Đừng mang danh “giải thưởng nhân quyền”


Phạm Thị Đoan Trang, đối tượng bị kết án 9 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” lại được Giải Martin Ennals vinh danh.

Mục tiêu ban đầu của Giải thưởng Martin Ennals là gì?

Giải Martin Ennals được lập ra bởi Quỹ Martin Ennals (trụ sở tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ) vào năm 1993. Martin Ennals là nhà hoạt động nhân quyền người Anh, cựu Tổng Thư ký Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) từ năm 1968 đến năm 1980. Mục tiêu của Giải Martin Ennals là trao cho những tổ chức, cá nhân “đã thể hiện cam kết phi thường trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người bất chấp những hiểm nguy”, thông qua đó nhằm bảo vệ, thu hút sự quan tâm của dư luận và tập hợp sự ủng hộ của quốc tế đối với công việc của họ. Từ đó đến nay, giải thưởng này được trao hằng năm và được tán tụng như “giải Nobel về nhân quyền”. Tuy nhiên, thực chất những hoạt động gần đây của giải thưởng này lại có phần đi ngược với mục tiêu chân chính ban đầu đã đặt ra.

Giải thưởng đi theo tiêu chí lựa chọn ứng viên nhận giải do 10 tổ chức NGO bình chọn, trong đó có nhiều tổ chức trong lĩnh vực nhân quyền như: “Theo dõi nhân quyền” (HRW), “Ân xá quốc tế” (AI), “Liên đoàn quốc tế nhân quyền” (FIDH), “Bảo vệ người bảo vệ nhân quyền” (FLD), “Hệ thống tài liệu và thông tin nhân quyền” (HURIDOCS), “Những người bảo vệ tuyến đầu” (Frontline defenders).

Những tổ chức này vốn không hề xa lạ với công chúng dư luận bởi việc thường xuyên thu thập thông tin từ các nguồn thiếu kiểm chứng và đưa ra những đánh giá tiêu cực, sai lệch về tình hình nhân quyền Việt Nam, đồng thời ban hành các thông cáo báo chí kêu gọi các nước gây sức ép, can thiệp đối với Việt Nam về dân chủ nhân quyền.

Không phủ nhận, việc lập và trao một giải thưởng về nhân quyền là cần thiết, tuy nhiên với hội đồng thành viên chấm giải Martin Ennals đang đặt ra câu hỏi lớn về tính khách quan trong sự lựa chọn. Nhiều nhân tố trong số được trao giải thưởng lại là những người thường xuyên có hoạt động đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc ở chính đất nước mà họ đã sinh ra và lớn lên… Và các tổ chức nêu trên từ trước đến nay, đều có cái nhìn thiên lệch về vấn đề tự do nhân quyền của Việt Nam. Mới đây, Ban Tổ chức Giải thưởng Martin Ennals đã xướng tên Phạm Thị Đoan Trang - đối tượng đã bị kết án 9 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, trở thành nhân vật được trao giải với các “mỹ từ” như “nhà bảo vệ nhân quyền có ảnh hưởng nhất, được kính trọng”. 

Việc trao giải cho một đối tượng vi phạm pháp luật và bị một quốc gia tuyên án phạt tù không chỉ thể hiện sự cổ vũ, khích lệ việc chống đối các nhà nước độc lập, có chủ quyền mà còn cho thấy bản chất của giải thưởng Martin Ennals cũng không khác gì các loại giải thưởng mang danh nhân quyền khác để trao cho những đối tượng lợi dụng quyền tự do để xâm phạm lợi ích của Nhà nước.

Như vậy, giải thưởng “Martin Ennals” được tạo ra và hoạt động không đúng theo tôn chỉ, mục đích cao đẹp mà chủ yếu “núp bóng” nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của một số quốc gia. Với Việt Nam, việc trao giải cho Phạm Thị Đoan Trang cũng không nằm ngoài mục đích hạ thấp uy tín của Việt Nam, từ đó cổ vũ cho các hoạt động can thiệp, gây sức ép từ bên ngoài dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền và khích lệ số chống đối trong, ngoài nước hoạt động cực đoan hơn.

Giải thưởng này cũng tương tự như giải "Phụ nữ can đảm quốc tế" mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao cho Phạm Thị Đoan Trang. Chính điều này đã được Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phản biện rằng, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền của phụ nữ. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo và cải thiện quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Và việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải thưởng cho Phạm Thị Đoan Trang - một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam đã bị đưa ra xét xử và đang thi hành án phạt tù là hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước.

Bản chất đằng sau giải thưởng

Không dừng lại ở Phạm Thị Đoan Trang, theo dõi danh sách những người được trao “giải thưởng Martin Ennals” từ năm 1994 đến năm 2022, có thể thấy đa số họ đến từ các quốc gia vốn như Trung Quốc, Việt Nam... với thể chế chính trị và con đường phát triển không giống phương Tây. Chính vì thế, thực sự hiếm hoi và gần như tuyệt nhiên không thấy công dân được nhận giải từ một số các quốc gia “dân chủ” xong vẫn còn tình trạng xâm phạm quyền con người.

Điều này một phần nào đó thể hiện sự thiên vị và “tiêu chuẩn kép” khi đánh giá nhân quyền của một số tổ chức như HRW, AI, FIDH, FLD… Một mặt, họ lên án một số quốc gia song lại cố tính phớt lờ những vi phạm quyền con người ở các quốc gia khác.

Điều này cũng dễ hiểu bởi những “giám khảo” của giải thưởng Martin Ennals như đã nêu ở trên là các tổ chức cổ xúy cho những “giá trị dân chủ phương Tây” và luôn có sự thiên lệch trong đánh giá đối với các quốc gia có thể chế tương tự như Việt Nam. Do đó, việc lựa chọn ứng viên trao giải tất nhiên phải phù hợp mục đích của họ. Bên cạnh đó, họ luôn quảng bá việc đánh giá, lựa chọn người trao giải “bao gồm các tổ chức đang hoạt động ở mọi nơi trên thế giới” nhưng điểm danh chỉ thấy chủ yếu ở châu Phi, châu Á và nhất là các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa.

Có thể thấy, mục đích giải thưởng Martin Ennals không mang ý nghĩa tốt đẹp như tuyên truyền mà thực chất là tạo động lực về vật chất, chống lưng về tinh thần nhằm tạo ảo tưởng, kích động số đối tượng chống đối ở trong, ngoài nước hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Mặt khác, thông qua hình thức trao “giải thưởng nhân quyền”, đây là cách họ khuếch trương thanh thế, tạo cớ vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các nước, các tổ chức và các tác nhân bên ngoài, hợp thức hóa việc hỗ trợ về tài chính cho số đối tượng chống đối trong nước được nhận giải.

Điều này càng minh chứng cho vấn đề mang tính quy luật, đó là các thế lực thù địch bên ngoài không thể trực tiếp tiến hành chống phá cách mạng Việt Nam nên thông qua số “chân rết” ở trong nước. Ngược lại, số chống đối nội địa cũng luôn trông chờ các nguồn tài trợ, hậu thuẫn từ bên ngoài để duy trì hoạt động. Thậm chí, một số đối tượng còn coi đây là nguồn thu nhập cá nhân. Do vậy, “Giải thưởng nhân quyền” được xem là một trong những “nguồn dinh dưỡng” nuôi sống cho các cá nhân, tổ chức chống đối. Đồng thời, việc nhận giải thưởng cũng là cách để các đối tượng chống đối đánh bóng tên tuổi, “khoe khoang” thành tích chống phá chính quyền, qua đó thu hút sự chú ý của các thế lực thù địch.

Việc trao giải thưởng, vinh danh những con người có những đóng góp cho xã hội là một điều cần thiết để thúc đẩy sự tiến bộ. Nhưng khi giải thưởng được trao cho những cá nhân không xứng đáng để phục vụ mục đích chính trị, kích động sự chống đối, đi ngược lại lợi ích của đất nước là điều không thể chấp nhận được dù dưới bất cứ danh nghĩa gì.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực bảo đảm, thúc đẩy các quyền con người với những thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, việc quỹ Martin Ennals cố tình trao giải thưởng cho công dân Việt Nam vi phạm pháp luật bị xét xử, kết án chính là sự xuyên tạc không thể chấp nhận và càng thể hiện việc đi ngược lại giá trị cao quý, thiêng liêng của quyền con người.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất