|
Việc ghi âm, ghi hình tại tòa phải được sử dụng vào mục đích chính đáng, trên tinh thần xây dựng, mang lại hiệu quả, thiết thực, đem lại giá trị cho cộng đồng xã hội. Ảnh minh hoạ: VnExpress.
|
Mượn danh “dân chủ”, “nhân quyền”
Cấm ghi âm, ghi hình, phát trực tiếp (livestream) tại các phiên tòa khi chưa được cho phép là quy định được ban hành nhằm bảo vệ quyền của người tham gia tố tụng. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ra sức chống phá, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Các bài viết của những tổ chức phản động như Việt Tân, RFA, VOA, Chân trời mới Media… tập trung xuyên tạc, bóp méo nội dung Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 nhằm hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực. Điển hình các bài: “Nhà báo ghi âm phiên tòa có thể bị xử phạt: “tự do báo chí bị bóp nghẹt thêm” trên VOA tiếng Việt; “Pháp lệnh bịt miệng trói tay nhà báo, luật sư của Hội đồng dao thớt” trên trang RFA tiếng Việt; “Tự do báo chí đang bị bóp nghẹt ở Việt Nam” của Việt Tân…
Không khó để thấy những từ ngữ mang tính cực đoan đã được sử dụng để xuyên tạc Pháp lệnh như "bóp nghẹt” tự do báo chí, tự do ngôn luận; “bịt miệng, trói tay” các nhà báo, luật sư; “không cho họ có quyền phản ánh, nói lên tiếng nói sự thật” trong quá trình xét xử, từ đó dễ dàng thao túng, “đổi trắng, thay đen” trong quá trình tố tụng.
Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi các tổ chức, cá nhân phản động, chống đối trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách để hậu thuẫn, cổ vũ cho số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị núp dưới vỏ bọc nhà báo, blogger và người dùng mạng xã hội để tung tin sai trái, bịa đặt về các phiên tòa xét xử tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, phục vụ mục đích chống Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Họ lợi dụng danh nghĩa tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin thông qua việc ghi âm, ghi hình, cắt ghép chỉnh sửa nội dung, đánh tráo bản chất các sự việc; livestream tán phát thông tin, hình ảnh trái pháp luật, xúc phạm đến uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân, tuyên truyền chống phá. Đơn cử, dưới chiêu bài quyền tự do ngôn luận, đối tượng Lê Thị Bình, với facebook mang tên “Binh Le”, “Lê Ngoclan Ct”, “Ngoc Lan CT", "Ngoc CT Le", “Anna Nguyen”, từ tháng 10-2019 đến 11-2020, thường xuyên livestream, đăng tải và chia sẻ các bài viết phản động, chống đối, xuyên tạc, phỉ báng, xúc phạm Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo…
Đây là thủ đoạn không mới của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, luôn mượn danh, đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền” nhằm cổ xúy cho thứ tự do báo chí vô nguyên tắc, bất chấp quy định pháp luật. Những nhận định, đánh giá sai lệch, phiến diện, thiếu khách quan như vậy được sử dụng thường xuyên nhằm vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, hạ thấp uy tín, hình ảnh của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; đồng thời truyền bá tư tưởng làm nhiều người lầm tưởng tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin là một quyền tuyệt đối để xúi giục, kích động người dân tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá đất nước.
Luật hóa theo xu hướng thế giới
Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 về “Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng” được ban hành nhằm bảo đảm cho quá trình tố tụng được diễn ra thuận lợi, công bằng, nghiêm minh.
Trong đó, khoản 4, Điều 23 quy định phạt tiền đối với hành vi “Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự”.
Quy định này hoàn toàn tương thích với thông lệ quốc tế và những Điều ước, Công ước mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, cũng như phù hợp pháp luật của các nước trên thế giới.
Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966 nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận… việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: "Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng".
Ở các nước EU, việc ghi âm, ghi hình người khác mà chưa được sự đồng ý có thể bị xử phạt tùy theo hậu quả gây ra. Ở Đức, việc ghi âm, ghi hình người khác mà không được phép là bất hợp pháp và có thể bị phạt tù từ 2 đến 3 năm hoặc bị phạt tiền; còn ở Đan Mạch cũng sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù không quá 2 năm...
Tại Anh, sau gần 100 năm cấm ca-mê-ra, ngày 28-7-2022, lần đầu ghi hình lại được cho phép tại phiên tòa hình sự nhưng bị hạn chế phạm vi và thời lượng ghi hình. Năm 2021, Đài BBC của Anh bị phạt 26.000 bảng Anh (hơn 31.000 đô-la Mỹ) vì ghi âm, phát sóng đoạn ghi âm ngắn của phiên tòa đang diễn ra.
Tại Tòa án Tối cao của Mỹ, việc tác nghiệp của báo chí được quy định tương đối rõ ràng và chi tiết. Ví dụ, việc phỏng vấn, ghi hình chỉ được thực hiện tại sảnh, lối đi phía trước. Không được phỏng vấn, tác nghiệp bên trong tòa án, kể cả trong phòng báo chí. Quy tắc Tố tụng Hình sự Liên bang 53 Quy tắc nêu rõ: “Ngoại trừ được quy định theo quy định khác của quy chế hoặc các quy tắc khác, tòa án không được cho phép chụp ảnh trong phòng xử án trong quá trình tố tụng tư pháp hoặc phát sóng các thủ tục xét xử từ phòng xử án”.
Điều 59 Luật Tổ chức Tòa án Hàn Quốc quy định: “Không ai được quay phim, chụp ảnh, phát sóng, hoặc thực hiện các hành vi tương tự khác trong tòa án mà không được phép của thẩm phán chủ toạ” và kèm theo đó là Quy tắc dự thính và quay phim tại phiên tòa.
Giới hạn để bảo vệ quyền con người
Mỗi người đều được tự do sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp, phản hồi, tiếp cận thông tin báo chí; có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được tôn trọng và bảo đảm trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định nhà báo có một số quyền như sau: “… được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;… được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật…”.
Không riêng nhà báo, tất cả mọi người dân đều được Hiến pháp quy định và bảo vệ về quyền bất khả xâm phạm về thân thể; được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về đời tư. Do vậy, luật pháp quy định giới hạn quyền đối với hoạt động báo chí, ghi âm, ghi hình, livestream… thực chất là để bảo vệ quyền con người.
Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính đều quy định về nội quy phiên tòa, trong đó, nhà báo đưa tin phải chấp hành sự điều khiển và phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa cũng như việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.
Việc ghi âm, ghi hình tại tòa còn phải được sử dụng vào mục đích chính đáng, trên tinh thần xây dựng, mang lại hiệu quả, thiết thực, đem lại giá trị cho cộng đồng xã hội; không cho phép ghi âm, ghi hình vì động cơ vụ lợi mà gây hại cho tổ chức, cá nhân, xâm phạm lợi ích quốc gia dân tộc.
Bên cạnh đó, ghi âm, ghi hình, livestream có thể gây xao nhãng, làm phân tâm, giảm sự tập trung cần thiết của người tham gia tố tụng, thậm chí khiến họ quên những nội dung muốn trình bày; ảnh hưởng đến thời gian, quá trình xét xử, cũng như chất lượng phiên tòa.
Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mọi người dân đều được bình đẳng trước pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, quyền và nghĩa vụ luôn song hành.
Tự do báo chí, tiếp cận thông tin là quyền của mỗi công dân. Thế nhưng, tự do không có nghĩa là được phép "chà đạp" lên quyền và lợi ích của người khác, cũng không thể đứng ngoài hay đứng trên pháp luật. Vì vậy, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Việc hạn chế ghi âm, ghi hình, livestream tại phiên tòa là để bảo đảm hoạt động tố tụng được diễn ra một cách khách quan, đúng đắn; bảo đảm lợi ích của các bên tham gia tố tụng; bảo đảm mọi hành vi gây cản trở hoạt động tố tụng đều bị xử lý nghiêm minh, đúng quy định đồng thời bảo đảm quyền cá nhân của người được quay phim, ghi hình theo Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015.
Theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật riêng tư, đời sống gia đình và các mối quan hệ trong xã hội; việc ghi âm, ghi hình, sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác mà không có sự đồng ý của chủ thể là xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh.
Pháp lệnh được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; bảo đảm quyền của những người tham gia tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật; bảo đảm sự tôn nghiêm của hoạt động tư pháp.
Cùng với Luật An ninh mạng, Pháp lệnh là hành lang pháp lý quan trọng, ngăn chặn âm mưu, ý đồ lợi dụng hoạt động tố tụng để chống phá Việt Nam của các phần tử xấu; ngăn chặn, nắn chỉnh những hành vi ghi âm, ghi hình, tán phát thông tin liên quan đến tố tụng; đồng thời, bảo vệ quyền bí mật, cá nhân của người dân. Qua đó càng khẳng định hoạt động lập pháp của Việt Nam tương thích thông lệ quốc tế, phù hợp với xu hướng chung của thế giới với mục tiêu cao nhất là bảo đảm và thúc đấy quyền con người.
Văn Toán - Huy Ngọc