|
Chính sách đặc xá của Nhà nước luôn là động lực cho những người lầm lỗi tự nguyện cải tạo, tích cực học tập, làm lại cuộc đời. (Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan).
|
Chính sách nhân văn
Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc, từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 đến nay, chính sách đặc xá của Nhà nước luôn là động lực cho những người lầm lỗi tự nguyện cải tạo, tích cực học tập, làm lại cuộc đời. Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 của Hiến pháp năm 2013, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2007 và thay thế bằng Luật Đặc xá năm 2018.
Sau khi Luật Đặc xá năm 2007 có hiệu lực, từ năm 2009 đến 2016, Nhà nước ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá cho 87.111 người. Phần lớn người được đặc xá đã ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện, tỷ lệ tái phạm tội tương đối thấp (có 1.024 người được đặc xá vi phạm pháp luật, tái phạm tội, chiếm tỉ lệ 1,18%).
Năm 2021, lần đầu tiên thực hiện đặc xá theo Luật Đặc xá năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2-9. Mặc dù bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, công tác đặc xá năm 2021 đã được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Phần lớn người được đặc xá năm 2021 đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp (có 2 người tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 0,06%).
Ngay sau khi Nhà nước có chủ trương về đặc xá năm 2022, Bộ Công an đã khẩn trương, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan dự thảo các văn bản về đặc xá năm 2022, báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ duyệt, thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá do đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Chủ tịch và các thành viên là lãnh đạo các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp… bảo đảm công tác đặc xá được triển khai một cách công bằng, bình đẳng, đúng người, đúng quy định; đồng thời chuẩn bị điều kiện tốt nhất giúp cho người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.
Việc xét đặc xá được tiến hành trên cơ sở pháp luật, nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng, cũng như diễn ra theo quy trình, thủ tục do luật định để bảo đảm tất cả phạm nhân đủ điều kiện đều được xem xét và không để xảy ra tình trạng đặc xá đối với người không đủ điều kiện.
Cũng như những lần đặc xá trước đây, quá trình xét duyệt, quyết định đặc xá được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và bảo đảm dân chủ theo quy định của pháp luật. Quyết định đặc xá lần này quy định chặt chẽ hơn về điều kiện đặc xá và các trường hợp không đề nghị đặc xá. Do đó, số phạm nhân được đặc xá lần này cũng ít hơn so với các lần đặc xá trước nhằm bảo đảm việc đặc xá được thực hiện với đúng người, tạo động lực cho người phạm tội giáo dục cải tạo tốt hơn nữa để được hưởng chính sách khoan hồng; đồng thời hạn chế tỉ lệ tái phạm tội, vi phạm sau khi được tha tù.
Trên cơ sở hồ sơ, danh sách do các đơn vị của Bộ Công an lập, đề nghị cũng như kết quả công tra kiểm tra, giám sát thực hiện đặc xá tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự, Hội đồng tư vấn đặc xá trình Chủ tịch nước ký Quyết định số 978/QĐ-CTN đặc xá cho 2.434 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ, 1 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, trong đó có 16 người là người nước ngoài.
Ngoài việc tổ chức Lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, các cơ sở giam giữ phạm nhân tiến hành các thủ tục theo quy định, cấp tiền tàu xe, quần áo, giày dép và tha người được đặc xá. Ngoài ra, các trại giam còn hỗ trợ cho các trường hợp được đặc xá một khoản kinh phí từ Quỹ Hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, các cơ sở giam giữ phạm nhân đã tạo điều kiện, bố trí phương tiện đi lại cho người được đặc xá trở về với gia đình, cộng đồng. Theo báo cáo đã có 2.175 người có người thân đón; 220 người được bố trí phương tiện đưa ra bến xe, nơi thuận tiện giao thông; 1 người được đặc xá già yếu, không có người đón được đưa về gia đình; 2 người đang điều trị tại bệnh viện được giao cho thân nhân tại bệnh viện. Với 16 người nước ngoài, phía Việt Nam đã bàn giao 7 người cho nhân viên cơ quan ngoại giao và thân nhân theo đúng quy định tại trại giam; có 5 người có hình phạt trục xuất đã được các trại giam bàn giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để làm thủ tục trục xuất theo quy định; đối với 4 người còn lại đã được đưa vào cơ sở lưu trú của Bộ Công an để chờ cơ quan ngoại giao nước có công dân đến tiếp nhận.
Với sự chỉ đạo nhất quán, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, công tác đặc xá năm 2022 được tiến hành theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng đối tượng, điều kiện; không phân biệt đối xử, hạn chế với bất kì phạm nhân nào; không phân biệt quốc tịch, giới tính, thành phần; bảo đảm ANTT - ATXH, tuyệt đối an toàn, ổn định, không có vụ việc phức tạp do người được đặc xá gây ra.
Tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng
Để thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người được đặc xá năm 2022 đạt kết quả tốt, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá trở về nơi cư trú, sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội.
Theo kế hoạch, các cơ quan thông tấn, báo chí đã kịp thời đưa tin, tuyên truyền về chủ trương đặc xá, tạo điều kiện để giúp cho mọi công dân và những người quan tâm hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời không kì thị, tạo điều kiện giúp đỡ những người lầm lỗi quay trở lại xã hội, sống lương thiện. Các cấp ủy và chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, các cấp không được phân biệt đối xử với những người được tha tù trong thực hiện các chính sách xã hội như tạo công ăn việc làm, vay vốn để kinh doanh, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo...
Là cơ quan chủ trì, Bộ Công an đã thành lập Ban chỉ đạo về đặc xá, kịp thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đặc xá, giúp người được tha tù sớm tái hòa nhập cộng đồng. Các cơ sở giam giữ tổ chức các lớp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân được đề nghị đặc xá học tập theo quy định gồm dạy nghề, kiến thức xã hội, pháp luật, kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân...; gửi danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá đã được thẩm định về cư trú theo từng quận, huyện đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, kiểm tra, chủ động có kế hoạch tiếp nhận và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, giám sát, giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng làm thủ tục cấp Căn cước công dân cho những người được đặc xá năm 2022. Tại buổi Lễ công bố Quyết định đặc xá, có 1.919 người được đặc xá có đủ điều kiện được cấp đã được phát thẻ Căn cước công dân trước khi trở về nơi cư trú. Đối với những người không có thông tin dữ liệu dân cư, các cơ sở giam giữ đã hướng dẫn họ liên hệ với công an xã hoặc cảnh sát khu vực nơi về cư trú để bổ sung thông tin và làm thủ tục cấp Căn cước công dân theo quy định.
Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người được đặc xá trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số khó khăn, thách thức.
Đa số người được đặc xá có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có vốn, công cụ, phương tiện sản xuất, kinh doanh; công tác phối hợp giải quyết việc làm, hỗ trợ cho người được đặc xá chưa thực sự được quan tâm đúng mức; chưa có chủ trương, giải pháp cụ thể về khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tạo điều kiện tiếp nhận lao động là người được đặc xá; ở một số nơi, người được đặc xá còn bị kỳ thị, xa lánh.
Bên cạnh đó, mặc dù quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn về công tác hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù tương đối đầy đủ, cụ thể, ở một số nơi, chỉ đạo của chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; còn coi công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người đặc xá là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an; chưa huy động được sự tham gia đông đảo của các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, đoàn thể và của quần chúng nhân dân.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đặc xá, đặc biệt là việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người được đặc xá, cần triển khai các giải pháp sau:
Một là, các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống
Hai là, chính quyền địa phương cần chỉ đạo cơ sở phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với lực lựng Công an các cấp trong việc quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá trở về cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm và vi phạm pháp luật.
Thứ ba, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng tình, ủng hộ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đặc xá, giúp người được đặc xá nói riêng và người mãn hạn tù nói chung nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Thực hiện tốt công tác đặc xá năm 2022 đã một lần nữa khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người phạm tội đã thực sự ăn năn, hối cải, tích cực phấn đấu học tập, cải tạo, qua đó có tác dụng động viên, khuyến khích người đang chấp hành án phạt tù yên tâm chấp hành bản án, thi đua học tập cải tạo tiến bộ để có đủ điều kiện được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.