Việt Nam đã đề nghị phía Phi-líp-pin hỗ trợ, trước mắt đảm bảo nơi ăn ở cho các công dân Việt Nam, sớm thông báo cho phía Việt Nam tình trạng cư trú của các công dân này, hỗ trợ Việt Nam đưa các công dân không được Phi-líp-pin cho cư trú về nước.
Bộ Ngoại giao cho biết, về vụ việc hơn một nghìn lao động bị cưỡng ép, trong đó có công dân Việt Nam được giải cứu ở Phi-líp-pin, Bộ đã chỉ đạo Cục Lãnh sự mời Đại sứ quán Phi-líp-pin tại Việt Nam đến và đề nghị phía Phi-líp-pin hỗ trợ; trước mắt đảm bảo nơi ăn ở cho các công dân Việt Nam, sớm thông báo cho phía Việt Nam tình trạng cư trú của các công dân này, hỗ trợ Việt Nam đưa các công dân không được Phi-líp-pin cho cư trú về nước trong thời gian sớm nhất; đề nghị phía Phi-líp-pin tăng cường hợp tác trong xử lý tình trạng công dân Việt Nam bị cưỡng ép lao động và xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Phi-líp-pin, ngày 4-5, các lực lượng chức năng Phi-líp-pin đã giải cứu hơn một nghìn người, trong đó có công dân Việt Nam bị ép buộc làm việc trong cơ sở do Tập đoàn Clark Sun Valley Hub làm chủ ở Pampanga, gần Thủ đô Manila. Những người này hiện đang lưu trú an toàn tại một cơ sở do cơ quan chức năng Phi-líp-pin bố trí.
Ngay sau khi nhận được thông tin, trong các ngày 6-5 và ngày 9-5, Đại sứ quán Việt Nam tại Phi-líp-pin đã đến thăm hỏi, tiến hành phỏng vấn, lên danh sách và thu thập thông tin các công dân Việt Nam; hỗ trợ thuốc men cho một số người bị ảnh hưởng về sức khỏe. Đại sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để lên phương án hỗ trợ công dân sau khi phía Phi-líp-pin ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Trường hợp công dân có thông tin về người thân, gia đình đang bị lao động cưỡng bức, lừa đi lao động ở nước ngoài, đề nghị cung cấp cho Tổng đài bảo hộ công dân +84 981848484, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (email: baohocongdan@gmail.com), đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Phi-líp-pin +63 9982756666 hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam nơi gần nhất. |
PV