Tối 11-10 theo giờ Việt Nam, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày một tốt hơn quyền con người.
|
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: TTXVN.
|
Đã có nhiều thách thức trong quá trình Việt Nam ứng cử vào HĐNQ LHQ
Ngay sau khi Việt Nam được tuyên bố trúng cử HĐNQ LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những thuận lợi và thách thức trong quá trình Việt Nam ứng cử vào HĐNQ.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, khó khăn trong bầu cử đối với Việt Nam là rất nhiều. Đầu tiên là số lượng ứng cử viên quá đông, riêng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có tới 7 nước tham gia ứng cử. Quyền con người là một trong ba trụ cột của LHQ gồm hòa bình, phát triển và quyền con người và HĐNQ là cơ quan chính của LHQ để triển khai đường hướng về vấn đề quyền con người. Chính vì vậy các nước hết sức coi trọng, quyết liệt tham gia cơ chế này.
Khó khăn thứ hai là Việt Nam tham gia muộn nhất trong các nước tham gia ứng cử, cũng như trải qua hai năm đại dịch COVID-19 không có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, và công tác vận động chỉ được triển khai từ đầu năm 2022.
Khó khăn thứ ba là cách tiếp cận trong vấn đề quyền con người giữa các nước có nhiều khác biệt và phải đi tìm mẫu số chung để các nước chấp nhận được và thấy rằng Việt Nam đóng góp được vào nỗ lực chung.
Dù khó khăn, thách thức như vậy, Việt Nam cũng có rất nhiều thuận lợi. Trước hết, Việt Nam là ứng cử viên được 10 quốc gia ASEAN ủng hộ và là ứng cử viên duy nhất của khu vực. Qua đó, có thể thấy rõ vai trò đoàn kết, vai trò nhất trí của ASEAN là hết sức quan trọng.
Thuận lợi thứ hai là sự tín nhiệm của các nước. Đó là sự tín nhiệm về thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó luôn luôn lấy con người làm trung tâm, luôn lấy con người làm động lực, mục tiêu của sự phát triển, sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế với những thành tựu của Việt Nam. Thứ hai là sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế với những đóng góp của Việt Nam trong các cơ chế của LHQ, thông qua những đóng góp hết sức có trách nhiệm của Việt Nam vào các cơ chế của LHQ trong hai năm qua.
Thuận lợi thứ ba là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ban, ngành, sự quan tâm sát sao và tham gia trực tiếp của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao trong công tác vận động, trong các cuộc tiếp xúc với các nước.
Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh trong thời gian qua cũng làm cho dư luận trong nước và dư luận quốc tế hiểu rõ hơn về việc ứng cử của Việt Nam cũng như những cam kết của Việt Nam trong vấn đề đóng góp vào bảo vệ quyền con người của Việt Nam cũng như cho thế giới.
Cộng đồng quốc tế rất kỳ vọng về lần thứ hai tham gia HĐNQ của Việt Nam
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã nói về ý nghĩa quan trọng của việc Việt Nam được bầu vào HĐNQ LHQ.
Theo đó, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định việc Việt Nam được Đại hội đồng LHQ bầu vào HĐNQ có ý nghĩa hết sức to lớn, khẳng định sự công nhận vị thế của Việt Nam, đồng thời khẳng định và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người trong suốt thời gian vừa qua.
Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn và cũng là chủ trương, đường lối, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời cũng là một trong những nội dung, chương trình nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang hướng tới.
Cộng đồng quốc tế rất kỳ vọng Việt Nam với việc lần thứ hai tham gia HĐNQ sẽ thúc đẩy nỗ lực bảo vệ quyền con người và đóng góp chung vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, đến nay Việt Nam đã tham gia vào nhiều trụ cột lớn của LHQ, từ chính trị, phát triển cho đến thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Đây là chủ trương rất đúng đắn của Việt Nam khi tham gia LHQ nói riêng và tham gia thúc đẩy, nâng tầm vị thế của ngoại giao đa phương nói chung, cũng như thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam trong thời gian tới.
Việc Việt Nam đạt được những kết quả này có sự chỉ đạo hết sức sát sao và đôi khi là trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong việc ứng cử, vận động thành công để Việt Nam tham gia vào một trong các cơ quan quan trọng nhất của LHQ là HĐNQ.
Ngoài ra, cũng có sự phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan truyền thông và Bộ Ngoại giao để có những kế hoạch, chiến lược hết sức phù hợp và nhờ đó đạt được kết quả ngày hôm nay.
Nhân dịp này, các đồng chí Thứ trưởng cũng gửi lời cám ơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đặc biệt các cơ quan truyền thông đã nỗ lực đồng hành tham gia vào quá trình Việt Nam vận động ứng cử vào HĐNQ, cũng như tuyên truyền về thúc đẩy bảo vệ quyền con người của Việt Nam.
PV