|
Triển lãm giới thiệu tới công chúng những câu chuyện về các nữ lao động di cư đang sinh sống, lập nghiệp ở đô thị.
|
Triển lãm gồm 3 chủ đề kể về hành trình những nữ lao động di cư rời xa những miền quê từ “Nơi tôi đi”, họ đặt chân đến thành phố để tìm kiếm việc làm tại “Nơi tôi đến” và được giải tỏa những áp lực cuộc sống trong các không gian công cộng. với mong ước “Nơi ấy có tôi”.
1. “Nơi tôi đi” - những lao động di cư bước chân ra khỏi làng quê - nơi gắn bó thân thuộc từ tấm bé, có thể coi là vùng an toàn để đến với thành phố xa lạ, nhiều cơ hội và bất trắc. Một ngày bình thường của các lao động di cư với các nghề từ phục vụ bàn, cắt tóc gội đầu, bán hàng thuê, đầu bếp, thu mua đồng nát hay người bán hàng rong… bắt đầu từ 3h sáng.
Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau: Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhưng đều chọn Hà Nội là điểm dừng chân trên hành trình tìm kiếm thực hiện ước mơ và hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
20 nữ lao động di cư - những nhân vật chính của triển lãm, cho dù đã có nhiều năm bươn trải ở Hà Nội, nhưng với họ việc đặt chân vào Bảo tàng Phụ nữ ở con phố đẹp bậc nhất thủ đô, phố Lý Thường Kiệt, tham dự một sự kiện nói về chính mình, lại là lần đầu tiên với vỡ òa cảm xúc, vì cảm giác được quan tâm và được lắng nghe.
Di cư là hiện tượng xảy ra ở mọi quốc gia, là xu thế tất yếu và là động lực tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu lao động trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Vậy với những nữ lao động di cư đang sinh sống và lập nghiệp ở nơi đô thị họ đã và đang đối mặt với những rào cản và khó khăn gì đặc biệt trong việc tiếp cận và sử dụng không gian công cộng? Họ đã điều chỉnh và thích ứng như thế nào để hòa nhập với cuộc sống và cộng đồng nơi đây? Họ mong muốn điều gì? Những câu hỏi đó sẽ được tìm thấy qua những chia sẻ của các nữ lao động di cư trong triển lãm bằng các tư liệu hình ảnh, phim ngắn và bối cảnh dàn dựng trong trưng bày.
Mỗi người có những lý do riêng khi đưa ra quyết định di cư: vì bố mẹ đau ốm, vì gia đình không có ruộng vườn, vì theo chồng đi làm trên thành phố… Bất kế vì lý do gì thì việc họ bước ra khỏi làng quê - vùng an toàn để đến với một thành phố đầy bỡ ngỡ, đầy cám dỗ và không ít nguy hiểm đã là một sự dũng cảm.
Và như chị Lê Thị Hoa (31 tuổi, quê Thanh Hóa) ra Hà Nội bán hàng rong từ 13 năm trước, tâm sự “những ngày đầu ra Hà Nội, nhớ bố mẹ và tủi thân, em đã khóc rất nhiều”. Còn Trương Thị Hoài Sương (16 tuổi, Hương Sơn - Hà Tĩnh) là nữ lao động di cư nhỏ tuổi nhất với hoàn cảnh khiến nhiều người cảm thấy xót xa khi em phải sớm bỏ dở việc học hành, lên Hà Nội làm phục vụ tại quán bia, cũng đã nghẹn ngào khi phải đối diện với nỗi trống trải, nỗi nhớ da diết gia đình.
2. Và nếu như với những lao động nữ di cư, ở quê nhà ít ra họ cũng có một nơi gọi là nhà dù có đơn sơ, nhưng ở thành phố “nơi họ đến” là chuỗi ngày ăn ở tạm bợ. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tái hiện mô hình những khu nhà trọ của các lao động nữ di cư. Một không gian sắp đặt tại triển lãm tái hiện dãy phòng trọ mà họ thường chọn thuê: đa phần chật chội, tối tăm, không có đồ đạc giá trị, để giá thuê phòng rẻ nhất có thể. Không gian mô phỏng ấy nói lên một phần khắc nghiệt của cuộc sống di cư, nhưng chưa đủ để nói lên sự hi sinh của họ.
Cuộc đời làm báo đã cho tôi bước chân thực sự vào cuộc sống của họ, đã từng trải nghiệm một đêm ngủ cùng với các lao động nữ ở chợ đêm Long Biên trong xóm trọ ở phường Phúc Tân (Hà Nội). Với họ, chỗ ngủ chỉ là chỗ đặt được vừa thân mình xuống sàn nhà. Với họ, sau những giờ lao động mệt nhoài, chỉ cần đặt người xuống là ngủ, chỉ cần tiết giảm được chi phí càng nhiều càng tốt! Như chị Nguyễn Thị Thơm (33 tuổi, quê Nam Định), lên Hà Nội làm thuê cho quán cơm từ năm 16 tuổi cho biết: “Mỗi ngày làm việc từ 4h sáng đến 10h đêm nên làm xong việc là lăn ra ngủ. Có lần tấm ván đè lên người mà cũng không biết”. Giờ thì cô bé đang tuổi ăn tuổi ngủ đã phải đi làm vất vả từ sáng đến tối ấy đã có một gia đình với người bạn đồng hành làm nghề đạp xích lô, còn chị Thơm chuyển sang thu mua đồng nát. Cuộc sống còn khó khăn nhưng hai vợ chồng yêu thương khiến cuộc sống di cư có hơi ấm gia đình, vơi đi những nhọc nhằn.
|
Chị Nguyễn Thị Thơm, 33 tuổi đến từ Nam Định chia sẻ những tâm sự của mình trước hoàn cảnh công việc khó khăn.
|
Và ở phần thứ ba với nội dung "Nơi ấy có tôi", mỗi bức ảnh gửi gắm một thông điệp về ước mơ của họ trong hành trình thích nghi với cuộc sống đô thị. Hầu hết suy nghĩ, nguyện vọng của những người phụ nữ di cư đều giản dị: trước tiên là sự cảm thông và tôn trọng của cộng đồng, thêm nữa là được tiếp cận và sử dụng không gian công cộng miễn phí để nghỉ ngơi, giải trí cùng người thân. Như người phụ nữ bán bánh rán thường phải dậy từ 3 giờ rưỡi sáng để nặn bánh, rán bánh, rồi mang theo gánh hàng rong ruổi khắp phố phường Hà Nội cho đến tối mịt - ước tính khoảng 30 đến 40km đi bộ mỗi ngày, bất kể nắng mưa. Trên con đường đó, chị Trịnh Thị Dung (quê Thanh Hóa) chỉ có thể nghỉ chân ở các không gian công cộng như vườn hoa, ghế đá ven hồ, sân chung khu tập thể, Hồ Hoàn Kiếm, không gian công cộng của Hà Nội, là nơi mưu sinh của không ít nữ lao động di cư.
Có người bán hàng rong như chị Lê Thị Hoa, có người đánh giày như chị Ðỗ Thị Tươi (Thanh Hóa), có người làm nghề chụp ảnh dạo như chị Triệu Thị Thơm (Phú Thọ)… Nhiều người trong số họ bày tỏ mong ước được đi dạo cùng bạn bè, hoặc đưa chồng con đi ngắm phố, đi chơi công viên... Tuy nhiên, nhiều lý do cản trở họ: ít thời gian rảnh, sợ tốn kém, mặc cảm về xuất thân và ngoại hình, dễ tổn thương trước những lời bình phẩm…
Triển lãm "Nơi tôi đến" đã gợi mở một số giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng sống cho nhóm nữ lao động di cư, cũng như giúp công chúng hiểu và quý trọng hơn sự hiện diện của những phụ nữ lao động nhỏ bé nơi phố thị thường ngày. Theo kết quả tổng điều tra năm 2019, 55,5% số người di cư là phụ nữ. Riêng ở Hà Nội, có 32 phường, xã, cứ 10 người thì có ít nhất 3 người là dân nhập cư.
Ông Lê Quang Bình, Giám đốc doanh nghiệp xã hội ECUE kiêm điều phối viên Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” nhấn mạnh: "Với người dân thành phố, không gian công cộng là nơi vui chơi, hẹn hò, tập thể dục... còn với những người lao động di cư, đó còn là nơi dừng nghỉ trên chặng đường mưu sinh vất vả. Chúng tôi từng vận động chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức xã hội hỗ trợ cải tạo bãi rác ở tổ 16 phường Phúc Tân thành sân chơi, sau khi nhận thấy khu vực này có rất nhiều lao động di cư ở trọ bao gồm phụ nữ và trẻ em”.
“Tôi mong, tôi muốn…” là mong ước tưởng như đơn giản, bình dị đối với những nữ lao động di cư tại Hà Nội lại trở lên xa xỉ. Ước mong một ngày nghỉ thảnh thơi để đến phố đi bộ, nhu cầu có chiếc ghế đá để ngồi trong công viên hay cần một không gian chung gần nơi ở… để thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau những giờ mưu sinh vất vả và với họ dường như vẫn chỉ là mơ ước. Không gian công cộng cho tất cả mọi người, một không gian dễ tiếp cận, miễn phí, an toàn, bình đẳng; ở đó những nữ lao động di cư không gặp phải rào cản về văn hóa, kinh tế, khoảng cách… là thông điệp triển lãm hướng tới. Để những ước mơ không chỉ là mơ ước mà thực sự họ thấy được “Nơi ấy có tôi”.
Theo một báo cáo tại Hội thảo khoa học "Nhóm phụ nữ di cư" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2022, phụ nữ di cư bên cạnh nhu cầu kinh tế, tăng thu nhập, dạy nghề tạo việc làm thì còn mong muốn được cải thiện môi trường sống ở nơi di cư, trong đó có không gian công cộng. Ðó là tăng cơ hội bình đẳng và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa cho nhóm người được xem là yếu thế tại các đô thị lớn hiện nay. |
Quang Minh