|
Việt Nam có nhiều nỗ lực trong bảo đảm quyền của người lao động.
|
Xu thế tất yếu của việc thể chế hóa tổ chức đại diện người lao động
Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đàm phán và gia nhập nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA)… Trong những thỏa thuận thương mại thế hệ mới này đã quy định các nước thành viên có trách nhiệm thành lập các tổ chức đại diện người lao động và đề ra lộ trình thực hiện đối với một số quốc gia.
Theo lộ trình đã cam kết, Việt Nam có thời gian chuẩn bị 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực (2018-2023) sẽ phải cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và 7 năm (2018-2025) để cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thể liên kết với nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Đây rõ ràng là một thách thức rất lớn đặt ra đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, công đoàn ở Việt Nam.
Ở nước ta chưa có tiền lệ về hệ thống tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tồn tại song song với Công đoàn Việt Nam, điều đó đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Nếu coi các tổ chức này thuộc “loại hình tổ chức công đoàn khác” thì cần phải xem xét lại một số quy định của pháp luật hiện tại nhằm bảo đảm bình đẳng, không phân biệt, đối xử giữa các loại tổ chức công đoàn. Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành các quy định của pháp luật về tổ chức đại diện người lao động ở nước ta là một xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vừa phát huy thuận lợi từ việc gia nhập các FTA, vừa bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia trong bối cảnh hiện nay.
Đồng thời, thể chế hóa tổ chức đại diện người lao động góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục mâu thuẫn giữa luật pháp nước ta với “luật chơi” quốc tế. Trên thực tế, để hiện thực hóa các cam kết, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa các cam kết về lao động, công đoàn trong các FTA. Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 đã công nhận sự ra đời và hoạt động hợp pháp của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp. Trong đó, các quy định cụ thể về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được nêu tại chương XIII, với 9 điều (từ Điều 170 đến Điều 178). Những quy định trong Bộ luật Lao động 2019 đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và thực hiện cam kết về lao động, công đoàn trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.Quy định này thể hiện rõ quan điểm về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đồng thời giúp người lao động có thêm cơ hội được lựa chọn thành lập, gia nhập hoặc tham gia các tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Cần thống nhất, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực thi
Tuy Bộ luật Lao động năm 2019 đã có hiệu lực nhưng chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể về vấn đề thành lập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động. Xuất phát từ nguyên nhân đó, các cơ quan chức năng chưa tiếp nhận hồ sơ xin thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, pháp luật về lao động ở nước ta còn nhiều quy định mang tính khái quát, chưa quy định các nghĩa vụ cụ thể, các quy định về mức lương tối thiểu, hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động còn nặng tính hình thức. Đặc biệt, các nội dung liên quan đến nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử và quyền tự do liên kết, thương lượng tập thể chưa phù hợp với cam kết của Việt Nam về lao động, công đoàn trong các FTA.
Về phạm vi thành lập tổ chức của người lao động, pháp luật Việt Nam mới chỉ cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại phạm vi cơ sở, doanh nghiệp, trong khi đó theo “Công ước về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức, 1948” (Công ước số 87) của ILO, người lao động có quyền thành lập, gia nhập tổ chức của họ ở bất cứ cấp nào.
Về phạm vi hoạt động, pháp luật Việt Nam quy định, tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam chỉ được hoạt động trong phạm vi quan hệ lao động và trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, trong khi đó, theo Công ước số 87, tất cả các tổ chức của người lao động có quyền được thực hiện các hoạt động khác như tham gia vào quá trình xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, các hoạt động khác nhằm bảo vệ và thúc đẩy cho quyền và lợi ích kinh tế - xã hội của người lao động.
Về đình công, pháp luật lao động Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp, theo trình tự, thủ tục quy định do công đoàn đứng ra tổ chức, đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có danh mục các doanh nghiệp không được phép đình công gồm những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu. Trong khi đó, theo cam kết trong EVFTA, CPTPP phải cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể đình công phản đối chính sách kinh tế - xã hội. Do đó, để bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định liên quan đến lao động, công đoàn, cần phải xây dựng thống nhất, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực thi.
Từng bước thể chế hóa về “tổ chức đại diện người lao động”
Nhận thức được tính tất yếu của việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngay từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã xác định “Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kiện toàn các công cụ, biện pháp quản lý nhằm tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của tổ chức Lao động quốc tế, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội”.
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới nêu rõ: “Quản lý tốt sự ra đời, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thu hút, vận động, định hướng tổ chức này gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động, công nhân, người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh trật tự”.
Vì vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo việc thực hiện những thỏa thuận trong các FTA, đồng thời đáp ứng đầy đủ quyền của người lao động, trước hết cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, cần phải bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật lao động có liên quan đi kèm với các nghị định, thông tư hướng dẫn đầy đủ, cụ thể. Quá trình thực hiện các cam kết phải xuất phát từ đặc điểm tình hình của doanh nghiệp và công nhân Việt Nam, cũng như đặc điểm của từng địa phương, từng ngành, từng loại hình doanh nghiệp và nhóm lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan, ban ngành hữu quan cần sớm hoàn thiện, triển khai Đề án đổi mới cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong đó, tập trung vào giải pháp như: thí điểm, phát triển các mô hình, tổ chức công đoàn cơ sở trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là ở các tập đoàn kinh tế tư nhân, tổng công ty Nhà nước thoái vốn, các doanh nghiệp có cùng chủ sử dụng lao động; mô hình công đoàn cơ sở ghép nhiều doanh nghiệp, cơ quan theo ngành, nghề trên cùng địa bàn; mô hình tập hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Hai là, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần kiến nghị sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 nhằm triển khai các cam kết quốc tế trên lĩnh vực lao động, công đoàn theo hướng bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề quyền công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và Hiến pháp. Các quy định mới cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả sự biến tướng của tổ chức người lao động và những nguy cơ, hệ lụy.
Ba là, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan, ban, ngành cần xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về tổ chức của người lao động vừa bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, vừa đáp ứng quyền của người lao động, đồng thời không tạo kẽ hở cho các phần tử xấu lợi dụng thành lập “công đoàn độc lập” có những hoạt động phức tạp về an ninh, trật tự.
Ngoài ra, cần xây dựng, ban hành quy trình thẩm định hồ sơ xin thành lập, giải thể và phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động của tổ chức đại diện người lao động. Bảo đảm phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan trong giám sát hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động, nhất là trong quản lý, giám sát dòng tiền tiếp nhận và thu, chi tài chính, mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động phức tạp. Đồng thời, phải xây dựng quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của “nhóm tư vấn trong nước” tham gia các FTA, bảo đảm các ý kiến tư vấn phù hợp pháp luật Việt Nam, tương thích với hoạt động quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực lao động, công đoàn.
Có thể thấy, việc cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp ngoài công đoàn là tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đây sẽ là vấn đề tiềm ẩn phức tạp về an ninh quốc gia. Trường hợp để các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bị hướng lái, biến tướng thành các “công đoàn độc lập” hoặc “nghiệp đoàn độc lập” sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của công đoàn, là mầm mống hình thành tổ chức đối lập ở Việt Nam.
Trên cơ sở thực hiện tốt các quy định của pháp luật Việt Nam, triển khai các nội dung cam kết về lao động, công đoàn trong các FTA phù hợp với tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp và người lao động, thời gian tới, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động sẽ càng được củng cố, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định chính trị - xã hội, mang lại lợi ích thực sự cho người lao động, doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội.
Nguyễn Trung Hiếu, Học viện An ninh nhân dân
Nguyễn Đức Mạnh, Công an huyện Mê Linh, Hà Nội