ngày 1-7-2024 mức lương cơ sở chính thức tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6%); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1-1-2025).
Tuy nhiên, bài học từ những lần điều chỉnh lương cho thấy, tăng lương luôn đồng hành cùng tăng giá. Các chuyên gia nhận định, Chính phủ cần kiểm soát tốt giá cả thị trường, kiểm soát bằng được các mặt hàng thiết yếu như: điện, nước, xăng dầu, lương thực thực phẩm, chống độc quyền, chống nâng giá không hợp lý thì mới có thể cải thiện chất lượng sống cho mọi người dân. Để chính sách này thật sự mang lại tác động tích cực cho người lao động, rất cần các giải pháp kiểm soát tăng giá bất thường và chống lạm phát.
Có thế thấy, trong 20 năm qua, chúng ta đã có 14 lần điều chỉnh mức lương cơ sở. Năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20%, lạm phát tăng từ 6,3 lên 23%; năm 2011, khi tăng lương cơ sở lên 13,7%, lạm phát tăng từ 9,2 lên 18,6%. Từ thực tế này, nhiều đại biểu quốc hội cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng cần quan tâm chính sách tiền tệ, cũng như giãn khoảng cách tăng giá các dịch vụ khác. Nếu tiền lương tăng theo cách để chống lạm phát hoặc chỉ đặt mục tiêu để bảo đảm đời sống thì không khuyến khích được cán bộ, công chức, viên chức.
Đây là vấn đề hết sức thời sự khi nhìn vào các con số của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân đã tăng 4% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,45%; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số địa phương đã tăng mức học phí; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%...
2. Khơi thông Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Từng là một chủ trương, chính sách nhân văn, được kì vọng làm thay đổi căn bản chất lượng cuộc sống của hàng triệu đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, nhưng thực tế, quá trình triển khai đã gặp nhiều điểm nghẽn, vướng mắc, chậm tiến độ.
Điều này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thẳng thắn nhận khuyết điểm trong phiên chất vấn Quốc hội về lĩnh vực dân tộc một năm trước (ngày 7-6-2023), khi các Chương trình mục tiêu quốc gia bị liệt vào danh sách chậm tiến độ, chưa có lối thoát do tích hợp nhiều chương trình, dẫn đến chồng chéo, xung đột, manh mún, dàn trải.
Việc Quốc hội đồng ý điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư để góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, không làm phát sinh vốn, không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt, phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của các địa phương, tạo cơ sở phá thế bế tắc của Chương trình. Mục tiêu cuối cùng của quyết sách không gì khác là đẩy nhanh tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện chương trình để người dân sớm được thụ hưởng chính sách ý nghĩa, nhân văn của Đảng và Nhà nước…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Chương trình được phê duyệt điều chỉnh sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện giải ngân theo đúng quy định nguồn vốn của các dự án, tiểu dự án đã được Quốc hội quyết định, bố trí vốn cho các đối tượng với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.142,805 tỷ đồng.
3. Tạo thuận lợi cho Luật sớm đi vào cuộc sống là một sáng kiến được ghi nhận tại kỳ họp lần này.
Với việc thông qua 11 luật liên quan tới lợi ích sát sườn của các cá nhân trong xã hội, tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế, được nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi như: Luật Bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Các tổ chức tín dụng…, cùng với đó đã được xây dựng sẵn dự thảo các Nghị định, Quyết định, Thông tư để đẩy nhanh việc đưa Luật vào cuộc sống.
Dự án sửa đổi về Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng được đẩy sớm thời gian có hiệu lực ngay từ ngày 1-8-2024 thay vì 1-1-2025. Đây là lần đầu tiên Quốc hội xem xét về việc Chính phủ trình đẩy sớm thời hiệu của dự án luật. Trong 11 Luật được Quốc hội bấm nút thông qua, hầu hết đều thể hiện được việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương.
Kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã tiếp tục nhấn mạnh đến yêu cầu “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm soát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo, quán triệt, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các các luật, nghị quyết vừa được Kỳ họp thứ 7 thông qua, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và toàn thể nhân dân; đáp ứng với sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài. Theo đó, sẽ giúp giải quyết các điểm nghẽn và đáp ứng được thực tế phát sinh trong các lĩnh vực, đặc biệt tạo ra động lực lớn với phát triển kinh tế - xã hội, mang lại sự thịnh vượng cho người dân.
Ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào, yếu tố con người cũng luôn là hạt nhân. Với tinh thần đổi mới, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đang được lan toả; cùng với đó là quyết tâm chính trị của Đảng trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới sẽ tạo nên những động lực và khí thế cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Thu Hà