Nhiều cơ chế, chính sách giúp đỡ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống đã được ban hành và hoàn thiện trong thời gian qua.
Gỡ bỏ rào cản
Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật (chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên), trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2021, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Đặc biệt, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 có ý nghĩa quan trọng đến đời sống kinh tế, văn hóa và vị thế của người khuyết tật.
Ngoài ra, sự ra đời của Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng về mặt đường lối, chủ trương, chính sách dành cho người khuyết tật trong xã hội, thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật hoà nhập với cộng đồng.
Để trợ giúp người khuyết tật, nước ta đã xây dựng hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, hơn 100 cơ sở giáo dục chuyên biệt ở nhiều tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, cả nước có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật là 3.359 người. Bình quân mỗi năm có từ 17.000-20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.
Dẫn số liệu trong năm 2021, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn do dịch COVID-19, tuy nhiên, các chính sách bảo vệ và trợ giúp người khuyết tật tiếp tục được triển khai đồng bộ với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2021, ngân sách nhà nước đã bố trí 18.546 tỷ đồng thực hiện trợ cấp hằng tháng và mua thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó trên 356 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật. Đến nay, cả nước có gần 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức của người khuyết tật triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp tại 15 xã cho 110 người khuyết tật và cơ sở của người khuyết tật.
Cùng với đó, trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều văn bản hướng dẫn địa phương, cơ sở y tế cơ sở bảo trợ xã hội về phòng, chống COVID-19 đối với người khuyết tật, hướng dẫn phục hồi chức năng cho bệnh nhân COVID-19; đặc biệt đối với người khuyết tật về nghe, hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà… đã được ban hành.
Trong năm qua, cả nước có gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề; 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động là người khuyết tật.
Ngoài ra, các công tác về giao thông tiếp cận, văn hóa, thể thao, du lịch đối với người khuyết tật, tiếp cận thông tin… cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó từng bước gỡ bỏ các rào cản xã hội, quyền của người khuyết tật ngày càng được hiện thực hóa và đảm bảo.
Những định hướng trong tương lai
Hiện nay, tỷ lệ có việc làm đối với lao động là người khuyết tật ở nước ta đạt khoảng 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là hơn 60%. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động khuyết tật dễ bị mất việc làm hơn. Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam thông tin, có khoảng 30% người khuyết tật ở nước ta bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thực trạng này đòi hỏi các bên cần chung tay quan tâm, hỗ trợ người lao động tiếp cận việc làm. Đó cũng là yếu tố cốt lõi để người lao động chủ động vươn lên, tự tin hòa nhập...
Hiện nay, nội dung đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật... được quy định rõ tại Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Đây là cơ sở để các bên cùng quan tâm hỗ trợ về việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có hành trang vững chắc để vượt lên khó khăn, góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ người khuyết tật hoà nhập với cộng đồng, tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp như việc cần tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật ở từng địa phương và trong cả nước để có cơ sở xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách.
Ngoài ra, định kỳ tiến hành tổ chức rà soát các chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật phù hợp với Bộ luật Lao động, Luật Người khuyết tật, Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Đảm bảo quyền tiếp cận chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho người khuyết tật gắn với trách nhiệm của hệ thống các cơ sở y tế, đặc biệt trong việc đầu tư các thiết bị cơ bản hỗ trợ phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Có chính sách hỗ trợ để tất cả người khuyết tật phải được đảm bảo quyền tiếp cập các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, bất kể điều kiện tài chính của họ để đảm bảo phù hợp với Luật Người khuyết tật. Tăng cường giám sát thực thi luật pháp, chính sách và tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong ban hành các quyết định và hoạt động giám sát.
Ngoài ra với con số khoảng 700.000 trẻ em khuyết tật trong tổng số hơn 20 triệu trẻ em Việt Nam hiện nay, thì nhóm đối tượng đặc thù này cũng cần nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách, chương trình và các cam kết quốc tế. Với Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025, phấn đấu đến năm 2025, trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật. Bên cạnh đó, các tổ chức cần nỗ lực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; hoàn thiện mạng lưới dịch vụ và xây dựng mạng lưới kết nối các dịch vụ; thí điểm triển khai các mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật…
Uyên Ly