|
Toàn cảnh phiên họp lần thứ hai của Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
|
Dù chưa có số liệu chính xác nhưng ở mỗi quốc gia, tỷ lệ người chuyển giới trong xã hội luôn chiếm khoảng 0,3% dân số. Theo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 300.000 người đến 500.000 người chuyển giới. Việc chưa có con số chính thức về người chuyển giới xuất phát từ nguyên nhân chưa có luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính dẫn đến chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới, người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Người chuyển giới không được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn. Đa số họ bị phân biệt, kỳ thị nên khó khăn trong học tập, lao động, việc làm. Sự khó chịu và đau khổ gây ra bởi sự không nhất quán giữa bản dạng giới và giới tính khi sinh gây nên chứng “phiền muộn giới” ở một số người chuyển giới có thể dẫn tới các vấn đề về sức khỏe tâm lý, thậm chí là tự tử. 39,4% người chuyển giới (trong 250 người ở Hà Nội tham gia khảo sát) từng có ý nghĩ về việc tự tử và có tới 40,7% từng tìm mọi cách để tự tử. Đáng chú ý, hành vi tìm mọi cách để tự tử đầu tiên được ghi nhận ở độ tuổi trung bình là 15 tuổi.
Năm 2015, khi Bộ luật Dân sự được Quốc hội thông qua, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 11 ở châu Á hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Cụ thể, Điều 37 BLDS năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 đã phản ánh tinh thần vì quyền con người của Hiến pháp năm 2013, đánh dấu một bước tiến mới trong vấn đề quyền con người ở nước ta theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và xu thế phổ biến trên thế giới. Quy định mới về chuyển đổi giới tính là nền tảng để hiện thực hoá nhiều quyền con người khác của nhóm chuyển giới, như quyền phẫu thuật chuyển giới, quyền thay đổi tên và giới tính trong giấy tờ tuỳ thân, quyền kết hôn, quyền nhận con nuôi… mà trước đây họ chưa có cơ hội được hưởng.
Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có luật nào được ban hành để triển khai quy định của Bộ luật Dân sự về quyền chuyển đổi giới tính. Chính vì vậy, người có nhận diện giới khác với giới tính khi sinh chưa có công cụ để xác định ai có đủ điều kiện để được chuyển đổi giới tính, cơ sở nào có đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật chuyển đổi giới tính, việc chuyển đổi giới tính thực hiện như thế nào, các quan hệ pháp lý của người được công nhận đã thực hiện chuyển đổi giới tính thành công... Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng không có cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động chuyển đổi giới tính.
Về phía cơ quan nhà nước, việc thiếu vắng các quy định trong thực thi thi quyền chuyển đổi giới tính, khiến cho cơ quan có thẩm quyền gặp khó trong giải quyết nguyện vọng công nhận giới tính cho người chuyển đổi giới tính cũng như quyền thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân, hộ tịch phù hợp với bản dạng giới.
Tổng hợp những hệ quả trên, đã đẩy người chuyển giới vào nhóm yếu thế, có nguy cơ “kép” về xâm hại và tổn thương. Thậm chí, trong Báo cáo của Bộ Tư pháp về thực trạng người chuyển đổi giới tính tại Việt Nam và hệ thống pháp luật có liên quan thì nhóm chuyển giới là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất và bị kỳ thị nhất trong xã hội.
Lấp khoảng trống pháp lý, không để ai bị bỏ lại phía sau
Một trong những dấu mốc quan trọng là việc Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, cho thấy sự quyết tâm, nhân văn và quan điểm: “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” của Đảng và Nhà nước ta.
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính được xây dựng đã mang đến một tin vui lớn với cộng đồng LGBT Việt Nam nói chung và người chuyển giới nói riêng; là một bước tiến mới trong bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế trong xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân khẳng định Luật Chuyển đổi giới tính là "một bước tiến rất dũng cảm và rất văn minh". Đối với người chuyển giới tại Việt Nam. Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính được thông qua sẽ mở ra những hi vọng mới cho người chuyển giới, và xa hơn cho cộng đồng LGBT tại Việt Nam. Quy định của luật sẽ giúp người chuyển giới vượt qua được nhiều rào cản trong cuộc sống, đặc biệt các vấn đề liên quan tới pháp lý, thủ tục hành chính. Sự công nhận của luật pháp sẽ dẫn đến nhiều thay đổi tích cực trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, việc làm… đối với họ.
Luật Chuyển đổi giới tính được xây dựng đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội trong bảo vệ quyền của người chuyển giới; đồng thời là bước tiến quan trọng trong thực hiện các cam kết, khuyến cáo của quốc tế về bảo đảm và thực thi quyền con người, quyền của cộng đồng LGBT và quyền của người chuyển giới. Cụ thể, trong thực hiện Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự 1966 (ICCPR) và Công ước quốc tế về Quyền văn hóa, xã hội và kinh tế 1966 (ICESCR) quy định các quốc gia thành viên LHQ phải tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử và kỳ thị nào, trong đó bao gồm yếu tố “xu hướng tính dục” và “bản dạng giới”. Đây là minh chứng rõ ràng của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu hiến định: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” và phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Việt Nam luôn khẳng định chống mọi hình thức phân biệt đối xử và hành vi bạo lực nhằm vào những người đồng tính, song tính và chuyển giới. Tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận đối với các Nghị quyết về chống bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở định hướng giới tính và ủng hộ các nội dung tương tự trong các Nghị quyết khác ở LHQ. Trong khuôn khổ rà soát Định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ chu kỳ 2 (tháng 2-2014), Việt Nam cũng đã chấp thuận khuyến nghị về việc xem xét ban hành luật chống phân biệt đối xử nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa mọi công dân, bất kể giới tính và xu hướng giới tính của họ.
Luật Chuyển đổi giới tính đang được xây dựng sẽ luật định mang tính nguyên tắc 3 nội dung: bảo đảm việc chuyển đổi giới tính được quy định bằng luật; cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan.
Dự thảo Luật cũng đã quy định về 15 nhóm quyền của người chuyển đổi giới tính như được công nhận giới tính mới sau khi đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được lựa chọn phương pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế và pháp lý trước và trong quá trình thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính…
Các quyền của người chuyển đổi giới tính được quy định trong Dự thảo về cơ bản đã ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền con người; thể chế hóa Điều 16, Điều 20, Điều 38 Hiến pháp năm 2013 về quyền không bị phân biệt đối xử trong xã hội, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm và có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, nhiều quyền của người chuyển đổi giới tính vẫn được ghi nhận trong khuôn mẫu: “Được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật” nhưng cần thiết phải được quy định cụ thể và trực tiếp như bảo đảm việc khám xét người chuyển đổi giới tính phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến; việc giam, giữ theo đúng giới tính sau chuyển giới…
Dự thảo luật cũng quy định về các chính sách, biện pháp đồng bộ, tạo điều kiện cho người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính được thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân phù hợp với giới tính mới theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Luật cũng bảo đảm sự ổn định không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ dân sự mà người đó đã xác lập trước khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính và các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ cha, mẹ, con về mặt giấy tờ pháp lý, bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi.
Tuy nhiên, để bảo đảm triệt để quyền của người chuyển đổi giới tính cần thiết phải bổ sung trong chính sách của Nhà nước về chuyển đổi giới tính nội dung: Tôn trọng quyền tự quyết, tạo điều kiện cho cá nhân đề nghị chuyển đổi giới tính được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn; thực hiện chuyển đổi giới tính phải căn cứ vào ý chí tự nguyện, trên cơ sở suy nghĩ thấu đáo, không hối hận, không ảnh hưởng đến xã hội và không gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.
Dự thảo Luật cũng xác định 14 nhóm hành vi nghiêm cấm để bảo vệ quyền hợp pháp của người chuyển đổi giới tính như kỳ thị, phân biệt đối xử, đưa thông tin sai lệch đối với người chuyển đổi giới tính, gia đình và người thân của họ; vận động, dụ dỗ, thúc ép, bắt buộc người khác chuyển đổi giới tính… Đồng thời, người chuyển đổi giới tính cũng có nghĩa vụ phải chấp hành tất cả các nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật phù hợp theo giới tính mới; tích cực, chủ động học tập, lao động, hòa nhập gia đình, xã hội với giới tính mới.
|
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Luật Chuyển đổi giới tính là một trong những luật “khó khăn và thách thức nhất”, do liên quan tới việc rà soát tổng thể hệ thống pháp luật và nguồn lực để thực hiện.
|
Như vậy, có thể đánh giá chuyển đổi giới tính tuy là vấn đề xã hội không mới nhưng là vấn đề nghiên cứu luôn luôn mới không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới. Chính vì vậy, Luật Chuyển đổi giới tính là một vấn đề khó và mới tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Luật Chuyển đổi giới tính là một trong những luật “khó khăn và thách thức nhất”, do liên quan tới việc rà soát tổng thể hệ thống pháp luật và nguồn lực để thực hiện. Đặc biệt là luật sẽ có tác động lớn đến nhiều khía cạnh xã hội, chính vì vậy cần có sự nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học, các nhóm đối tượng chịu sự tác động... để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.
Phạm Đức Chính
Học viện An ninh nhân dân